“Hà Bá” nuốt đất miền Tây
Không riêng gì vụ sạt lở nghiêm trọng mới xảy ra ở sông Vàm Nao, huyện Chợ Mới, An Giang; thời gian qua, ĐBSCL liên tục xuất hiện các vụ sạt lở tương tự. Nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời, tới đây sẽ xuất hiện các điểm sạt lở nghiêm trọng hơn.
Sạt lở khắp nơi
Theo UBND tỉnh An Giang, tỉnh vừa báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về vụ sạt lở xảy ra trên sông Vàm Nao (đoạn thuộc ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới). Vụ việc xảy ra lúc 9 giờ 20 ngày 22.4, khiến 16 căn nhà bị nhấn chìm xuống sông. Sau đó, khu vực sạt lở tiếp tục mở rộng làm 90 căn nhà kế cận bị ảnh hưởng phải di dời khẩn cấp; thiệt hại tài sản khoảng 9 tỷ đồng.
Hiện trường vụ sạt lở ở An Giang. Ảnh: H.X
50 hộ dân ở xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đang đứng trước nguy cơ mất nhà và cuộc sống bị ảnh hưởng do sạt lở chân đê nghiêm trọng khoảng 400m, có những vị trí đã sạt lở hơn nửa thân đê.
Tuyến bờ bao Phú Đa-Phú Bình (xã Vĩnh Bình) dài gần 10km. Do ảnh hưởng của dòng chảy và tình trạng khai thác cát trái phép nên chân đê đang sạt lở nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến 150ha đất, đến cuộc sống của 50 hộ dân. Xã đã kiến nghị huyện, tỉnh hỗ trợ gia cố sạt lở khẩn cấp tuyến bờ bao Phú Đa -Phú Bình.
Video đang HOT
Trong khi vụ sạt lở trên chưa được khắc phục, có nguy cơ lan rộng, uy hiếp khu dân cư, trường học, khu hành chính xã, chợ, thì theo thống kê của Phòng Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu thuộc Sở TNMT tỉnh An Giang, trên địa bàn tỉnh có đến 51 đoạn sông được cảnh báo có nguy cơ sạt lở rất cao.
Trong 51 đoạn sông này, có 4 đoạn có nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao, mức độ ảnh hưởng lớn, cần có giải pháp phòng tránh và hạn chế thiệt hại. Cụ thể là đoạn sông Tiền (xã Phú An, Phú Tân); (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu) và (xã Bình Mỹ, kênh xáng Cây Dương – phà Năng Gù, huyện Châu Phú) thuộc sông Hậu. Vài năm qua, 2 tuyến sông Tiền, sông Hậu hay các nhánh sông ở An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang… thường xuyên xảy ra hàng loạt vụ sạt lở.
500ha đất bị “nuốt” mỗi năm
Ngày 25.4, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng kiêm Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai đã trực tiếp đến hiện trường vụ sạt lở ở An Giang. Thứ trưởng cho rằng, vụ sạt lở trên là sự cố thiên tai rất nặng nề, nguyên nhân là do tác động của biến đổi khí hậu và lượng cát ở thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL ít.
Cũng theo Thứ trưởng Thắng, tình trạng sạt lở ở khu vực bờ sông và ven biển ĐBSCL đã và đang diễn ra nghiêm trọng. Để hạn chế những thiệt hại do sạt lở gây ra, trước mắt các địa phương phải tăng cường công tác điều tra, xác định các vùng nguy hiểm, cảnh báo cho người dân biết. Tới đây, việc xây dựng những công trình lớn ven bờ sông cần cân nhắc.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL cho rằng, nguyên nhân sạt lở phần lớn là do dòng chảy thay đổi; tàu thuyền qua lại nhiều do xây dựng nhà cạnh bờ sông dần dần tạo hố xoáy.
PGS-TS Lê Anh Tuấn – Phó viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu ĐBSCL (Trường ĐH.Cần Thơ) nhận định: “Khoảng 10 năm trở lại đây, các điểm sạt lở ở ĐBSCL nhiều hơn so với trước đây. Điểm cũ mở rộng, điểm mới hình thành, điểm bồi ít lại, điểm lở gia tăng. Cả vùng ĐBSCL có thể mất hơn 500ha mỗi năm do sạt lở…”.
Theo Danviet
Sạt lở sông Vàm Nao: Hiểm nguy "hố xói"
Ngoài các yếu tố như công trình thủy điện ở thượng nguồn, khai thác cát quá mức thì tác động dòng chảy của lũ, vận tốc chảy khá lớn khiến sông Vàm Nao trở nên hung hãn khác thường.
Ngày 26.4, Trung tâm nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai (Viện khoa học Thủy lợi miền Nam) cho biết, đã có những điều tra, đánh giá sơ bộ bước đầu về các nguyên nhân chính gây ra hiện tượng sạt lở kinh hoàng trên sông Vàm Nao đoạn chảy qua tổ 12, ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Bản đồ vị trí đoàn khảo sát thực địa sông Vàm Nao. Ảnh: BH
Theo đó, sau ba ngày khảo sát thực địa, đo đạc và tính toán bằng máy móc kỹ thuật hiện đại, đoàn khảo sát nhận thấy vụ sạt lở diễn ra trên chiều dài hơn 100m, ăn sâu vào bờ hơn 50m. Ở khu vực sạt lở xuất hiện nhiều nét đứt gãy, nguy cơ sạt lở vẫn có thể tiếp tục diễn ra trên diện rộng.
Theo điều tra trước đó và các tài liệu nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai, hệ thống sông Cửu Long ở thượng nguồn chịu tác động mạnh bởi dòng chảy của lũ, có vận tốc khá lớn. Đặc biệt là tại khu vực bờ lõm hoặc khúc sông cong.
Dòng xoáy, dòng chảy tạo nên các "hố xói" sâu lòng dẫn. Khi "hố xói" sâu này phát triển, tiến đến gần bờ thì dễ dàng tạo nên các hàm ếch. Hoạt động "hố xói" gây trượt lở lớn từng mảng đất bờ.
Bên cạnh "hố xói" thì việc gia tải quá mức lên mép bờ ở đoạn sông Vàm Nao càng làm tình trạng sạt lở diễn ra mạnh hơn. Các hoạt động gia tải do con người làm ra như xây dựng nhà cửa, đường sá, tập kết nguyên vật liệu làm lò gạch ở mép bờ, cùng với tàu thuyền qua lại tạo sóng vỗ nên làm tăng nguy cơ sụt lún cường độ mạnh.
Một điểm sạt lở nghiêm trọng uy hiếp dân cư. Ảnh: BH
Những điều tra, nhận định của đoàn khảo sát sẽ giúp cơ quan chức năng tỉnh An Giang sớm có các biện pháp hợp lý giải quyết tình hình, ổn định đời sống người dân.
Trong một diễn biến mới, tối 25.4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã đến làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang. Ông Hà cho biết sẽ chỉ đạo Viện khoa học địa chất phối hợp với nhà khoa học các nước nghiên cứu, đánh giá cụ thể về sạt lở ở hai dòng sông Tiền và sông Hậu (nối với sông Vàm Nao). Riêng vấn đề nạo vét luồng lạch và khai thác cát phải gắn liền với trách nhiệm bảo vệ môi trường, từ đó ổn định dòng chảy ở nơi nguy hiểm được cảnh báo.
Theo Danviet
An Giang xuất hiện điểm sạt lở báo động cách Vàm Nao 10 km Vết nứt dọc bờ sông kéo dài hơn 200 m, cách điểm sạt lở sông Vàm Nao 10 km, đe doạ cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch của hơn 18.000 dân. Tuyến đường liên xã Kiến Thành - Kiến An cặp sông Ông Chưởng ở huyện Chợ Mới xuất hiện vết nứt kéo dài hơn 200 m, có nguy cơ sạt lở...