Guus Hiddink từng dạy HLV Park bài học về cốc nước bị đổ
Một trong những bài học đáng nhớ nhất mà HLV Park Hang-seo lĩnh hội được từ thầy cũ Guus Hiddink là cách tư duy đảo chiều qua những câu chuyện thường ngày.
Trong cuốn sách “Triết lý lãnh đạo Park Hang-seo” của tác giả Han June có một chi tiết thú vị về những bài học mà thuyền trưởng tuyển Việt Nam lĩnh hội được từ người thầy cũ Guus Hiddink. Ông Park được người hâm mộ và giới chuyên môn biết đến với hình ảnh một chiến lược gia có khả năng ứng biến tài tình. Chất “quái” trong cách huấn luyện và chỉ đạo trận đấu mà HLV Park có được chính nhờ những năm tháng làm trợ lý cho thuyền trưởng người Hà Lan ở World Cup 2002.
Trong quá trình huấn luyện đội tuyển Hàn Quốc, Guus Hiddink từng đặt cho HLV Park một câu hỏi: “Nếu cốc nước trên bàn bị đổ và nước chảy về phía mình thì phải làm thế nào?” Ông Park trả lời rằng phải lau nước đi. Tuy nhiên, đáp án của HLV Hiddink là phải nghiêng bàn để nước chảy về hướng ngược lại.
HLV Park hạnh phúc khi gặp lại thầy cũ ở một trận giao hữu năm 2019. Ảnh: Sina.
Bằng một ví dụ đơn giản, HLV Park đã học được cách tư duy đảo chiều, thay đổi suy nghĩ để giải quyết vấn đề theo hướng sáng tạo hơn. Những thành công mà ông mang lại cho bóng đá Việt Nam là kết quả của một quá trình đúc kết kinh nghiệm quý báu từ những người thầy cũ và biến đổi để phù hợp với bóng đá Việt Nam.
Khi mới đảm nhận chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam cuối năm 2017, ông Park Hang-seo có nhiệm vụ cải thiện thể lực cho các cầu thủ. Đội tuyển Việt Nam trước thời HLV Park thường không có thể lực tốt vào thời điểm cuối trận, nên thông thường nếu là những HLV khác sẽ tăng cường nhồi thể lực để cầu thủ có thể chạy nhiều hơn, kéo dài thời gian thi đấu hơn.
HLV Park lại đưa ra quan điểm: “Cầu thủ Việt Nam không hề yếu, họ chỉ không có thể hình tốt mà thôi”. Thay vì chỉ chú trọng vào bài toán làm sao để cải thiện thể lực và sức bền, ông Park đã nghiên cứu lối chơi phù hợp để tối ưu khả năng phân phối sức cho đội tuyển bằng cách sử dụng những cầu thủ đa năng để đội hình luôn có đủ người khi tấn công và phòng ngự.
Bình luận viên Vũ Quang Huy từng nhận định với Zing: “Một trong những điểm sáng trong lối chơi của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park là khả năng chuyển hoá nhanh từ trạng thái phòng ngự sang phản công. Điều này giúp các cầu thủ phân phối thể lực đều hơn trong một trận đấu”.
Một ví dụ khác về tư duy đảo chiều của HLV Park là cách thức nhập cuộc với các đối thủ. Thông thường khi gặp đội bóng mạnh, các đội bóng bị đánh giá thấp hơn sẽ chọn cách chơi an toàn, cầu thủ không dâng cao và tập trung số đông ở giữa sân. Tuy nhiên dưới thời ông Park, các đội tuyển Việt Nam lại chủ động nhập cuộc bằng thế trận tấn công khi đối đầu với những đội bóng mạnh hơn.
Có không ít lần đội tuyển thu được thành quả ngoài mong đợi từ cách nhập cuộc này. Các trận gặp Olympic Nhật Bản tại ASIAD 2018 hay trận gặp Iraq ở vòng bảng Asian Cup 2019 là những ví dụ, tuyển Việt Nam luôn có bàn thắng dẫn trước.
Quan điểm của ông Park khi huấn luyện các cầu thủ Việt Nam là không cố nhào nặn các học trò thành cầu thủ như ý muốn của mình mà thay vào đó, ông giúp họ phát huy tối đa thế mạnh và hạn chế những điểm yếu. Đây cũng là điều mà người thầy cũ Guus Hiddink từng rất thành công với tuyển Hàn Quốc năm 2002.
Những bàn thắng kinh điển làm thay đổi tương lai bóng đá Việt Nam: Vượt qua giới hạn, hạ bệ khắc tinh
Nhiều bàn thắng trong lịch sử các đội tuyển quốc gia không quá đẹp mắt nhưng lại trở thành khoảnh khắc kinh điển đưa bóng đá Việt Nam đi lên một nấc thang mới, thay đổi dòng chảy tương lai.
1. "Bàn thắng vàng" vào lưới Myanmar tại SEA Games 1995
Tiền đạo Trần Minh Chiến là tác giả của bàn thắng vàng trong hiệp phụ. Ngày ấy, bóng đá vẫn sử dụng luật bàn thắng vàng trong hiệp phụ, đội nào ghi bàn trước sẽ kết thúc ngay trận đấu thay vì thi đấu hết 30 phút như hiện nay.
Bàn thắng đẹp mắt của Trần Minh Chiến giúp đội tuyển Việt Nam vào chung kết SEA Games 1995. Dù chỉ giành HCB sau khi thua Thái Lan nhưng đây là thành tích ấn tượng nhất của bóng đá Việt Nam kể từ khi hoà nhập trở lại với bóng đá khu vực, mở ra một giai đoạn phát triển mới của bóng đá nước nhà.
Bàn thắng của Trần Minh Chiến đưa bóng đá Việt Nam đến thành tích tốt nhất sau khi tái hoà nhập với bóng đá khu vực.
2. Cơn địa chấn trước đội tuyển Hàn Quốc năm 2003
Năm 2003, đội tuyển Việt Nam từng gây chấn động châu Á khi hạ gục Hàn Quốc 1-0 ở vòng loại Asian Cup 2004. Thời điểm đó, Hàn Quốc vừa kết thúc World Cup 2002 với vị trí thứ 4 chung cuộc. Chưa kể, Việt Nam từng thua trắng 0-6 trước đối thủ ở trận lượt đi.
Bàn thắng xuất phát từ pha phản công nhanh của đội tuyển Việt Nam và người kết thúc là Văn Quyến. Anh tâng bóng tinh tế qua đầu thủ môn đối phương đem về chiến thắng đầu tiên và cũng là duy nhất của Việt Nam trước đội tuyển Hàn Quốc ở một giải đấu chính thức.
Chiến thắng như lột bỏ phần nào tâm lý nhược tiểu, "chưa đá đã thua" của cầu thủ Việt Nam mỗi lần đối đầu với các đại gia ở châu lục.
Bàn thắng ấn tượng hạ bệ đội tuyển thuộc nhóm "tứ đại anh hào" của Van Quyen. Nguồn: VTC3.
3. Cú đánh đầu ngược để đời của Lê Công Vinh
Từ cú đá phạt chếch bên cánh trái, Minh Phương treo bóng vào vòng cấm địa. Công Vinh chạy cắt mặt và lắc đầu theo bản năng đưa trái bóng đi theo quỹ đạo quá khó. Việt Nam 1-1 Thái Lan. SVĐ Mỹ Đình như nổ tung trong sự phấn khích của hơn 40.000 khán giả. Việt Nam chính thức vô địch AFF Cup 2008 sau khi đã thắng 2-1 ở lượt đi. Ngọt ngào hơn nữa khi chiến thắng trước "ông kẹ" Thái Lan.
Sau thành tích lọt vào tứ kết Asian Cup 2007, danh hiệu lớn đầu tiên ở khu vực đưa cả một thế hệ bóng đá Việt bay cao. Công Vinh từ đó về sau được xem như biểu tượng của bóng đá nước nhà. Hiệu ứng từ chức vô địch AFF Cup 2008 cũng khiến thị trường chuyển nhượng Việt Nam bùng nổ sau đó tạo nên giai đoạn các ông bầu vung tiền không tiếc tay để mua cầu thủ.
Bàn thắng lịch sử của Lê Công Vinh tại AFF Cup 2008. Nguồn: VFF.
4. Biểu tượng "cầu vồng trong tuyết"
Từ AFF Cup 2008, gần 10 năm sau, bóng đá Việt Nam mới tạo nên cú nổ mới nhưng lần này, sức ảnh hưởng được cho là chưa từng có trong tiền lệ.
Cú đá phạt thành bàn của Quang Hải ở trận chung kết U23 châu Á 2018 như tóm gọn cho một hành trình lịch sử của bóng đá Nam ở châu lục. U23 Việt Nam không giành cúp nhưng đã là nhà vô địch với dân tộc Việt Nam. Cơn mưa tuyết ở Thường Châu chỉ càng làm tăng tính kịch tính và chất phim trong một trận đấu bóng đá của U23 Việt Nam. "Cầu vồng trong tuyết" từ đó mà hình thành.
Sau giải đấu ấy, bóng đá Việt Nam đi liền một mạch đến các thành công khác ở ASIAD, AFF Cup và Asian Cup. Thành quả ấy tác động sâu rộng đến giá trị cầu thủ, giải VĐQG, các cấp độ đội tuyển và vị thế của nền bóng đá ở khu vực và châu lục. Bàn thắng ấy cũng chính thức mở ra thời kỳ thành công nhất trong lịch sử bóng đá nước nhà.
Cú đá phạt đẳng cấp của Quang Hải vào lưới U23 Uzbekistan ở chung kết U23 châu Á 2018. Nguồn: AFC Hub.
5. Chiến thắng đầu tiên trước người Nhật
Quang Hải vẫn là tác giả của bàn thắng duy nhất giúp Olympic Việt Nam vượt qua Olympic Nhật Bản với tỷ số tối thiểu ở vòng bảng ASIAD 2018. Dù cho đại diện tới từ xứ sở mặt trời mọc chỉ mang theo đội hình U20 nhưng đó là lần đầu tiên một đội tuyển Việt Nam vượt qua người Nhật trong lịch sử.
Giống như bàn thắng vào lưới Hàn Quốc của Văn Quyến năm 2004, bàn thắng của Hải "con", chiến thắng của Olympic Việt Nam biến hình ảnh Nhật Bản bớt ám ảnh với người hâm mộ Việt.
Trận thua 0-1 trước đội tuyển Nhật Bản ở Asian Cup 2019 nối tiếp cho dấu ấn trước người Nhật của thầy trò HLV Park Hang-seo. Không chiến thắng nhưng tinh thần của các cầu thủ Việt Nam, lối chơi khó chịu trình diễn trước "những chiến binh samurai" là một bước tiến rất dài so với quá khứ.
Bàn thắng của Quang Hải vào lưới Olympic Nhật Bản tại vòng bảng ASIAD 2018.
6. "Từ nay, bóng đá Việt Nam sẽ không còn phải sợ Thái Lan nữa"
Đó là tuyên bố của HLV Park Hang-seo sau chiến thắng 1-0 trước chủ nhà Thái Lan ở King's Cup 2019. Bàn thắng của Anh Đức ở phút cuối cùng được cho có yếu tố may mắn rất cao nhưng chiến thắng vẫn là chiến thắng. Đội tuyển Việt Nam lần đầu vượt qua người Thái kể từ AFF Cup 2008.
Sau hàng loạt chiến tích, chiến thắng trước Thái Lan là khoảnh khắc người hâm mộ mong chờ nhất ở thế hệ được dẫn dắt bởi HLV Park Hang-seo. Trước đó, U23 Việt Nam hạ U23 Thái Lan 2-1 ở M150 Cup 2017, 4-0 ở vòng loại U23 châu Á 2020.
Tuyên bố của HLV Park Hang-seo như một cái kết đẹp nhất cho thước phim hạ bệ người Thái, như một lời hịch cho thế hệ sau này và xoá bỏ nỗi ám ảnh trước đối thủ truyền kiếp ở Đông Nam Á.
Anh Đức tỏa sáng, Việt Nam đả bại Thái Lan ngay trên sân nhà tại King's Cup 2019. Nguồn: VFF Channel.
HIẾU LƯƠNG
Chuyện về ông Vinh "Nghệ" Ông có hơn 40 năm lăn lộn cùng trái bóng, 24 năm làm Huấn luyện viên trưởng (HLV) Đội tuyển Sông Lam Nghệ An (SLNA). 8 lần trong Ban huấn luyện Tuyển Olympic Quốc gia là người có công đưa đội bóng đá xứ Nghệ được mệnh danh có lối đá "chém đinh, chặt sắt" vươn lên giàu thành tích nhất trong các...