Gửi thư kêu gọi Thượng viện kết tội Trump
Nhóm nhân viên Dân chủ tại Hạ viện Mỹ sắp gửi thư tới Thượng viện, thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ kết tội Trump “vì lợi ích đất nước”.
“Chúng tôi là những nhân viên làm việc cho các nghị sĩ tại Hạ viện Mỹ. Đó là niềm vinh dự và đặc ân của chúng tôi khi được phục vụ đất nước và đồng bào Mỹ. Tuy nhiên, vào ngày 6/1, nơi làm việc của chúng tôi đã bị đám đông bạo lực tấn công nhằm ngăn cản quá trình kiểm phiếu đại cử tri đoàn”, bức thư viết.
Nhóm nhân viên trong thư đã đổ lỗi cho ông Trump kích động cuộc bạo loạn, khiến 5 người chết và hàng chục người bị thương. Nhóm này kêu gọi các thượng nghị sĩ ủng hộ kết tội cựu tổng thống vì “lợi ích của đất nước”.
“Với tư cách là các nhân viên tại Hạ viện Mỹ, chúng tôi không có quyền bỏ phiếu về việc có nên kết tội Trump hay không, nhưng các thượng nghị sĩ có thể. Vì lợi ích của chúng ta, vì lợi ích của đất nước, chúng tôi kêu gọi các ông bỏ phiếu kết tội cựu tổng thống và ngăn ông ấy quay lại chính phủ”, nhóm nhân viên Dân chủ viết.
Các nghị sĩ tìm nơi trú ẩn khi người biểu tình xông vào tòa nhà quốc hội hôm 6/1. Ảnh: AFP .
Các nguồn thạo tin cho biết bức thư đang thu thập thêm chữ ký và sắp được gửi tới Thượng viện, song chưa rõ thời gian cụ thể. Tính đến tối 27/4, phe Dân chủ đã thu thập được hơn 100 chữ ký.
Cựu tổng thống Mỹ đã bị Hạ viện cáo buộc “kích động bạo loạn” và chuẩn bị đối mặt phiên tòa xét xử ở Thượng viện vào ngày 9/2. Nếu bị kết tội, ông có thể bị cấm ra tranh cử trong tương lai.
Video đang HOT
Trump chỉ có thể bị kết tội nếu 2/3 số thượng nghị sĩ ủng hộ nỗ lực này, tức là ngoài tất cả 50 thượng nghị sĩ Dân chủ, cần thêm 17 thượng nghị sĩ Cộng hòa quay lưng với Trump. Tuy nhiên, khả năng này rất khó xảy ra khi hầu hết nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện đều phản đối luận tội ông.
Nước Mỹ thức tỉnh sau 'cuồng phong' Trump
4 năm qua, bất chấp những cảnh báo về hậu quả khôn lường từ phong cách chính trị cực đoan của Trump, nền tảng ủng hộ ông vẫn đông đảo.
Sau khi Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hồi tháng 11, cảm giác phấn khích của phe Dân chủ, với những màn ăn mừng nổ ra khắp các thành phố, nhanh chóng bị kìm hãm trước thực tế là đảng này bị mất một số ghế tại Hạ viện và có nguy cơ không thể kiểm soát được Thượng viện như kỳ vọng.
Tại Georgia, hai ứng viên Dân chủ phải bước vào cuộc bỏ phiếu vòng hai, đối đầu với hai thượng nghị sĩ Cộng hòa đương nhiệm ở nơi được coi là một "thành trì đỏ", trong bối cảnh phe Cộng hòa chỉ cần thêm một ghế để chiếm đa số tại Thượng viện.
Tình huống này dường như là lời gợi nhắc rằng Tổng thống Donald Trump, người giành được 74 triệu phiếu phổ thông, cao thứ hai trong lịch sử Mỹ chỉ sau Biden, có tầm ảnh hưởng lớn hơn đáng kể so với suy đoán của nhiều người.
"Điều thực sự khiến tôi ngạc nhiên là công chúng không buộc những nghị sĩ Cộng hòa đã hỗ trợ Trump suốt 4 năm qua phải trả giá. Khi mới nhìn kết quả bỏ phiếu ngày 3/11 ở Georgia, tôi khá bi quan về cơ hội chiến thắng của đảng Dân chủ", Will Buergey, chủ tịch đảng Dân chủ tại hạt Gogebic, bang Michigan, cho hay.
Đám đông ủng hộ Trump tập trung trước tòa nhà quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington hôm 6/1. Ảnh: AFP .
Tuy nhiên, không khí trong đảng Dân chủ thay đổi hoàn toàn khi kỳ tích được tạo ra tại Georgia, với chiến thắng của cả hai ứng viên thượng nghị sĩ Dân chủ Raphael Warnock và Jon Ossoff trước các đối thủ Cộng hòa Kelly Loeffler và David Perdue trong cuộc bầu cử vòng hai ngày 5/1.
Những cáo buộc vô căn cứ của Trump về gian lận bầu cử ở Georgia, cùng hiềm khích giữa ông với giới chức Cộng hòa bang này, được cho là yếu tố quan trọng khiến ngay cả những cử tri có xu hướng bảo thủ ở Georgia cũng không còn sẵn lòng sát cánh cùng Tổng thống.
"Tôi vô cùng mừng rỡ. Cuối cùng thì Trump cũng bị cự tuyệt", Buergey bày tỏ.
Sheikh Rahman, thượng nghị sĩ gốc Bangladesh đầu tiên của Georgia, còn chỉ ra rằng Ossoff sẽ trở thành thượng nghị sĩ gốc Do Thái đầu tiên và Warnock sẽ là thượng nghị sĩ da màu đầu tiên tại bang. Đây dường như là sự đoạn tuyệt thẳng thừng của cử tri với phong cách của Trump, người đã bổ nhiệm nhiều đàn ông da trắng vào các chức vụ hàng đầu hơn bất kỳ tổng thống nào trong vài thập kỷ qua.
Trump còn từng gây tranh cãi dữ dội khi không lên án hoàn toàn những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng sau vụ đụng độ gây chết người giữa phe này với đám đông phản đối họ ở Charlottesville, bang Virginia, hồi tháng 8/2017. Tới phong trào biểu tình năm ngoái vì cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu tại Minneapolis, cách xử lý của Trump tiếp tục bị chỉ trích, khi ông sử dụng ngôn từ được đánh giá là kích động bạo lực.
"Tôi cảm thấy mãn nguyện", Rahman cho biết, nói thêm rằng ông đã nhìn thấy một Georgia mới, cũng như một nước Mỹ mới từ cuộc bầu cử.
Hơn cả thất bại của đảng Cộng hòa tại Georgia, những cáo buộc gian lận cử tri vô căn cứ của Trump cũng góp phần dẫn đến vụ bạo loạn tại Đồi Capitol hôm 6/1, khi đám đông ủng hộ ông xông vào tòa nhà quốc hội giữa phiên kiểm phiếu đại cử tri nhằm xác nhận chiến thắng của Biden, sự việc bị coi là "đòn giáng" vào nền dân chủ Mỹ.
Giữa lúc đất nước rung chuyển vì cảnh tượng chưa từng có trong lịch sử, cảm xúc của những người từ lâu đã lên tiếng cảnh báo về hậu quả từ chủ nghĩa Trump trở nên phức tạp. Họ cảm thấy lý lẽ của mình cuối cùng cũng được công nhận, nhưng cũng không tránh khỏi nỗi kinh hoàng.
"Cuối cùng thì hậu quả do Trump cũng trở thành tâm điểm chú ý. Có lẽ trước đây nó bị lu mờ, nhưng bây giờ không thể rõ ràng hơn được nữa, ngay cả đối với những người từng ủng hộ Trump vì một số lý do khác nhau", David Bowen, thành viên nghị viện bang Wisconsin, nhận định.
Phản ứng dữ dội chống lại Trump sau vụ bạo loạn ở Đồi Capitol diễn biến nhanh hơn nhiều so với những động thái gây tranh cãi trước đây của ông. Twitter và Facebook "cấm cửa" Trump, tước đi "vũ khí" vận động công chúng ưa thích của Tổng thống. Một loạt đồng minh lâu năm, gồm cả những người từng ủng hộ nỗ lực pháp lý nhằm thách thức kết quả bầu cử, cũng đột ngột quay lưng với Trump.
"Quá đủ rồi. Hết là hết. Mọi thứ đã chấm dứt", Thượng nghị sĩ Nam Carolina Lindsey Graham, đồng minh thân cận của Trump, đề cập tới nỗ lực thách thức kết quả bầu cử của phe Cộng hòa trong phiên họp quốc hội hôm 6/1, bày tỏ sự mất kiên nhẫn với Tổng thống.
Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cũng lên án Trump kịch liệt vì gieo rắc "những thuyết âm mưu" về cuộc bầu cử. Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao, vợ của McConnell, cũng trở thành bộ trưởng đầu tiên trong nội các từ chức vì vai trò của Tổng thống trong việc kích động vụ bạo loạn ở Đồi Capitol.
"Nếu có bất kỳ điểm sáng nào giữa tình hình vô cùng tồi tệ hiện nay, tôi nghĩ đó là dòng người xa rời chủ nghĩa Trump", cựu thượng nghị sĩ Cộng hòa Jeff Flake, người không ngừng cảnh báo đảng của mình về mối nguy hiểm khi theo chân Trump, nhận xét.
Flake cho biết cuối cùng ông cũng cảm giác ngày càng nhiều người Mỹ nhìn nhận mọi thứ tương tự quan điểm của ông. "Chúng ta không nên dung thứ cho những quan chức dân cử đang tuyên truyền sự dối trá của Tổng thống, một hành vi gây đau đớn và thất vọng. Tôi nghĩ rằng điều này đã thay đổi", Flake nói.
Nancy Quarles, ủy viên hội đồng hạt Oakland, bang Michigan, cũng cho rằng sự thức tỉnh đang diễn ra. "Nhiều đảng viên Cộng hòa và cử tri độc lập từng tin vào triết lý của Trump đã thay đổi. Họ không còn ủng hộ ông ấy mạnh mẽ nữa", Quarles nêu ý kiến.
"Tôi đang tràn đầy hy vọng. Chính quyền mới sẽ dốc sức nhằm nỗ lực sửa chữa mọi thứ. Họ phải nhặt nhạnh những mảnh vỡ và ghép tất cả lại với nhau. Tôi không biết việc này sẽ mất bao lâu", Quarles nói thêm.
Tỷ lệ ủng hộ Trump tăng Vị thế của Trump với cử tri Cộng hòa được cải thiện sau khi ông mãn nhiệm, trong khi phần lớn nghị sĩ của đảng phản đối luận tội ông. Theo kết quả khảo sát do Morning Consult thực hiện từ 22/1 đến 25/1 đối với 599 cử tri đảng Cộng hòa và 581 cử tri ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump,...