Gửi “Butter” tới Viện Hàn lâm, cơ hội nào cho BTS tại giải thưởng Grammy 2022?
Sau lần đầu nhận được đề cử vào năm ngoái, nhóm nhạc nam nhà Big Hit Music vẫn tiếp tục nuôi tham vọng chinh phục chiếc máy hát mạ vàng của Grammy.
Theo đó, BTS sẽ chính thức mang bản hit “ Butter” đối đầu loạt tên tuổi sừng sỏ tại làng nhạc thế giới.
Tại giải thưởng Grammy 2021, BTS từng khiến người hâm mộ vô cùng tự hào khi ghi tên mình vào danh sách đề cử cho hạng mục “Trình diễn song ca/ nhóm nhạc Pop xuất sắc nhất” với ca khúc “ Dynamite”. Dẫu may mắn không mỉm cười nhưng không thể phủ nhận các chàng trai đã ghi thêm một cột mốc mới trong chặng đường hoạt động của mình.
BTS quyết tâm “phục thù” tại lễ trao giải Grammy 2022 khi gửi “Butter” đến Viện Hàn lâm để tranh cử, trực tiếp đối đầu nhiều tên tuổi đình đám.
Trở lại với lễ trao giải Grammy lần thứ 64 dự kiến được tổ chức vào đầu năm sau, BTS mang theo quyết tâm “phục thù” khi một lần nữa gửi sản phẩm âm nhạc của mình đến Viện Hàn lâm cho hạng mục “Trình diễn song ca/ nhóm nhạc Pop xuất sắc nhất”. Theo đó, “Butter” chính là ca khúc mà các chàng trai đặt trọn niềm tin tại đợt chinh chiến này.
Quyết định trên đồng nghĩa với việc BTS sẽ trực tiếp đối đầu nhiều tác phẩm đình đám không kém bao gồm “Mood” (24kGoldn ft. Iann Dior), “Kiss Me More” (Doja Cat ft. SZA), “Without You” (The Kid LAROI ft. Miley Cyrus) và “Rumors” (Lizzo ft. Cardi B). Trong đó, “Mood” cùng “Kiss Me More” dường như là những đối thủ nặng ký hơn cả khi cả hai bản hit này đều từng chinh phục thành công No.1 trên BXH Billboard Hot 100.
Mặt khác, thông qua loạt kỷ lục được thiết lập, chuỗi thành tích mà “Butter” nắm trong tay thực tế lại đôi phần “nhỉnh” hơn sản phẩm “Dynamite” khiến người hâm mộ không khỏi kỳ vọng ca khúc dễ dàng giúp BTS một lần nữa đặt chân vào danh sách đề cử cuối cùng và biết đâu bất ngờ sẽ mang về chiến thắng đầu tiên tại giải thưởng âm nhạc danh giá. Trước đó, tạp chí Billboard Mỹ thậm chí còn nhận định rằng “Butter” có hội giành 1 đề cử trong 4 hạng mục chính của Grammy 2022 khi Chủ tịch kiêm CEO hãng thu âm Columbia Records Ron Perry tham gia đồng sáng tác, giúp bản nhạc có sức nặng hơn.
Sự tham gia của Chủ tịch kiêm CEO hãng thu âm Columbia Records Ron Perry trong quá trình sáng tác liệu có giúp “Butter” được đánh cao hơn hơn tại lễ trao giải Grammy năm nay?
Được biết, toàn bộ đề cử cho giải thưởng Grammy lần thứ 64 sẽ chính thức công bố vào ngày 23/11 tới. Trong khi đó, ngoài “Butter”, BTS cũng có khả năng tiếp tục gửi các ca khúc khác của mình tới Viện Hàn lâm.
MV “Butter” của BTS.
Ca sĩ Kpop giờ đây không nhất thiết phải hát tiếng Hàn
Để mở rộng phạm vi hoạt động ra thị trường quốc tế, ngày càng nhiều ca sĩ Kpop phát hành bài hát có lời được viết hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Từng có khoảng thời gian nền âm nhạc Hàn Quốc bị chỉ trích vì lạm dụng tiếng Anh, khiến người nghe cảm thấy khó chịu.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của những ca khúc được hát hoàn toàn bằng ngôn ngữ khác tại thị trường Kpop, điển hình như Dynamite và Butter của BTS, trong những năm gần đây khiến nhiều khán giả đặt ra câu hỏi: "Ca sĩ Kpop không nhất thiết phải hát tiếng Hàn?".
Trong khi nhiều khán giả hoan nghênh động thái này, khẳng định xu hướng sử dụng ngoại ngữ trong lời bài hát Kpop giúp thu hút công chúng trên toàn thế giới, thì một số người bày tỏ sự lo lắng: "Liệu một ca khúc Kpop không có tiếng Hàn có còn là Kpop không?".
Khát khao phủ sóng toàn cầu
Đầu tháng 10, nhóm nhạc nữ Kpop TWICE phát hành đĩa đơn tiếng Anh đầu tiên The Feels . Nhóm lần đầu trình diễn ca khúc này tại chương trình talk show nổi tiếng The Tonight Show Starring Jimmy Fallon.
JYP Entertainment - công ty chủ quản của TWICE - cho biết The Feels là sản phẩm âm nhạc được sản xuất riêng cho người hâm mộ tại thị trường quốc tế. Ngoài ra, đĩa đơn cũng đóng vai trò như "bàn đạp tăng tốc", hỗ trợ kế hoạch hoạt động trên quy mô toàn cầu của nhóm nhạc nữ.
TWICE không phải thần tượng Kpop duy nhất nhắm tới nền âm nhạc đại chúng Mỹ. Cũng vào đầu tháng 10, ca sĩ kiêm nhà soạn nhạc Woodz phát hành EP Only Lovers Left , với một nửa EP là bài hát tiếng Anh.
"Tôi nghĩ bản thân cần có bước nhảy vọt để vươn ra thị trường âm nhạc thế giới, nên tôi đã sáng tác một số ca khúc được hát hoàn toàn bằng tiếng Anh", nam ca sĩ chia sẻ trong buổi họp báo ra mắt EP.
Woodz tiết lộ: "Tôi chuẩn bị bài hát với hy vọng khán giả ở nước ngoài cũng có thể thưởng thức âm nhạc của tôi. Mục tiêu của tôi cho album này là trở thành nghệ sĩ toàn cầu".
Ngày càng nhiều thần tượng Kpop tích cực hoạt động tại thị trường quốc tế. Vào tháng 5, nhóm nhạc nam TXT cho ra mắt ca khúc tiếng Anh đầu tiên, Magic . Tới tháng 9, nhóm có cơ hội biểu diễn bài hát trên chương trình talk show Mỹ The Late Show with Stephen Colbert.
Trước đó, vào năm 2020, nhóm nhạc nam Monsta X quyết định tiến sâu hơn vào thị trường bằng cách phát hành album All About Luv dành riêng cho khán giả Mỹ, với toàn bộ album được hát bằng tiếng Anh.
Nam ca sĩ Woodz thể hiện mong muốn phát triển bản thân thành nghệ sĩ toàn cầu. Ảnh: 1st Look.
Có thể nói, trong suy nghĩ của hầu hết thần tượng Kpop, phát hành bài hát tiếng Anh đồng nghĩa với phát triển phạm vi hoạt động của họ trên quy mô quốc tế.
Ngày nay, những ca khúc Kpop được hát hoàn toàn bằng tiếng Anh không còn bị coi là bất thường. Trong một số trường hợp, các bài hát này có thể gặt hái thành công ấn tượng, điển hình như ca khúc Butter của BTS với thành tích 9 tuần liên tục đứng đầu bảng xếp hạng Billboard Hot 100.
Chiến lược của Kpop
"Nhóm nhạc nữ Wonder Girls và BoA từng cố gắng tiến sâu vào nền âm nhạc đại chúng Mỹ trong những năm 2000", theo Lee Gyu Tag - giáo sư nghiên cứu về nhạc pop và truyền thông đại chúng tại Đại học George Mason, chi nhánh Hàn Quốc.
Giống với thần tượng Kpop ngày nay, Wonder Girls và BoA cũng từng phát hành album tiếng Anh. Tuy nhiên, những sản phẩm âm nhạc này không thể gặt hái thành công ở cả hai thị trường nước ngoài và nội địa. "Sự khác biệt lớn nhất là Kpop không có chỗ đứng tại thời điểm ấy", Lee phân tích.
Theo Lee, BTS đã xây dựng được cộng đồng người hâm mộ quốc tế vững chắc, đông đảo thông qua các ca khúc tiếng Hàn của nhóm. Do vậy, việc phát hành Dynamite và Butter chỉ nhằm thu hút lượng lớn khán giả vốn không quen thuộc với nền âm nhạc của quốc gia khác.
"Chúng ta phải nhớ rằng BTS đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới thông qua những bài hát tiếng Hàn", nhà phê bình văn hóa âm nhạc đại chúng Jeong Deok Hyun khẳng định với tờ Korea JoongAng Daily .
Jeong cho biết nếu BTS bắt đầu tấn công thị trường quốc tế bằng ca khúc tiếng Anh, nhóm sẽ phải đối mặt với phản hồi rất tiêu cực. Nhưng hiện tại, khi Kpop đã vươn ra khỏi phạm vi Hàn Quốc, các bài hát tiếng Anh được coi như hành động thể hiện sự biết ơn dành cho người hâm mộ toàn cầu.
Ngoài ra, theo Jeong, việc phát hành ca khúc tiếng Anh là "chiến lược đặc biệt tốt để bài hát được phát sóng nhiều hơn trên đài radio ở nước ngoài".
Trước đó, nhiều chuyên gia khẳng định sản phẩm âm nhạc không phải tiếng Anh thường gặp bất lợi trên bảng xếp hạng âm nhạc tại phương Tây, vì những ca khúc này không phải lựa chọn hàng đầu của các chương trình radio, bất kể độ nổi tiếng.
Ví dụ điển hình cho trường hợp này là bản hit Gangnam Style phát hành năm 2012 của PSY. Mặc cho thành công vang dội trên quy mô toàn cầu, Gangnam Style vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì thứ hạng trên bảng xếp hạng Billboard.
Có thể nói, một phần thành công của Butter và Dynamite tới từ việc hai ca khúc được trình diễn bằng tiếng Anh - ngôn ngữ mà công chúng Mỹ cảm thấy quen thuộc.
Jeong nhận xét: "Lời bài hát tiếng Anh giúp xóa bỏ rào cản cho những khán giả còn cảm thấy lạ lẫm với ngôn ngữ khác".
Album ra mắt tại Mỹ của nữ ca sĩ BoA không gặt hái thành công như mong đợi. Ảnh: Vogue.
Con dao hai lưỡi
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng ca khúc Kpop tiếng Anh "dễ dàng trở thành con dao hai lưỡi", khi nhóm bài hát này có thể đem lại cảm giác xa lạ cho người hâm mộ Kpop trong và ngoài nước - những người vốn quen thuộc với việc theo dõi ca sĩ yêu thích của họ trình diễn bằng tiếng Hàn.
Melanie Poy, một người Thụy Sĩ yêu thích nội dung giải trí của Hàn Quốc, chia sẻ với tờ Korea JoongAng Daily rằng cô cảm thấy bài hát lời tiếng Anh có thể lấy đi "chất Hàn" trong Kpop.
"Tôi nghe Kpop vì tôi thích ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc nói chung, không chỉ vì âm nhạc", Poy tiết lộ. Cô đồng ý rằng ca khúc tiếng Anh giúp nghệ sĩ Kpop tiếp cận tới lượng công chúng đông đảo hơn, và bản thân cô cũng rất thích các bài hát đó.
Tuy nhiên, Poy cho biết cô không thể khẳng định liệu phương thức này có giúp người nghe quan tâm nhiều hơn tới nét đẹp văn hóa mà Hàn Quốc muốn truyền tải thông qua Kpop hay không. "Kpop không chỉ là âm nhạc", Poy nhận xét.
Giáo sư Lee đồng ý với quan điểm của Poy và bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của các ca khúc Kpop bằng tiếng Anh.
"Trên thực tế, nhiều người hâm mộ Kpop tại nước ngoài thích lời bài hát tiếng Hàn hơn tiếng Anh. Nếu họ muốn nghe nhạc bằng tiếng Anh, thì họ đã có quá nhiều lựa chọn thay thế rồi", Lee nhận định.
Theo Lee, kể từ giữa những năm 2010, Kpop không có nhiều điểm khác biệt so với phong cách âm nhạc phổ biến tại phương Tây. Ông phân tích nét đặc trưng của nền âm nhạc Hàn Quốc: "Tất nhiên, Kpop có nhiều yếu tố độc đáo riêng như MV hoành tráng, màn trình diễn công phu, nhưng điểm quan trọng nhất của nó nằm ở lời bài hát tiếng Hàn".
Một ví dụ điển hình là My Universe - ca khúc hợp tác gần đây giữa BTS và ban nhạc rock người Anh Coldplay. Đĩa đơn ra mắt tại vị trí số một trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100. Nếu hầu hết ca khúc hợp tác giữa thần tượng Kpop và nghệ sĩ người nước ngoài là ca khúc tiếng Anh thì ngược lại, khoảng một nửa lời bài hát của My Universe sử dụng tiếng Hàn.
Điều này giúp ca khúc đón nhận phản ứng tích cực từ người hâm mộ Hàn Quốc và quốc tế. Không ít ý kiến cho rằng quyết định của BTS là "nêu bật tầm quan trọng của việc duy trì bản sắc Hàn Quốc".
"Nếu My Universe được thể hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh, thì màn hợp tác cùng BTS sẽ không mang nhiều ý nghĩa tới vậy", giáo sư Lee nhận xét.
Ca khúc My Universe hợp tác giữa BTS và Coldplay nhận phản hồi tích cực từ người hâm mộ trong và ngoài nước. Ảnh: Naver .
Theo Lee, việc Coldplay hát tiếng Hàn thể hiện chính xác những gì người hâm mộ Kpop tại nước ngoài mong muốn. Lee tiết lộ: "Họ muốn cái gì đó khác với âm nhạc đại chúng thông thường, và tiếng Hàn là thứ tạo nên sự khác biệt. Lời bài hát tiếng Hàn là điều khiến My Universe trở nên đặc biệt".
Có loại bỏ được chữ K trong Kpop?
Mặt khác, Zicarlo van Aalderen - người hâm mộ Kpop lâu năm tại Hà Lan - cho rằng ca khúc Kpop có lời tiếng Anh "vẫn là âm nhạc Hàn Quốc, không thể nhầm lẫn được".
"Tôi không nghĩ việc thêm lời tiếng Anh vào bài hát có thể loại bỏ chữ K trong Kpop", Aalderen nhận xét. Cô đưa ra ví dụ: "Chúng tôi không gạt bỏ sự thật ABBA là nhóm nhạc người Thụy Điển chỉ vì họ có một số ca khúc hit bằng tiếng Anh. Họ vẫn mang âm hưởng riêng biệt của nền nhạc pop châu Âu".
"Dù họ sử dụng ngôn ngữ gì, thì phong cách Kpop luôn tồn tại ở đó", Aalderen khẳng định. Cô đánh giá cao việc các nhóm nhạc Hàn Quốc vẫn đầu tư MV kinh phí cao, màn trình diễn hoành tráng, phức tạp - điểm đặc trưng của nền âm nhạc Hàn Quốc - cho những ca khúc tiếng Anh.
Aalderen chỉ ra lợi ích của việc phát hành sản phẩm âm nhạc bằng tiếng Anh: "Nếu được thực hiện đúng cách, các bài hát Kpop với lời tiếng Anh sẽ giúp mở rộng tệp khán giả, vì mọi người có xu hướng ưa chuộng ca khúc họ có thể hiểu, dễ nhớ và dễ hát theo".
Nhà phê bình Jeong chia sẻ: "Một khi người nghe quốc tế bị thu hút bởi bài hát tiếng Anh, có khả năng họ sẽ tìm kiếm thêm ca khúc khác của nghệ sĩ đó". Theo ông, sự quan tâm của công chúng có thể lan rộng tới cả những bài hát được hát bằng tiếng Hàn.
"Tôi nghĩ đây là chiến lược quảng bá toàn cầu có hiệu quả lâu dài", Jeong nhận xét.
Cả giáo sư Lee và Aalderen đồng ý rằng sự cân bằng giữa yếu tố nội địa và yếu tố quốc tế là điểm mấu chốt trong chiến lược toàn cầu hóa của Kpop.
Lee bổ sung: "Ngành công nghiệp Kpop không nên gạt bỏ hoàn toàn người hâm mộ trong nước". Theo ông, thần tượng Kpop có thể sử dụng bài hát tiếng Anh như bước đệm giúp họ tiến ra thị trường quốc tế, nhưng những yếu tố đặc trưng của Kpop như tính thẩm mỹ, phong cách trình diễn vẫn cần được duy trì và thể hiện.
"Đến BTS cũng phát hành xen kẽ các bài hát tiếng Anh và tiếng Hàn, như khi họ cho ra mắt Life Goes On sau Dynamite ", Lee đưa ra ví dụ.
Aalderen cho rằng những nội dung giải trí Hàn Quốc gặt hái nhiều thành công nhất trên thị trường quốc tế đều mang đậm bản sắc của quốc gia này.
"Trớ trêu thay, bản hit quốc tế đầu tiên của Kpop - Gangnam Style - vốn không hề nhắm tới công chúng nước ngoài. Các yếu tố Hàn Quốc làm cho ca khúc trở nên mới lạ với khán giả quốc tế", cô phân tích.
Người hâm mộ cho rằng thành công của Hàn tới từ yếu tố bản sắc văn hóa Hàn Quốc.
Aalderen bày tỏ: "Ngay cả khi Kpop có được sự chú ý trên toàn cầu, tôi hy vọng nền âm nhạc này không đánh mất bản sắc Hàn Quốc, cố gắng quá sức để thu hút người hâm mộ nước ngoài".
Quá trời rồi: Nữ ca sĩ thắng 3 giải Grammy cover Butter của BTS, còn công khai "đẩy thuyền" V - Jimin khiến fan hú hét Lại thêm một "fan bự" của BTS, đặc biệt là "couple" V - Jimin xuất hiện! Mới đây, trên chương trình BBC Radio 1 , nữ ca sĩ Lizzo đã có màn cover bản hit Butter của BTS. Mặc dù đã debut khá lâu nhưng đến quãng thời gian gần đây, Lizzo mới thực sự được công chúng biết đến rộng rãi khi...