GS Ngô Bảo Châu: Tôi từng thi trượt
Chiều 13/3, GS Ngô Bảo Châu đã có bài giảng với chủ đề “Học như thế nào?” tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Sau đó, GS đã dành thời gian trò chuyện với SV cũng như giảng viên tham dự tiết học. Nhiều câu hỏi được đặt ra và GS đã giải đáp chu đáo, tận tình.
GS Ngô Bảo Châu “giảng bài” tại ĐH Bách khoa Hà Nội là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện “Cầu nối – Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình” lần thứ tư tại Đông Nam Á.
GS Ngô Bảo Châu giải mã câu hỏi: Học như thế nào?
Nhanh chóng đưa ra đáp án của bài giảng
Câu hỏi “Học như thế nào?” là vấn đề nhiều sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và các trường lân cận chờ đợi một sự giải thích logic mang đầy tính khoa học của GS Ngô Bảo Châu.
“Sáng nào tôi cũng đến cơ quan đúng giờ. Tôi rất tôn trọng kỷ luật, đi học hay đi làm đều phải đúng giờ, mặc dù không ai kiểm soát tôi đi – đến giờ nào. Tôi quy định những người làm việc với tôi, kể cả trong trường hợp bạn có hay không có ý tưởng mới, cứ đúng giờ là phải đến gặp tôi. Nếu không có nguyên tắc đó thì chúng ta sẽ nhanh chóng sa lầy. Phải hết sức tôn trọng kỷ luật. Nhiều khi rất khó chịu khi phải gặp nhau vì không có gì để nói nhưng chính sự khó chịu đó làm cho bạn phải phấn đấu, cố gắng tìm ra cái gì đó để lần gặp sau đỡ ngượng.” – GS Ngô Bảo Châu
Bắt đầu với luận điểm tìm câu giải đáp, GS Ngô Bảo Châu nêu vấn đề: “Gần đây có nhiều người đặt vấn đề học chữ hay học làm người, hoặc giữa hai vấn đề cái nào trước cái nào sau. Câu hỏi này thực ra tối nghĩa. Học chữ là tiếp thu kiến thức thì đã rõ. Nhưng học làm người là như thế nào? Hẳn có nhiều cách để hiểu khác nhau…”.
GS Ngô Bảo Châu cũng cho rằng, vai trò giáo dục của gia đình, bố mẹ như tấm gương để đứa trẻ soi vào trong sẽ có tác động rất lớn trong việc hình thành nhân cách sau này.
Nói về việc học, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: “Các bạn SV cần tổ chức học nhóm để khai thác bài giảng miễn phí trên Internet, sau đó dành thời gian giải thích thêm, cuối cùng là tổ chức thi cử nghiêm túc”.
Tuy nhiên, về công tác tổ chức thi cử nghiêm túc, GS Ngô Bảo Châu quay lại câu chuyện “đáng quên” của ngành giáo dục. “Đã có rất nhiều người chỉ ra vấn đề lớn nhất là mức độ tha hóa của hệ thống. Nếu chỉ nêu một vấn đề để nói là sự tha hóa của hệ thống, xin quay lại sự kiện Đồi Ngô. Đây là một sự kiện vô cùng đặc biệt. Thí sinh quay phim giám thị vi phạm quy chế thi là chưa có tiền lệ trong lịch sử. Nó là liều thuốc cảnh tỉnh về mức độ tha hóa của hệ thống…” – chủ nhân giải thưởng Fields 2010 nhấn mạnh.
Video đang HOT
GS Ngô Bảo Châu tâm sự thêm: “Trường ĐH Chicago nơi tôi làm việc – cái gì là bí quyết thành công của họ? Hiện tại người ta nói lý do thành công là họ giàu, GS giỏi. Nhưng nói như thế là nhầm lẫn giữa kết quả và nguyên nhân. Sự thành công của đại học này đến từ sự trung thực, kiên quyết nói không với những hành vi gian lận và cực kỳ nghiêm túc”.
Và cuộc trò chuyện thú vị với sinh viên, giảng viên
Sau bài giảng, GS Ngô Bảo Châu đã dành thời gian để giao lưu với các bạn sinh viên tham dự sự kiện. Vấn đề được các bạn trẻ đặc biệt quan tâm và luôn lồng ghép trong câu hỏi đó là “làm thế nào để GS Ngô Bảo Châu được giải Fields”. Bên cạnh đó, các đồng nghiệp là giảng viên các trường ĐH cũng đưa ra một số vấn đề “gai góc” để nhận được sự chia sẻ của GS.
Đông đảo sinh viên và giảng viên đã có cuộc giao lưu thú vị với GS Ngô Bảo Châu.
Trần Thanh Huyền, sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội mở màn cho cuộc giao lưu với câu hỏi: “Trong quá trình nghiên cứu, có những khó khăn nào khiến GS muốn rời bỏ công trình của mình?”.
Tâm sự từ đáy lòng, GS Ngô Bảo trả lời câu hỏi bằng việc kể về một trải nghiệm không mấy dễ chịu của bản thân hồi còn ở Pháp, khi vừa làm xong luận án tiến sĩ. Hồi đó, ông thi vào một viện nghiên cứu của một trường ĐH và bị trượt. Buổi phỏng vấn đầu tiên, tất cả giám khảo phá lên cười khi nghe Ngô Bảo Châu nói hướng nghiên cứu của mình là Bổ đề cơ bản.
“Đó là một vấn đề rất khó nên khi nghe một người trẻ nói muốn nghiên cứu thì họ buồn cười, nghĩa là họ không tin rằng tôi sẽ làm được” – GS Ngô Bảo Châu chia sẻ. Bên cạnh rào cản đầu tiên là sự thiếu tin tưởng của người khác, GS Ngô Bảo Châu cho biết ông từng gặp một rào cản khác tương tự nhưng khó vượt qua hơn, đó là sự thiếu niềm tin vào chính bản thân khi ông tưởng như mình rơi vào ngõ cụt vì chưa tìm ra được giải pháp tiệm cận đáp số.
Trả lời một SV ở khoa CNTT – ĐH Bách khoa Hà Nội về kỷ niệm trong quá trình nghiên cứu Bổ đề cơ bản, GS Ngô Bảo Châu cho rằng để tin ở mình cũng cần phải có sẵn một mầm mống ý tưởng mới. Mầm mống đó có thể chỉ là một ngọn lửa leo lắt, nhưng nó là cơ sở để nhà nghiên cứu có sự quả cảm vượt qua những khó khăn ban đầu.
Ông chia sẻ: “Khi tôi cảm thấy tất cả những gì mình đang làm là vô vọng thì tình cờ tôi trò chuyện với một đồng nghiệp. Ông ấy nói với tôi về một công trình ông ấy làm từ cách đó 20 – 30 năm mà theo ông ấy nó chẳng có giá trị gì cả, ngay lập tức tôi hiểu đó là mẩu ghép cuối cùng tôi cần có trong bức tranh của mình”.
Không chỉ sinh viên…
…mà cả cán bộ nghiên cứu trẻ cũng hào hứng đặt câu hỏi giao lưu với GS Ngô Bảo Châu.
Một SV khác của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đến từ Thanh Hóa đặt vấn đề: “Em cũng như nhiều bạn SV Bách khoa đang gặp vấn đề còn nghiêm trọng hơn cả việc người khác không tin mình hay mình không tin mình, đó là bản thân không còn say mê với con đường mình đã chọn. Chúng emkhông thấy được cái đẹp của khoa học – kỹ thuật. Đã bao giờ GS rơi vào trạng thái không còn đam mê với con đường mình đã chọn? GS đã vượt qua như thế nào, đã tìm thấy trở lại niềm đam mê ra sao?”.
Trước câu hỏi này, nhưng GS Ngô Bảo Châu đã “khéo léo” đưa ra đáp án. “Niềm say mê nhiều khi không ổn định. Chính vì thế, học phải có tập thể, có kỷ luật là vì thế, kể cả khi không còn niềm đam mê cũng phải cố học để hoàn thành công việc, hoàn thành bổn phận của mình. Thêm nữa, niềm đam mê có thể chia tay bạn nhưng cũng có thể quay lại. Không có gì là vĩnh viễn ra đi cả, cái chính là không được bỏ cuộc. Chính tinh thần kỷ luật và tập thể sẽ giúp bạn không bỏ cuộc. Khi đó tinh thần kỷ luật, tinh thần tập thể sẽ giúp bạn không bỏ cuộc. Bạn chán nhưng người khác vẫn chưa chán, nếu bạn vì người khác thì bạn vẫn sẽ thấy cần phải nỗ lực” – GS Ngô Bảo Châu đưa ra lời khuyên
Không chỉ các bạn sinh viên mà ngay cả cán bộ nghiên cứu, giảng dạy trong các trường ĐH cũng háo hức đặt câu hỏi để giao lưu với vị GS danh tiếng. Đi trực diện vào vấn đề, một cán bộ nghiên cứu nêu câu hỏi: “Làm sao một nhà nghiên cứu có thể đọc hết những kiến thức của loài người trong vấn đề mà mình theo đuổi để hi vọng từ đó tìm ra cái mới của mình? Liệu có thể nghiên cứu thành công trong một điều kiện làm việc ở mức trung bình và kém?”.
GS Ngô Bảo Châu trả lời thấu đáo các câu hỏi của sinh viên, giảng viên.
“Quan niệm của tôi cũng được nhiều người chia sẻ là chúng ta không được vội và không được sợ. Chuyện học lại từ đầu không có nghĩa là học một cách kinh viện, học tất cả mọi thứ một lúc mà việc học nên xuất phát từ những câu hỏi và có mục đích trước. Khi đã có câu hỏi, tôi nghĩ việc học sẽ dễ hơn nhiều. Như vậy, trong một cuốn sách bạn sẽ chỉ đọc những cái phục vụ trả lời câu hỏi đó mà thôi. Nhưng học phải học đến cùng, học đến nơi đến chốn, không thể chỉ biết lơ mơ.” – GS Ngô Bảo Châu khuyên.
Với vế sau của câu hỏi, GS Ngô Bảo Châu công nhận điều kiện làm việc ở trong nước còn thiếu thốn nên các nhà khoa học phải nỗ lực hơn rất nhiều. Tuy nhiên để đạt được những thành công trong nghiên cứu khoa học, ngoài các điều kiện cơ bản như đảm bảo đời sống cho nhà nghiên cứu, môi trường làm việc thì việc tổ chức làm việc là yếu tố cần được quan tâm…
Buổi giao lưu khép lại với sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn sinh viên trước những câu trả lời chất phát nhưng lại chứa đầy “ẩn ý”. Nhiều SV nuối tiếc vì không được trò chuyện lâu hơn với chủ nhân giải thưởng Fields 2010.
Theo Dantri
GS Ngô Bảo Châu về Việt Nam giảng bài
Giáo sư Ngô Bảo Châu, nhà toán học đoạt giải thưởng Fields, vừa về Việt Nam tham dự chuỗi sự kiện "Cầu nối - Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình" lần thứ tư tại Đông Nam Á. Chiều 13/3, giáo sư sẽ có bài giảng thú vị tại ĐH Bách khoa Hà Nội.
Giáo sư Ngô Bảo Châu, nhà toán học người Việt đoạt giải thưởng Fields năm 2010 thuộc Đại học Chicago, sẽ về Hà Nội vào ngày 13/3 và TPHCM vào ngày 14 và 15/3 để tham dự chuỗi sự kiện "Cầu nối - Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình" lần thứ tư tại Đông Nam Á.
Chuyến thăm được tổ chức bởi Quỹ Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại thủ đô Vienna (Áo) và Bộ GD-ĐT Việt Nam. Trong chuyến thăm này, giáo sư sẽ có bài giảng về chủ đề "Phương pháp học tập" lúc 2 giờ chiều, ngày 13/3 tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và ngày 15/3 tại ĐH Mở TPHCM. Ông cũng sẽ có buổi gặp mặt học sinh trường Quốc Tế Anh vào sáng ngày 15/3.
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM sẽ chủ trì buổi tiếp đón giáo sư vào ngày 14/3 tại Trụ sở Uỷ ban Nhân dân TPHCM. GS Ngô Bảo Châu là nhà khoa học thứ năm đến Việt Nam trong khuôn khổ chương trình "Cầu nối" lần thứ tư tại Đông Nam Á, sau chuyến thăm của GS Roger B.Myerson, đoạt giải Nobel Kinh tế, GS Harald zur Hausen, đoạt giải Nobel Y học, GS Douglas D. Osheroff, đoạt giải Nobel Vật lý, và GS Sir Harold W. Kroto, đoạt giải Nobel Hóa học, trong khoảng thời gian từ tháng 11/2012 đến tháng 1/2013.
Chương trình "Cầu nối - Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình" lần thứ tư tại Đông Nam Á nối tiếp sự thành công của chuỗi 450 sự kiện "Cầu nối" của Quỹ Hòa bình Quốc tế được tổ chức tại Thái Lan, Philippines, Malaysia và Campuchia từ năm 2003. Tham dự chương trình đã có 38 người đạt giải Nobel, 18 diễn giả và các nghệ sĩ khác như tiến sĩ Hans Blix, diễn viên Jackie Chan, mục sư Jesse Jackson, Vanessa-Mae, Jessye Norman, Oliver Stone và tiến sĩ James Wolfensohn, nhằm mục đích phát triển giáo dục trong khu vực Đông Nam Á. Chuỗi sự kiện tại Thái Lan được Nữ hoàng Sirikit và Công chúa Maha Chakri Sirindhorn chủ trì đã thu hút được 140.000 người tham dự.
Bắt đầu vào tháng 11 năm nay, chương trình "Cầu nối" lần thứ tư tại Đông Nam Á sẽ bao gồm các sự kiện chính dành cho công chúng, được tổ chức liên tục từ tháng 11 đến tháng 3/2013. Các chủ đề của chuỗi sự kiện sẽ nằm trong khuôn khổ nội dung "xây dựng văn hóa hướng tới hòa bình và sự phát triển của một thế giới toàn cầu hóa", kết nối các quan điểm từ Việt Nam và quốc tế. Chương trình bao gồm một loại các chủ đề đa dạng như chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa và báo chí. Họ sẽ nhấn mạnh vào những thách thức của toàn cầu hóa và chủ nghĩa khu vực cũng như những tác động của chúng lên sự phát triển và hợp tác quốc tế. Chuỗi sự kiện có sự tham gia của các diễn giả đoạt giải Nobel trong lĩnh vực Kinh tế, Vật lý, Hóa học và Y học. Tham gia sự kiện còn có GS Romano Prodi, nguyên Thủ tướng Ý và nguyên Chủ tịch Hội đồng Liên minh Châu Âu, và GS Ngô Bảo Châu, người đoạt giải thưởng Fields năm 2010.
Mục tiêu của "Cầu nối" là để tạo điều kiện tăng cường đối thoại và thông tin liên lạc giữa các nền văn hóa và tín ngưỡng tôn giáo trong khu vực Đông Nam Á và với các nước trên thế giới nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau. Chuỗi sự kiện "Cầu nối" được tổ chức với mục đích xây dựng cầu nối thông qua những người đoạt giải Nobel, những trường đại học trong nước và những tổ chức khác trong khu vực Đông Nam Á để thiết lập mối quan hệ lâu dài trong việc hợp tác những chương trình nghiên cứu chung và các chương trình khác. Với việc nâng cao khoa học, công nghệ và giáo dục như là một cơ sở cho hòa bình và phát triển, các sự kiện "Cầu nối" có thể giúp tăng cường sự hợp tác hướng tới hòa bình, tự do và an ninh trong khu vực với sự tham gia tích cực của các thế hệ trẻ - tương lai của Đông Nam Á.
S.H
Theo dân trí
GS Ngô Bảo Châu thích học vẽ trước học Toán Đó là chia sẻ của Giáo sư Ngô Bảo Châu trong dịp về Việt Nam tham dự chuỗi sự kiện "Cầu nối- Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình" lần thứ 4 tại Đông Nam Á. Trong chuyến thăm này, Giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu sẽ có bài giảng về chủ đề "Phương pháp học tập" cho sinh viên các...