GS Ngô Bảo Châu: Nên giữ thi đại học, bỏ thi tốt nghiệp
Theo Giáo sư Ngô Bảo Châu, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, giữ lại kỳ thi tuyển sinh vào đại học.
GS Ngô Bảo Châu phát biểu tại Hội thảo Đối thoại giáo dục 2014 vừa được tổ chức tại TPHCM. (Ảnh: PV)
Đề cập chủ đề tiến tới một kỳ thi chung quốc gia năm 2015 mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng phương án, GS Ngô Bảo Châu nói: Năm ngoái, trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, tôi từng bày tỏ ý kiến việc nên hay không duy trì việc tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT mà chúng ta đã và đang tiến hành. Sau khi dẫn ra một số lý lẽ ủng hộ việc tổ chức thi, tôi đã đưa ra một số lập luận để cho thấy những lý lẽ này không có gì chắc chắn. Năm nay, tôi vẫn bảo lưu quan điểm đó. Chúng ta đã tổ chức một kỳ thi mà tính trung thực không được đảm bảo, dù Bộ GD&ĐT nỗ lực trong nhiều năm để cải thiện tình hình thi cử và thực tế cho thấy họ đã không thành công như ý muốn. Để tổ chức một kỳ thi quốc gia, chúng ta phải dùng một đề thi cho học sinh trên toàn quốc, trong khi đó trình độ học sinh của mỗi tỉnh/thành cũng như đòi hỏi của mỗi địa phương mỗi khác. Nông thôn khác với thành thị, miền núi khác với đồng bằng…
Việc Bộ GD&ĐT muốn tất cả mọi nơi đều đạt một ngưỡng tiêu chuẩn không có gì sai, nhưng thực tế có cho phép làm điều đó? Tôi nghĩ là không. Nếu vậy mà chúng ta vẫn áp đặt, buộc phải có một kỳ thi chung thì các địa phương đành phải làm theo cách để con em của họ đỗ. Khi giữa mong muốn của trung ương (về trình độ) và thực tế địa phương (về nhu cầu) có độ lệch sẽ nảy sinh mâu thuẫn mà mâu thuẫn này lại được giải quyết trong thực tế bằng những tiêu cực không ai muốn. Quyết tâm chính trị nếu có giải quyết được vấn đề này thì chỉ trong tầm ngắn hạn một, hai năm. Muốn đạt hiệu quả lâu dài, chúng ta phải thay đổi về mặt phương pháp.
Lập luận của Bộ GD&ĐT là có tổ chức thi, học sinh mới chịu học, giáo sư nghĩ sao?
Vấn đề là họ muốn các em học cái gì? Nếu học để thi thì kéo theo việc học thêm và đủ thứ vấn đề khác, tất cả những điều đó gây nên sự bất bình trong xã hội mà không đi đến đâu cả. Tổ chức thi để học sinh học những cái các em không muốn học thì có nên thi không?
Dư luận cho rằng, kỳ thi đầu vào đại học vẫn còn đảm bảo được sự nghiêm túc, sự phân loại học sinh. Việc chuyển một kỳ thi (khả năng lớn là đưa về địa phương thực hiện) liệu có thể xảy ra tiêu cực hay không và đánh mất nốt kỳ thi được coi là lành mạnh của giáo dục VN?
Thứ nhất, trong hai kỳ thi thì kỳ thi ĐH được hầu hết mọi người công nhận đảm bảo hơn về sự trung thực. Sẽ không thực tế chút nào khi muốn bỏ một kỳ thi đang được làm tốt để chỉ thực hiện một kỳ thi vốn dĩ được làm không tốt. Lý do người ta đưa ra là nhiều nước chỉ thi tốt nghiệp mà không thi ĐH và chúng ta muốn áp dụng mô hình như vậy. Về mặt lý thuyết thì có vẻ ổn, nhưng tôi e rằng, thực tế chúng ta sẽ không thực hiện được việc này một cách hiệu quả. Bất kỳ kỳ thi nào cũng cần được ưu tiên hàng đầu về sự trung thực, không nên ưu tiên chuyện nó đúng vào mô hình gì đó hay không. Phải coi tính trung thực là kim chỉ nam của mọi kỳ thi.
Thứ hai, chìa khóa cho phát triển ĐH Việt Nam vẫn là vấn đề được tự chủ, trong đó có tự chủ về tuyển sinh. Không nên ép tất cả các trường tuyển sinh dựa vào kết quả của kỳ thi phổ thông hay một kỳ thi trung gian nào đó. Có thể để cho những trường nhỏ, hoặc những trường chưa đủ trình độ tổ chức một kỳ thi tuyển sinh… được tham gia một kỳ thi tuyển sinh chung. Còn những trường lớn đủ tự tin, đủ khả năng đảm bảo sự tự chủ của mình thì để cho họ tự tổ chức kỳ thi của họ.
Thí sinh dự thi đại học tại Hà Nội năm 2014. (Ảnh: Hồng Vĩnh)
Video đang HOT
Bộ GD&ĐT đã có công bố dự thảo phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia, riêng về môn thi, Bộ đưa ra ba phương án để dư luận góp ý. Giả sử việc tổ chức một kỳ thi quốc gia đã được quyết định thì giáo sư ủng hộ phương án nào?
Tôi không có ý định góp ý cho từng phương án cụ thể, vì theo tôi, để làm được việc này, cần phải có thời gian nghiên cứu kỹ càng và đòi hỏi người góp ý là những nhà chuyên môn trong lĩnh vực kiểm tra, đánh giá.
“Với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, nếu bỏ được thì nên bỏ, khi mà việc tổ chức thi không đem lại lợi ích gì cả ngoài việc hao tổn tài nguyên của xã hội. Còn kỳ thi ĐH hiện tại không quá tệ, ít nhất về sự trung thực thì nên duy trì, nhưng không phải với tất cả các trường.” – GS Ngô Bảo Châu
Nếu để cho các trường ĐH tự tổ chức thi tuyển sinh thì dư luận lại e ngại thí sinh phải tham gia quá nhiều kỳ thi trong một năm, giáo sư nghĩ sao?
Chính vì vậy mà tôi mới cho rằng, mọi cải cách nên làm dè dặt, không nên thay đổi một cách đột ngột trong phạm vi rộng. Với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, nếu bỏ được thì nên bỏ, khi mà việc tổ chức thi không đem lại lợi ích gì cả ngoài việc hao tổn tài nguyên của xã hội. Còn kỳ thi ĐH hiện tại không quá tệ, ít nhất về sự trung thực thì nên duy trì, nhưng không phải với tất cả các trường. Một số trường được coi là “trọng điểm” nên cho họ thí điểm tuyển sinh riêng nếu họ tham vọng làm việc đó.
Về mặt nguyên tắc, để đạt được cái tối ưu thì mỗi trường nên làm một cách khác nhau, có một sự phối hợp trên quy mô quốc gia để các kỳ thi không chồng chéo lên nhau. Các nước khác thì các trường vẫn tự tuyển sinh.
Có ý kiến cho rằng, nên thực hiện mô hình giáo dục ĐH hình chóp, nghĩa là mở rộng đầu vào ĐH và siết chặt đầu ra để kiểm soát chất lượng, giáo sư nghĩ sao?
Tôi không hoàn toàn tin vào lý thuyết đó. Vì nhiều lý do, trong đó có lý do kinh tế, nhiều trường rất muốn có đông sinh viên. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, với những trường đã khẳng định được chất lượng, tên tuổi thì việc tuyển chọn ngặt nghèo đầu vào hết sức quan trọng, kể cả sau đó họ tiếp tục sàng lọc, tiếp tục việc đào tạo nghiêm túc. Rõ ràng, việc tuyển chọn đầu vào nghiêm ngặt là thực tế không thể chối cãi được của những trường có tên tuổi, thậm chí nhờ vậy mà họ trở nên nổi tiếng hơn. Chúng ta ai cũng mong muốn người trẻ nào cũng được hưởng điều kiện đào tạo tốt như nhau, nhưng thực tế không thể nào như vậy. Trong xã hội, việc sàng lọc, sắp xếp, từ đó tạo ra đẳng cấp là những chuyện không thể tránh khỏi. Chính vì thế mà cần phải có những kỳ thi trung thực để đạt được mức độ công bằng cao nhất.
Dùng quá lâu giải pháp tình thế sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy
Từ một góc nhìn tích cực thì theo giáo sư, điều gì trong giáo dục của chúng ta tạm ổn, có thể tạm duy trì trong khi chưa thể làm một cuộc cách mạng?
Đánh giá một cách khách quan thì học sinh tốt nghiệp THPT của ta không đến nỗi quá tệ so với trình độ học sinh các nước khác, nhưng người tốt nghiệp ĐH của ta tương đối đuối so với người tốt nghiệp ĐH nước ngoài. Đuối cả về kiến thức lẫn tác phong làm việc. Từ nhận xét đó cho thấy vấn đề của giáo dục Việt Nam là giáo dục ĐH chứ không phải ở giáo dục phổ thông. Tất nhiên, phổ thông cũng có vô vàn vấn đề và những ai liên quan đều có cảm giác bất an về giáo dục phổ thông. Nhưng đứng trên tầm quốc gia mà nhìn nhận thì giáo dục ĐH mới là mảng cần nhiều sự thay đổi hơn.
Trong hoạt động chuyên môn, có thể giáo dục phổ thông không quá thua kém các nước khác. Nhưng từ góc độ xã hội thì người dân có rất nhiều bất bình với cách điều hành, cách thức tổ chức hoạt động liên quan tới nhà trường, như dạy thêm, học thêm, lạm thu…
Dạy thêm học thêm, xuất phát từ chỗ người ta nghĩ rằng đó là sáng kiến, là một biện pháp tình thế để giải quyết vấn đề lương cho giáo viên. Lúc đầu, việc dạy thêm tưởng như cũng tốt, giáo viên khi dạy thêm được tăng thêm thu nhập, cha mẹ thấy con được học thêm, thậm chí có người trông con cho mình thêm một thời gian nên cũng hài lòng. Nhưng khi hiện tượng đó trở thành phổ biến, thậm chí biến chất, chẳng hạn các cháu không đi học thêm thì đến lớp học chính không làm được bài kiểm tra… thì chúng ta mới nhận thức được sự tai hại của nó. Đó là cái giá chúng ta phải trả khi chúng ta không giải quyết để thay đổi vấn đề mà ai cũng thấy một cách triệt để mà lại dùng giải pháp tình thế, từ đó nó lại đẻ ra một vấn đề khác và hiện giờ chúng ta không giải quyết được cả hai.
Chính giáo sư và nhiều nhà khoa học từng khẳng định con người là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục, vậy làm thế nào thay đổi nhanh chất lượng con người trong hệ thống giáo dục ĐH?
Nhanh thì không nhanh được, nhưng chắc chắn phải bắt đầu những chính sách với cán bộ trẻ để tạo nguồn lao động cho các trường ĐH một cách thông thoáng hơn, xóa bỏ hoàn toàn tính chất cục bộ địa phương hiện tại cho các trường. Thứ hai, tôi lại quay về vấn đề tự chủ, phải làm sao để các trường ĐH có khả năng định hướng ưu tiên về khoa học của mình. Mỗi một trường phải có một ưu tiên và làm sao để có khả năng hiện thực hóa những ưu tiên đó.
Theo giáo sư, sự hợp tác giữa các trường ĐH trong nước với các nhà khoa học người Việt đang làm việc ở nước ngoài thế nào?
Tôi nghĩ là chưa tốt. Một phần là do việc một người Việt Nam ở nước ngoài có thể tham gia các hoạt động đào tạo, nghiên cứu trong nước cũng không đơn giản. Như trường hợp của tôi, mỗi năm về nước được vài ba tháng, là hiếm, bởi điều kiện làm việc bên Mỹ của tôi cũng khá thoải mái. Còn những người khác, hoặc là họ không có điều kiện thời gian, hoặc là vì hoàn cảnh gia đình… nên việc về nước thường xuyên là khó khăn. Đã vậy, dường như họ cũng không được tạo nhiều điều kiện thuận lợi lắm khi về làm việc trong nước. Ngay cả việc tối thiểu là thanh toán vé máy bay cho họ mỗi lần về làm việc cũng chưa trường ĐH nào làm được. Nhìn chung, tinh thần “hợp tác” hiện nay của các trường ĐH trong nước mới chỉ dừng ở mức độ “khai thác” các nhà khoa học Việt kiều hơn là thể hiện sự hợp tác với họ.
Cảm ơn GS Ngô Bảo Châu.
Theo Quý Hiên
Tiền Phong
GS Ngô Bảo Châu chỉ thẳng điểm tối nhất của Giáo dục Việt Nam
Trước hàng trăm diễn giả, chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước tại chương trình Đối thoại Giáo dục Việt Nam, GS Ngô Bảo Châu đã chỉ thẳng vấn đề rằng "chất lượng chung của các trường ĐH có lẽ là điểm tối nhất trong bức tranh chung của ngành giáo dục Việt Nam".
GS Ngô Bảo Châu chia sẻ với các đại biểu là diễn giả, chuyên gia giáo dục tại chương trình Đối thoại Giáo dục Việt Nam với chủ đề Cải cách Giáo dục Đại học
Thông qua chất và lượng của các bài báo cáo khoa học đăng trên các tạp chí hoặc hội nghị chuyên môn cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa về chất lượng chung của đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu ở các ĐH Việt Nam.
Đáng lo ngại chính là quy trình xây dựng và cải tiến đội ngũ này ở nước ta đi ngược hoàn toàn với giáo dục thế giới. Thực trạng này nếu tiếp diễn không những chất lượng ĐH tiếp tục ì ạch ở thứ hạng thấp mà sẽ còn đi giật lùi so với cả các nước láng giềng đang bước tiến nhanh và vững chắc.
GS Ngô Bảo Châu đã chỉ đích danh một trong những tồn tại khiến các ĐH Việt Nam gặp khó khi xây dựng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu khoa học đạt chất lượng cao chính là thu nhập.
Ở Việt Nam, chế độ thu nhập của cán bộ nghiên cứu, giảng dạy đại học được điều chỉnh bởi những quy định chung về thang lương của công viên chức nhà nước. Lương giảng viên trẻ mới ra trường rất thấp, chính sách hỗ trợ dù có nhưng không giải quyết được căn bản vấn đề.
"Với thang lương hiện tại, mức lương cơ bản của giảng viên đại học không đảm bảo cho họ một mức sống trung lưu cao trong xã hội. Trong khi đó, chính mức sống là điều kiện cần cho một hệ thống giáo dục tốt. Vì nó thể hiện mức độ ưu tiên của xã hội đối với giáo dục ĐH và để nghiên cứu tốt nhà khoa học cần thời gian tư duy tự do chứ không phải mãi lo chuyện "cơm gạo".
Bên cạnh đó, quy trình xây dựng, cải tiến đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu ở các ĐH hiện vẫn là tập trung bồi dưỡng mọi nguồn lực để đưa chính những sinh viên tốt nghiệp của trường mình trở lại làm giảng viên. Trong khi đó các nước phương Tây hạn chế tối đa ứng viên tốt nghiệp từ trường mình. Các trường chỉ ưu tiên tuyển người mình tạo ra nên thiếu sự cạnh tranh của các nguồn khác.
GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh: "Tiêu chí hàng đầu để tuyển dụng giảng viên và giáo sư ĐH là khả năng nghiên cứu khoa học. Chỉ những người "sống và thở" ở tiền tuyến của tri thức nhân loại mới có khả năng hiểu và truyền tải những kiến thức nền tảng và những phát kiến tiên tiến nhất cho lực lượng lao động trí não tương lai". Ngược với thế giới, tiêu chí hàng đầu trong tuyển chọn giảng viên là năng lực nghiên cứu khoa học thì Việt Nam quy trình này nặng tính hành chính.
GS Ngô Bảo Châu trao đổi với bà Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM.
Trước những vấn đề đó, GS Ngô Bảo Châu đề xuất, quy trình tuyển chọn giảng viên ĐH cần có sự thống nhất cho tất cả các trường tiến tới tạo thị trường tuyển dụng thông suốt trong cả nước.
Quyết định của hội đồng tuyển dụng cần được minh bạch hóa, lý lịch tuyển dụng cần được công khai. Lấy việc bổ nhiệm GS làm nhiệm vụ trọng tâm cho việc thực hiện tự chủ khoa học của các trường chứ không phải là một phẩm tước danh dự như hiện nay. Bên cạnh thu nhập thông thường, giảng viên cần có mức thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau nhưng phải rõ ràng, minh bạch.
TS Nguyễn Quân - Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ cũng nhìn nhận rằng cũng cho rằng tỉ trọng nghiên cứu tại Việt Nam lại nghiêng về các viện nghiên cứu chứ không phải các trường. Nhiều năm chúng ta không dành sự quan tâm thích đáng cho các trường trong việc nghiên cứu khoa học.
Con tàu giáo dục ĐH đã được đặt vào đường ray rồi, được cấp nhiên liệu rồi nhưng vì sao vẫn ì ạch. Các hiệu trưởng dù được trao quyền tự chủ nhưng chưa dám thực hiện vì quen nếp sống bao cấp nên chưa mạnh dạn bước vào kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, cũng do cơ chế bao cấp mà các trường dù được trao tự chủ mọi thứ mà chỉ thiếu tài chính không thì không thể thực hiện được.
Lê Phương
Theo Dantri
Thủ tướng tiếp Giáo sư Ngô Bảo Châu và nhóm đối thoại giáo dục "Thách thức trên con đường phát triển và hội nhập với thế giới chỉ có người Việt mới tự giải quyết và chỉ có thể giải quyết bằng bản lĩnh trí tuệ, tri thức..." - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ trong buổi tiếp thân mật Giáo sư Ngô Bảo Châu. Chiều 29/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn...