GS Hồ Ngọc Đại: Cho trẻ đi học chữ trước là rất tệ
Cuộc đời con người có nhiều thứ cần học chứ không phải chỉ có những con chữ. Không nên cho trẻ đi học hè, càng không nên cho trẻ học trước chữ. Hãy để trẻ vui chơi vì với trẻ, vui chơi là hạnh phúc.
Đây là quan điểm của GS Hồ Ngọc Đại, nguyên hiệu trưởng Trường Thực nghiệm HN, hiện đang giữ chức Viện trưởng Viện Công nghệ Giáo dục xung quanh tình trạng các bậc phụ huynh đưa trẻ vào “lò” luyện chữ trước khi bước vào lớp 1 hiện nay.
GS Đại cho rằng không nên cho trẻ đi học hè, việc phụ huynh cho con đi học trước lớp 1 cũng rất tệ, học trước, học thêm là điều rất không nên. Thay vào đó, các bậc phụ huynh, xã hội hãy tạo cho trẻ một môi trường học tập không áp lực, không nhồi nhét, không thầy đọc trò chép.
“Trẻ con học ở trường là hoàn toàn đủ. Cuộc đời còn bao nhiêu thứ nữa chứ đâu phải chỉ mấy chữ. Mùa hè nên cho trẻ chơi. Đó là hạnh phúc của trẻ, đừng cướp mất hạnh phúc đó”- GS Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, “Vậy tại sao nhiều bố mẹ cũng xót con khi thấy trẻ phải học sớm quá nhưng vẫn cho con đi học chữ trước?” GS Hồ Ngọc Đại cho rằng: Vì không học trước thì điểm kém. Mà chẳng phụ huynh nào muốn con mình dốt, con mình kém bạn. Vậy là giữa hai cái tồi tệ (con vất vả và con dốt – PV) các bậc phụ huynh sẽ chọn cái bớt tồi tệ hơn.
GS Đại cũng thẳng thắn bày tỏ, trong những năm qua, tất cả các ngành đều có nhiều thay đổi, riêng giáo dục thì gần như không. Nếu có cũng chỉ là những thay đổi vụn vặt. Đó là cách áp đặt trẻ con học thuộc lòng, học đối phó chứ không thực sự học vì sự thích thú và đam mê. Tất cả tiêu cực từ đó mà ra, trong đó có tình trạng học thêm, dạy thêm và cho trẻ học chữ trước cũng không nằm ngoại lệ.
“Tôi từng nói với phụ huynh ở trường tôi rằng, mỗi đứa trẻ con, khi ở nhà là con của anh chị, đến trường là học trò của tôi. Các anh chị làm việc gì tốt nhất cho trẻ con mà tôi không làm được vì đó là điều có lợi cho trẻ con nhất. Và ngược lại” – GS Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh.
Nguyên lý căn bản của giáo dục là giúp học sinh phải tự tìm hiểu, tự làm. Khi trẻ tự học lấy, tự làm lấy thì sẽ tự tin. Khi trẻ tự tin thì chúng sẽ giàu lòng tự trọng. Một đất nước mà thế hệ tương lai giàu tự trọng thì đất nước ấy sẽ cường thịnh. Tuy nhiên, GS Đại cho rằng, tư duy giáo dục ở nước ta hiện nay chỉ lo trẻ không làm được. Vì thế cần thiết phải đổi mới giáo dục.
“Ở phương pháp cũ ai cũng dạy được, có khi mẹ dạy tốt hơn cô giáo. Nhưng với phương pháp mới của tôi, cũng như việc bỏ chấm điểm, thì ngoài cô giáo không ai làm được hết. Bố mẹ không làm được. Trẻ con chỉ cần học ở trường là đủ. Ra khỏi cổng trường là được chơi với bố mẹ. Việc này chúng tôi đã làm mấy chục năm rồi” – GS Đại nói.
GS Đại cũng ái ngại cho rằng hiện nay từ lớp mẫu giáo cho đến các bậc tiến sĩ dạy đều có phương pháp dạy giống như nhau. Trong khi đó, ở bậc tiểu học có 2 đặc điểm cơ bản, học sinh tiểu học còn nhỏ, còn bố mẹ, ông bà nội ngoại, còn họ hàng… có cả chục người gắn vào học sinh lớp 1. Nếu học sinh lớp 1 hạnh phúc thì cả chục người thân của các cháu hạnh phúc.
Vì thế, một lần nữa GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, không nên “cướp” mất tuổi thơ của trẻ chỉ bằng việc chạy đua với những bạn cùng trang lứa. Để làm được điều này, bên cạnh việc thay đổi tư duy của các bậc phụ huynh thì điều cần thiết là phải thay đổi phương pháp giáo dục. Ở đó, lấy đối tượng học sinh là trung tâm, mục tiêu cuối cùng để học sinh tự làm được mọi việc để tự tin bước vào đời.
Theo N. Huyền (Infonet)