GS Harvard khẳng định: Hàng chục năm qua, thế giới chưa bao giờ tốt đẹp như bây giờ
Năm 2016, xung đột xảy ra khắp nơi trên thế giới, nhưng theo một giáo sư của ĐH Harvard, chúng ta có lý do để lạc quan vào năm 2017.
2016 dường như không phải một năm sáng sủa.
Châu Âu chao đảo với Brexit (Anh tách khỏi EU) cùng hàng loạt những vụ khủng bố ở Đức, Pháp, Bỉ. Trung Đông tiếp tục là điểm nóng kinh hoàng của thế giới. Châu Mỹ thì mắc kẹt với đói nghèo và phân biệt chủng tộc. Tại châu Á, tranh chấp trên biển Đông và Hoa Đông vẫn tiếp diễn bất chấp nỗ lực cứu vãn của các bên. Và các cuộc nội chiến ở châu Phi cũng vậy.
Trong bối cảnh đó, việc ông Donald Trump, một người không có kinh nghiệm chính trị, đắc cử tổng thống Mỹ lại càng khiến thế giới lo ngại về tương lai phía trước.
Video đang HOT
Tuy nhiên, nghiên cứu của giáo sư Steven Pinker của Đại học Harvard (Mỹ) lại chỉ ra điều ngược lại: Thời kỳ của chúng ta ít bất ổn hơn nhiều so với những thập niên trước và vẫn có lý do để hy vọng vào một năm 2017 ổn định hơn.
Những con số nói gì?
Trả lời phóng viên của Vox (Mỹ), ông Pinker cho biết, thế giới đang phát triển hơn về mọi mặt. Các chỉ số về đói nghèo, tỷ lệ tử vong sơ sinh, thất học, bất bình đẳng toàn cầu đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, trong khi sự phổ biến và thành công của vắc xin, phổ cập giáo dục cơ bản, dân chủ đều đang ở mức cao.
Số dân tử vong do chiến tranh tăng từ năm 2011 vì cuộc nội chiến Syria kéo dài, nhưng vẫn thấp hơn thập niên 50 – 80 của thế kỷ trước. Việc Colombia chấm dứt nội chiến vào tháng 9/2016 đã đánh dấu kết thúc tàn dư của thời Chiến tranh Lạnh và cũng là cuộc chiến cuối cùng ở Tây bán cầu.
Thống kê về tỷ lệ tử vong do chiến tranh giữa các nhóm nước, nguồn: WSJ.
Tỷ lệ giết người trên thế giới cũng có xu hướng giảm so với các năm trước. Tại Mỹ, số liệu này thấp hơn nhiều so với những năm 1966-2009. Tại các nước khác, tỷ lệ giết người do khủng bố thấp hơn nhiều so với thập niên 60-70.
Tỷ lệ giết người trên 1 triệu dân tại 1 số nước phát triển năm 2012. Nguồn: Vox. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong bởi khủng bố và chiến tranh cùng năm.
Thế còn những sự kiện bất ổn gần đây?
Ông Pinker cho rằng người dân trên thế giới nên giữ bình tĩnh và nhìn nhận bản chất của từng vấn đề thay vì lo lắng mơ hồ về Chiến tranh Thế giới thứ 3. Chẳng hạn như Brexit sẽ không dẫn đến chiến tranh giữa Anh và Đức hoặc Pháp, hoặc việc Mỹ xích lại gần Nga có thể giảm thiểu nguy cơ về các cuộc xung đột giữa hai bên.
Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, điều mà thế giới lo ngại sẽ lan rộng dưới thời Trump, kỳ thực lại rất khó có khả năng bùng phát sau nhiều thập kỷ chìm lắng chỉ vì Mỹ có tân Tổng thống là Trump. Theo kết quả khảo sát ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, tình trạng kỳ thị tôn giáo và sắc tộc đang giảm đều; ngoài ra, giới trẻ thường ít kỳ thị hơn người già.
Một nghiên cứu rất tỉ mỉ của tác giả Seth Stephens-Davidowitz cũng cho thấy, tìm kiếm trên Google về các chuyện cười cũng như các tổ chức ủng hộ kỳ thị chủng tộc – những chỉ số xác định chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc cá nhân – đang giảm trong những năm gần đây, đặc biệt là ở giới trẻ.
Xét cho cùng, theo ông Pinker, nên đánh giá dựa trên xu hướng, chứ không phải những dòng tít giật gân trên báo chí, hay số liệu từ những tổ chức được tài trợ để gieo rắc sợ hãi và hỗn loạn. Thế giới vẫn có thể hy vọng vào một ngày mai tốt đẹp, ổn định hơn, và nên nỗ lực để xây dựng một tương lai như vậy.
(Theo Soha News)