Grab và tài xế nên chia sẻ thế nào khi bị áp thuế?
Chuyên gia cho rằng các hãng xe công nghệ và tài xế hợp tác với nhau nên dùng khấu trừ là chuẩn xác nhất.
Trước những vấn đề liên quan đến thuế đối với các hãng xe công nghệ, chuyên gia khuyến nghị một giải pháp có thể giải quyết các lấn cấn, bất đồng giữa cơ quan thuế, hãng xe công nghệ và tài xế.
Grab và tài xế trong buổi đối thoại về điều chỉnh mức chiết khấu và liên quan đến áp dụng thuế theo quy định tại Nghị định 126/2020. Ảnh: ĐÀO TRANG
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói rằng: “Hai bên hợp tác với nhau (các hãng xe công nghệ và tài xế – PV) nên dùng khấu trừ là chuẩn xác nhất”.
Hiểu đúng về thuế
. Phóng viên : Thưa ông, vấn đề là hãng xe công nghệ nói lý do họ tăng tỉ lệ khấu trừ đối với tài xế hiện nay là vì Nghị định 126/2020 tăng thuế VAT?
Ông Ngô Trí Long : Chúng ta hiểu rằng VAT là thuế gián thu, do người tiêu dùng (NTD) nộp. Doanh nghiệp (DN) hoặc tổ chức khi bán dịch vụ, hàng hóa sẽ thu và nộp hộ NTD. Đây chính là phần giá trị tăng thêm mà theo pháp luật nó sẽ chiếm từ 3% đến 10%.
VAT có hai cách tính, đó là khấu trừ hoặc trực tiếp. Phương pháp khấu trừ được áp dụng với các tổ chức kinh doanh có hóa đơn, hạch toán rõ ràng. Còn đối với các tổ chức, DN, cá nhân kinh doanh không có hóa đơn, chứng từ thì áp dụng trực tiếp mức thuế VAT là 3% chẳng hạn.
. Đ ó là nói về lý thuyết, vậy những phản ứng của Grab đối với chính sách thuế ông thấy có căn cứ từ thực tiễn hay không?
Thực ra Grab cũng có cái lý của họ. Theo các thông tư trước đây của Bộ Tài chính thì tài xế sử dụng xe cá nhân để kinh doanh cùng với Grab. Đây là một loại hình kinh tế chia sẻ, quyền lợi và nghĩa vụ của Grab và tài xế là ngang nhau. Nguyên tắc là tài sản của DN không sử dụng hết thì chia sẻ cho tài xế tận dụng thông qua công nghệ kết nối.
Những tài xế Grab ấy không phải DN nên họ được khấu trừ trực tiếp ở mức 3% đối với cá nhân kinh doanh, còn Grab là chủ DN thì bị áp thuế 10%.
Còn bây giờ Nghị định 126 đánh thuế 10% trên tổng doanh thu đối với Grab nếu căn cứ theo các hướng dẫn trước đây thì Grab cho là không hợp lý.
. Nhưng rõ ràng thuế có tác động đến giá, cụ thể ở đây là giá của dịch vụ vận tải mà Grab cung cấp, thưa ông?
Video đang HOT
Thuế đúng là yếu tố cấu thành nên giá cả dịch vụ, hàng hóa. Giá của một sản phẩm bao gồm các loại chi phí, thuế… tạo nên. Bởi vậy khi thuế tăng thì giá tăng.
Grab và tài xế là đối tác ngang hàng
. Tuy nhiên, những phản ứng của tài xế đối với Grab cũng có lý lẽ của họ, thưa ông?
Vấn đề mà các tài xế Grab đặt ra là tại sao vừa tăng giá dịch vụ vừa tăng tỉ lệ khấu trừ. Điều đó đã hợp lý hay chưa? Vấn đề này trả lời thấu đáo thì phải căn cứ vào báo cáo tài chính của Grab. Nguyên tắc ở đây là nếu với tỉ lệ khấu trừ được đưa ra mà Grab lãi quá mức thì phải chia sẻ với tài xế nhưng điều đó cũng không phải là cứng nhắc áp đặt mà phải thông qua thỏa thuận.
Grab và tài xế là đối tác ngang hàng, không bên nào chính, bên nào phụ cả, có nghĩa vụ và quyền lợi ngang nhau. Còn nếu bảo Grab phải thực hiện các nghĩa vụ như bảo hiểm chẳng hạn thì lúc này không phải là tài xế liên kết, hợp tác với Grab nữa.
. Còn bên thứ ba là NTD đứng ở đâu trong thỏa thuận nếu có này?
Tôi cho rằng giữa Grab và tài xế nên có sự chia sẻ lợi ích hợp lý hơn để làm sao cho cả khách hàng cũng chấp nhận được.
Thực tế có một nguyên tắc là nếu DN “ăn dày” quá bất bình đẳng về quyền lợi và đối tác có thể “good bye”, không hợp tác nữa. Còn NTD, nếu một dịch vụ như Grab nâng giá quá cao thì khi đó lựa chọn là dùng phương tiện khác có giá cả hợp lý hơn.
Vấn đề ở đây là Grab, tài xế và NTD phải biết chia sẻ lợi ích.
. Cơ quan chức năng, cụ thể là cơ quan thuế, nói Grab được định danh là DN kinh doanh vận tải. Điều này có lý giải được các mâu thuẫn hiện nay không?
Tổng cục Thuế nói căn cứ vào Luật Thuế VAT thì Grab là DN vận tải, phải đóng thuế VAT 10%, hãng be cũng chịu 10% vì từ đầu họ đăng ký là DN kinh doanh vận tải.
Trước đây, Grab và các công ty khác sử dụng ứng dụng gọi xe thì được coi là cấp trung gian, chỉ cung cấp phần mềm. Tuy nhiên, hiện nay những DN này được cho là đã chủ động xác định chính sách giá cước của mình nên họ là DN kinh doanh vận tải. Do đó, chính sách thuế 10% đối với tổng doanh thu là đúng theo quy định. 10% doanh thu không phải là thuế đánh vào NTD.
Điều gì khiến Grab và tài xế “không vui”?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM , một chuyên gia cho rằng việc thu thuế VAT này thật ra cũng tương tự như việc đi ăn nhà hàng trước đây không đóng thuế thì bây giờ phải đóng thuế. Đối với dịch vụ Grab cũng vậy, trước đây NTD chưa phải đóng thuế VAT 10% thì Grab không thu, chỉ có tài xế và Grab phải trả thuế đó thôi.
Trong kết cấu dịch vụ của Grab ở phương diện này có ba đối tượng là khách hàng, tài xế và Grab. Trước đây chỉ có Grab và tài xế chịu thuế. Còn bây giờ việc thu thuế nhắm đến cả ba đối tượng là khách hàng, Grab và tài xế nên việc thu thuế phải căn cứ trên tổng doanh thu Grab vì lý do người sử dụng dịch vụ Grab cũng phải đóng thuế.
Luật sư Trương Thanh Đức thì cho rằng chi phí của các tài xế Grab bỏ ra rất lớn, từ phương tiện, tiền xăng và công sức. Nếu vẫn đánh thuế 10% tổng cuốc xe mà không có các khoản khấu trừ thì thuế này không còn là VAT nữa mà nó giống thuế doanh thu.
Luật sư Đức coi các tài xế Grab là những người nghèo, dễ bị tổn thương và “tự dưng nguồn thu bị giảm đi một khoản thì lý do họ phản ứng cũng là đúng đắn”.
Theo luật sư Đức, cần xem lại chính sách thuế chứ không thể cào bằng. Nếu Nhà nước vẫn áp dụng mức thuế này thì cần có khấu trừ xăng xe và các khoản chi phí khác cho tài xế. Nếu không thể xác định các khoản chi phí này bằng sổ sách, chứng từ thì có thể khoán thuế.
Bởi vì tài xế, như đã nói, có rất nhiều khoản chi và khó có thể khấu trừ chi tiết. Xăng xe, công sức, khấu hao, vé, phí… có thể được tính và giảm cho tài xế ở một mức xác định giống như mức khấu trừ 11 triệu đồng, người phụ thuộc giảm trừ 4,5 triệu đồng của thuế thu nhập cá nhân. CHÂN LUẬN
Bởi vậy Grab cũng như các hãng vận tải ứng dụng công nghệ khác cần phải đưa ra mức giá phù hợp để NTD và tài xế đều có thể chịu được. Đó là lý do tôi cho rằng tài xế và Grab cần phải ngồi lại với nhau, dựa trên nguyên tắc mà các luật thuế đã quy định.
Mà đối với trường hợp cụ thể này, cần phải thảo luận với nhau xem vừa tăng giá vừa tăng khấu trừ có hợp lý hay chưa và phải đi đến thỏa thuận.
. Xin cám ơn ông.
Hiểu đúng việc áp thuế hãng xe công nghệ
Tổng cục Thuế khẳng định Nghị định 126/2020 không làm tăng giá cước nhưng hãng xe công nghệ cho rằng phải tăng để bù thuế VAT, nếu không sẽ thiệt cho tài xế.
Liên quan đến việc điều chỉnh cách tính thuế trong Nghị định 126/2020 (có hiệu lực từ ngày 5-12), ngày 10-12, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), đã có cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.
Thuế tăng vì thay đổi mô hình kinh doanh
Theo bà Phương Lan: Quy định tại Nghị định 126/2020, hình thức tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân (bao gồm cả lĩnh vực taxi công nghệ) thì tổ chức phải có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng (VAT) và xuất hóa đơn trên toàn bộ doanh thu theo quy định về thuế suất và khai thuế của tổ chức. Tổ chức chỉ khấu trừ và khai thay, nộp thay cho cá nhân đối với thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo quy định của pháp luật thuế TNCN, không phân biệt hình thức phân chia khoản tiền thu được giữa tổ chức và cá nhân.
"Thời gian qua, do chưa có hướng dẫn cụ thể về chính sách thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân nên dẫn đến việc thực hiện khai thuế đối với mô hình hãng xe công nghệ không thống nhất, không đúng quy định" - bà Lan nhận định.
Theo bà Lan, Nghị định 126/2020 của Chính phủ là văn bản hướng dẫn về quản lý thuế nên quy định rõ hơn về việc khai thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân. Đây không phải quy định mới về chính sách thuế vaT. Chính sách thuế VAT đối với hoạt động vận tải công cộng không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất thuế VAT 10% như từ trước đến nay.
"Như vậy, quy định mới tại Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế. Tài xế chỉ chịu thuế TNCN 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng. Nghị định 126 không làm tăng giá cước vận tải do chính sách thuế vaT 10% đối với vận tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước đến nay. Do đó, các hãng xe công nghệ phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng như thu nhập của tài xế..." - bà Lan nói.
Tổng cục Thuế cho rằng Nghị định 126/2020 không làm tăng giá cước nhưng hãng xe công nghệ khẳng định phải tăng để bù thuế VAT. Ảnh: HOÀNG GIANG
Về trách nhiệm của hãng xe công nghệ trong việc phải thực hiện khai thuế VAT theo quy định của pháp luật, bà Lan giải thích: Các hãng xe công nghệ được xác định là hoạt động kinh doanh vận tải, không phải là hoạt động kinh doanh công nghệ. Vì thực tế các doanh nghiệp này giữ vai trò quyết định về giá vận tải, quyết định về các chính sách với khách hàng, chịu trách nhiệm giao dịch với khách hàng.
Do đó, các hãng xe công nghệ có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về pháp lý trong mọi lĩnh vực (bao gồm nghĩa vụ thuế) với cơ quan nhà nước, nghĩa vụ với khách hàng và các vấn đề liên quan đến tư pháp (nếu có). Điều này là đúng với bản chất hoạt động kinh tế phát sinh.
"Trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày qua phản ánh một số hãng xe công nghệ cho rằng do tác động của Nghị định 126 dẫn đến Grab tăng giá cước từ 8% đến 18% (đối với từng loại hình dịch vụ và ở từng khu vực khác nhau), đồng thời giảm tỉ lệ chia cho tài xế 7% là không đúng" - bà Lan khẳng định.
Xe công nghệ phải điều chỉnh giá để bù thuế VAT
Về vấn đề này, đại diện Grab cho rằng: Khi Nghị định 126/2020 về quản lý thuế đang dự thảo, doanh nghiệp đã có văn bản gửi ban soạn thảo và Văn phòng Chính phủ. Đơn vị dự báo nếu khai thuế VAT trên tổng doanh thu, giá cước sẽ tăng. Grab và các đối tác phải chịu thêm những gánh nặng về tài chính và chi phí tuân thủ rất lớn.
Cụ thể, theo cơ chế trước đây, với một chuyến xe có cước phí 100.000 đồng, tài xế sẽ nhận được khoản doanh thu là 76.400 đồng (sau khi trừ thuế và phí dịch vụ kết nối). Với quy định tại Nghị định 126, tài xế sẽ chỉ còn nhận được 70.800 đồng (tức là giảm 8% doanh thu của họ).
Để đảm bảo mức thu nhập hiện tại cho tài xế, các doanh nghiệp vận tải sẽ phải tăng cước thêm 8%. Hệ quả là số chuyến xe sẽ bị giảm, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt hại này.
Để đảm bảo hài hòa, Grab đề xuất ban soạn thảo hai phương án: Phương án thứ nhất, giữ nguyên phương pháp tính thuế như hiện hành đối với hoạt động hợp tác kinh doanh của Grab (tức là 3% thuế VAT và 1,5% thuế TNCN trên tổng thu nhập). Phương án hai, áp dụng mức thuế VAT đầu ra 10% đồng thời với quy định cho phép được khấu trừ VAT đầu vào cố định là 7% trên doanh thu.
"Tuy nhiên, cả hai phương án đều không được ban soạn thảo chấp thuận..." - đại diện Grab cho hay.
Grab chưa làm rõ vì sao tăng giá, mức chiết khấu đối với các tài xế Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, Grab vẫn chưa thông tin rõ cho cơ quan thuế về việc tăng giá, tăng mức chiết khấu đối với tài xế do Nghị định 126. Liên quan đến việc Grab tăng giá và mức chiết khấu khiến hàng nghìn tài xế xe công nghệ phản ứng, hôm nay (9/12), Tổng cục Thuế đã có buổi...