Grab gửi công văn lên Thủ tướng về quy định xe hợp đồng 9 chỗ
Grab mong muốn Thủ tướng Chính phủ công tâm xem xét, đánh giá, đặt nguyện vọng và lợi ích của người dân và của nền kinh tế Việt Nam lên hàng đầu.
Grab mong muốn Thủ tướng Chính phủ công tâm xem xét, đánh giá, đặt nguyện vọng và lợi ích của người dân và của nền kinh tế Việt Nam lên hàng đầu.
Ngày 25/10, ông Lim Yen Hock, Giám đốc Công ty TNHH Grab (Grab) cho biết đã gửi công văn đến Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự quan ngại về “Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐCP và trình bày một số ý kiến, vấn đề liên quan đến dự thảo Nghị định.
Cụ thể, công văn nêu rõ với vai trò là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) góp phần đưa ngành vận tải Việt Nam hòa nhập, bắt kịp với làn sóng công nghiệp 4.0, Grab cảm thấy hết sức bất ngờ và quan ngại với những nội dung và quy định trong Dự thảo Nghị định thay thế. Nổi bật, Điều 3.7 quy định: “Hợp đồng vận tải điện tử chỉ áp dụng đối với xe ô tô có sức chứa từ 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) trở lên.”; Điều 3.2 quy định: “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải.
Điều đó có nghĩa là xe ô tô có sức chứa từ 9 chỗ trở xuống sẽ không được áp dụng hợp đồng vận tải điện tử và tất cả các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử sẽ buộc phải trở thành các đơn vị kinh doanh vận tải. Những quy định này không chỉ đi ngược lại chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ về việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) và cải cách thủ tục hành chính mà còn phủ nhận hoàn toàn những lợi ích và kết quả tích cực mà Đề án thí điểm xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã mang lại cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Video đang HOT
Từ những kết quả khách quan không thể phủ nhận của Đề án thí điểm xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử – như đã được các cấp, các ngành minh chứng và công nhận khi tổng kết 2 năm thực hiện thí điểm. Sự ra đời và triển khai Đề án thí điểm đã mở ra một giai đoạn chưa từng có đối với ngành vận tải Việt Nam, mang lại rất nhiều lợi ích và ưu việt cho người tiêu dùng, các đơn vị kinh doanh vận tải, các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối, và cả cơ quan quản lý Nhà nước. Bên cạnh những kết quả hữu hình đã được Bộ GTVT thống kê và tổng kết trong các báo cáo, Đề án thí điểm còn mang nhiều ý nghĩa lớn lao đối với ngành vận tải nói riêng và kinh tế – xã hội Việt Nam nói chung như: Thúc đẩy phát triển thị trường vận tải; Hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước tìm ra những phương án quản lý hữu hiệu trong kỷ nguyên 4.0; Tạo nguồn cảm hứng cho phát triển và ứng dụng KHCN tại Việt Nam, có ý nghĩa lớn đối với Việt Nam 4.0…
Về phía Grab, Công ty đã có cơ hội cung cấp kết nối các dịch vụ thiết yếu hàng ngày cho 20% người dân Việt Nam mỗi tháng, và cung cấp các cơ hội nâng cao thu nhập trực tiếp cho 175.000 đối tác tài xế. Dù là một doanh nghiệp còn non trẻ, Grab luôn nỗ lực hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước, đặc biệt là nghĩa vụ thuế. Số thuế đóng góp của chúng tôi luôn tăng trưởng gấp 3 lần mỗi năm. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018, Grab đã đóng góp 270 tỷ đồng và ước tính sẽ đóng hơn 500 tỷ đồng trong cả năm 2018. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chủ động hỗ trợ các đối tác trong việc kê khai và hoàn thành nghĩa vụ thuế của họ, cũng như hợp tác chặt chẽ với cơ quan thuế địa phương.
Theo ông Lim Yen Hock để tiến tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, không chỉ cần sự chuyển mình của doanh nghiệp, người dân, mà còn cần cả sự mạnh dạn, thấu hiểu cải cách của Chính phủ. Chúng tôi thấu hiểu và thông cảm với những khó khăn của Thủ tướng và Chính phủ trong việc ứng xử, xây dựng những quy định quản lý trong bối cảnh xuất hiện những công nghệ mới, nhân tố mới trên thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tha thiết mong muốn Ngài Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam hãy công tâm xem xét, đánh giá, đặt nguyện vọng và lợi ích của người dân và của nền kinh tế Việt Nam lên hàng đầu, để đưa ra những quyết sách đúng đắn và phù hợp với thời đại. Grab cam kết sẽ luôn sát cánh và hỗ trợ Chính phủ trong việc xây dựng một môi trường pháp lý cởi mở, thuận lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên và với mục đích cuối cùng là phục vụ người dân và xã hội ngày một tốt hơn.
Một lần nữa, chúng tôi vô cùng trân trọng và biết ơn quan điểm cởi mở của Thủ tướng và Chính phủ đối với sự phát triển KHCN tại Việt Nam. Chúng tôi rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Thủ tướng và Chính phủ để có thể đồng hành phát triển cùng các đối tác, mang đến lợi ích ngày một lớn hơn cho người tiêu dùng Việt Nam và cho nền kinh tế, ông Lim Yen Hock nhấn mạnh.
THẮNG KHANG
Theo tapchigiaothong
Vinasun kiện Grab: Grab tiếp tục đề nghị hoãn phiên tòa
Chiều 19/10, phía Grab tiếp tục đề nghị hoãn phiên tòa "Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" với Vinasun.
Tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án dân sự "Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Grab, chiều nay (19/10), diễn ra phần tranh luận giữa hai bên.
Phiên tòa giữa Grab và Vinasun chiều 19/10.
Theo đại diện của Vinasun, từ năm 2016 - 2017 Grab đã tung ra hàng loạt chương trình ưu đãi nhưng lại không gửi thông báo về Sở Thương mại và phía Vinasun đã có nhiều vi bằng. Tuy Grab nói không phải là taxi nhưng phía Vinasun cho rằng đó chỉ là ngụy biện bởi Grab định giá cước vận chuyển, thay đổi giá cước nhiều lần trong ngày, hợp tác xã chỉ là bình phong... Những hoạt động này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Vinasun.
Theo nguyên đơn, Grab còn vi phạm về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng khi không đáp ứng được yêu cầu là: Không có bản chính, bản sao hợp đồng vận chuyển hành khách, loại hình Grabshare vi phạm khi có đến 2 hợp đồng điện tử trên một cuốc xe.
Ngoài ra, phía Grab còn nhiều vi phạm, trong đó có việc triển khai Quyết định 24 trên diện rộng, trực tiếp thưởng phạt tài xế trong khi đây là quyền hạn của doanh nghiệp kinh doanh vận tải, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thuế.
Trong khi đó, phía Grab tiếp tục đề nghị hoãn phiên tòa. Theo Grab, Tòa án không có thẩm quyền giải quyết vụ kiện này và đề nghị Hội đồng xét xử dừng phiên xử để triệu tập Công ty Cửu Long nhằm làm rõ các vấn đề liên quan đến kết quả giám định thiệt hại của Vinasun
Phía Grab khẳng định đã tuân thủ Quyết định 24 và cho rằng Vinasun chưa cung cấp bất kỳ chứng cứ nào chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình. Theo đại diện Grab, Quyết định 24 hoàn toàn cho phép họ xử phạt tài xế vi phạm, còn việc quản lý lái xe, khách hàng, giá cước, hóa đơn là do phía Grab hợp tác với doanh nghiệp kinh doanh vận tải, hợp tác xã để quản lý.
Chủ tòa phiên tòa đánh giá đây là vụ án phức tạp, có nhiều tình tiết cần phải xem xét và đề nghị các bên chuẩn bị các tài liệu chứng cứ cần bổ sung trong các phiên xử tiếp theo.
Phiên tòa xét xử vụ án dân sự "Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa Vinasun và Grab sẽ tiếp tục diễn ra vào sáng thứ Hai, ngày 22/10./.
Hà Khánh
Theo VOV-TPHCM
Thời 4.0: Grab đeo mào taxi, khách lên xe phải cầm theo bút ký hợp đồng? Nếu dự thảo của Bộ GTVT được chấp thuận, tới đây, các hãng taxi công nghệ như Grab, Vato, Fastgo, ABer và sắp tới là Go-Viet,... cũng phải đeo mào và chịu sự quản lý như các hãng taxi truyền thống, chỉ khác ở chỗ tính tiền bằng phần mềm thay vì đồng hồ tính tiền. Không những thế, người dùng còn buộc...