Got Talent – Phi vụ kinh doanh tàn nhẫn?
Giới chỉ trích cho rằng chương trình là phi vụ kinh doanh tàn nhẫn khi dàn dựng một cuộc chơi mà người ta phải đào thải lẫn nhau để giành chiến thắng.
Với mục tiêu giống như tên gọi, Got Talent (tại VN là Tìm kiếm tài năng) là cuộc thi do ông bầu khét tiếng Simon Cowell và nhà sản xuất Paul O’Grady đồng sáng tạo. Phiên bản đầy đủ đầu tiên xuất hiện trên kênh truyền hình NBC của Mỹ vào tháng 6/2006 với tên gọi America’s Got Talent.
Vietnam’s Got Talent đã cho thấy tác động xã hội sau bảy đêm thi được phát sóng
Quyền năng bơm thổi và đào thải
Dù sinh sau đẻ muộn, cuộc thi nhanh chóng đạt được kỷ lục cả về lượng người xem lẫn độ tuổi theo dõi, rút ngắn khoảng cách thành công so với những chương trình nổi tiếng trước đó như Tìm kiếm thần tượng, Bước nhảy hoàn vũ… Vietnam’s Got Talent dù chưa đủ độ nóng khiến những người ứng thí phải xếp hàng chờ nhiều tiếng đồng hồ ở vòng tuyển chọn, giống như các lần tổ chức ở Anh hay Mỹ, nhưng đã cho thấy tác động xã hội sau bảy đêm thi được phát sóng.
Đến nay, Got Talent đã du hành tới màn ảnh nhỏ của trên 40 quốc gia, lãnh thổ với phiên bản được sản xuất cho địa phương. Tiền thưởng cho người thắng giải nhất cũng thay đổi qua từng phiên bản, cao nhất là America’s Got Talent với 1 triệu USD, kế đến là Anh với 780 ngàn USD, Úc gần 300 ngàn USD…Tại VN, tiền thưởng được rao trong mùa đầu tiên là 400 triệu đồng, tức khoảng 20 ngàn USD.
Xét về nguồn gốc, Got Talent kế thừa những luật chơi cơ bản của các trò chơi trên truyền hình trước đó, một thể loại vốn có bề dày lịch sử hơn bảy thập niên trên truyền hình Mỹ. Giống như chương trình Amateur Hour (một trong hai trò chơi đầu tiên xuất hiện năm 1948, khởi đầu là một chương trình phát thanh), nó mang những người vô danh ra trước đám đông để họ lựa chọn người chiến thắng.
Got Talent cũng biết cách tạo những trò hài hước giải trí kết hợp với thi thố tài năng giống như chương trình The Gong Show của nhà sản xuất Chuck Barris hồi thập niên 70 tại Mỹ. Hội đồng giám khảo gồm những người nổi tiếng đuổi những hát dở xuống sân khấu bằng cách gõ vào chiếc cồng lớn.
Ở khía cạnh này, chương trình bị chỉ trích là một phi vụ kinh doanh tàn nhẫn khi dàn dựng một cuộc chơi mà người ta phải đào thải lẫn nhau để giành chiến thắng. Và người chơi phải học cách chấp nhận nó.
Video đang HOT
Nhưng khác với những cuộc thi truyền hình thực tế trước đó, Got Talent mở rộng hơn về lĩnh vực tài năng. Các thí sinh có thể trổ tài ca hát, khiêu vũ, ảo thuật, làm xiếc hay thậm chí cả tấu hài, và những màn trình diễn thuộc dạng “tài vặt” như khả năng huấn luyện chó, dạy chim vẹt nói chuyện.
Got Talent thường bị chỉ trích thiếu sự chuẩn bị tâm lý
cho các thí sinh về những khả năng mà họ phải đối diện
Cuộc vui cần đọc kỹ…cáo buộc
Với quyền năng bơm thổi những con người vô danh trở thành người nổi tiếng trong vòng vài tuần lễ, thậm chí chỉ vài ngày, cuộc thi thường bị chỉ trích thiếu sự chuẩn bị tâm lý cho các thí sinh về những khả năng mà họ phải đối diện. Nhất là khi họ đột nhiên trở thành tâm điểm bình xét của một đám đông rộng lớn và vô hình, bởi tài tăng tỏa sáng và cả bởi sai lầm.
Bài học nhãn tiền nhất có lẽ là sự suy sụp đến mức phải nhập viện ngay sau đêm chung kết của Susan Boyle, 51 tuổi, người phụ nữ dáng vẻ quê mùa, nổi tiếng qua cuộc thi nhờ giọng hát thiên thần. Sau những đêm chiến thắng như thể một câu chuyện cổ tích, bà bị đánh bại bởi nhóm nhảy Diversity trong đêm cuối cùng.
Cũng có nhiều cáo buộc cho rằng nhà sản xuất thường gieo hi vọng vào đầu các thí sinh kém tài, nhằm tối đa hóa hiệu quả (tạo ra) bi kịch khi họ bị ban giám khảo làm bẽ mặt.
Một điểm khác, quan trọng không kém, là các điều khoản trong hợp đồng tham gia chương trình thường theo hướng có lợi cho nhà sản xuất. Theo đó, họ có toàn quyền sử dụng, chọn lọc các hình ảnh đã được ghi từ trường quay theo bất cứ mục đích nào mà họ muốn. Dù mang cái tên truyền hình thực tế, nhưng có thể hiểu đó là “thực tế” theo ý chí của nhà sản xuất.
Nhưng trên tất cả, nếu mọi người chỉ xem chương trình thuần túy là một cuộc vui do truyền hình mang lại, chấp nhận những luật chơi (phải có) của nó và tham gia bằng một cái đầu vô tư, không đặc quánh danh vọng, tiền tài thì có lẽ, sẽ không ai phải “cướp” micro để giãi bày giám khảo “bất công”.
Theo VietNamNet
Ca sĩ - nghề đổi đời?
Mong ước một cuộc đời sung túc, đầm ấm và nhung lụa, luôn là một mong ước chính đáng.
Trừ con đường lấy chồng (hoặc vợ) là đại gia thì mong ước đó chắc chỉ có thể đến được bằng sức lao động, bằng lựa chọn nghề nghiệp với sự không giấu giếm tham vọng cũng như toan tính. Điều đó suy cho cùng cũng chẳng đáng trách. Ca sĩ là một nghề như vậy, tức là nghề đang được nhiều người mong-muốn-được-là nhất hiện nay.
Nếu có tài năng, sẽ càng tuyệt hơn nếu có một ngoại hình "bốc lửa" và thêm một chút may mắn nữa thì con đường đó sẽ chẳng mấy khó khăn để thành công. Tất nhiên, những ai thiếu cái này thừa cái kia hoặc "chưa hội tụ" được những điều đó thì những cuộc thi, tìm kiếm tài năng âm nhạc gần như là con thuyền duy nhất đưa họ chạm được đến với "lãnh địa của ước mơ".
Dù mới chỉ là chạm được đến (chứ chưa nói là có thành hiện thực hay không) thì với những người trẻ (có chút đam mê) thì cũng là một sự thành công vược bậc rồi. Vạn sự khởi đầu nan mà.
Trong ảnh: Ngôi sao nhạc nhẹ Mỹ Tâm
Chẳng thế mà các cuộc thi, các cuộc tìm kiếm tài năng âm nhạc vẫn "nở rộ" như "lá rụng mùa thu" như hiện nay, khi mà ngôi sao của giải này chưa kịp để khán giả nhớ tên thì đã có một cuộc thi khác đã bắt đầu để tìm kiếm một "tài năng" na ná như vậy. Càng nhiều sân chơi càng dày ước mơ, cứ thể hiện đi, ít nhiều rồi cũng sẽ có lúc được để ý - có lẽ đó cũng là tâm lí chung hiện nay.
"Thầy già con hát trẻ" là câu cửa miệng nên càng dễ hiểu khi sự cố gắng có-được-điều-gì-đó của các bạn trẻ ngày càng rốt ráo hơn. Cũng chẳng đáng để chê trách nếu đó là đam mê thực sự để "được là", còn nếu đó là tâm lí "phải là" thì có lẽ cũng còn rất nhiều cách để phải cân nhắc lại.
Nghề nào thì cũng có sự bạc bẽo, đào thải khắc nghiệt của nó. Với các nghề thiên về năng khiếu như ca hát thì càng dữ dội hơn.
Thi ca hát - bệ phóng cho những ước mơ
Ngoài giọng ca thiên phú, thì việc tìm bệ phóng cho ước mơ của mình là một yếu quyết bất thành văn mà bất cứ ai muốn thành ca sĩ nổi tiếng đều thấu hiểu. Đó cũng là lí do mà các cuộc thi ca hát nở rộ mỗi năm trên khắp thế giới.
Ai cũng có thể thành công và nổi tiếng, chỉ cần bạn có tài năng. Đó là tiêu chí của phần lớn các cuộc thi hát hiện nay. Những người mê ca hát trên toàn thế giới mỗi năm đều chờ đợi thời khắc được tham dự, và tỏa sáng trong các cuộc thi danh tiếng. Không phân biệt tuổi tác sang hèn, cơ hội chia đều cho tất cả mọi người. Jordin Sparks đã đăng quang American Idol năm 17 tuổi, hay Jackie Evancho đạt Á quân America's Got Talent khi mới 10 tuổi.
Tại đêm chung kết China's Got Talent 2010, chàng trai trẻ đã mất hai cánh tay Lưu Vỹ đã khiến tất cả khán giả đứng dậy hoan nghênh anh khi vừa dùng chân đệm piano, vừa hát ca khúc "You' re Beautiful". Chiến thắng của anh gợi nhớ lại hình ảnh Susan Boyle đã khiến cả thế giới lặng đi khi cất vang tiếng hát thánh thót tại Britain's Got Talent.
Có một quy luật bất thành văn đối với bất cứ ai muốn trở thành ca sĩ nổi tiếng: đó là tham gia các cuộc thi ca nhạc, từ cấp thành phố tới có tiếng tăm. Trên thực tế, hầu hết các ca sĩ nổi danh đều từng ít nhất một lần đi thi hát như Kelly Clarkson, Carrie Underwood, David Cook...
Các cuộc thi hát thu hút rất nhiều khán giả, bởi những câu chuyện bất ngờ trong nhiều kì thi trước đó. Từ giọng ca nam giống diva Whitney Houston đến kinh ngạc Lin Yu Chun của Đài Loan đến cụ bà 81 tuổi với giọng hát khỏe khoắn Janey Cutler,... tất cả đều đem đến sự chú ý nhất định.
Trong suốt quá trình dự thi, từ khi sàng lọc vòng loại đến lúc được các chuyên gia rèn giũa giọng hát, vũ đạo, trang phục, diễn xuất... hình ảnh của các thí sinh được phủ sóng khắp các phương tiện truyền thông. Đây là cách nhanh nhất để để giọng hát của bạn đến được với số đông khán giả yêu nhạc.
Có cả ngày riêng (Singer's Day) dành cho giới ca sĩ VN
Không chỉ được lợi về tiếng tăm, các thí sinh tham gia những cuộc thi danh tiếng đều được các nhà sản xuất chú ý tới. Những người chưa may mắn thì vẫn có nhiều cơ hội phát triển, bởi bạn đã được xuất hiện trên truyền hình, đã chứng tỏ được bản thân. Còn những người chiến thắng thì con đường âm nhạc rộng mở. Phát hành album, thực hiện các tour diễn dài ngày, cộng tác với các công ty âm nhạc lớn...là hiển nhiên.
Bệ phóng American Idol đã đưa sự nghiệp âm nhạc của Carrie Underwood lên như diều gặp gió khi album nhạc đồng quê đầu tiên Some Hearts bán được tới 7 triệu bản và tới nay cô đã 4 lần đoạt giải Grammy. Còn album đầu tay I Dream A Dream của hiện tượng của Britain's Got Talent - Susan Boyle đã được vinh danh là album bán chạy nhất thế giới năm 2009 với 8,3 triệu bản.
Sẽ không ngoa nếu nói rằng các cuộc thi hát là bệ phóng ước mơ cho những người có tài năng và đam mê ca hát. Tuy nhiên, không phải con đường nào cũng trải hoa hồng. Rất nhiều gương mặt ấn tượng tại các cuộc thi sau đó đã "im thin thít và lặn mất tăm" bởi nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan.
Làng âm nhạc có những quy luật đào thải khăc nghiệt của riêng nó mà sự thành công ở một cuộc thi tài năng không phải là cây đũa thần. Đó chỉ là sự khởi đầu hoàn hảo. Để trở nên nổi tiếng thì điều cốt yếu vẫn là sự nỗ lực của bản thân.
Theo Sành Điệu, Bee
Giọng ca Opera 10 tuổi gây sửng sốt nước Mỹ ký hợp đồng lớn Mặc dù chỉ giành ngôi vị á quân trong đêm chung cuộc America's Got Talent năm nay nhưng Jackie Evancho, cô bé 10 tuổi sở hữu chất giọng opera điêu luyện đến kinh ngạc đã kịp trở thành một hiện tượng âm nhạc và dành được cảm tình của hàng triệu thính giả trên thế giới. Và giờ đây, có lẽ con đường...