Got It ra mắt nền tảng chia sẻ kiến thức dạng dịch vụ
Với nền tảng này, người dùng có thể kết nối với chuyên gia trên mọi lĩnh vực để giải đáp thắc mắc. Nó giống như một công cụ tìm kiếm nâng cao, đem đến kết quả tìm kiếm chất lượng.
Got It – startup tại thung lũng Silicon do kỹ sư người Việt Nam là Hùng Trần sáng lập – vừa công bố nền tảng chia sẻ kiến thức dạng dịch vụ (Knowledge as a Service – KaaS) theo yêu cầu đầu tiên trên thế giới.
Với nền tảng này, người dùng có thể tương tác với các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau để giải đáp thắc mắc của cá nhân, doanh nghiệp. Trước đó, Got It cung cấp dịch vụ tương tự nhưng chỉ dành cho học sinh, sinh viên với các môn học như toán, lý, hóa. Ứng dụng GotIt! từng có thời điểm đứng top 2 ứng dụng giáo dục trên App Store tại Mỹ.
Quy trình cung cấp dịch vụ của Got It dựa trên nền tảng KaaS.
Với nền tảng KaaS, startup này cho biết sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cung cấp các “đơn vị kiến thức” bằng cách kết nối người dùng với chuyên gia được xếp hạng dựa trên ExpertRank. Các chuyên gia này sẽ phải đấu giá theo thời gian thực để giải quyết vấn đề người dùng gặp phải và AI sẽ quyết định ai là người thắng cuộc để có một phiên đối thoại trực tuyến với người dùng. Tất nhiên, việc này chỉ diễn ra trong vài giây.
Trong số 250.000 người đăng ký, có hơn 12.000 người vượt qua quá trình kiểm tra và thẩm định của Got It để trở thành chuyên gia với ExpertRank hợp lệ. Nhóm chuyên gia này đến từ hơn 70 quốc gia với nhiều nghề nghiệp khác nhau. Hơn một nửa trong số này coi Got It là nguồn thu nhập chính.
Hiện tại, Got It đã cho ra mắt 2 dịch vụ dựa trên nền tảng Kaas gồm Got It Pro hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp sử dụng Microsoft Excel và Google Sheets với giá từ 3,99 đến 5,99 USD cho mỗi lần hỗ trợ. Trong khi đó, Got It Study hỗ trợ học sinh, sinh viên các môn toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học với giá 0,99 đến 3,99 USD cho mỗi lần hỗ trợ.
“Sử dụng công cụ tìm kiếm có thể giúp tìm được thông tin nhanh chóng nhưng kết quả nhận được thường không được cá nhân hóa một cách chính xác cho vấn đề cụ thể của người dùng. Việc đọc qua hết các kết quả cũng tốn nhiều thời gian”, ông Peter Relan – đồng sáng lập và chủ tịch Got It lý giải cho sự ra đời của Kaas.
Trước đó, đồng sáng lập Hùng Trần từng chia sẻ về tham vọng biến Got It thành một dịch vụ kiến thức trực tuyến mà ở đó, mọi thắc mắc của người dùng đều được giải đáp bởi các chuyên gia trong vòng 10 phút.
Từ thời điểm phát hành ứng dụng, Got It đã có hơn 1,5 triệu người dùng trên iOS, 300.000 người dùng trên Android.
Video đang HOT
Thành Duy
Theo Zing
Gọi xe máy qua ứng dụng nở rộ tại Đông Nam Á
Tại những thị trường như Indonesia, Việt Nam, dịch vụ đặt xe như GrabBike tỏ ra phù hợp nhờ tính linh động và mức giá rẻ.
"Trong thời tiết nóng và ẩm ướt, tôi bị chết gí trong chiếc xe khoảng gần một giờ đồng hồ vì taxi không thể thoát khỏi khu vực tắc đường từ sân bay về khách sạn ở Jakarta. Khoảng một giờ 40 phút sau, tôi cuối cùng đã vượt qua 32 km để về được khách sạn", Aloyslus Low - biên tập viên của Cnet - chia sẻ về chuyến thăm Indonesia gần nhất.
"Tôi mất một khoảng thời gian tương tự để bay khoảng cách 900 km từ Singapore đến thủ đô Indonesia, bao gồm cả thời gian làm thủ tục nhập cảnh", Low cho biết thêm.
Jakarta là một trong những thành phố có giao thông tệ nhất thế giới. Nếu người Mỹ coi giao thông tại Los Angeles là tệ hại, nó vẫn không là gì so với những nơi như Bangkok hay Mexico City, càng không thể so với Jakarta, theo nghiên cứu của Castrol.
Tình trạng giao thông tệ hại này mở ra cơ hội cho các dịch vụ chia sẻ phương tiện. Đối thủ của Uber tại Indonesia là Grab đã tận dụng lợi thế địa phương với dịch vụ "xe ôm" có tên gọi ojek.
Luôn có những con đường tắt mà chỉ người đi xe máy mới sử dụng được. Ảnh: Cnet.
Nhanh chóng và tiện lợi, GrabBike vượt qua các chướng ngại, len lỏi giữa những hàng dài ôtô để đưa khách đến đích một cách nhanh chóng. Một lái xe Grab nói nếu đi xe hơi mất một giờ, họ chỉ mất 15 phút để đến nơi.
Giá của dịch vụ này cũng siêu rẻ so với chuẩn phương Tây. Với quãng đường 8 km, khách phải bỏ ra 12.000 rupiah (chưa đến 1 USD). Một lái xe chăm chỉ có thể kiếm khoảng 525 USD/tháng nhờ GrabBike, cao gấp đôi so với thu nhập bình quân tại Jakarta.
Grab - mở cửa dịch vụ chia sẻ xe máy từ tháng 5/2015 - không phải đơn vị duy nhất cung cấp dịch vụ tương tự. Họ phải cạnh tranh với startup có tên Go-Jek (cung cấp dịch vụ từ 1/2015) và Uber với UberMotor (tháng 4/2016). Cả 3 dịch vụ này nhắm đến các chủ xe máy để vận hành, với con số ước tính khoảng 77 triệu (năm 2012).
Hiện không rõ công ty nào nắm thị phần lớn nhất. Go-Jek cho biết họ chiếm 60% thị phần thị trường chia sẻ môtô và ôtô. Grab cũng đưa ra con số tương tự với 50% thị phần trong khi Uber từ chối bình luận.
GrabBike không chỉ xuất hiện tại Jakarta. Họ cung cấp dịch vụ ở Bali, 2 thành phố lớn của Việt Nam và sẽ sớm có mặt tại Bangkok.
Đối thủ của Uber có kế hoạch lớn cho thị trường Đông Nam Á, một trong số đó là mở 2 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Ấn Độ và Việt Nam. Go-Jek, trong khi đó, chưa có kế hoạch mở rộng mạng lưới. Họ muốn tập trung vào thị trường nội địa, cũng là thị trường lớn nhất Đông Nam Á.
Có đủ an toàn?
Jakarta không phải nơi an toàn để đi xe máy. Lề đường thường trở thành một làn đường riêng cho những lái xe thiếu kiên nhẫn. Mặc dù tỷ lệ tai nạn giao thông giảm, vẫn có khoảng 7.400 vụ tai nạn làm gần 700 người thiệt mạng, theo số liệu của cảnh sát giao thông Jakarta năm 2016.
Tuy nhiên, nếu ở nội thành Jakarta và muốn di chuyển nhanh chóng, xe máy là giải pháp nhanh nhất, rẻ nhất và dễ dàng nhất.
"Thư giãn và đặt tay lên đùi của bạn", tài xế GrabBike nói với Low khi cảm nhận thấy sự e ngại của anh này.
Tài xế đỗ xe tại trung tâm huấn luyện của Grab để chờ thi sát hạch. Ảnh: Cnet.
Trước khi trở thành tài xế của GrabBike, họ phải tham dự một buổi thuyết trình dạy cách sử dụng ứng dụng cũng như vượt qua các bài kiểm tra về lái xe an toàn.
GrabBike cho biết lái xe được yêu cầu không vượt quá tốc độ 60 km/h. Họ sẽ bị nhắc nhở nếu vượt quá tốc độ này.
Với Go-Jek, quy trình tuyển lái xe có nhiều điểm tương đồng.
Mặc dù vậy, tai nạn là điều không thể tránh khỏi. Grab từ chối tiết lộ con số cụ thể nhưng khẳng định tỷ lệ tai nạn giảm khoảng 10% mỗi tháng kể từ khi họ giới thiệu quy trình chuẩn vào tháng 3/2016. Tốc độ của các tài xế cũng giảm 35% sau khi ứng dụng có tính năng theo dõi tốc độ.
Công việc chính
Giống như cách Uber tạo ra công việc mới cho các tài xế xe hơi, trở thành một ojek hiện khá dễ dàng.
Với Nurhayati - bà mẹ 2 con, đây là công việc mang đến sự linh động. Chị này từng làm trợ lý tại một ngân hàng nhưng đã bỏ việc để theo nghiệp tài xế trong một năm rưỡi qua. Chị muốn dành nhiều thời gian hơn cho con mình.
Nurhayati là một trong số ít những tài xế nữ kiếm sống bằng GrabBike. Ảnh: Cnet.
Là một lái xe chăm chỉ, chị từng có thời điểm thực hiện 28 chuyến một ngày nhưng hiện tại, số lượng chỉ còn khoảng 10 chuyến.
"Tôi không thực sự quan tâm đến các chế độ cho người lao động. Tôi vui vì trước hết tôi có thể dành nhiều thời gian hơn cho con mình", chị nói.
Với hơn 80% lái xe của GrabBike là nam, Nurhayati là một trong số ít nữ lái xe trong đội xe của Grab ở quốc gia chủ yếu theo đạo Hồi. Nurhayati tỏ ra không hề e ngại khi nói về công việc của mình. Cô cũng không sợ tai nạn nhưng không lái xe quá muộn vì những vụ cướp đêm có thể xảy ra.
Thành Duy
Theo Zing
GotIt! 'tuyển quân' rầm rộ tại Việt Nam Đại diện hãng khởi nghiệp tại thung lũng Silicon cho biết, họ muốn tuyển khoảng 10.000 chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam. Đại diện của GotIt! vừa công bố kế hoạch tuyển dụng khoảng 10.000 chuyên gia tại Việt Nam, phục cho cho việc mở rộng quy mô phát triển ứng dụng của họ. "Thời gian qua, chúng tôi...