Gợi ý mâm cơm chay đơn giản cúng Rằm
Những món chay vô cùng thơm ngon, hấp dẫn, dễ làm chắc chắn sẽ khiến những tín đồ chay mê mẩn.
Canh nấm, miến trộn, nem rau củ, bì cuốn chay, chè trôi nước là những món ăn chay ngon miệng và rất phổ biến. Rằm tháng Giêng sắp đến, còn gì bằng khi bạn tự tay làm những món này dâng lên tổ tiên để thể hiện tấm lòng hiếu thảo và tận tâm? Cách làm mâm cơm chay cúng Rằm tháng Giêng không khó.
CANH NẤM
Nguyên liệu:
- 50g nấm hương, 50g nấm tuyết
- 1 củ su hào, 1 củ cà rốt, vài nhánh rau mùi
- hạt nêm chay, muối trắng, tiêu xay
Cách làm:
- Nấm hương, nấm tuyết ngâm nước ấm cho nở rồi cắt gốc, rửa lại bằng nước lạnh.
- Su hào, cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái quân cờ hoặc tỉa hoa tuỳ thích.
- Cho nấm hương, cà rốt, su hào vào nấu cùng lúc, nêm muối và hạt nêm chay. Khi rau củ gần chín thì cho nấm tuyết vào đun thêm 3-5 phút, nấm tuyết chín tới thì tắt bếp, cho mì chính vào khuấy đều. Múc canh ra bát, rắc rau mùi và hạt tiêu.
MIẾN TRỘN
Nguyên liệu:
- 250g miến
- 5 tai nấm mèo
- 50g đậu phụ trắng
- 1 củ cà rốt
- 1 thìa canh lạc rang giã nhỏ
Cách làm:
- Nấm mèo ngâm nước ấm cho nở rồi cắt gốc, rửa lại bằng nước lạnh sau đó thái chỉ.
- Vo sạch miến trong nước lạnh. Bắc nồi nước lên bếp đun sôi rồi tắt lửa, cho miến vào ngâm khoảng 3-5 phút. Tuỳ từng loại miến mà thời gian ngâm khác nhau, khi miến nở vừa tới (chín nhưng không quá mềm) thì đổ miến ra rổ, rửa qua nước lọc rồi dùng đũa xóc đến khi ráo nước miến sẽ tơi ngon. Dùng kéo cắt miến thành đoạn 10cm.
- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, bào sợi.
Video đang HOT
- Đậu phụ cắt lát mỏng, rán vàng rồi dùng kéo cắt chỉ.
- Bắc chảo lên bếp, cho cà rốt, nấm mèo vào xào, thêm tí nước lạnh để không cháy chảo, nêm muối, đường vừa ăn. Nấm và cà rốt vừa chín tới thì tắt bếp, cho mì chính vào đảo đều rồi cho miến vào dùng đũa xóc đều.
- Gắp miến trộn ra đĩa, rải đậu phụ bên trên, sau cùng là lạc rang và rau thơm.
* Với cách làm này đĩa miến trộn của bạn sẽ tơi ngon, không bị dính, gia vị được nêm vào rau xào sẽ ngấm qua cho miến có độ mặn vừa phải, người có khẩu vị mặn có chan thêm nước chấm chay chua ngọt hoặc xì dầu.
NEM RAU CỦ
Nguyên liệu:
- 1 củ cà rốt, 1 củ khoai tây, 1 củ khoai lang
- 3 tai nấm mèo, 10 cái nấm hương
- 50g miến khô
- 1 tập bánh đa đậu xanh
- 1 thìa cà phê bơ thực vật
Cách làm:
- Cà rốt, khoai tây, khoai lang gọt vỏ, rửa sạch, bào nhỏ.
- Nấm tai mèo, nấm hương, ngâm nở, cắt gốc, rửa sạch, thái chỉ.
- Miến ngâm nước lạnh vài phút cho mềm rồi cắt khúc 3cm.
- Cho tất cả nguyên liệu vào thố, nêm muối, đường, mì chính theo khẩu vị gia đình, đeo găng tay nilon vào trộn đều các thứ. Ướp 15 phút rồi cuốn nem bằng bánh đa đậu xanh.
- Bắc chảo dầu lên bếp, cho thêm 1 thìa cà phê bơ thực vật để tạo hương thơm và nem có màu vàng đẹp. Rán nem trong lửa liu riu, khi nem chín giòn thì vớt ra, dựng nem đứng trong bát tô có lót giấy thấm dầu.
* Nem rau củ chay làm theo cách này sẽ giòn lâu và thơm nức mùi bơ, dậy mùi nấm hương, bùi vị khoai, chấm nước chấm chay chua ngọt nữa thì ngon tuyệt. Món nem rau củ này sẽ làm mâm cơm chay cúng Rằm tháng Giêng thêm hấp dẫn.
BÌ CUỐN CHAY
Nguyên liệu:
- 50g đậu phụ trắng; 50g khoai tây; 50g khoai lang; 50g miến khô; xà lách, rau thơm; bánh đa nem; 1/3 bát gạo
Cách làm:
- Xà lách, rau thơm rửa sạch, để ráo.
- Đậu phụ, khoai tây, khoai lang thái lát mỏng, rán vàng rồi dùng kéo cắt chỉ.
- Gạo vo sạch, rải ráo nước rồi cho vào chảo rang vàng, giã nhuyễn để làm thính trộn bì.
- Vo sạch miến trong nước lạnh. Bắc nồi nước lên bếp đun sôi rồi tắt lửa, cho miến vào ngâm khoảng 3-5 phút, miến nở vừa tới thì đổ ra rổ, rửa qua nước lọc rồi dùng đũa xóc đến khi ráo nước, dùng kéo cắt đoạn 3cm.
- Cho miến, khoai, đậu phụ vào thố, rải thính bên trên, trộn qua một lượt cho miến tơi rồi nêm đường, muối vừa ăn, trộn lần nữa cho đều.
- Trải bánh đa ra đĩa, xếp rau và bì trộn lên trên rồi cuốn lại.
* Bì cuốn chay béo bùi vị khoai và đậu phụ rán được dùng kèm nước chấm chay chua ngọt có cà rốt, su hào ngon tuyệt, ăn mãi không chán.
CÁCH PHA NƯỚC CHẤM CHAY CHUA NGỌT
- Cà rốt, su hào gọt vỏ, rửa sạch, bài lát cực mỏng. Pha 1/2 thìa cà phê muối trắng với 300ml nước lọc, ngâm cà rốt và su hào vào nước muối đến khi cần dùng.
- Cho 20g đường vào chảo, thắng đường đến khi đạt màu vàng cánh gián thì đổ 1 bát con nước lọc vào, đun cho tan đường rồi tắt bếp. Nêm thêm đường, muối, mì chính, nước cốt chanh vừa ăn rồi cho cà rốt, su hào vào.
* Với cách làm nước chấm chay này bạn sẽ có những bát nước chấm trong vắt đẹp màu, có vị ngon như nước mắm mặn mà lại không nặng mùi như nước mắm, bảo đảm ai ăn cũng sẽ thích.
CHÈ TRÔI NƯỚC KHOAI TÍM
Nguyên liệu:
- 2 – 3 củ khoai lang tím; 200g bột gạo nếp; 1/4 bát nhỏ đường nâu; 1 nhánh gừng; vừng rang thơm; Đỗ xanh: 200g
Cách làm:
- Khoai lang tím rửa sạch, hấp hoặc luộc chín, tán nhuyễn.
- Trộn khoai lang và bột gạo nếp vào với nhau, vì khoai lang đã ngọt bạn không cần thêm đường, từ từ đổ nước ấm tầm 60 độ C vào.
- Vừa đổ nước vừa dùng tay nhồi đến khi khoai mịn dẻo, đậy kín ủ khoảng 30 phút để bột nở, tùy theo độ hút nước khác nhau của mỗi loại bột mà bạn điều chỉnh lượng nước cho phù hợp.
- Đỗ xanh đãi qua nhiều lần nước cho sạch, hấp chín đỗ, dùng muôi cán mịn hay dùng máy xay, xay đỗ thật mịn với đường cát trắng tùy theo độ ngọt bạn thích.
- Chia bột nếp thành từng phần bằng nhau và viên tròn.
- Đỗ xanh cũng viên tròn nhưng viên nhỏ bằng viên bột nếp.
- Ấn dẹt phần bột ra lòng bàn tay, đặt nhân đỗ xanh vào giữa viên tròn lại. Lần lượt làm như vậy cho đến hết phần nguyên liệu.
- Đun 1 nồi nước sôi, khi nước sôi thả từng viên chè trôi vào đun sôi đến khi viên chè trôi nổi lên, vớt ra bát.
- Ở 1 nồi khác bạn pha khoảng 2-3 bát con nước cùng đường nâu và vài lát gừng cắt mỏng đun sôi rồi thả chè trôi vào đun khoảng 3-4 phút cho phần nước ngấm vào từng viên chè.
- Tắt bếp chút chè ra bát thêm ít vừng rang thơm lên trên.
Mâm cơm chay cúng Rằm tháng Giêng cũng không cần quá cầu kì, nhiều món, cái này cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện mỗi gia đình.
Theo Bếp Nàng Thơ
Khám phá
Thanh đạm món chay từ nấm rơm
Ngày còn ở quê, sau mỗi mùa gặt, tôi thích nhất là được ăn những món ngon mẹ nấu từ nấm rơm vườn nhà. Đó là những búp nấm còn vương mùi ruộng đồng, rơm rạ, thơm ngai ngái, dùng cho món mặn hay món chay đều ngon.
Không giống như câu "nấm mọc sau mưa", nấm rơm lại ưng trời nắng, trời mà đổ mưa hay lạnh giá là nấm mọc rất èo uột, dễ chết. Đó là trồng theo kiểu nhà ăn đơn giản, còn nếu trồng bán thì có kỹ thuật, mùa nào nấm cũng sống được.
Nhà tôi hồi đó còn làm ruộng, mỗi lần gặt lúa xong là rơm rạ chất đống, mẹ tôi sẽ giậm rạ để trồng nấm. Nấm trồng kiểu này mới hái được nhiều để ăn, còn thứ nấm mọc tự nhiên dưới cây rơm mục, hay có vào mùa mưa, ngon thì rất ngon nhưng không nhiều.
Mẹ tôi trồng nấm rơm để ăn chứ không trồng bán nên cách làm cũng đơn giản, thủ công, chủ yếu là quen tay. Sau mùa gặt, mẹ nhổ rạ về bó lại, chọn nơi khuất gió xếp rạ thành luống, tưới nước cho mềm, dùng chân giậm cho dẽ chặt. Chọn meo nấm tốt rắc lên rạ rồi rải thêm một lớp rạ nữa, giậm đều.
Khoảng 3 ngày sau thì đem rơm ra đậy lên rạ, đốt rơm rồi tưới nước lên, đậy tiếp một lớp rơm nữa, tưới nước mỗi ngày, khoảng hơn 10 ngày sau thì có nấm.
Để nấm ngon, rơm làm nấm phải là rơm tốt, không bị mốc, mục. Hái nấm rơm cũng phải canh chừng, hái sớm thì nấm còn nhỏ quá, hái trễ là nấm nở bung. Nấm rơm mà để nở xòe như cây dù thì ăn bị dai, hết ngọt.
Nấm rơm nhà trồng bao giờ cũng là nấm rất sạch, không thuốc trừ sâu, không hóa chất. Loại nấm này ngọt lắm, khi nấu món chay, nấm vừa là rau vừa có thể thay thịt, cá, ngon mà lại ít chất béo, nên ăn nhiều vẫn không thấy ngán.
Tôi nhớ ngày còn nhỏ, những hôm rằm nếu vào mùa nấm, mẹ thường cho cả nhà ăn chay với thực đơn nấm, có đủ các món canh, mặn, xào. Dù cũng chỉ là những nguyên liệu đơn giản, nhưng với tài chế biến khéo léo của mẹ, bữa cơm từ nấm không bao giờ đơn điệu.
Như với nấm kho, mẹ có nhiều cách kho, hôm thì kho tiêu, kho chao, kho gừng, bữa thì kho với khổ qua, đậu hũ, bắp non, măng, mít non hoặc cho tất cả rau củ vào kho thập cẩm. Mẹ tôi lại chuộng nồi đất, kho gì cũng bằng nồi này, món kho của mẹ không cần thịt, cá gì cả, chỉ ăn với cơm trắng thôi cũng ngon.
Món canh chay cũng vậy, nấm rơm nấu được với nhiều loại rau. Những ngày nóng, mẹ hay giải nhiệt cho cả nhà bằng nồi canh nấm nấu với rau trái vườn nhà, khi thì mướp, mồng tơi, rau dền, khi thì bù ngót. Đó là những hôm mẹ ở nhà, nếu mẹ đi chợ thì tô canh sẽ có thêm những nguyên liệu khác, như đậu hũ trắng, cà rốt, đậu Hà Lan, hạt sen, nấm kim châm, nấm đông cô...
Ngày thường ăn đơn giản thì canh nấm nấu với rau là đã ngon, nhưng nếu cuối tuần nấu lẩu chay thì mẹ thường cho nhiều loại rau củ vào nấu cùng để ngọt nước dùng. Lẩu chay của mẹ cũng rất phong phú, hôm nào nóng bức thì mẹ nấu lẩu ngọt, những ngày mưa thì có lẩu chua cay, ăn đến đâu ấm bụng đến đấy.
Với món xào, thực đơn chay từ nấm rơm tuy không phong phú bằng món mặn, nhưng cũng có nhiều món "bắt cơm". Cho những bữa trưa đơn giản, mẹ thường hay xào nấm rơm với sả ớt, tuy đơn giản nhưng rất ngon vì nhà tôi ai cũng thích ăn cay.
Nấm xào dễ làm lắm, chỉ cần băm nhuyễn sả ớt, phi thơm với dầu ăn sau đó cho nấm vào xào chín, nêm nếm vừa ăn là được. Nếu không thích xào không, có thể xào chung với đậu hũ, bắp cải, đậu rồng... hoặc lăn bột chiên giòn.
Với tất cả các món, trước khi nấu mẹ đều sơ chế nấm rất kỹ, gọt bỏ chân nấm, ngâm nước muối loãng sau đó rửa sạch lại, nếu là món xào thì chần sơ cho hết mùi hăng (chỉ với nấm búp vì nấm nở sẽ bị nát).
Ngoài những món ăn với cơm, thỉnh thoảng mẹ cũng đổi bữa với cháo nấm. Nấm rơm đã ngọt thanh nên nấu cháo chay không cần thêm nguyên liệu, chỉ gạo, đậu xanh và nấm là được. Khi nấu cháo, mẹ thường rang gạo trước để cháo thơm và không bị lềnh nước, sau đó cho vào nấu cùng đậu xanh nguyên hạt.
Nấm rơm xào sơ bên ngoài, khi nào cháo nhừ thì trút nấm vào, nêm nếm vừa ăn. Phi thơm ít hành tím, trước khi tắt bếp cho vào cùng với hành lá xắt nhỏ, rắc tiêu lên.
Sau này dù đã dọn lên thành phố, mỗi mùa gặt mẹ vẫn thường nhắn cậu khi nào lên chơi thì nhớ xách theo vài ký nấm rơm. Loại nấm này lớn lên nhờ rơm, mang hương của đất nên có vị ngọt lành, người khỏe mạnh hay đau ốm gì dùng cũng được.
Theo PNO
[Chế biến] - Gợi ý các món ngon mê chiều thứ 7 Mỗi món ăn đều có sức hấp dẫn riêng tạo nên bữa cơm chiều cuối tuần đầy thú vị. Sườn xào chua ngọt Nguyên liệu: - 500gr sườn non - 3 muỗng canh giấm (có thể thay thế bằng chanh nếu thích) - Gia vị: 1/2 muỗng cà phê tiêu; 1 muỗng canh đường - 1 muỗng canh nước mắm - 1 củ...