Gói tín dụng 285 nghìn tỷ: Ai được vay, vay thế nào và vay ở đâu?
Ngành ngân hàng đang tích cực vào cuộc hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, hộ sản xuất bị ảnh hưởng bởi Covid-19…
Dịch Covid-19 đang tác động không nhỏ đến nền kinh tế. Theo số liệu công bố ngày 27/3 của Tổng Cục Thống kê, tăng trưởng GDP của nước ta quý đầu năm nay chỉ đạt 3,82% – mức thấp nhất của quý đầu năm trong giai đoạn từ 2011 tới nay.
Để hỗ trợ nền kinh tế, cả nước đang chung tay vào cuộc. Riêng lĩnh vực ngân hàng, Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua các ngân hàng thương mại đã xây dựng và triển khai gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi lãi suất từ 0,5% đến 1,5% với tổng giá trị các gói tín dụng khoảng 285.000 nghìn tỷ đồng. Đồng thời các ngân hàng tiếp tục xem xét giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu, với mức lãi suất giảm từ 1% đến 3%; tiếp tục xem xét không tính lãi phạt, giảm phí các dịch vụ ngân hàng.
Gói tín dụng 285.000 tỷ ở đâu ra?
Khi đề cập đến gói 285.000 tỷ đồng, có không ít người hiểu đó là gói kích cầu hoặc gói cứu trợ nền kinh tế như giai đoạn 2009. Tuy nhiên đây là gói tín dụng thông thường để cho vay các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và khác hoàn toàn với gói kích cầu trước đây.
Gói tín dụng 285.000 tỷ có 4 đặc điểm chính. Thứ nhất, mục đích của gói này nhằm cho vay mới hỗ trợ các doanh nghiệp hay hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 (hỗ trợ thanh khoản, nhu cầu vốn lưu động…). Hai là nguồn vốn chính của các gói này là tiền gửi của người dân và doanh nghiệp chứ không phải nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Ba là cơ chế, quy trình cho vay về cơ bản giống như cho vay thương mại thông thường, trách nhiệm vay – trả thuần túy là giữa các ngân hàng và bên vay vốn, song có điểm khác biệt là thủ tục sẽ cần nhanh gọn hơn, linh hoạt hơn, lãi suất ưu đãi hơn – tùy thuộc vào từng dự án, khách hàng vay vốn. Và bốn là tập trung cho vay những lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo lãnh đạo Vụ Tín dụng, hầu hết các ngân hàng thương mại đều tích cực đăng ký tham gia chương trình này, chẳng hạn BIDV đăng ký tới 120 nghìn tỷ, MB là 35 nghìn tỷ, ACB hơn 15 nghìn tỷ đồng, HDBank hơn 10.000 tỷ. Vietcombank và VietinBank cũng có các biện pháp hỗ trợ tích cực, tuy nhiên chưa công bố rõ quy mô gói tín dụng là bao nhiêu, song chắc chắn với vai trò đầu tàu của hệ thống thì số cho vay cũng không dưới vài chục nghìn tỷ. Các ngân hàng khác cũng đã đăng ký cho vay với quy mô từ vài nghìn tỷ đến hơn chục nghìn tỷ đồng.
Ai được vay, vay ở đâu và thủ tục thế nào?
Như đã đề cập ở trên, gói tín dụng lần này tập trung để hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, vì thế đối tượng được vay vốn chắc chắn là những doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Video đang HOT
Khảo sát của chúng tôi với các ngân hàng cho thấy, đối tượng cho vay các gói tín dụng này là cá nhân/doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đó tập trung vào 5 ngành chịu tác động tiêu cực bao gồm: (i) du lịch, lữ hành, khách sạn, (ii) giao thông vận tải, (iii) thương mại, (iv) các ngành sản xuất theo chuỗi có nguồn cung ứng nguyên liệu từ nước ngoài, (v) thương mại nông, lâm, thủy hải sản, hàng tiêu dùng.
Và để được vay vốn, việc đầu tiên các khách hàng phải chứng minh họ bị thiệt hại, sau đó là chứng minh được dòng tiền và có phương án trả nợ tốt.
Khi đã có cơ sở về việc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và có nhu cầu vay vốn, khách hàng có thể tìm đến các ngân hàng thương mại đang triển khai các gói tín dụng ưu đãi để làm thủ tục vay vốn.
Các ngân hàng đang tích cực vào cuộc hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Các ngân hàng đã bắt đầu triển khai?
Như tại BIDV, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, ngay từ trung tuần tháng 2 ngân hàng đã có gói tín dụng 5.000 tỷ đồng cho vay khách hàng cá nhân, tiếp đó là gói tín dụng 20.000 tỷ và 100 triệu USD cho doanh nghiệp cùng nhiều chương trình gói tín dụng ưu đãi khác dành cho các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19…
“Để tăng cường khả năng thực hiện, ngay sau khi có Thông tư 01 của NHNN, ngày 19/03/2020 HĐQT BIDV đã ban hành nghị quyết để quán triệt chỉ đạo trong toàn bộ hệ thống để triển khai các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19. Đồng thời, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành cũng tổ chức triển khai hội nghị trực tuyến để hướng dẫn và thảo luận, cũng như thống nhất cách thức thực hiện trong toàn hệ thống”- lãnh đạo BIDV chia sẻ.
Hay tại HDBank, ngân hàng này đang dành 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,5% (vay ngắn hạn từ 1 tháng đến 6 tháng), dành cho khách hàng doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho Liên Hiệp Hợp Tác Xã Thương Mại TP.Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) để góp phần bình ổn giá trên thị trường trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Gói tín dụng áp dụng từ nay đến khi có thông báo hết dịch bệnh Covid-19 chính thức từ Chính phủ Việt Nam cộng thêm 6 tháng, tối thiểu đến 31/12/2020. Đồng thời ngân hàng có gói 5.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp SME vay cũng với lãi suất từ 6,5%/năm, áp dụng cho thời gian giải ngân từ nay đến hết năm 2020. Ngoài ra, HDBank còn miễn, giảm phí thanh toán, phí giao dịch cộng với tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp cung cấp dược, thiết bị – vật tư y tế với lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 7,5%/năm và lãi suất thấu chi giảm tối đa lên đến 3%.
Đối với khách hàng cá nhân, HDBank giảm lãi suất từ 2%- 4,5% cho các cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ để hỗ trợ sản xuất. Bên cạnh đó ngân hàng cũng gói 30.000 tỷ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cá nhân, với mức lãi suất thấp hơn 0,5% so với lãi suất 2019.
Trong khi đó tại MB, lãnh đạo ngân hàng cho biết cũng đã có các chính sách về gói tín dụng, sản phẩm ưu đãi dành cho khách hàng như gói 10.000 tỷ đồng hỗ trợ cho các khách hàng SME và sắp tới là gói 25.000 tỷ cho khách hàng cá nhân (tổng cộng 35.000 tỷ đồng như đã đăng ký). Trong đó riêng gói cho khách hàng SME triển khai từ cuối tháng 2 với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm với khoản vay ngắn hạn và từ 8,0%/năm với khoản vay trung dài hạn.
Tại Vietcombank – ngân hàng có hành động khá nhanh và mạnh sau khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng vào cuộc hỗ trợ khách hàng – từ đầu tháng 2 đã giảm lãi suất cho vay đến 1,5%/năm và giảm phí dịch vụ trên 28% cho khách hàng. Đến ngày 20/3/2020, ngân hàng ban hành tiếp 2 văn bản áp dụng trong toàn hệ thống về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid- 19 theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN. “Đây là bước đi tiếp theo trong nhóm các giải pháp hỗ trợ tổng thể đối với khách hàng của Vietcombank chịu ảnh hưởng bởi Covid-19″ – lãnh đạo ngân hàng cho biết.
Ngoài gói tín dụng ưu đãi, các ngân hàng cũng cho biết đã và đang chủ động tìm hiểu và hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thuộc các lĩnh vực vận tải, du lịch, nhà hàng, ăn uống, các doanh nghiệp có thị trường xuất nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh… trên cơ sở đó đánh giá dòng tiền, lên phương án cấu trúc giúp khách hàng ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, nhanh chóng vượt qua khó khăn.
Tùng Lâm
Ngành ngân hàng tung gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19: BIDV đăng ký 120 nghìn tỷ, MB 35 nghìn tỷ
Theo xác định của NHNN, một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn bao gồm: nông, lâm nghiệp & thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục...
Theo thông tin từ Báo Chính phủ, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết ngành ngân hàng đang tích cực triển khai các gói tín dụng chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng giá trị dự kiến lên tới 285.000 tỷ đồng, đi kèm với đó NHNN sẽ sớm ban hành Thông tư hướng dẫn bảo đảm nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, minh bạch và đúng địa chỉ.
Theo ông Hùng, với các khoản cho vay mới, nhiều ngân hàng đăng ký gói giảm hoàn toàn các phí như phí thanh toán, phí chuyển tiền, có ngân hàng đăng kí giảm lãi suất từ 0,5 đến 1% với các khoản vay với hay dự nợ đang có.
Cụ thể, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đăng ký hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) 100 tỷ đồng, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) 35 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) 15 nghìn tỷ đồng.
Các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam (Vietinbank) cũng đã có các biện pháp hỗ trợ ban đầu hiệu quả, đang tiến hành bổ sung các gói cụ thể.
Về lãi suất, các ngân hàng sẽ hỗ trợ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bình quân, các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ giảm 0,5-1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường, nguồn vốn cho chương trình này hoàn toàn đến từ các ngân hàng chứ không cấp ngân sách.
"Ngân hàng không thiếu vốn, nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để các doanh nghiệp có thể hấp thụ được nguồn vốn hỗ trợ. Trong trường hợp xảy ra dịch bệnh thì các TCTD sẽ xem xét miễn giảm lãi tùy theo thực trạng tài chính của từng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn", ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định với Báo điện tử Chính phủ.
Trước đó, NHNN cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu: Đến nay, có 23 TCTD báo cáo NHNN, ước tính có khoảng 926 ngàn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 TCTD này, và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.
Theo xác định của NHNN, một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn bao gồm: nông, lâm nghiệp & thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục...
Như vậy, khả năng lớn, gói tín dụng hỗ trợ của ngành ngân hàng sẽ chủ yếu dành cho những lĩnh vực nói trên. Các lĩnh vực bất động sản, xây dựng,...sẽ khó có thể nằm trong diện ưu tiên hỗ trợ.
Dự kiến trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có hướng dẫn chính thức tới các tổ chức tín dụng trong việc hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cơ quan này cho biết đang lấy ý kiến các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Tư pháp để ban hành Thông tư hướng dẫn các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ sở xây dựng Thông tư dựa theo chỉ đạo của Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020, tức sẽ tiếp tục tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, kinh doanh.
Ngọc Bích
Theo Trí thức trẻ
Hàng loạt ngân hàng dời lịch họp cổ đông vì dịch Covid-19 Đến nay đã có 5 ngân hàng công bố hoãn họp ĐHĐCĐ vì dịch Covid-19, gồm: Eximbamk, Techcombamk, ACB, SeABank, MBBank. Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank - MBB) vừa thông qua việc lùi thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 chậm nhất đến cuối tháng 6/2020. Như vậy, đến nay đã có 5 ngân hàng công...