Gỏi sứa thanh mát của người Hà Nội
Chớm hạ, khi cái nắng đã bắt đầu gắt gỏng buông trên phố, trong tiết oi nồng của thời khắc chuyển mùa, người ta lại tìm đến gánh hàng gỏi sứa quen thuộc ở một góc phố nào đó giữa lòng Hà Nội.
Gỏi sứa vốn là món ăn có gốc gác ở đất Hải Phòng nhưng lại trở nên nổi tiếng tại Hà Nội. Những miếng sứa giòn sần sật kết hợp cùng dừa bánh tẻ, đậu phụ, rau thơm… có sức cuốn hút khó cưỡng với các “thánh ăn vặt”.
Gánh hàng của chị bán sứa thường gọn nhẹ với đôi quang gánh, xunh quanh được cài vài ba chiếc ghế mộc. Một bên là chậu sứa được ngâm ngập trong nước lá lăng, vỏ sú, vẹt, củ nâu, nước lá ổi. Nước màu gụ và có mùi khác lạ nên người không quen, nhìn nước ngâm sứa sẽ có phần e ngại khi thử món này. Phía trên chậu sứa, người bán khẽ đậy một tàu lá chuối để giữ sứa tươi lâu và tránh ruồi muỗi. Bên kia gánh là các thức đồ ăn kèm bày trên chiếc mẹt to và một chồng các mẹt nhỏ xinh cỡ cái đĩa.
Ảnh tư liệu.
Tuy gỏi sứa chỉ là món ăn vặt, nhưng những người phụ nữ tài khéo của Hà thành chế biến khá kỳ công. Khi khách sà vào hàng, người bán khéo léo dùng thanh nứa sắc cắt sứa từng miếng mỏng vừa ăn. Người sành ăn nhất định sẽ nhắc chị bán hàng nhớ cắt cho chỗ chân sứa giòn sần sật. Trên chiếc mẹt nhỏ xinh, món gỏi sứa như một bức tranh dân gian của miền quê xa ngái. Tất cả thức dậy lên hương vị tươi ngon của biển, của đất liền hòa quyện với nhau… Những miếng sứa đỏ gụ bên màu vàng thổ của đậu phụ phết nghệ nướng. Thêm dăm miếng dừa bánh tẻ thái mỏng trắng nõn bày cạnh đĩa rau kinh giới, tía tô tươi roi rói. Bát mắm tôm chính gốc Hậu Lộc, Thanh Hóa được vắt chanh, đánh sủi bọt thơm lừng.
Gắp một miếng sứa, người ăn bao giờ cũng phải kèm thêm miếng đậu phụ và miếng dừa non, thêm nhánh rau cho vừa đủ miếng rồi khẽ chấm vào bát mắm tôm sủi bọt. Đưa vào miệng… miếng gỏi sứa sao mà thanh mát đến thế. Miếng sứa giòn sần sật hơi chát đi cùng vị ngầy ngậy của đậu nướng quyện chút bùi bùi của dừa bánh tẻ, đi kèm mùi rau gia vị… tất cả đánh thức mọi giác quan của người thưởng thức. Cảm xúc như được đẩy lên cao trào khi món gỏi sứa được chấm với mắm tôm vắt chanh, thêm vài lát ớt đỏ cay xé lưỡi. Thốt nhiên, vị tanh chát ngai ngái của sứa như tan biến, chỉ còn lại dư vị khó quên.
Video đang HOT
Bây giờ, người ta muối sứa để ăn quanh năm, nhưng món gỏi sứa có lẽ chỉ ngon nhất khi vào hạ. Dân Hà thành thường mách nhau đến những địa chỉ ruột như sứa đỏ Hàng Chiếu, sứa Thanh Hà. Đặc biệt, ngoài món gỏi sứa, Hà Nội còn có món nộm sứa “thần thánh” ở phố Đặng Trần Côn.
Nộm sứa ở đây khá cầu kỳ, khi nào khách vào, cô bán hàng mới bắt đầu bào sợi đu đủ, cà rốt cho thật giòn tươi. Một đĩa nộm sứa bao gồm rất nhiều thứ hòa quyện với nhau. Sứa trắng giòn sần sật, nem chua vừa đủ độ, gan, mề, lá lách, bò khô mềm thơm. Tất cả được bày lên đĩa thật ngon mắt, sau đó người bán rưới thứ nước chấm vừa đủ vị vào.
Vài lát tỏi chiên vàng xốp vừa bùi, vừa thơm được rắc lên trên cùng với lạc rang giã dập và rau thơm cắt dối. Người ăn đảo đều nhẹ tay cho các thức ngấm đều, thêm chút tương ớt lấy vị, vậy rồi từ từ thưởng thức. Hương vị món nộm sứa ở đây thanh nhẹ, kết hợp với nhau thật nhuần nhuyễn đủ để chinh phục các thực khách kỹ tính.
Hà Nội đã vào hạ, các “tín đồ” của món gỏi sứa lại hẹn hò nhau cùng đến hàng quen để thưởng thức món ăn thanh mát này…
Vy Anh
Theo phapluatxahoi.vn
Cách làm món: Gỏi sứa
Sự kết hợp của các nguyên liệu mới lạ trong món gỏi truyền thống hẳn sẽ tạo nên hương vị độc đáo cho món ăn này
Thời gian: 40 phút
Khẩu phần: 2 người
Nguyên liệu
500g sứa muối
2 củ cà rốt
2 củ hành tây, 3 củ hành tím, 2 trái ớt sừng, 1 củ tỏi, 1 trái chanh, 1 trái dưa leo, 50g mè trắng, 1 thìa cà phê rượu trắng, nước mắm ngon, đường, muối; Ăn kèm: Gỏi cuốn tôm thịt, bánh cuốn Huế, Ram ít, nước mắm chua ngọt
Thực hiện
Sứa muối ngâm nước muối loãng cho nhả chất muối ngấm trong sứa, xả nước sạch nhiều lần cho bớt mặn
Cà rốt, ớt sừng cắt sợi; hành tây cắt nhỏ; hành tím bào mỏng; tỏi băm nhuyễn; mè trắng rang vàng. Dưa leo bỏ ruột, cắt sợi. Chanh vắt nước cốt
Trộn đều nguyên liệu gồm: sứa, cà rốt, ớt sừng, hành tây, hành tím, tỏi, dưa leo, 2 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê nước mắm, 1 thìa cà phê rượu trắng, nước cốt chanh
Trút gỏi ra đĩa, rắc mè lên trên mặt ăn với nước mắm chua ngọt. Dùng kèm khai vị với gỏi cuốn, bánh cuốn Huế và Ram ít. Gỏi sứa trộn nên ăn liền, nếu để lâu sứa sẽ bị teo lại vì thành phần chủ yếu của sứa là nước.
Mách nhỏ: Sứa biển còn có tên gọi là hải triết, không những là một món ăn ngon mà còn có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm, hạ huyết áp, chống đầy bụng khó tiêu rất hiệu quả, thích hợp cho người ăn kiêng và bệnh tim mạch.
Theo monngonvietnam
Mứt dừa vị dâu lạ miệng đón Tết Mứt dừa thơm bùi với vị dâu và màu hồng đẹp mắt sẽ là món ngon để thưởng thức vào dịp Tết. Nguyên liệu: - Dừa bánh tẻ: 1 quả - Củ dền (tạo màu): 1/2 củ - Đường trắng: 500 gr - Sữa tươi vị dâu: 50 ml - Dâu tây: 100 gr Cách làm: Bước 1: Cùi dừa gọt hết vỏ...