Gói hỗ trợ 280.000 tỷ đồng cứu DN: Cẩn trọng trục lợi và lạm phát
Việc đưa ra gói kích thích kinh tế là cần thiết nhưng cần xác định đúng đối tượng thụ hưởng với các tiêu chí xác đáng để tránh rủi ro cho nền kinh tế.
280.000 tỷ đồng hỗ trợ tín dụng và tài khóa
Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 11 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch COVID-19; trong đó có hai gói hỗ trợ quan trọng gồm gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Hiện tại, một số ngân hàng đã bắt đầu triển khai gói tín dụng ưu đãi lãi suất cũng như chính sách miễn, giảm lãi vay với các khoản dư nợ hiện tại của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Cụ thể, Vietinbank đang xem xét cơ cấu lại gần 20.000 tỷ tiền nợ và miễn giảm hơn 26.800 tỷ lãi vay cho các khách hàng. Ngân hàng này cũng dự tính dành 15.000 tỷ đồng và 150 triệu USD để cho vay ngắn hạn với lãi suất 5% bằng VNĐ và 2,8% bằng USD. Ngoài ra, đến hết 30/6, tùy theo mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh tới doanh nghiệp, ngân hàng sẽ giảm trừ lãi suất 1,25-3%/năm so với sàn lãi cho vay thông thường (trong thời gian tối đa 6 tháng).
Chính phủ tung gói hỗ trợ 280.000 tỷ đồng để cứu doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: KT)
Ngân hàng BIDV cũng thông báo triển khai gói tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng và 100 triệu USD dành cho các khách hàng doanh nghiệp và gói tín dụng quy mô 5.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ngân hàng ACB tung ra gói tín dụng 25.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vietcombank sẽ giảm lãi suất cho khoảng 30.000 tỷ đồng dư nợ vay. Eximbank dành 4.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay với lãi suất từ 6,99%… đều trong gói hỗ trợ kể trên.
Bên cạnh đó, mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, sẽ gia hạn 5 tháng đối với các khoản: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất phát sinh phải nộp của các tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6/2020 (với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc của Quý I và Quý II/2020 (với trường hợp nộp theo quý). Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng số tiền gia hạn thuế đợt này là 30.100 tỷ đồng.
Video đang HOT
Khả năng hấp thụ không dễ
Theo PGS. TS. Tô Trung Thành, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chính sách hỗ trợ trên là rất cần thiết để vực dậy khu vực sản xuất kinh doanh vốn đang bị ảnh hưởng rất nặng nề từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu gói tín dụng 250.000 tỷ đồng này là gói cho vay mới với mức lãi suất thấp thì khả năng hấp thụ được dòng tín dụng mới này là rất khó khăn. Nguyên nhân là do các DN hoạt động cầm chừng hoặc không sản xuất không phải vì thiếu vốn mà vì cầu giảm sút nghiêm trọng, chuỗi sản xuất toàn cầu bị đình trệ, nên cho dù lãi suất thấp, các DN có thể sẽ không phản ứng hoặc phản ứng rất yếu.
PGS. TS. Tô Trung Thành, trường Đại học Kinh tế Quốc dân
“Thực tế trong 2 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 0,06%, giảm so với mức tăng 1% cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, tỷ lệ cung tiền/GDP của Việt Nam đang ở mức cao nhất khu vực cung tiền M2/GDP gia tăng liên tục từ năm 2011 và đến năm 2019 ở mức gần 160% (cao nhất khu vực ASEAN); đồng thời dư nợ tín dụng/GDP cũng tăng dần qua các năm và đã đạt tới 134% trong năm 2019. Vì vậy, việc gia tăng mạnh cung tiền và tín dụng có thể có rủi ro về lạm phát”, PGS. TS. Tô Trung Thành phân tích.
PGS. TS. Tô Trung Thành cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, không nên lạm dụng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế. Chính sách tiền tệ chỉ nên dùng ở mức độ đảm bảo thanh khoản cho hệ thống tài chính-ngân hàng, không nên bơm thêm nhiều tiền cho nền kinh tế. Thay vào đó, cần tháo gỡ quyết liệt những rào cản tiếp cận vốn của các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Ví dụ như: minh bạch hóa các quy định liên quan đến cấp tín dụng gồm điều kiện, thủ tục và quy trình cấp tín dụng; xem xét bổ sung danh mục tài sản được chấp nhận làm tài sản đảm bảo (TSĐB), tăng tỷ lệ cho vay so với TSĐB; cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.
“Thay vì chính sách tiền tệ (hiệu quả thấp do phản ứng của DN đối với chính sách yếu và rủi ro ổn định vĩ mô), giai đoạn này cần tập trung vào chính sách tài khóa để hỗ trợ DN và khu vực sản xuất. Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho chính sách tài khóa nên tập trung áp dụng một số chính sách miễn giảm thuế, giãn thuế VAT, thuế thu nhập DN và bảo hiểm xã hội cho các DN phải ngưng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng do dịch cúm”, PGS. TS. Tô Trung Thành khuyến nghị.
Cẩn trọng với những hệ lụy
Còn theo PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, Chỉ thị đã được ban hành kịp thời, song cần khẩn trương xây dựng các tiêu chí thực thi và tính toán cách thức thực hiện thật hiệu quả, đặc biệt là khâu giám sát để tránh các rủi ro với nền kinh tế.
“Tổng cả 2 gói này là 280.000 tỷ đồng, số tiền rất lớn với nền kinh tế hiện nay. Năm 2009, chúng ta đã từng có gói kích thích kinh tế 18.000 tỷ đồng, bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện gói kích thích kinh tế này cũng đã để lại nhiều bài học và buộc chúng ta phải cẩn trọng trong giai đoạn hiện nay, trong đó, hai rủi ro lớn nhất là trục lợi chính sách và lạm phát”, ông Ngô Trí Long lo ngại.
PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, điều quan trọng nhất là phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và cụ thể để tránh tình trạng hỗ trợ “sai địa chỉ”. Việc hỗ trợ không đúng đối tượng có thể gây nguy cơ dòng tiền chảy vào những kênh đầu tư không hiệu quả hoặc kém bền vững, từ đó không bảo đảm chất lượng tăng trưởng và rủi ro lạm phát tăng cao sau khi triển khai xong các gói chính sách này.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thời điểm này, có thể tung ra gói kích thích kinh tế nhưng cần rất chọn lọc, đúng chỗ. Vì tung lượng cung tiền ra quá lớn, trong khi chúng ta chưa đánh giá được rõ các thiệt hại, bản chất của khó khăn nơi doanh nghiệp, đúng đối tượng và mục tiêu của gói kích thích sẽ khiến rủi ro lớn về dài hạn.
“Hãy nhìn vào gói kích cầu năm 2009 của Việt Nam sau khi thế giới xảy ra khủng hoảng tài chính để rút kinh nghiệm. Sau khi gói kích cầu được đưa ra, hệ quả lạm phát, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam 5-7 năm sau mới khắc phục được. Dư cung tiền quá lớn khiến bất động sản, chứng khoán xuất hiện bong bóng, sóng và nơi trú ngụ của người có tiền. Thị trường nhà đất bị thổi bùng về mức giá, bong bóng bất động sản, chứng khoán liên tục đe doạ nền kinh tế và nếu không có cách biện pháp “bắt nhốt” nợ xấu, nền kinh tế đã rơi vào hỗn loạn”, bà Phạm Chi Lan cảnh báo./.
Cẩm Tú
Lãi suất huy động đồng loạt giảm
Ngay sau khi Ngân hàng (NH) Nhà nước ban hành Quyết định số 419/QĐ-NHNN đã công bố quyết định điều chỉnh trần lãi suất huy động bằng VNĐ cho các kỳ hạn dưới 6 tháng, từ sáng sớm 17-3, các NH thương mại đã đồng loạt thay đổi biểu lãi suất tiền gửi theo hướng giảm ở cả kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài.
Ở nhóm NH thương mại có vốn nhà nước, NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) niêm yết lãi suất kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày đã về mức 0,5%/năm. Kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng đang ở mức thấp hơn trần: 4,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng xuống còn 4,7%/năm, kỳ hạn 1-2 tháng vẫn duy trì ở mức 4,7%/năm. Nhìn chung, hầu hết kỳ hạn huy động dưới 6 tháng tại Vietcombank đều ở dưới mức trần quy định. Lãi suất các kỳ hạn dài cũng khá thấp, như kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng chỉ ở mức 5,3%/năm. Các kỳ hạn dài hơi lãi suất cao nhất cũng chỉ 6,8%/năm.
Ở nhóm NH tư nhân, NH TMCP Nam Á (Nam A Bank) không chỉ giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng mà còn áp dụng đồng loạt mức lãi suất 7,5%/năm cho các kỳ hạn dài, giảm tối đa 0,3 điểm % so với biểu lãi suất trước đó. Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Nam A Bank, cho biết không phải đợi đến khi NH Nhà nước có quyết định giảm lãi suất mà từ đầu năm đến nay, Nam A Bank đã nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi để có nguồn vốn đầu vào thấp nhằm giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn.
Đại diện NH TMCP Phương Đông (OCB) cũng cho biết đã thực hiện giảm lãi suất huy động từ 0,2 điểm % cho tất cả kỳ hạn. Hiện tại OCB, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng dao động từ 4,6% - 4,75%/năm; riêng kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn được OCB áp dụng mức lãi suất tương đối cạnh tranh trên thị trường từ 7%/năm trở lên. NH này cũng khuyến khích khách hàng giao dịch online với lãi suất được cộng thêm tối đa 0,2% lãi suất so với gửi tại quầy...
Lãnh đạo một NH thương mại nhìn nhận việc giảm lãi suất là tất yếu trong bối cảnh cầu tín dụng tăng thấp. Hiện nhu cầu lớn nhất của DN không phải vốn, mà muốn khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay với khoản nợ hiện hữu... do hoạt động sản xuất - kinh doanh của họ đang bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Do đó, các NH cũng phải tính toán hạ lãi suất đầu vào để tiết giảm chi phí huy động vốn.
Chuyên gia kinh tế - TS Bùi Quang Tín nhận xét lãi suất điều hành là một trong những công cụ điều hành chính sách tiền tệ và lần điều chỉnh này phù hợp trong bối cảnh nhiều nước cũng để mức lãi suất điều hành ở mức thấp, nhất là mới đây Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giảm lãi suất cơ bản xuống chỉ còn 0% - 0,25%.
"Việc trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn và trần lãi suất cho vay bằng VNĐ giảm sẽ có tác động hỗ trợ những khoản vay mới của DN. Trong khi những khoản vay cũ, DN phải chứng minh được thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19" - TS Bùi Quang Tín nói.
Thái Phương (NLD.com.vn)
Hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước giảm các mức lãi suất Chiều tối ngày 16/3, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm đồng loạt các lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Quyết định giảm lãi suất điều hành có hiệu lực từ ngày 17/3. (Nguồn: Vietnamnet) Theo đó, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi...