Gói giãn thuế 180.000 tỷ chậm đến tay doanh nghiệp
Hơn hai tuần mới có trên 24.000 doanh nghiệp đăng ký giãn thuế, trong khi giải pháp này từng được kỳ vọng là thuốc trợ lực cho 98% doanh nghiệp.
Theo Nghị định 41 được ban hành, có tới 98% doanh nghiệp đang hoạt động sẽ được gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất thêm 5 tháng. Đây được xem là liều thuốc “tăng lực” giúp doanh nghiệp bớt khó khăn trong mùa dịch.
Tuy nhiên, sau hơn hai tuần có hiệu lực, ngành thuế mới tiếp nhận một phần nhỏ hồ sơ của doanh nghiệp xin gia hạn thuế. Thống kê của Tổng cục Thuế cho biết, đến chiều 20/4 có 24.260 hồ sơ đề nghị gia hạn thuế, tiền thuê đất từ doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh.
Hiện còn hàng trăm nghìn doanh nghiệp và cá nhân, hộ kinh doanh chưa đề xuất gia hạn thuế, tiền thuê đất. Nhưng ông Nguyễn Đức Huy – Phó vụ trưởng Vụ Tuyên truyền hỗ trợ thuộc Tổng cục Thuế cho biết: “Với 763.141 doanh nghiệp (chiếm 99,91%) và 83.701 hộ, cá nhân kinh doanh đã có tài khoản khai thuế điện tử, số hồ sơ gửi về hệ thống sẽ tăng mạnh”.
Ông Tô Hoài Nam – Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng, Nghị định 41 mới thực thi hơn 2 tuần nên chưa thể đánh giá ngay có đi vào cuộc sống hay không, dù cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt nhóm nhỏ và siêu nhỏ, rất kỳ vọng.
Nhưng để chính sách tiếp cận gần hơn với doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động hơn trong việc hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp vì hiện nay vẫn có trường hợp khá lúng túng do chưa nắm rõ hồ sơ, quy trình, thủ tục cần thực hiện để được thụ hưởng chính sách.
Hàng quán ở TP HCM đóng cửa để phòng dịch bệnh. (Ảnh: Như Quỳnh)
Chủ The Coffee House – doanh nghiệp sở hữu hơn 140 cửa hàng trên toàn quốc cho biết, gần một tháng qua họ phải đóng cửa chuỗi và chỉ bán online. Giá tiền thuê mặt bằng hàng tháng vẫn phải trả cả chục tỷ đồng nên doanh nghiệp đang rất khó khăn.
Video đang HOT
Sau khi gói 180.000 tỷ đồng về giãn thuế có hiệu lực, phòng tài chính của công ty đã liên hệ ngay đến cơ quan thuế để hỗ trợ nhưng chưa tiếp cận được. “ Đến hôm nay, công ty mới nhận được công văn hướng dẫn của ngành thuế và đang tiến hành làm tờ khai xin giãn thuế“, đại diện doanh nghiệp nói.
Cũng chưa được hỗ trợ giãn thuế, ông Mai Trường Giang, chủ doanh nghiệp sở hữu 27 cửa hàng gồm 2 thương hiệu bánh Chewy Chewy và gà rán Otoke Chicken cho biết, đã làm hồ sơ gửi lên cơ quan thuế nhưng tới nay chưa nhận được phản hồi. Ông Giang cho hay, hiện các doanh nghiệp F&B rất khó khăn và cần cơ quan Nhà nước thấu hiểu để giải quyết thủ tục nhanh nhất cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác cũng nói rất quan tâm đến gói hỗ trợ giãn thuế nhưng sau khi nộp hồ sơ thì chưa thấy cơ quan thuế phản hồi.
Ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục thuế TP HCM cho rằng, những hồ sơ xin gia hạn thuế nếu nộp thành công thường mặc nhiên được hưởng chính sách giãn thuế và tiền thuê đất trong 5 tháng mà không cần phải chờ cơ quan này phản hồi.
Theo ông Bình, chỉ với những doanh nghiệp, cá nhân không đủ kiều kiện, không đúng đối tượng được gia hạn nộp thuế theo quy định của Nghị định 41, cơ quan thuế sau khi kiểm tra sẽ nhanh chóng liên lạc với người nộp thuế để phản hồi. Khi đó, ngoài việc phải nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, người nộp thuế còn bị xử phạt theo quy định pháp luật về thuế.
Còn các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh đa ngành, theo quy định, chỉ cần có một ngành thuộc đối tượng được gia hạn thuế và tiền thuê đất, doanh nghiệp cũng có quyền đề nghị được thụ hưởng chính sách gia hạn thuế, tiền thuê đất.
Ông Nguyễn Đức Huy – Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền hỗ trợ thuộc Tổng cục Thuế giải thích thêm, doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh chỉ cần hoàn thành giấy đề nghị gia hạn thuế, tiền thuê đất rồi gửi tới cơ quan quản lý thuế trực tiếp.
Giấy đề nghị đã liệt kê rất chi tiết các nhóm ngành được gia hạn, người nộp thuế chỉ cần đánh dấu vào những ngành mà mình đang hoạt động sản xuất kinh doanh và gửi tới cơ quan thuế theo hai cách: gửi trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế hoặc qua đường bưu điện. Sau khi tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn, cán bộ thuế sẽ thực hiện kiểm tra, xử lý đối với các khoản thuế và tiền thuê đất.
“ Nếu băn khoăn không biết doanh nghiệp mình có thuộc đối tượng được gia hạn hay không, chủ doanh nghiệp có thể trao đổi với cơ quan thuế quản lý trực tiếp“, ông Huy chia sẻ.
Chị Trang, Kế toán Công ty TNHH XNK Thiết bị Y tế Đại Phát thông tin, hiện công ty chị đã được Chi cục thuế Quận Hai Bà Trưng chủ động liên lạc, đề nghị doanh nghiệp tự xác định mình có thuộc đối tượng được gia hạn thuế và tiền thuê đất hay không. Sau đó, cán bộ thuế hướng dẫn cho doanh nghiệp cách hoàn thành giấy gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất.
“ Căn cứ vào nội dung được hướng dẫn, công ty đã kê khai gia hạn thuế trực tiếp trên hệ thống Thuế điện tử. Việc kê khai được thực hiện nhanh và không phát thêm sinh thủ tục khác“, chị cho biết.
Trong khi đó, hiện nay cũng có tình trạng một số doanh nghiệp chưa sẵn sàng nộp giấy đề nghị giãn thuế vì sợ ảnh hưởng đến điểm tín dụng ngân hàng và khó tiếp cận vốn sau này.
Bên cạnh mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ thủ tục đơn giản, nhanh chóng để các doanh nghiệp sớm tiếp cận gói giãn thuế 180.000 tỷ, ông Tô Hoài Nam cũng đưa ra một số đề xuất mới. Theo ông, nếu hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chưa kịp hồi phục hoặc tình hình dịch bệnh không được kiểm soát hoàn toàn, Chính phủ nên tiếp tục gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất. Trong đó, cần tính toán ưu tiên hỗ trợ dài hơi cho doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực đặc thù, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch.
Với nhóm doanh nghiệp không thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, tiền thuê đất với nhà nước sau thời gian được gia hạn, ông Nam kiến nghị cơ quan thuế nên miễn, giảm tiền phạt, chậm nộp nếu có lý do chính đáng, phù hợp quy định pháp luật.
Hoàng Thắng – Thi Hà
21 doanh nghiệp bán lẻ, F&B đồng loạt kêu cứu
Các doanh nghiệp cùng ký vào một kiến nghị thư chung gửi đến Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước và các bộ liên quan, đề nghị hỗ trợ tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bản kiến nghị này được gửi đi bởi nhóm chuỗi F&B lớn như Golden Gate, Starbucks, The Coffee House, Hoàng Yến... cùng các doanh nghiệp bán lẻ, dịch vụ khác như Thế giới di động, 30Shine, Kids Plaza...
Trong văn bản gửi đi, 21 doanh nghiệp đề nghị Chính phủ xác nhận dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng để đồng nhất cách hiểu cho các bên và tránh tranh chấp phát sinh khi thỏa thuận liên quan đến vấn đề mặt bằng.
Theo những đơn vị này, tình hình hiện nay thỏa mãn các điều kiện của sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, trong quá trình thương lượng với đối tác cho thuê mặt bằng, doanh nghiệp chỉ nhận được hỗ trợ từ số ít đơn vị, còn lại phần lớn vẫn yêu cầu doanh nghiệp thanh toán đầy đủ tiền thuê và phí dịch vụ trong thời gian tạm dừng kinh doanh.
Các chuỗi bán lẻ và dịch vụ đồng loạt kiến nghị hỗ trợ để vượt qua đại dịch. Ảnh: Quỳnh Trang.
Thực tế, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh mảng bán hàng online và mang đi. Tuy nhiên, một số cơ quan quản lý địa phương không xác định đây là những hoạt động được phép trong thời gian cách ly xã hội.
Do đó, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành thống nhất cho phép bán hàng online, bán hàng mang đi, giao hàng tận nơi tại tất cả tỉnh, TP với điều kiện tuân thủ quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Ngoài ra, tương tự các lĩnh vực khác, ngành bán lẻ và dịch vụ cũng đề nghị được hỗ trợ giải quyết khủng hoảng về tài chính. Cụ thể, đề xuất giảm 50% giá các dịch vụ điện, nước, miễn 50% thuế VAT, hoãn nộp thuế VAT, TNDN, TNCN và các loại bảo hiểm bắt buộc đến ngày 31/12.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng cho mỗi người lao động. Lý do là đặc thù nhân sự trong ngành nhận lương theo số giờ làm việc, nhưng hiện nay đã bị cắt giảm xuống dưới 104 giờ làm việc/tháng do dịch Covid-19.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực F&B đã thành lập liên minh cùng đối tác cung cấp thực phẩm, quảng cáo, giao đồ ăn và các đầu bếp, chuyên gia ẩm thực để cùng đối phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19. Họ cùng chia sẻ các thông tin, bí quyết để sớm phục hồi và tăng trưởng trong giai đoạn khó khăn này.
Lan Anh
Cưỡng chế thuế hơn 3.100 tỷ đồng với Sabeco hết hiệu lực Thông báo cưỡng chế thuế 3.1000 tỷ đồng với Sabeco đã không còn hiệu lực. Cổ phiếu SAB tăng 38% từ đầu tháng tư, giá trị vốn hóa tăng tương đương 30.000 tỷ đồng. Tổng CTCP Bia - R ượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) công bố thông tin nhận được công văn từ Cục thuế TP HCM rằng...