Gọi điện về nhà
Gọi điện về nhà, đó là cách con chọn để hâm nóng yêu thương. Khi những bận bịu đời thường cuốn con xa vòng tay cha mẹ…
Con giữ thói quen thường xuyên gọi điện về nhà đã mười năm nay, kể từ khi xuống thành phố học. Điện thoại di động khi ấy chưa phổ biến. Những cô cậu sinh viên nhà nghèo tối nào cũng xếp hàng dưới bốt điện thoại công cộng. Nhà mình cũng chưa có điện thoại bàn nên phải nghe nhờ hàng xóm.
Nhiều khi bố mẹ phải đội mưa gió đi cả quãng đường mới gặp được con trong cuộc điện thoại chập chờn. Đầu dây bên này, con vừa gọi vừa nơm nớp lo thẻ hết tiền, vội vàng hỏi thăm sức khỏe người thân, thông báo tiền học phí tăng, khoe nhanh suất học bổng vừa đoạt được. Lần nào cúp máy cũng rưng rưng, cả đêm con trằn trọc không sao ngủ được. Thương giọng mẹ khản, lưng bố đau. Thương đến cả cơn gió rét rít bên tai và củi lửa ngày mưa khói ướt mắt người. Con gọi điện về nhà như là cách kết nối thương yêu, để an ủi lòng mình mỗi khi cô đơn, bế tắc. Chỉ cần được nghe giọng nói thân thuộc của bố mẹ là lòng dịu lại.
Những ngày mới lấy chồng, điện về nhà lần nào cũng thấy mẹ dường như vừa mới khóc. Hỏi mẹ đang làm gì thì mẹ bảo “mẹ không làm gì hết, chỉ nằm chơi một mình”. Con mường tượng ra cảnh mỗi trưa, mỗi tối sau khi đã xong hết mọi việc mẹ thường đẩy cửa, trốn vào phòng con gái. Nằm trên chiếc giường quen thuộc đó, lật giở từng bài báo con viết. Sắp xếp lại đống kỷ vật thời học trò của con, lau sạch những lớp bụi bám trên cửa sổ và giá sách.
Ảnh minh họa: Internet
Hình ảnh mẹ “nằm chơi một mình” ám ảnh con về sự cô độc của tuổi già, không có ai để chuyện trò, sẻ chia và thấu hiểu. Tuổi già thường rất dễ tủi thân, làm sao tránh khỏi cảm giác mình bị bỏ rơi, nhung nhớ giày vò. Con không biết phải làm sao ngoài việc gọi điện về nhà mỗi ngày. Đôi khi chỉ để hỏi hôm nay nhà mình ăn cơm với món gì; tối nay có ai đến chơi không? Con bò con đẻ vào đúng đợt rét đậm rét hại giờ đã cứng cáp chưa? Mái chuồng bò bị dột bố đã nhờ người sửa lại? Cây mai tứ quý trước nhà năm nay ra hoa muộn quá, mẹ đã vặt hết lá? Năm nay tiền công thuê cấy có tăng?
Chẳng có chuyện gì thật sự quan trọng nhưng vẫn đủ để mẹ con thủ thỉ với nhau cả tiếng đồng hồ. Hết chuyện trong nhà thì hỏi han chuyện xóm làng. Con ở cách xa vài trăm cây số nhưng vẫn biết quê hương có gì đổi mới từng ngày. Đường ống nước sạch đã chạy qua nhưng phí cao quá nên không mấy ai dùng. Các con đường liên thôn sẽ được sửa sang lại bằng kinh phí của xã, còn mỗi hộ gia đình phải góp nhân công.
Chuyện đang hào hứng thì bỗng nhiên ngậm ngùi. Mẹ kể chuyện bà Cả đầu làng ở một mình nên ốm nằm co mấy ngày mà không ai biết. Con cái bà ở xa, có người điện báo mà mãi chưa ai về. Nếu hàng xóm không phát hiện ra thì đến bát cháo cũng không ai nấu, thuốc thang không ai mua. Kể đến đó giọng mẹ chợt ngậm ngùi, lòng con cũng se lại.
Với con thì sau một ngày làm việc vất vả không gì hạnh phúc hơn việc dành thời gian gọi điện về nhà. Thân thuộc như có thể ngửi thấy cả mẻ kẹo lạc mẹ vừa làm xong, mùi nồi cá kho tương, canh hến nấu chua đang bốc hơi nghi ngút.
Có hôm con cố tình bật loa ngoài để mẹ có thể nghe thấy tiếng đập giập hành tỏi; tiếng bát đũa, nồi niêu xôn xao cho bữa tối. Để mẹ thấy gần gũi như con đang có mặt ở nhà chạy lăng xăng trong căn bếp, chỉ chực chờ món ăn vừa chín tới rồi xuýt xoa vì bỏng vì cay. Gọi điện về nhà, đó là cách con chọn để hâm nóng yêu thương. Khi những bận bịu đời thường cuốn con xa vòng tay cha mẹ…
Theo Sơn Mây/Baophunu