Góc tăm tối của “phồn hoa thứ nhất Hà thành”
Những tháng của nửa cuối năm 2013 này, sau những đêm thức trắng với vỉa hè góc phố Hà thành, tôi đã buốt lòng gặp phải những cảnh đời tăm tối, khổ ải dưới mức có thể hình dung cho một kiếp người.
Bà Nguyễn Thị Loan ở bốt Hàng Đậu.
Họ, có người hai ba chục năm ngủ đầu đường xó chợ, gầm cầu bến xe, chịu gió sương vùi dập, rồi nỗi đời đen bạc ức hiếp nhục nhằn vùi dập thêm thêm nữa – họ đã buộc tôi phải cảm nhận khác về một Hà Nội lầm than còn nhiều day dứt lắm…
Bà cụ ngồi trên vỉa hè, phóng uế vào túi nylon
Có đêm, ngồi bên những ông cụ râu bạc nằm vếch lên trên vỉa hè con phố ướt mưa lạnh, có ngày, ngồi ở vườn hoa Hàng Đậu bần thần với bà cụ xếp quả xoài lên cái đĩa nhựa, xiên xiên cắm que nhang ẩm vào kẽ bêtông của bốt Hàng Đậu để… tưởng nhớ chồng, tôi thấy râm ran xấu hổ.
Tôi giúp gì được cho họ không, chúng ta hào nhoáng xa hoa ở đẩu ở đâu, để rồi những cảnh này vẫn âm thầm diễn ra mỗi ngày, mỗi “đêm dài lắm mộng” của bà con mình?
Bà cụ thờ chồng ở vỉa hè xó phố ấy là Nguyễn Thị Loan, tuổi khoảng 80. Ông Chí Thành – chồng bà – là một cựu binh đánh trận Điện Biên Phủ năm xưa. Rồi hai vợ chồng người con trai và mấy đứa cháu chết cùng lúc do lũ quét ở Tây Bắc. Còn lại anh con trai cả thì cướp đất, phụ công dưỡng dục của ông bà. Tức quá, ông bảo: một là bà ở với nó, hai là bà ở với tôi, bà chọn đi. Tôi sẽ bỏ căn nhà này (xã Minh Đức, tỉnh Hải Dương), lên Hà Nội, tôi ở xó đường góc phố còn đỡ nhục hơn ở với thằng mất dạy. Bà Loan bảo, tôi chọn ông.
Thế là đeo vòng nhà Phật, cầm cuốn Kinh Phật, xách hai cái làn nhựa, ông bà cất bước ra đi. Gần 10 năm lang thang ở khu chợ Đồng Xuân, khu Quán Thánh, rồi dạt về Hàng Đậu, ông bà cứ lịch sự ăn vận tử tế, sống bằng của bố thí của người đời. Cách đây hơn 1 năm, ông Thành chết, bà đưa ông về quê an nghỉ. Qua tuần tứ cửu (49 ngày), đặt cái ảnh thờ ông trong làn nhựa, bà lại lên Hà Nội.
Nghe chuyện bà Loan kể cứ như chuyện bịa, như chuyện do cái lẫn của tuổi già sinh ra. Chúng tôi phải về xác minh tại Công an xã Minh Đức, thì ôi thôi, cảnh đời ông bà còn éo le hơn cả những gì đã kể ở trên. Có lần, tôi buột miệng: “Bà ơi, bà bằng tuổi bà cháu, cháu hỏi thật mà không ngại ngùng nhé: bà ngủ vỉa hè, thế còn nấu nướng, tắm rửa, đại tiểu tiện thì tính sao?”.
Bà Loan vừa lục cái làn nhựa, vừa lẩm bẩm: Đi bộ lóc cóc, dỡ ảnh ông ấy ra để thắp nhang cho đỡ nhớ, thế là vỡ béng mất cái khung kính rồi. Tiền cháu cho hôm nay, bà sẽ mua kính về lắp lại “gương mặt” cho ông Thành. Còn đáy làn này là 3 cái nồi bé, bà lấy cành cây, lấy giấy báo nấu cơm, rán tóp mỡ, kho thịt ngay ở vườn hoa này. Nấu một bữa ăn ba bữa cho tiện. Trời mưa thì mặc áo mưa mà ngủ, mặc thế bí hơi, nhưng tiện lắm: vừa tránh được mưa lại vừa tránh rét.
Bà Loan và ảnh thờ cụ ông để trong chiếc làn nhựa.
Còn đi tiểu đại tiện thì đã có… túi nylon. Bà trùm chăn, “đi” vào túi bóng, vứt ra thùng rác là xong. Cũng có khi thuận tiện hơn thì ngay bên đường kia có cái cô bán nước chè và cháo gà suốt đêm. Cô ấy hay cho ông bà vào khu ấy tắm nhờ, “đi” nhờ. Hôm ông Thành ốm quá, cô ấy còn tử tế lắm nấu cho ông nồi cháo gà.
Tốt bụng nhất vẫn là vợ chồng nhà bác bán mũ bảo hiểm bên kia đường. Bao năm nay, bà và ông Thành nằm nhờ, rồi ông chết, một mình bà vẫn cứ nằm đó, họ thương hai người lắm. Họ còn quét hiên nhà cho chúng tôi nằm. Chỉ khổ nỗi, mũ bảo hiểm dạo này tự dưng bán chạy, có khi 12 giờ đêm họ mới dọn hàng đóng cửa, lúc đó ông bà từ bên bóng tối góc này mới dám lò dò sang. Trải nylon trên nền gạch rồi, nhưng cũng đã ngủ được ngay đâu? Hà Nội ầm ào lắm, xe cộ chạy nhức cả óc, phải đến khuya tĩnh lặng hơn rồi mới ngủ được chứ…
Còn bà Trần Thị Sâm gần 80 tuổi, quê ở Bình Lục, Hà Nam thì bị lẫn, ngày nào cũng đi quanh quanh ba sáu phố phường, rồi hỏi thăm tìm mãi mới về được khu gần chợ Đồng Xuân hoặc phố Hàng Chiếu mà mình tá túc, ai cũng lo bà chết ở góc phố nào đó mà không được an táng ở quê nhà. Cuộc sống đầu đường xó chợ theo đúng nghĩa đen của những người già như bà Loan có vẻ lành lẽ hơn những người phụ nữ còn trong tuổi sinh nở, những người đàn bà lang thang ở tuổi ấy còn bị không ít gã đàn ông thèm muốn, khổ thế!
Video đang HOT
Bốn lần “chuột chạy vào bụng” sinh ra 4 đứa con “không có bố”
Khi chúng tôi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội 4 (thuộc Sở LĐTBXH Hà Nội) đóng trên địa bàn Ba Vì, Hà Nội, ông Bằng (Giám đốc) và bà Ngọc (Phó Giám đốc) đều chua xót kể về chuyện của người lang thang tên là Trần Thị Mơ (SN 1964, người dân tộc thiểu số ở huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang). Bao năm làm công tác bảo trợ xã hội, chứng kiến bao cảnh khổ sở “trần đời có một” rồi, nhưng chuyện chị Mơ vẫn làm họ choáng.
Chị Trần Thị Mơ sau thời gian lang thang vỉa hè quán chợ đã bị “vô tình” sinh ra tới 4 đứa con. Nay 5 mẹ con chị ở tại Trung tâm bảo trợ xã hội Ba Vì, Hà Nội.
Bị “thu gom” về trung tâm cách đây vài năm, chị Mơ (còn có tên là Duyên) dắt theo 4 đứa con. Chị bảo, mỗi đứa là con của một gã khác nhau. Gã nào cũng “hú hí” với chị lúc chị nửa tỉnh nửa mê, lúc lê la đầu đường xó chợ. Đứa lớn thì kể về bố của đứa bé với những ký ức rời rạc, ý rằng hình như cháu có gặp họ một lần. Còn bản thân mỗi đứa chưa bao giờ biết mặt bố, bởi có “ông” thậm chí không biết mặt chị Mơ và chị Mơ cũng không biết mặt “ông” ta. Nó là thứ tình dục bẩn thỉu, có thể là hãm hiếp hoặc trộm tình, trộm dâm trong đêm vắng “quán trọ lều quê”, hoặc có thể là sự đồng thuận bản năng – điều đó cũng chẳng thể loại trừ.
Khi nghe cán bộ trung tâm kể lại chuyện đời mình với nhà báo như vậy, chị Mơ ngơ ngẩn cười cười bảo: “Nó cũng như nửa đêm có con chuột chạy vào bụng mình, ít lâu sau là mình đẻ thôi mà. Có “ông” thì “gặp” ở chỗ cái cột đèn gần ngã tư công cộng, trung tâm thành phố Bắc Giang, ông thì gặp ở gầm cầu Hà Nội. Họ đến rồi đi trong bóng tối…”.
Chị Mơ nhận mình là người dân tộc Sán Dìu, cũng có lúc chị nhận mình là người Kinh. Cán bộ đi xác minh thì được tin là huyện Sơn Động không có cái xã nào như chị Mơ khai. Hành trình của chị Mơ được hồ sơ ghi rõ: “lang thang ăn xin”. Và theo thói thường thì người từ Sơn Động sẽ dạt lên huyện, lên nơi đô hội ở tỉnh, rồi dạt tiếp về nơi đô hội của quốc gia, ấy là Hà Nội. Nên việc đứa con đầu tiên của chị sinh ra bắt đầu từ đêm tối nằm vỉa hè gần cái cột đèn thành phố Bắc Giang (như chị kể) cũng là… không có gì đáng ngạc nhiên.
Bốn đứa con chị Mơ, có đứa học không thể vào đầu được một chữ nào, có đứa đưa ra trường Tây Đằng (nơi trung tâm bảo trợ tọa lạc) học, thì toàn tiên tiến với giỏi. Giám đốc Bằng chua chát bảo: những “ông” sau ăn nằm với chị Mơ, có vẻ giỏi giang hơn cái ông “đụng chạm sinh con” hồi ở huyện ở tỉnh.
Dẫu sao số phận chị Mơ còn có mẹ có con, có trung tâm của Nhà nước nuôi dưỡng phần đời còn lại. Còn cuộc đời chị Nguyễn Thị Mai (Ý Yên, Nam Định), mỗi lần xem lại… các bức ảnh, nghe lại các băng ghi âm chị rủ rỉ tâm sự trong đêm trường phố cổ Hà Nội đều làm tôi ứa nước mắt. Chị cứ tông tốc kể hết phận đời của chị. Chị bị bệnh xã hội hiểm nghèo, người quắt như con cá mắm, cũng chả còn gì để mất nữa.
Quê ở Nam Định, 14 tuổi đi bế em thuê cho nhà người ta, điện cao thế bị đứt, có người bị giật, cô bé Mai xông vào cứu. Điện giật “bắn” ra tít góc vườn. Sợ quá, cô bé bỏ xứ lên Hà Nội lang thang cùng mẹ đẻ. Mẹ Mai trốn nhà đi ăn xin, vì hận ông chồng bạc nghĩa. Mai đi rửa bát thuê cho nhà hàng cơm trong phố cổ. Thân hình cô phổng phao lúc nào không biết. Mai nói dối nhà chủ là thuê trọ ở xa, thật ra cô bé vẫn cuộn chăn nằm ở chỗ chợ Đồng Xuân tá túc qua ngày. Một hôm, đứa em họ nhà bán hàng cơm theo dấu của Mai, tìm ra cái ổ Mai hay nằm.
“Hôm đó, chị bị sốt cao – Mai kể – nó đến, cầm theo một con dao và một gói xôi. Nó lật cái chăn ra xem có đúng là cái mặt chị không, rồi nó dí con dao vào cổ và… Bên cạnh chỗ chị nằm có hai đứa vô gia cư khác đang cuốn nhau trong một cái chăn chiên, chúng nó nhìn thấy, nghe thấy tiếng chị kêu mà không mảy may đả động gì. Còn thằng kia, trước khi bỏ đi nó còn để lại cho chị gói xôi, chị oán giận ông trời, oán giận thằng khốn nạn ấy, nó thỏa sức hiếp chị, coi chị chỉ đáng một nắm xôi thôi ư? Còn lũ chó đực chó cái nằm bên, nó mặc kệ, cả cái thú tính trong hành động và thú tính trong lòng người đã ném đời chị vào vũng bùn từ hôm ấy…”.
Dạo này, tôi hay đi với anh Bờm (tức Tiêu, người Mê Linh, Hà Nội) – “chồng” hiện tại của chị Mai. Họ hay cãi nhau, vì cả hai đều bị bệnh xã hội, coi thường nhau, chửi đánh nhau, nhưng rồi vẫn dạt vào nhau để cùng đi nhặt rác bán lấy tiền cho “qua ngày đoạn tháng”.
Anh Tiêu trong đêm Hà Nội. Anh sống ở vỉa hè bến xe, gầm cầu góc chợ đã mấy chục năm.
Có hôm tôi mang chút quà đến, thấy cửa chợ Cầu Đông, cạnh các loại bảng hiệu nội quy có mấy đùm cơm, canh, cà pháo đựng trong túi nylon treo trên những chiếc đinh dọc bờ tường. Anh Bờm ngọt ngào: “Mai nó xin đâu được, treo đấy đợi tôi đi vác bao bì cáctông này về thì ăn. Nhưng tôi chả muốn ăn. Tập kết “hàng” ở đây, mai đi “cân” (bán) sớm”.
Chị Mai bảo, bị hãm hiếp rồi cuộc sống vùi dập đủ kiểu chị không muốn kể làm gì, chỉ biết kết quả là chị bị giang mai nặng, giờ nó biến chứng lên tận cổ, đau đớn, hạch nổi. Rồi… các bệnh khác nữa. Suốt ngày sốt, đau. Uống thuốc chống giang mai bằng kháng sinh liều cao cũng không thể khỏi, uống nhiều vào thì người nó cứ say say như người đang phê thuốc phiện ấy.
Ông tổ trưởng dân phố ở nơi chị Mai tá túc suốt gần ba chục năm qua cho biết: Ông Bờm này dễ đến là chồng thứ… 10 của Mai rồi. “Người lang thang không bao giờ làm nghề mại dâm, Mai cũng thế, nhưng ai có nhu cầu và vẫy tay rủ thì Mai vẫn “đi khách” kiếm thêm. Việc “gom” Mai vào trung tâm bảo trợ xã hội rồi lại thả ra, cứ như bắt cóc bỏ đĩa bao năm nay.
Ngủ truồng và tắm truồng giữa “ba quân tướng sĩ”
Người ta bảo, chị Mai như người trên trời rơi xuống, có sức chịu đựng và khả năng… trơ lỳ kinh khủng. Sau thời xuân sắc bị vùi dập hoặc tự vùi dập sau khi đã tha hóa, giờ chị Mai có thể nằm ở gầm cầu khai mù nước tiểu, có thể chống lại những tháng ngày Hà Nội nóng nực nhất bằng cách cởi bỏ hết áo quần, trần truồng ngủ ở trụ điện, vỉa hè, ghế đá… chỉ với tờ báo áp trên bụng.
Anh Tiêu tại chợ Cầu Đông, nơi anh “đóng đô” đã nhiều năm. Trên bờ tường là các túi cơm, canh mà chị Mai xin về cho chồng ăn.
Chị Mai bộc tuệch: “Chị ngủ trần truồng, áp tờ báo lên… ngực để che một tí gọi là có thôi. Chứ nằm giữa giời mà mặc quần áo thì nóng lắm. Lúc ngủ ở gầm cầu thì chị cứ phải đi xin nước rửa bát rồi xách nước sông Hồng lên cọ các trụ bêtông, bởi lũ khốn nạn đái bậy nó “phóng” ra khai lắm. Lúc tắm, thì chị cứ tắm truồng.
Mùa hè thì dễ, mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, mình bị lậu, giang mai, phải tự chăm sóc, bận bịu như có con mọn ấy, không tắm rửa ngâm tẩm kỹ là nó đau nó ngứa. Mà tắm trong khi trời dưới 10 độ thì chết cảm có ngày! Chị bèn ra chỗ chợ Long Biên, ở đó có những kho đông lạnh, nước thải của nó rất ấm. Chị cứ trần truồng hứng nước ở đó mà tắm. Người ta lúc đầu còn cười chê, dòm ngó, giờ quen rồi. Đời dạy chị phải biết trơ để sống sót em ạ!”.
Đêm đen kịt, đèn đường cũng hết vàng vọt, phố xá im lìm. Phố Hàng Chiếu còn sót lại vài mụ sồn sồn bán thuốc kích dục hoặc dụng cụ “trác táng” nọ kia. Chị Mai, anh Tiêu (Bờm) thụt đầu vào chăn chiên ngủ. Họ tráo đầu đuôi, cả hai đều đổ cho nhau có bệnh xã hội nặng, giờ họ không “chồng vợ” nữa, nhưng vẫn nằm cạnh nhau. Cụ Sâm, cụ Loan cũng ngủ vùi sau một ngày hít bụi vỉa hè và lang bạt kỳ hồ kiếm ăn.
Những thảm cảnh vô gia cư, “màn trời chiếu đất” ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Long
Cái góc Hà Nội lầm than ấy chỉ còn Tươi là thắc thỏm, cô mới ngoài ba mươi tuổi. Đứa con đen trũi, bé như quả bí ngô tên là “Tý nhỏ” (phân biệt với chị nó là “Tý lớn”) đang ngồi trong lòng cô, cô sợ bé gái ấy bị bắt cóc, bị… kẻ xấu tấn công. Bố “vơ với” của một trong hai đứa con hoang của Tươi phạm tội giết người đã lĩnh án. Tươi bị những người vô gia cư cùng cảnh ngủ ven đường tố cáo là “giang hồ”, nữ quái “bẻ khóa” có hạng. Kệ người ta đồn, như bản năng trời phú cho các con cái khác, Tươi thương con đứt ruột. Trong đêm, cô lăm lăm thủ thế bảo vệ con.
Chúng tôi chỉ dám phỏng đoán, còn thực tế Tươi kiếm ăn bằng cách nào thì chỉ cô mới biết rõ. Nhưng khi nhìn thấy hình ảnh này của mẹ con Tươi thì thật khó lòng diễn tả nổi xúc cảm: Tươi đặt con trong cái thùng xốp, buộc thùng lên gác ba ga xe đạp dắt đi bát phố, trên xe, bé gái nhỏ xíu thò đầu ra ngơ ngác, bìa thùng xốp Tươi viết chữ rất to: “Cẩn thận! Xe có trẻ nhỏ, xin tránh đường, xin cảm ơn!”…
Các bé gái con của Tươi với các ông bố “đầu đường xó chợ” kia, rồi chúng sẽ ra sao? Chúng ta sẽ làm gì cho đời của những bà cụ vất vưởng lẫn cẫn gầm cầu bến xe kia bớt lầm bụi nhục nhằn? Chúng ta nên làm gì vì mỗi mảnh đời tận khổ nhiều hơn, thay vì thỉnh thoảng “dọn sạch phố phường” bằng cách đưa người đi “thu gom” họ lại, nhốt vào trung tâm bảo trợ hay cái gì đó tương tự ít ngày rồi thả ra theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”? Nếu ta làm thật sự, làm tốt công việc này, chắc chắn chị Mai và nhiều người vô gia cư khác sẽ không có một “nẻo về” đau đớn như tôi đang thấy hôm nay.
Theo Đỗ Doãn Hoàng
Lao Động
Một ngày mưu sinh của người vô gia cư
"Một ngày của họ", phóng sự của Ấm, nhóm tình nguyện vì người vô gia cư ở Hà Nội, đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng ngay khi xuất hiện trên Youtube.
Công việc hàng ngày của anh Hải là nhặt đồng nát, ai thuê gì làm nấy ở chợ Đồng Xuân.
Phóng sự xoay quanh một ngày của đôi vợ chồng tên Hải (49 tuổi) - Mai (43 tuổi) làm nghề nhặt rác, cửu vạn ở chợ Đồng Xuân. Không nghề nghiệp, con cái hay người thân nương tựa, vợ chồng anh Hải kéo nhau từ Nam Định lên Hà Nội mưu sinh đến nay đã hơn 20 năm. Không đủ tiền thuê nhà, anh Hải và vợ ngủ tạm dưới mái hiên phía sau chợ Đồng Xuân.
Hàng ngày, "người đàn ông trong gia đình" dậy từ sáng sớm, ai thuê gì làm nấy, hết bốc vác đến phân loại túi bóng, nhặt nhạnh sắt vụn, vợ chồng anh vẫn không đủ ăn. Sức khỏe yếu nên mùa đông, chị Mai ở nhà cơm nước đợi chồng đi kiếm tiền về.
Một ngày theo chân người vô gia cư
Ngày làm việc của người đàn ông này bắt đầu từ 6h30 sáng. Anh ra chợ nhận việc rồi đội trên đầu bao tải chất đầy thùng xốp bên trong. Bước chân vội vã, khuôn mặt như cố gồng lên để chịu sức nặng của bao tải đang được giữ thăng bằng trên đầu, anh chạy bộ. Có ít tiền, ngang qua những hàng quà sáng, anh trả bớt tiền nợ lần trước. Đến chỗ vợ, anh đưa cho chị vài nghìn lẻ để mua gì ăn lót dạ.
Hôm ít việc, anh đành chợp mắt ở nơi vợ chồng anh vẫn tá túc. Chiều đến, anh cùng vợ phân loại đống phế liệu, túi bóng thu gom được mang đi bán. Trung bình mỗi ngày, anh kiếm được 50.000 đồng từ đồng nát. Những hôm không kiếm được, vợ chồng anh Hải đành nhịn đói đi ngủ.
Nói đến Tết, đôi vợ chồng không nhà cửa này chia sẻ, họ hy vọng đủ tiền mua vài kg gạo, ít thịt, nước, chiếc bếp lò để "ngồi đâu thì nấu ăn đấy" và không về quê. Theo Nguyễn Hoàng Thảo, trưởng nhóm Ấm, đoạn phóng sự về đôi vợ chồng không nhà cửa này nằm trong dự án giúp đỡ người vô gia cư của nhóm.
Gồm các bạn trẻ, chủ yếu là học sinh, sinh viên ở Hà Nội, nhóm Ấm đi tặng quần áo và đồ ăn vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần cho người lao động "màn trời chiếu đất" suốt hai năm qua. Trong đêm đông giá rét, món quà họ mang tới cho những con người nghèo khổ là nắm xôi, chiếc bánh mỳ, đôi giày, chiếc mũ, áo khoác hay chăn ấm. Đồ ăn, chăn, quần áo tặng người nghèo được nhóm quyên góp từ các thành viên trên Facebook.
Trung bình mỗi ngày, vợ chồng anh kiếm được 50.000 đồng từ đống giấy, túi, sắt, nhựa nhặt được.
"Một ngày của họ" được thực hiện sau khi nhóm kết thúc tối đi tặng đồ vào lúc gần 2h sáng. Sau một tiếng thuyết phục, Ấm mới được vợ chồng anh Hải đồng ý cho quay và theo chân. "Ban đầu vợ chồng anh chị không đồng ý và cảm thấy bị làm phiền nhưng sau khi biết nhóm làm vì mục đích từ thiện, họ mới cho phép. Trong lúc quay, nhóm bị những người xung quanh gây khó dễ và đe dọa. Cả nhóm 4 người ai cũng sợ nên nhiều cảnh ở ngoài chợ phải quay lén", Hoàng Thảo chia sẻ.
Để không ảnh hưởng tới công việc của nhân vật, cô và các bạn phải đứng cách anh Hải tầm 50 m. Trước khi bắt tay vào làm phóng sự, Ấm không có kịch bản sẵn bởi chưa biết trước cuộc sống họ thế nào. Sau khi hoàn thành, Thảo lại cùng các bạn thức vài đêm để dựng và chỉnh sửa.
Theo Thảo, mục đích của phóng sự này nhằm giúp mọi người hiểu hơn về người vô gia cư để "biết đâu đấy, chúng ta có thể thay đổi cuộc sống cho ai đó đang cần đến sự giúp đỡ".
"Nếu chỉ gặp những người vô gia cư trên đường, bạn sẽ không bao giờ tưởng tượng được một ngày của họ thế nào. Bởi vậy, 'Một ngày của họ' mong muốn đem lại cái nhìn chân thực nhất về những người đang sống mảnh đời rất khác chúng ta. Họ có thể là người nhặt rác, bà cụ, ông cụ không con cháu hay những đứa trẻ mưu sinh", Thảo nói.
Trưởng nhóm tình nguyện vì người vô gia cư cho biết thêm, mỗi tuần, nhóm sẽ thực hiện một phóng sự khác nhau về các nhân vật. Hiện tại, đã có hai trường tiểu học ở Hà Nội đồng ý kết hợp với nhóm để chiếu phóng sự vào giờ sinh hoạt cuối tuần cho học sinh xem.
"Phóng sự này mang tính giáo dục văn hóa và giáo dục cộng đồng nên Ấm hy vọng sẽ có nhiều trường hơn nữa phối hợp với nhóm để giúp các em nhỏ học cách yêu thương và chia sẻ", Thảo tâm sự.
Theo VNE
Những bóng hồng "sắt đá" của biệt động Sài Gòn Thật khó tin khi những biệt hiệu "Chim sắt", "Con thoi sắt" lại dành cho những người phụ nữ nhỏ nhắn, chân yếu tay mềm... Nhưng biệt hiệu ấy gắn với họ, bởi họ là Nữ biệt động Sài Gòn với những trận đánh kinh thiên động địa. Nữ biệt động Sài Gòn năm xưa vốn là những cô sinh viên, học sinh,...