“Góc phố, miếng sân nào cũng bị chia, lấy đâu chỗ chơi cho trẻ”
“Cứ nói phải có sân chơi cho các cháu nhưng có đâu? Có miếng sân, góc phố nào cũng chia lô xây hết” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề cập chuyện thực tế khác biệt so với những quy định trong luật Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu quy hoạch xây dựng nhất thiết phải đảm bảo trẻ nhỏ có chỗ chơi.
Chiều 14/8, UB Thường vụ Quốc hội dành thời gian thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo luật này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh yêu cầu, luật ra đời phải đáp ứng mục tiêu khắc phục những vấn đề chưa tốt được đề cập trong báo cáo tổng kết.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thực chất tính khả thi của luật chưa cao, rồi luật ống, luật chính sách, hô hào vậy thôi chứ còn triển khai làm được chưa nhiều. Từ tổng kết soát lại quy định cho chặt chẽ và nên bám lấy Công ước Liên Hợp Quốc và Hiến pháp.
“Nói trẻ được quyền này quyền kia nhưng các cháu còn nhỏ đâu biết gì. Luật phải viết thêm về trách nhiệm theo hướng gia đình, nhà trường, tổ chức, xã hội và nhà nước phải chủ động hơn để đảm bảo quyền của trẻ em. Cụ thể, với các quyền được xác nhận, gia đình làm gì, nhà trường làm gì, xã hội đoàn thể phải làm gì, Nhà nước làm gì để đảm bảo thực hiện”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhấn mạnh trách nhiệm của Nhà nước từ làm luật đến thanh kiểm tra và xử lý vi phạm, Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế: “Cứ nói phải có sân chơi cho các cháu nhưng có đâu? Thời Pháp, chính quyền xây dựng quy hoạch mà góc phố nào trẻ em cũng có thể chơi được cả, giờ mình xây thì nào là cơi nới, rồi có miếng sân nào làm sạch, ra ngoài cũng chia sạch, cắt ô hết cả”.
Ngay cả khu mới xây dựng cũng không có đủ không gian vận động, vui chơi cho trẻ nhỏ. Trong trường thì không đảm bảo tiêu chí, ngoài phố cũng thế, đất chủ yếu là để xây nhà. Vỉa hè có những chỗ chơi của trẻ cũng bịt mất rồi, làm chỗ đỗ, trông ô tô, xe máy hết rồi. Ngay ở nông thôn, chỗ chơi cho trẻ cũng khó, đừng nói đến phố thị.
Video đang HOT
Theo Chủ tịch Quốc hội, sự chủ động từ phía Nhà nước là quy định tiêu chuẩn cho xây dựng thì phải buộc làm thế nào, phải xử lý thì các trẻ nhỏ mới có chỗ chơi.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng qua thông tin báo chí phản ánh thì việc xâm hại trẻ con nặng nề quá. Nào là từ gây áp lực với trẻ em, xâm hại trẻ em, hiếp dâm, bắt cóc, buôn bán, mại dâm, giết trẻ em… rất man rợ, dã man. Từ nhà trẻ đến nhà trường cũng đều xảy ra bạo lực. Những sự việc này rất bức xúc nhưng báo cáo đánh giá tác động khi xây dựng luật, phần tổng kết chưa thấy so sánh, nhận định tình hình chăm sóc, bảo vệ trẻ tiến bộ vừa qua tốt hơn hay tệ hơn so với trước kia.
“Luật phải tập trung vào những vấn đề này vì luật quy định mối quan hệ, trách nhiệm và đi theo luật là xử lý trách nhiệm. Luật cứ kêu gọi thì không khả thi. Nhiều sự việc man rợ hơn, trước đây không thấy mà giờ như thế thì phải tập trung giải quyết trong luật này để sau khi có luật thì công tác trẻ em tiến bộ hơn. Đáp ứng mục tiêu ấy mới làm luật”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Còn theo Chủ nhiệm UB các vấn đề của Quốc hội Trương Thị Mai, Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em nói trẻ em có quyền được bảo vệ và đừng can thiệp vào đời tư, vào gia đình, thư tín của các em. Điều này rất quan trọng, chống lại những điều nói xấu và vu cáo trẻ em.
“Thực tế đã có trường hợp đưa thông tin về trẻ em, mà có cháu đã phải viết lại trên facebook xin các bác đừng can thiệp vào cuộc sống của mình, tức là trẻ bị sức ép, bị sốc đến mức độ phải viết xin trên facebook. Sao mình không nghiên cứu điều luật chống lại nói xấu, vu cáo để bảo vệ trẻ em?”, bà Trương Thị Mai đặt vấn đề.
P.Thảo
Theo Dantri
Trưng cầu ý dân những vấn đề Quốc hội không dám tự quyết
Trả lời cho câu hỏi có "vùng hạn chế" cho những nội dung đưa ra trưng cầu ý dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu nguyên tắc, với những vấn đề Quốc hội thấy cần phải thận trọng, không dám tự quyết định mới xin ý kiến nhân dân.
Ngày 11/8, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến Luật Trưng cầu ý dân. Dự luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9 hồi tháng 6 vừa qua.
Chưa thích hợp để trưng cầu bằng bỏ phiếu điện tử
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng điều hành phiên họp thứ 40 của UB Thường vụ Quốc hội.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, luật cần quy định cụ thể cả về nội dung, nguyên tắc, trách nhiệm của các cơ quan và trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân để vừa đề cao vai trò, ý nghĩa quan trọng của vấn đề trưng cầu ý dân, vừa bảo đảm để Luật có thể thi hành được ngay mà không phải chờ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Liên quan đến đề nghị ngoài hình thức biểu quyết bằng phiếu trưng cầu ý dân, cần bổ sung hình thức khác như xin chữ ký hoặc bỏ phiếu điện tử, ông Lý cho biết, thường trực Ủy ban Pháp luật nhận định, trong điều kiện Việt Nam có khoảng 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa thì việc dự thảo Luật quy định cử tri biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp tương tự như đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là phù hợp và bảo đảm tính khả thi.
Hình thức trưng cầu ý dân bằng xin chữ ký hoặc bỏ phiếu điện tử chỉ phù hợp với một số đối tượng, địa bàn nhất định, như ở những đô thị có mật độ dân cư và trình độ dân trí cao...; tuy vậy, nếu thực hiện cũng sẽ gặp nhiều khó khăn cả về phương tiện, điều kiện kỹ thuật và cũng khó kiểm soát, xác định chữ ký hoặc thư điện tử đó đúng là của cử tri. Hơn nữa, thực tiễn cho thấy, việc cử tri trực tiếp đi bỏ phiếu có ý nghĩa rất lớn, tạo không khí sinh hoạt chính trị dân chủ rộng rãi, là ngày hội của toàn dân; đây cũng là cách đã được triển khai có nề nếp và hiệu quả ở nước ta qua các cuộc bầu cử.
Về vấn đề kết quả trưng cầu ý dân, yêu cầu "quá bán kép" được nhiều ý kiến ủng hộ là điều kiện cần thiết để công bố, thi hành. Theo đó, cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành.
Về hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý để làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tôn trọng và thực hiện kết quả trưng cầu ý dân. Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày UB Thường vụ Quốc hội công bố. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm và tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh kết quả của việc trưng cầu ý dân.
Không trưng cầu về chủ quyền, lãnh thổ, sự lãnh đạo của Đảng
Thảo luận về các nội dung đặt ra, Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa nhận định, để đảm bảo Luật được thực hiện trong thực tiễn, vấn đề quan trọng nhất là xác định những nội dung nào được đưa ra trưng cầu ý dân. Dù việc liệt kê cụ thể các nội dung không đơn giản nhưng viết chung chung như dự thảo luật hiện tại cũng rất khó thực hiện.
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng băn khoăn về một câu hỏi lớn cần trả lời khi xây dựng luật này là "nội dung trưng cầu ý dân là gì?". Theo ông Hiển, dự thảo luật hiện vẫn để phạm vi rất rộng, có những nội dung nhất thiết phải hạn chế, không trưng cầu ý dân như chủ quyền quốc gia, biên giới lãnh thổ, quyền lãnh đạo của Đảng...
Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, có 3 nhóm vấn đề để Quốc hội xem xét quyết định trưng cầu ý dân. Đó là các vấn đề thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh, đối ngoại có quan hệ đến sự tồn vong, phát triển của đất nước; những nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ nhân dân và những vấn đề kinh tế - xã hội có ảnh hưởng sâu rộng đến quốc kế dân sinh.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Theo Hiến pháp thì Quốc hội có thể quyết định mọi loại vấn đề, nhưng đây là những vấn đề mà Quốc hội thấy cần phải thận trọng, không dám tự mình quyết định, nên mới xin ý kiến nhân dân".
Liên quan đến vấn đề này, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh lật lại, cần xác định trưng cầu ý dân về quyết định của Quốc hội hay trưng cầu ý dân để Quốc hội chọn theo. Trường hợp trưng cầu về quyết định của Quốc hội tương tự như quyền phúc quyết.
Ông Khánh nêu kinh nghiệm, nhiều nước không đặt ra quyền phúc quyết vì thường là nhà nước tổ chức trưng cầu ý kiến trước khi cơ quan quyền lực nhà nước quyết định vấn đề gì, tức là để dân quyết trước, dân quyết rồi thì nhà nước, Quốc hội làm theo hướng lựa chọn của người dân. Ông Khánh dẫn chứng cuộc trưng cầu của Hy Lạp vừa qua về việc có ở lại Liên minh Châu Âu hay không.
Xung quanh chuyện "quá bán kép", nhiều ý kiến trong UB Thường vụ Quốc hội cho rằng những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân là loại vấn đề hết sức quan trọng. Trong trường hợp chỉ quá bán kép sát sao thì có nghĩa là chỉ có một tỷ lệ không cao người dân thể hiện quan điểm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị khi có 2/3 số cử tri trở lên đi bỏ phiếu thì cuộc trưng cầu ý dân được coi là có giá trị. Sau đó, phương án được hơn một nửa số cử tri bỏ phiếu tán thành là phương án cuối cùng.
Về hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân, trên tinh thần thận trọng, UB Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định, sau khi có kết quả trưng cầu ý dân, Quốc hội ra nghị quyết công nhận kết quả bỏ phiếu, triển khai thực hiện.
P.Thảo
Theo Dantri
"Doanh nghiệp, ngân hàng đổ tiền làm BOT, đổ vỡ nhà nước phải gánh" "Nói là làm BOT nhưng vấn đề ở chỗ tiền ban đầu rót vào cũng là vay ngân hàng. Đừng tưởng tiền BOT không phải là ngân sách vì khoản vay đầu tư có thể thành nợ xấu mà ngân hàng đổ vỡ thì nhà nước phải gánh chịu" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cảnh báo. Chiều 10/8, UB Thường...