Góc nhìn kỹ thuật phiên 21/6: Đường giá có thể gặp rủi ro điều chỉnh
Chỉ báo STO đang lao dốc mạnh sau khi rời khỏi vùng quá bán, còn đường MACD cũng cắt xuống dưới đường tín hiệu ở dưới ngưỡng 0 sẽ là những yếu tố có thể tạo rủi ro điều chỉnh đối với đường giá.
Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS
ĐTCK lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 21/6.
CTCK Bảo Việt – BVSC
Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư đã được cởi bỏ phần nào trước diễn biến mua ròng trở lại của khối ngoại sau kỳ tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs. Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp VN-Index có diễn biến tích cực trong những phiên kế tiếp.
Video đang HOT
Về mặt xu hướng, VN-Index vẫn duy trì được xu hướng tăng điểm với sự hỗ trợ từ nhóm MA ngắn hạn. Tuy nhiên, dải BB có xu hướng đi ngang trong biên độ hẹp, trong khi đường ADX đang dao động quanh ngưỡng 25 trong sự hội tụ của 2 đường DI có thể khiến chỉ số cần thêm thời gian tích lũy, trước khi được kỳ vọng sẽ hướng đến các mốc điểm cao hơn. Chỉ báo STO đang lao dốc mạnh sau khi rời khỏi vùng quá bán, còn đường MACD cũng cắt xuống dưới đường tín hiệu ở dưới ngưỡng 0 sẽ là những yếu tố có thể tạo rủi ro điều chỉnh đối với đường giá.
Trên khung thời gian intraday, cây nến trắng dạng Long White Candle xuất hiện giúp đường giá vượt lên trên đường SMA20 và xuyên phá qua đường PSAR, qua đó tạm thời xóa đi nỗi lo VN-Index phá vỡ vùng hỗ trợ 614-619 điểm để bước vào nhịp giảm điểm ngắn hạn. Cận trên của dải BB (tương ứng với 630 điểm) sẽ là ngưỡng cản của đường giá trong một vài phiên kế tiếp. Tuy vậy, chuyển động của dải BB đang ở trạng thái đi ngang khiến đường giá có thể sẽ dao động tích lũy trong vùng 618-630 điểm, trước khi có thể kỳ vọng một sự bứt phá xuất hiện.
Vùng kháng cự của VN-Index được dự báo nằm tại vùng 635-640 điểm. Đây được xem là điểm bán giảm tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn đang nắm giữ về mức thấp.
CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS
VN-Index VN-Index hình thành cây nến xanh rỗng, không có bóng nến trên, bóng nến dưới nhỏ, cho thấy lực mua áp đảo trong phiên hôm nay. Tuy vậy, thanh khoản khá thấp, chỉ đạt 115 triệu đơn vị. Đường giá hiện tại đang nằm ngay trên dải middle bollinger và MA20. Vùng hỗ trợ 620 điểm. Vùng kháng cự 630 điểm.
HNX-Index hình thành cây nến xanh rỗng cho thấy lực cầu quay trở lại sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp. Thanh khoản tuy vậy khá thấp, chỉ đạt 43 triệu đơn vị. RSI hiện vẫn đang trong vùng overbought, MACD vẫn cho tín hiệu suy yếu, do vậy, rủi ro vẫn đang hiện hữu. Vùng hỗ trợ 83,5 điểm.
Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS
CTCK MB – MBS
Về mặt kỹ thuật, cả 2 chỉ số có phiên hồi phục nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu nhóm dầu khí, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, và sự trở lại của khối ngoại. Các chỉ số có thể kiểm nghiệm lại vùng kháng cự 627-630 điểm đối với VN-Index và 85-86 điểm đối với HNX-Index.
Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng cổ phiếu hiện tại để tận dụng đà tăng điểm của thị trường, đồng thời quan sát diễn biến kiểm nghiệm kháng cự để có hành động phù hợp.
CTCK FPT – FPTS
Phiên đầu tuần 20/6 đã diễn ra với đà hồi phục tích cực của VN-Index. Chỉ số chốt phiên ghi được 7,21 điểm lên đứng ở mốc 626,46 điểm. Trên đồ thị, thân nến tăng của phiên 20/6 cho thấy đà tăng suất hiện khá sớm và được mở rộng dần về cuối phiên. Tín hiệu này đã góp phần xóa bỏ nguy cơ đổ vỡ ngưỡng hỗ trợ được phản ánh trong nến giảm liền trước. Như vậy, đường SMA 20 đã chứng tỏ vai trò quan trọng đối với xu hướng thị trường ngắn hạn. Đây cũng là khu vực biên dưới của kênh biến động theo chiều ngang của VNIndex kể từ đầu tháng 6/2016 tới nay.
Tuy nhiên, nếu kết hợp diễn biến giá tại ngưỡng hỗ trợ với việc thanh khoản thấp dưới mức bình quân 20 phiên gần nhất, mô hình nến ngày 20/6 không hoàn toàn là tín hiệu tích cực bởi nó chưa xác nhận cho tín hiệu tạo đáy ngắn hạn. Mặc dù việc so sánh thanh khoản với 2 phiên giảm liền trước sẽ là không phù hợp do có sự tác động của ETFs, tuy nhiên khối lượng trong phiên tăng ngày 20/6 cũng thấp hơn đáng kể so với bình quân khối lượng của các phiên tăng trong tháng 6 sẽ là một dấu hiệu đáng lưu ý về khả năng suy yếu của bên mua.
Về chỉ báo, các chỉ báo MACD và ADX vẫn giữ phản ánh xu hướng tiêu cực sau phiên 17/6. Các chỉ báo nhanh hơn như Stoch hay ROC vẫn tiếp tục cho tín hiệu điều chỉnh ngắn hạn. Theo đó, kỳ vọng thị trường quay lại xu hướng tăng giá vẫn cần chờ thêm tín hiệu xác nhận khác. Nếu điểm số và thanh khoản tiếp tục biến động ngược chiều, cần lưu ý nguy cơ giảm giá có thể quay lại trong các phiên cuối tuần.
Đối với HNX-Index, mặc dù mức tăng về điểm số là không lớn, nhưng nếu so sánh về mức dao động giá trong phiên của HNX-Index so với các phiên giảm gần đây, rõ ràng phiên tăng này có ý nghĩa ổn định về xu hướng. Cụ thể, thân nến tăng bao quát hoàn toàn 2 thân nến tiêu cực liền trước và đồng thời giúp chỉ số tái lập mốc 84 điểm đã triệt tiêu dấu hiệu điều chỉnh mạnh hơn. Theo đó, kịch bản dao động của HNXIndex vẫn được bảo lưu trong khoảng giá trị 84-85 điểm.
Điểm trừ đối với diễn biến hồi phục này là khối lượng giao dịch khớp lệnh trên HNX sụt giảm về dưới mức bình quân 20 phiên gần nhất. Điều này khẳng định tín hiệu bi quan trong diễn biến chỉ số tuần liền trước đã khiến dòng tiền thận trọng hơn. Do HNX-Index đang dao động sát ngưỡng kháng cự 85 điểm, nên sự sụt giảm của khối lượng nếu kéo dài sẽ là yếu tố gây bất lợi đối với kỳ vọng hình thành xu hướng tăng gia tốc của chỉ số.
Ở chiều hỗ trợ, sự hiện diện của SMA 20 và fibo 61,8% tại 83 điểm sẽ tiếp tục giữ vai trò cảnh báo đảo chiều giảm của xu hướng ngắn hạn. Trong bối cảnh các chỉ báo xung lượng và xu hướng vẫn giữ trạng thái tích cực, rõ ràng rủi ro về xu hướng của HNX-Index đang được đánh giá thấp hơn so với VN-Index.
N.Tùng
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán