Góc nhìn đa chiều về room ngoại
Có nhiều ý kiến nêu quan điểm về dự thảo quy định liên quan đến tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (room).
Các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán chủ yếu là nhà đầu tư tài chính. Ảnh: Shutterstock.
Quy định về room và dự kiến sửa đổi
Luật Chứng khoán 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2010 không có quy định về nhà đầu tư nước ngoài cũng như tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Các quy định về vấn đề này được thực hiện theo Nghị định của Chính phủ. Kể từ khi TTCK ra đời năm 2000, Chính phủ nhiều lần thay đổi quy định về room theo hướng nới rộng.
Hiện nay, room được thực hiện theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Chứng khoán.
Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế.
Trường hợp công ty đại chúng có ngành nghề có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì áp dụng quy định đó, trường hợp không có quy định thì áp dụng tỷ lệ tối đa là 49%.
Đối với công ty đại chúng đa ngành nghề có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì áp dụng tỷ lệ thấp nhất. Đối với công ty không bị quy định tỷ lệ, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế, trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác.
Quy định “trừ điều lệ điều lệ công ty có quy định khác” trao quyền tự quyết cho nội bộ cổ đông của doanh nghiệp, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp phải được 65% cổ phần có quyền biểu quyết chấp thuận.
Video đang HOT
Sau khi đại hội đồng cổ đông có nghị quyết về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, doanh nghiệp phải làm thủ tục với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy số lượng công ty đại chúng mở room lên 100% rất ít, thậm chí một số công ty đưa tỷ lệ này về 0%.
Sau khi Luật Chứng khoán 2019 được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ 1/1/2021), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật để trình Chính phủ ban hành.
Trong đó, dự thảo quy định nhà đầu tư nước ngoài, đại diện giao dịch, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ các quy định pháp luật về tỷ lệ sở hữu nước ngoài khi tham gia đầu tư trên TTCK Việt Nam.
Về cơ bản, quy định tại dự thảo kế thừa các quy định tại Nghị định số 60/2015/NĐ-CP về nguyên tắc xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng theo cam kết quốc tế và pháp luật chuyên ngành. Điểm mới là bỏ quy định cho phép đại hội đồng cổ đông quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Ý kiến về dự thảo quy định mới
Ông Andy Hồ, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư, Tập đoàn VinaCapital đánh giá, dự thảo Nghị định bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài đối với các công ty không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ đưa TTCK Việt Nam tiệm cận với thông lệ quốc tế, tạo ra sự minh bạch và công bằng cho các nhà đầu tư nội địa và nước ngoài.
Nhờ đó, tạo điều kiện cho TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong thời gian sắp tới.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cũng cho rằng, quy định như dự thảo Nghị định sẽ góp phần tháo gỡ nút thắt về room trong quá trình nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.
Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến cần tôn trọng quyền tự quyết của doanh nghiệp, các cổ đông của doanh nghiệp cần có quyền quyết định tỷ lệ sở hữu nước ngoài là bao nhiêu.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và Kiểm soát nội bộ, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, bản chất của một công ty cổ phần là công ty đối vốn, tức là quyền quyết định thuộc về những người nắm đa số vốn trong công ty.
Luật cho phép cổ đông nắm giữ tối thiểu 65% cổ phần dự họp có thể thông qua những quyết định “sống còn” của doanh nghiệp như giải thể công ty, hợp nhất, sáp nhập. Với cổ đông nhỏ, Luật đã dự liệu bảo vệ bằng cách bắt buộc công ty mua lại cổ phần của những cổ đông phản đối quyết định này nếu họ có yêu cầu.
Một số quỹ đầu tư kiến nghị, quyền quyết định tỷ lệ sở hữu nước ngoài thuộc về doanh nghiệp, các công ty được phép quyết định/giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trong điều lệ. Ngoài ra, một công ty được coi là nhà đầu tư nước ngoài khi có trên 50% vốn nước ngoài trong ít nhất 180 ngày trong 1 năm; có 35% vốn điều lệ thuộc sở hữu của 1 nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan.
Một số ý kiến khác quan ngại, trong trường hợp công ty không còn quyền quyết định tỷ lệ sở hữu nước ngoài có thể dẫn đến những tình huống “vận dụng luật”, chẳng hạn đăng ký thêm các ngành nghề kinh doanh có điều kiện để qua đó hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Theo ông Long, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, nếu doanh nghiệp “vận dụng luật” một cách đúng luật thì phải tôn trọng. Quyền “tự do kinh doanh ngành nghề mà luật không cấm” là quyền đầu tiên của doanh nghiệp được Luật Doanh nghiệp 2014 và cả Luật Doanh nghiệp 2020 ghi nhận và bảo vệ.
Giải pháp chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết
Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng phòng Pháp lý, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, đối với các nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK – chủ yếu là nhà đầu tư tài chính, họ không quan tâm đến vấn đề quản lý hay quyền biểu quyết vì họ chỉ đầu tư tài chính (đầu tư gián tiếp).
Ngoài nới room, danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài cần có lộ trình giảm dần.
Do đó, việc xây dựng cơ chế cho chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) được chính thức áp dụng tại Việt Nam là quan trọng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tận dụng các cơ hội đầu tư trên TTCK. Với cơ chế cho NVDR đã được quy định trong dự thảo Nghị định thì quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại tại công ty đại chúng là phù hợp.
Trong trường hợp mở room hay không muốn mở room đều cần phải thông qua đại hội đồng cổ đông quyết định, điều đó cho thấy quyền của cổ đông được đặt lên hàng đầu.
Do đó, dù áp dụng quy định hiện hành cho phép mở room 100% thì cũng cần thông qua đại hội đồng cổ đông để loại bỏ ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
“Vấn đề tiên quyết là giải pháp cho các nhà đầu tư tài chính, phải tạo cơ chế thực thi chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết một cách hiệu quả”, bà Vân nói.
Ông Petri Deryung, Giám đốc quản lý quỹ PYN Elite kỳ vọng, những thay đổi tại Luật Chứng khoán và các luật các có liên quan sẽ dẫn tới việc áp dụng chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết một cách minh bạch tại Việt Nam.
Thực tế thị trường hiện tại đang khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài giao dịch cổ phiếu một cách thiếu minh bạch. Những thay đổi trong quy định về room mang lại lợi ích cho Nhà nước khi doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).
Lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi
Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ gồm 269 điều và 9 chương. Ảnh Internet.
Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019, có hiệu lực từ 1/1/2021. Luật Chứng khoán năm 2019 được kì vọng sẽ góp phần hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý, bảo đảm cho sự phát triển an toàn, ổn định, bền vững của thị trường chứng khoán, đáp ứng yêu cầu hội nhập, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Đây cũng sẽ là nền tảng pháp lý quan trọng góp phần cải thiện nguồn cung cũng như khả năng hút vốn cho thị trường chứng khoán; nâng cao năng lực của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán, tăng tính công khai, minh bạch của thị trường chứng khoán.
Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính (Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước) chủ trì hoàn thiện, ban hành 4 Nghị định và 11 Thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán năm 2019. Ngoài dự thảo Nghị định chung hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019, 03 dự thảo Nghị định còn lại đang được cơ quan soạn thảo hoàn thiện liên quan đến quản trị công ty; xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán; chứng khoán phái sinh.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ gồm 269 điều và 9 chương quy định chi tiết về chào bán, phát hành chứng khoán và chào mua công khai; tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán; đăng ký chứng khoán, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, thành viên của tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, tổ chức mở tài khoản trực tiếp.
Ngoài ra dự thảo cũng quy định rõ về nội dung đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, chi nhánh, văn phòng đại diện, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán; các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán.
Đáng chú ý, một trong những điểm mới tại dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi là cho phép doanh nghiệp được chào bán cổ phiếu ra công chúng với giá thấp hơn mệnh giá.
Cụ thể, điều kiện công ty đại chúng chào bán cổ phiếu ra công chúng với giá thấp hơn mệnh giá gồm: giá cổ phiếu của tổ chức phát hành giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán thấp hơn mệnh giá, trong đó, giá cổ phiếu được tính bằng bình quân giá tham chiếu của 60 ngày giao dịch liên tiếp liền trước ngày đại hội đồng cổ đông thông qua phương án chào bán; có đủ thặng dư vốn cổ phần căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất được kiểm toán đủ bù đắp phần thặng dư âm phát sinh do chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá...
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng có nội dung liên quan đến việc cho doanh nghiệp nước ngoài niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, để được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán tại Việt Nam, tổ chức phát hành nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện: là chứng khoán của tổ chức phát hành nước ngoài đã được chào bán ra công chúng tại Việt Nam theo quy định pháp luật về chứng khoán Việt Nam; số lượng chứng khoán đăng ký niêm yết tương ứng với số lượng chứng khoán được phép chào bán tại Việt Nam; đáp ứng các điều kiện niêm yết; có cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của tổ chức niêm yết theo quy định của pháp luật Việt Nam; được 1 công ty chứng khoán thành lập và hoạt động tại Việt Nam tham gia tư vấn niêm yết chứng khoán; tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý ngoại hối.
Cùng với đó, dự thảo nghị định cũng đưa ra nhiều quy định mới về tổ chức thị trường giao dịch; đăng ký chứng khoán, bù trừ và thanh toán chứng khoán; tổ chức kinh doanh chứng khoán và hành nghề chứng khoán;...
Hiện Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đang tích cực nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, tổ chức, nhà đầu tư một cách nghiêm túc để hoàn hiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Thay đổi phân loại đối tượng được kiểm toán Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 84/2016/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó đề xuất thay đổi phân loại đối tượng được kiểm toán. Ảnh minh họa Bộ Tài chính cho biết, ngày 26/11/2019 Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi, trong...