Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Thích hợp với hoạt động đầu cơ
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán trong chuyên mục bàn tròn tuần này, một số chuyên gia cho rằng, thị trường vẫn đang nằm trong một xu hướng hồi phục ngắn sau giai đoạn sụt giảm mạnh trước đó. Do đó, giai đoạn này thích hợp với các hoạt động đầu cơ, trading với mục đích ngắn hạn.
Thị trường đã có những phiên hồi phục khá ấn tượng sau chuỗi ngày “đỏ lửa”, khá nhiều nhà đầu tư đã tạm gọi “bắt đáy” thành công. Nhưng, điều mà thị trường quan tâm là nhịp hồi phục này có tiếp tục duy trì trong tuần tới, theo các ông/bà?
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ chứng khoán, CTCK VNDIRECT
Tôi cho rằng cơ hội hồi phục vẫn còn trong tuần giao dịch tới khi các chỉ số và nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn giảm liên tiếp trong ba tuần trước đó với hỗ trợ quanh mức 885 điểm của VN-Index giúp kìm hãm đà rơi.
Vùng mục tiêu hồi phục có thể chỉ quanh mức 940-950 điểm và đây vẫn là nhịp hồi ngắn và rủi ro hiện vẫn lớn khi bối bối cảnh chung của thị trường tài chính diễn biến tiêu cực trở lại từ đầu tháng 10 với nhiều thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu để vỡ đáy của tháng 7/2018, đồng USD tăng giá trở lại, giá dầu giảm và lãi suất VND có xu hướng tăng.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
Có thể tăng. Thị trường chứng khoán Mỹ và cả thế giới đang đón tin tốt lành, khi Tổng thống Trump đang có những động thái mang tính ôn hòa đầy bất ngờ trong cuộc chiến Mỹ – Trung. Thậm chí nếu lạc quan nhất thì có thể nói là ông ấy sẽ chính là người chấm dứt “cuộc chiến” mà mình gây ra. Tất nhiên vẫn còn sớm để bàn về nó, nhưng tôi nghĩ ít nhất trong tuần tới, thị trường sẽ tiếp tục nhịp hồi.
Ông Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường, CTCK BVSC
Ông Trần Xuân Bách
Sau những diễn biến hồi phục tích cực của VN-Index từ vùng hỗ trợ mạnh 880-885 điểm trong tuần qua, tôi kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục duy trì đà hồi phục với đích đến nằm tại 945-950 điểm trong tuần tới.
Các nhóm cổ phiếu sẽ có sự luân phiên hồi phục trong quá trình đi lên của thị trường. Sau đó, thị trường có thể sẽ bước vào giai đoạn khó chơi hơn với sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu Ngân hàng đã hồi sinh khá ấn tượng, sau khi có tin về BID sẽ bán vốn cho đối tác Hàn Quốc Hana. Trong ngắn hạn, liệu nhóm ngân hàng có cơ hội lead sóng hay không khi nhiều yếu tố gây quan ngại đang diễn ra như nợ xấu và tín dụng thắt chặt?
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ chứng khoán, CTCK VNDIRECT
Ngoài BID thì VCB cũng đang nỗ lực hoàn tất thương vụ bán cổ phần cho các đối tác ngoại nên sẽ là điểm tựa cho đợt hồi phục của thị trường. Nhưng nhìn chung nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là hồi phục sau khi giảm sâu trước đó.
Kết quả kinh doanh quý III của nhóm ngân hàng công bố rất tích cực với doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhưng giá cũng đã phản ánh trước kỳ vọng này trong đợt tăng cuối quý I/2018.
Trong bối cảnh lãi suất đồng USD tăng, tỷ giá USD/VND còn nhiều áp lực, tăng trưởng tín dụng được kiểm soát chặt hơn để kiềm chế lạm phát và xu hướng lãi suất VND từ nay tới cuối năm cũng như năm sau sẽ là tăng thì triển vọng ngành ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể do NIM có xu hướng giảm và rủi ro tăng nợ xấu. Do đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng chỉ tạo ra một đợt hồi phục ngắn hạn như mặt bằng thị trường chung chứ không có khả năng khởi tạo hay dẫn dắt cho một đợt sóng tăng thực sự.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
BID là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong nhóm ngân hàng tuần qua, và chắc chắn là có liên quan đến thông tin bán vốn cho Keb Hana Bank (Hàn Quốc). Nhưng như thế thì việc bán vốn đó chỉ có lợi ngắn hạn cho BID, chứ không hẳn là tin tốt cho cả nhóm ngân hàng.
Video đang HOT
Nếu nhìn góc độ cả nhóm, tôi nghĩ chỉ có thể nói rằng đó là nhờ kết quả kinh doanh rất tốt trong quý III. Điều này cũng có thể giúp nhóm ngân hàng tiếp tục tăng giá trong tuần tới, nếu tin tốt tiếp tục đến từ nước Mỹ (như đã nói ở câu 1), bởi tính trong phạm vi 1 tháng, đa số cổ phiếu ngân hàng vẫn giảm khá mạnh, ví dụ như VCB giảm 9,6%, BID -10,4%, CTG -13,3%, MBB -4,8%, ACB -8,7%… (xem hình).
Đợt tăng giá tuần qua được coi như là hồi phục, nhưng mới chỉ là bước đầu. Và xét ở góc độ ngành, với vị thế thứ 2 trên sàn HOSE (đóng góp theo quy mô vốn hóa) chỉ sau bất động sản, nhưng bất động sản quý III không phải là quý tốt nhất trong năm, nên ngân hàng được kỳ vọng là lead sóng.
Ông Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường, CTCK BVSC
Theo tôi, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ đóng vai trò là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong nhịp hồi phục ngắn hạn hiện tại. Triển vọng lợi nhuận trong năm 2018 tăng trưởng tốt cùng với những thông tin hỗ trợ như việc chào bán cho đối tác chiến lược… sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho các cổ phiếu ngân hàng trong ngắn hạn.
Mặc dù vậy, xét về mặt trung hạn, dư địa tăng trưởng của nhóm ngành này đang được dự báo sẽ không còn nhiều với những mối lo ngại từ các yếu tố như nợ xấu và tín dụng thắt chặt…
Trái với giao dịch nhà đầu tư trong nước, khối ngoại vẫn liên tiếp bán ròng, trong đó VIC, VNM… là nhóm bị bán nhiều nhất. Ông/bà đánh giá hiện tượng này như thế nào? Và điều này có có tác động đến tâm lý thị trường trong những phiên tới?
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ chứng khoán, CTCK VNDIRECT
Ông Nguyễn Trung Du
Xu hướng bán ròng để rút vốn của khối ngoại kéo dài từ tháng 4/2018 tới nay và đây là diễn biến chung trên các thị trường mới nổi và cận biên khi các quỹ ngắn hạn chịu áp lực chi phí vốn và rủi ro tỷ giá tăng lên do đồng USD mạnh lên so với hầu hết ngoại tệ khác.
Nhìn chung dòng vốn ngoại tổng thể vẫn là mua ròng ở các thương vụ lớn của VHM, MSN, TCB hay có thể tới đây là BID, VCB nhưng dòng tiền thu được là các doanh nghiệp nên nó không tích cực như việc mua ròng trên sàn giao dịch để bơm thêm tiền cho thị trường và giảm bớt cung hàng.
Ngược lại, việc bán ròng một cách đều đặn ở các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VNM, HPG, VJC vẫn gây áp lực đáng kể lên các chỉ số, làm giảm lượng tiền trong thị trường và tăng thêm cung trôi nổi.
Cá nhân tôi nhìn nhận đây là quá trình chốt lời đơn thuần của các quỹ khi các cổ phiếu này đều mang lại lợi nhuận lớn cho các quỹ trong nhiều năm sở hữu nhưng rõ ràng nó có tác động tiêu cực cho thị trường. Do đó, nếu dòng vốn ngoại chưa đảo chiều từ bán ròng sang mua ròng trở lại thì cũng thật khó để kỳ vọng một đợt sóng tăng nào cho thị trường.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
VIC thì tôi không có ý kiến, vì cổ phiếu này luôn giữ giá ở mức khá cao dù luôn tăng trưởng, nên cũng khó tìm lý do khối ngoại bán ròng. Nhưng thật là tiếc khi nhìn số liệu thống kê ,VNM bị khối ngoại bán ròng mạnh. Có thể nói VNM giảm giá có “công” lớn từ khối ngoại.
Có lẽ, kết quả kinh doanh 9 tháng của doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam là thất vọng trong con mắt nhà đầu tư tổ chức, khi doanh thu hợp nhất chỉ tăng có 2,2% so với cùng kỳ năm trước và lãi ròng giảm 7,3%.
Ông Hoàng Thạch Lân
Tuy nhiên, giá cổ phiếu VNM đã giảm 13,5% trong phạm vi 1 tháng qua, thậm chí phiên 01/11 chính thức ghi nhận mức giá thấp nhất trong vòng 1 năm qua.
Nếu không có những thông tin tốt nói ở trên, thì tôi nghĩ giá cổ phiếu này còn giảm, bởi P/E cập nhật mới vẫn khá cao, trên 20 lần cho 1 cổ phiếu hụt đà tăng trưởng, và khối ngoại vẫn sẽ bán ròng. Nhưng trong ngắn hạn, với khí thế hồi phục của thị trường, có lẽ mức giá 111.500 ngàn đồng/cp sẽ là đáy.
Ông Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường, CTCK BVSC
Trên thực tế, hoạt động mua/bán ròng của khối ngoại luôn có tác động đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường, đặc biệt là hiện tượng bán ròng.
Thị trường vẫn được kỳ vọng sẽ có nhịp hồi phục ngắn hạn tuy nhiên nếu khối ngoại vẫn tiếp tục duy trì hoạt động bán ròng trong những tuần tới thì yếu tố này sẽ trở thành lực cản về mặt tâm lý đối với đà hồi phục của thị trường trong ngắn hạn.
Vì vậy, tôi cho rằng, các nhà đầu tư nên theo dõi chặt chẽ động thái của khối ngoại trong giai đoạn này để có được những hành động kịp thời và hợp lý khi thị trường tiếp cận các vùng kháng cự mạnh trong thời gian tới.
Ở thời điểm này, ông/bà chọn chiến lược đầu tư như thế nào?
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ chứng khoán, CTCK VNDIRECT
Trong bối cảnh nhiều bất ổn và biến động khó lường như hiện tại, tôi cho rằng chiến thuật hợp lý nhất là phòng thủ hơn là mạo hiểm kiếm lợi nhuận lúc này bởi rủi ro thua lỗ sẽ cao hơn khả năng kiếm lợi nhuận khá mỏng ở giai đoạn này.
Điều này đồng nghĩa với việc nên dự phòng nhiều tiền mặt và sở hữu tỷ trọng thấp cổ phiếu và cổ phiếu nắm giữ nên thiên về các cổ phiếu cơ bản có tính phòng thủ cao. Các rủi ro hiện đang tăng dần và đều xuất phát từ các yếu tố vĩ mô căn bản như tỷ giá, lãi suất chứ không phải do tâm lý, các xáo trộn chính trị nhất thời hoặc các đợt điều chỉnh do chốt lời đơn thuần. Do đó, tôi đánh giá rủi ro ngắn hạn hiện vẫn ở mức cao.
Ông Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường, CTCK BVSC
Thị trường vẫn đang nằm trong một xu hướng hồi phục ngắn sau giai đoạn sụt giảm mạnh trước đó. Do đó, giai đoạn này thích hợp với các hoạt động đầu cơ, trading với mục đích ngắn hạn.
Các nhà đầu tư có thể lựa chọn nhóm các cổ phiếu bluechips được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản tốt, thanh khoản cao và bị giảm mạnh. Nên hạn chế các hoạt động mua đuổi ở các nhóm cổ phiếu đã hồi phục mạnh đến gần các vùng kháng cự trong tuần trước. Có thể mua mang tính đón đầu ở các cổ phiếu chưa tăng nhiều hoặc đang có dấu hiệu đảo chiều về mặt kỹ thuật.
Theo Báo Mới
Khối ngoại xả mạnh bluechip trong phiên tăng mạnh ngày cuối tuần 2/11
Trong khi lực cầu trong nước tăng mạnh giúp thị trường khoe sắc trong phiên cuối tuần ngày 2/11, thì nhà đầu tư nước ngoài lại quay ra bán ròng sau phiên mua ròng khủng ngày hôm qua. Đáng chú ý, khối ngoại tập trung bán mạnh cổ phiếu bluechip.
Ảnh AFP
Trên sàn HOSE, khối ngoại mua vào với khối lượng 18,71 triệu đơn vị, giá trị 816,6 tỷ đồng, giảm 53,14% về lượng và 70,6% về giá trị so với phiên trước.
Ngược lại, khối này bán ra 30,61 triệu đơn vị với tổng giá trị 1.079,55 tỷ đồng, tăng 103,95% về lượng và 68,98% giá trị so với phiên trước.
Như vậy, khối ngoại đã bán ròng 11,9 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 262,95 tỷ đồng; trong khi phiên hôm qua mua ròng 24,91 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng lên tới 2.138,28 tỷ đồng.
Cổ phiếu SVI được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trong phiên với khối lượng gần 1,3 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 64,95 tỷ đồng.
Tiếp theo đó là BID với 29,85 tỷ đồng, VJC với 19,37 tỷ đồng, MSN với 10,45 tỷ đồng...
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VIC bị bán ròng mạnh nhất với 833.980 đơn vị, tương ứng tổng giá trị hơn 80 tỷ đồng.
Trong khi đó, VNM lùi về vị trí thứ 2 khi bị bán ròng 603.690 đơn vị, giá trị 70,34 tỷ đồng.
Đứng ở vị trí tiếp theo là NVL với 25,98 tỷ đồng, HDB với hơn 18 tỷ đồng, SSI với hơn 16 tỷ đồng, GAS với 13,82 tỷ đồng, PVD với 12,9 tỷ đồng, VHC với hơn 10 tỷ đồng...
Trên sàn HNX, khối ngoại mua vào 577.530 đơn vị, với tổng giá trị 9,56 tỷ đồng, tăng 77,31% về lượng và 114,83% về giá trị so với phiên trước.
Ngược lại, khối này bán ra 280.430 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 1,6 tỷ đồng, giảm 43,92% về lượng và 77,96% về giá trị so với phiên trước.
Như vậy, trong phiên hôm nay, khối ngoại đã mua ròng 297.100 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 7,96 tỷ đồng; trong khi phiên trước bán ròng 174.314 đơn vị, tổng giá trị bán ròng 2,81 tỷ đồng.
Phiên hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng mạnh nhất cổ phiếu PVS với hơn 4 tỷ đồng, tương đương khối lượng 221.400 đơn vị.
Tiếp đó là VGC được mua ròng 1,86 tỷ đồng (120.700 đơn vị) và CEO với 1,26 tỷ đồng (98.000 đơn vị).
Ở chiều ngược lại, không có mã nào bị bán ròng tới nửa tỷ đồng. Cổ phiếu ATS dẫn đầu với khối lượng bán ròng chỉ 6.700 đơn vị, giá trị hơn 257 triệu đồng.
Trên UPCoM, khối ngoại mua vào 1,26 triệu đơn vị, giá trị 35,27 tỷ đồng, giảm 23,94% về khối lượng và 36,6% về giá trị so với phiên trước.
Ngược lại, khối này bán ra 1,31 triệu đơn vị, giá trị 30,71 tỷ đồng, giảm 13,79% về lượng và 22,9% về giá trị so với phiên trước.
Như vậy, phiên hôm nay, khối ngoại đã bán ròng 51.837 đơn vị, trong khi phiên trước mua ròng 135.208 đơn vị. Tuy nhiên, tổng giá trị vẫn là mua ròng 4,56 tỷ đồng, giảm 71,14% so với phiên trước.
Trong đó, khối ngoại vẫn mua ròng mạnh nhất cổ phiếu VEA với khối lượng 173.600 đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng 6,26 tỷ đồng.
Tiếp đó là HVN được mua ròng 59.400 đơn vị, giá trị 1,93 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, có 3 mã bị bán ròng 1,2-1,3 tỷ đồng là GVR, BSR và POW.
Tính chung trên cả 3 sàn trong phiên 2/11, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 11,65 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 250,43 tỷ đồng; trong khi phiên hôm qua mua ròng 24,88 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng lên tới 2.151,27 tỷ đồng.
T.Thúy
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Khối ngoại mua ròng khủng hơn 2.150 tỷ đồng, giao dịch đột biến MSN trong phiên 1/11 Trái với phiên hôm qua, ở phiên giao dịch đầu tiên của tháng 11, trong khi nhà đầu tư trong nước quay ra đẩy bán khiến thị trường đảo chiều giảm thì khối ngoại lại có phiên mua ròng khủng với tổng giá trị lên tới hơn 2.150 tỷ đồng với tác nhân gây đột biến là cổ phiếu lớn MSN. Ảnh AFP...