Góc nhìn chứng khoán: Chưa bay, cổ phiếu hàng không đã cất cánh
Phiên điều chỉnh nhẹ cuối tuần không gây nhiều xáo trộn và cũng không mấy bất ngờ. Thị trường vẫn hấp dẫn vì có những câu chuyện thú vị riêng. Hôm qua là nhóm cổ phiếu dầu khí, hôm nay đến lượt các cổ phiếu hàng không tăng kịch trần.
Hàng không là lĩnh vực chịu rất nhiều ảnh hưởng của việc “cách ly xã hội”. Các chuyến bay quốc tế đã đình chỉ, còn nội địa, từ 31/3 đã có quyết định giảm tần suất bay. Đối với các hãng hàng không, dòng tiền chủ yếu đến từ thu vé khách hàng theo chuyến. Vì vậy hạn chế bay nghĩa là “đứt” dòng tiền.
Hiện tại việc hạn chế bay được ấn định trong 15 ngày đầu tháng 4/2020 do chỉ thị cách ly xã hội của Chính phủ. Hôm nay đã là ngày 10/4, tức là việc giảm tần suất này chỉ còn kéo dài hơn tuần nữa, nếu không có gì thay đổi.
Thị trường đã nhanh chóng tìm thấy câu chuyện riêng với kỳ vọng sự thay đổi khi lệnh cách ly kết thúc đúng hạn. Các cổ phiếu hàng không như HVN, VJC ngay lập tức được chú ý trong phiên hôm nay và đồng loạt tăng kịch trần. ACV, cổ phiếu của Tổng công ty Cảng hàng không cũng tăng 7,52%.
Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, HVN trong 3 tháng đầu năm 2020 thiệt hại nặng nhất với số lỗ 2.382 tỉ đồng. ACV giảm lợi nhuận trong quý 1/2020 là 586 tỉ đồng. Trong số các hãng hàng không còn đang khai thác nội địa, HVN là hãng có tần suất khai thác lớn nhất trong giai đoạn hạn chế này với 30/30 chuyến đến Đà Nẵng và 20/30 chuyến chặng Hà Nội – Tp.HCM và ngược lại.
Trong khi đó, Vietjet mất toàn bộ đường bay đến Đà Nẵng và chỉ được khai thác đường bay Hà Nội – Tp.HCM và ngược lại với tần suất 3 ngày 1 chuyến; tương đương 5 chuyến khứ hồi cho cả giai đoạn hạn chế bay. Tần suất khai thác của Vietjet trong giai đoạn này là tương đương với Bamboo Airways và Jetstar Pacific.
Video đang HOT
Chính vì vậy, nếu các hãng hàng không được vận hành bình thường trở lại, các khó khăn sẽ giảm bớt, dù còn lâu mới có thể trở lại mức độ bình thường vì nhu cầu đi lại dự báo vẫn sẽ thấp. Người dẫn vẫn sẽ hạn chế đi lại và đi du lịch, hạn chế chi tiêu. Tuy nhiên chỉ riêng việc mở lại các đường bay cũng đã là một thay đổi tích cực nhất lúc này.
Cổ phiếu của các hãng hàng không đã lao dốc rất mạnh, HVN giảm giá 48% trong 3 tháng đầu năm, VJC giảm 34,3%. Cổ phiếu ACV cũng giảm 43%. Mức giảm này phản ánh sự chiết khấu rủi ro của thị trường đối với lĩnh vực hàng không. Nói cách khác, nếu mức giá đáy đầu tháng 4 đã là chiết khấu đủ, khi các hãng hàng không được phép vận hành bình thường, tình hình sẽ cải thiện dần.
Do đó nhà đầu tư đã tranh thủ đi trước một bước. Trong 8 phiên đầu tháng 4, ACV đã phục hồi gần 25,4% giá trị, HVN tăng 23,9%, VJC tăng 12,2%. Hôm nay trong khi thị trường chịu áp lực chốt lời nhất định và VN-Index giảm 0,31%, các cổ phiếu hàng không vẫn tăng cực mạnh. Đặc biệt HVN thu hút sự chú ý rất lớn khi thanh khoản tăng vọt lên mức kỷ lục 9 tháng.
Việc thị trường nhạy bén với các cơ hội trong tương lai là điều bình thường, nhưng vẫn còn quá sớm để xuất hiện một xu thế tăng bền vững với các cổ phiếu hàng không. Điều quan trọng nhất trong ngắn hạn là liệu có kéo dài thêm lệnh cách ly xã hội hay không. Ngày 15/4 quy định cách ly hiện tại sẽ hết hiệu lực nhưng vẫn có khả năng được duy trì đến hết tháng 4. Nếu có bất kỳ tín hiệu nào về việc kéo dài hơn lệnh cách ly và hạn chế bay, cổ phiếu hàng không sẽ chịu thêm tác động tiêu cực.
Vì vậy, dù triển vọng là hoàn toàn hợp lý giúp cổ phiếu hàng không tăng giá, các biến động vẫn chỉ mang yếu tố ngắn hạn. Bên cạnh yếu tố được phép khai thác trở lại tối đa các đường bay, điều quan trọng hơn là mức độ đầy của mỗi chuyến bay. Điều này cũng mang tính quyết định khả năng lời lỗ của các hãng hàng không va đáng tiếc là không thể dự đoán được. Chỉ khi tình hình dịch bệnh được khống chế và việc đi lại trở lại bình thường, sau một thời gian mới có thể biết được liệu cơ hội phục hồi và có lãi của các hãng bay như thế nào. Cho tới lúc đó, thị trường vẫn sẽ thận trọng khi đánh giá các yếu tố cơ bản của cổ phiếu hàng không.
Song Tử
Nhóm ngành nào sẽ hồi phục mạnh sau khủng hoảng Covid-19?
Yuanta ước tính sau giai đoạn khủng hoảng một số ngành sẽ tăng giá mạnh theo thứ tự như sau: Dịch vụ và giải trí, Bán lẻ, Dịch vụ tài chính, Oto và phụ tùng, Ngân hàng.
Theo báo cáo của CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN), biến động của các nhóm ngành hiện có phần tương đồng với giai đoạn khủng hoảng năm 2008 - 2009. Những ngành giảm mạnh nhất trong giai đoạn khủng hoảng có thể hồi phục mạnh sau đó.
Trong giai đoạn khủng hoảng trước kia, ngành dịch vụ tài chính và du lịch - giải trí là hai ngành giảm mạnh nhất trong giai đoạn khủng hoảng, và cũng chính hai ngành này tăng mạnh nhất sau giai đoạn khủng hoảng. Trong khi ngành Dịch vụ tài chính sẽ phản ứng và đạt đỉnh cùng với chỉ số VN-Index thì ngành Du lịch và giải trí biến động và đạt đỉnh của chu kỳ trước chỉ số VN-Index khoảng 2-3 tháng.
Các cổ phiếu ngành Y tế, Điện nước xăng dầu khí đốt, Thực phẩm và đồ uống, Ngân hàng ít bị ảnh hưởng điều này có thể lý giải vì đây là các ngành cung cấp các sản phẩm và dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Đáng chú ý, Ngân hàng là ngành nằm trong top 6 ngành giảm thấp nhất trong giai đoạn khủng hoảng nhưng sau giai đoạn khủng hoảng thì lại tăng trưởng rất tốt và phản ứng sớm so với thị trường chung.
Nếu giả sử 2020 là năm suy thoái và tình hình diễn biến xấu hơn có thể gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu tương tự giai đoạn 2008-2009 thì xem 2019 là năm trước khủng hoảng. Nếu so sánh với đỉnh điểm năm 2019 thì thời điểm hiện tại rất nhiều nhóm ngành đã giảm rất sâu, Ví dụ: Dầu khí, Bảo hiểm, Oto và phụ tùng, Bán lẻ đã giảm gần 50%. Các ngành giảm ít nhất bao gồm: Y tế, Hàng cá nhân và gia dụng, Công nghệ thông tin. Diễn biến giữa các nhóm ngành có một số điểm tương đồng vào thời điểm 2008.
Dựa trên một số điểm tương đồng và đặc thù sự ảnh hưởng tới kinh tế của dịch Covid 19, Yuanta ước tính sau giai đoạn khủng hoảng một số ngành sẽ tăng giá mạnh theo thứ tự như sau: Dịch vụ và giải trí (đạt đỉnh trước VN-Index khoảng 3 tháng), Bán lẻ (đạt đỉnh trước VN-Index khoảng 5 tháng), Dịch vụ tài chính (đạt đỉnh cùng VN-Index), Oto và phụ tùng (đạt đỉnh cùng VN-Index), Ngân hàng (đạt đỉnh trước VN-Index khoảng 5 tháng).
Yuanta cho rằng biến động các chỉ số ngành phản ánh rõ tình hình kinh tế cũng như khó khăn đang gặp phải của các doanh nghiệp trong ngành trước tình hình dịch bệnh Covid 19.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa hai tháng đầu năm 2020 tăng trưởng 8,3%, giảm so với mức 12,2% của năm 2019 và 10,1% của năm 2018. Khả năng lớn con số này tháng 3/2020 còn thấp hơn nữa.
Số lượt khách quốc tế đến VN tháng 2/2020 giảm 37,7% so với tháng 1/2020 và giảm 21,8% so với cùng kỳ 2019 đều ảnh hưởng không chỉ tới lĩnh vực du lịch, giải trí mà bán lẻ cũng chịu tác động không kém.
Các doanh nghiệp điện tử, dệt may, lắp ráp oto thiếu nguồn cung nguyên vật liệu do phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều may mắn là tình hình dịch bệnh Trung Quốc trong gần 1 tháng qua đã có những tín hiệu tích cực và các doanh nghiệp tại Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động trở lại. Tuy nhiên, gần đây cuộc chiến giá dầu giữa Nga - Saudi Arabia và nguy cơ leo thang quân sự ở Syria khiến giá dầu lao dốc, sẽ là một áp lực với các doanh nghiệp dầu khí.
Trước động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed và các nước trên thế giới, chính phủ cũng đã đưa ra một số chính sách giảm lãi, gia hạn nợ, cụ thể NHNN đã ban hành văn bản đồng loạt giảm lãi suất huy động, cho vay các kỷ hạn. Và có thể nhà nước sẽ tăng đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, điều này sẽ tác động tích cực tới các doanh nghiệp hạ tầng, xây dựng.
Minh Anh
"Nhà đầu tư có thể xem xét bắt đáy cổ phiếu hàng không khi có nước công bố khống chế dịch Corona thành công" Vietinbank Securities cho rằng tín hiệu bắt đáy sẽ đến khi có quốc gia đầu tiên công bố khống chế dịch thành công (SARS: Việt Nam là nước đầu tiên công bố khống chế dịch thành công), thị trường phục hồi và đi lên. Vietinbank Securities vừa đưa ra báo cáo khuyến nghị đầu tư trong dịch Corona với bài học kinh nghiệm...