Góc khuất ít người biết về cuộc đời MC Đại Nghĩa
Đại Nghĩa hiếm hoi chia sẻ với khán giả những góc khuất sau ánh hào quang sân khấu: có tự hào, có thăng hoa nhưng không ít vấp ngã đến suy sụp tinh thần…
Khác với hình ảnh một MC, diễn viên sôi nổi, hài hước và mang đến nhiều nụ cười cho khán giả, nghệ sĩ Đại Nghĩa tại “ Du hành ký ức” tập 14 lại lắng đọng, nhiều ưu tư. Nam MC hiếm hoi chia sẻ với khán giả truyền hình những góc khuất sau ánh hào quang sân khấu: có tự hào, có thăng hoa nhưng không ít vấp ngã đến suy sụp tinh thần…
Từ nhỏ, Đại Nghĩa đã được người cha tài hoa truyền cho “máu” nghệ thuật qua việc dạy văn thơ, đàn hát, thư pháp, vẽ tranh,… Năm 15 tuổi, anh biết đến nghề diễn viên, ngưỡng mộ sự hoá thân nhiều cuộc đời của họ nên nuôi mộng dấn thân vào nghệ thuật. Ngày đó, nam nghệ sĩ dành dụm từng 1.000 – 2.000 đồng để đủ 20.000 đồng, lén gia đình đăng ký học lớp CLB Điện ảnh Tân Sơn Nhất.
Sau hơn 2 năm theo học, anh mang theo bao kỳ vọng, sự tin tưởng của gia đình, thầy cô và bạn bè để tham gia thi tuyển vào trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Đáng tiếc kết quả không như ý. Nam nghệ sĩ nhớ lại: “Khi học ở Tân Sơn Nhất, tôi là học viên giỏi nhất lớp nên khi thi mọi người đinh ninh tôi sẽ đậu. Nhưng ở trường Sân khấu thầy cô muốn nhận bạn nào như ‘tờ giấy trắng’ sẽ tiếp thu dễ hơn, còn tôi đã biết nhiều rồi sẽ khó dạy hơn. Khi mới 18 tuổi, bao nhiêu cái hoa mộng trong đầu mình đùng một cái cánh cửa sập lại, nó là cú vấp ngã đầu đời. Bị đánh rớt, tôi sụp đổ suốt 1 tháng trời, bỏ về quê luôn”.
Trong thời gian MC Đại Nghĩa buồn tủi, dằn vặt bản thân, trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM mở đợt bổ sung chỉ tiêu và… anh được chọn. Ngọn lửa đam mê lại một lần nữa được thổi bùng để Đại Nghĩa “cháy” hết mình cho những năm tháng trên ghế nhà trường. Nam MC chia sẻ khoảng thời gian đó với anh rất đẹp, đặc biệt là khi trở thành đôi bạn cùng tiến với đạo diễn Đức Thịnh. Đã hơn 20 năm, nhưng những kỷ niệm kề vai sát cánh ngày nào khi được kể lại vẫn vẹn nguyên cảm xúc.
“Tôi và Đức Thịnh học cùng lớp, còn là đôi bạn rất thân vì cả hai đứa đều siêng. Buổi trưa tôi với Thịnh mang cà-mên cơm theo chứ không có tiền mua cơm, ăn xong ngồi viết kịch bản còn ai ngủ thì kệ. Sau giờ học, chúng tôi ở lại tập bài đến khi bị bảo vệ đuổi, và ngày nào cũng vậy. Suốt 3 năm trời, số buổi tôi nghỉ học chắc chưa bằng một bàn tay, chỉ nghỉ khi nào bệnh liệt giường thôi. Tôi tận dụng từng ngày từng giờ được học ở trong trường.” – nam MC bồi hồi.
Mọi sự nỗ lực, tâm huyết đều được trả công xứng đáng, cái tên “Đại Nghĩa” ngày càng được nhiều khán giả yêu thích. Bật lên từ vai phụ “con cá mặt ngu” trong vở kịch thiếu nhi “Na Tra đại náo thuỷ cung” của sân khấu kịch Idecaf, anh quen thuộc với khán giả từ nhỏ đến lớn. Anh cũng tiết lộ nhiều khán giả đã lập gia đình vẫn nhắn tin bày tỏ sự mến mộ vai diễn đó của mình.
Video đang HOT
Khi đã có chỗ đứng nhất định, nghệ sĩ Đại Nghĩa vẫn luôn khiêm tốn cống hiến, công tác thiện nguyện một cách thầm lặng, không ồn ào, thị phi. Trước đó, nam nghệ sĩ đã âm thầm xây cây cầu cho tới khi tham gia một chương trình truyền hình mới nhận ra có thể tận dụng sức ảnh hưởng của bản thân để kết nối mở rộng vòng tay thiện nguyện để làm nhiều hơn cho bà con. Từ đó mới ra mặt công khai công tác từ thiện của bản thân. Trong thời gian dịch bệnh căng thẳng, anh đứng ra quyên góp, tổ chức các ATM gạo giúp đỡ bao mảnh đời khó khăn. Dù vậy, nam MC vẫn áy náy: “Trước đó, tôi thấy tôi chạy kiệt lực vậy mà vẫn không thể hỗ trợ được hết cho người dân. Nhìn cả ngàn tin nhắn còn lại trong hộp thư chờ mà tôi không đọc tới nổi, tôi xót xa”.
Trên hành trình quay về hồi ức thanh xuân, MC Quyền Linh đọc lên bức thư Đại Nghĩa viết cho bản thân của những năm 20, 30 tuổi khiến anh không khỏi bồi hồi: “Đại Nghĩa hiện tại đã bình thản, trầm tĩnh hơn rất nhiều mặc dù còn đối mặt với những tổn thương, mất mát. Nhưng tôi không còn chạy đi tìm những gì đã mất hay bò lăn lết trong căn phòng nhỏ để khóc, cào cấu, thả trôi cảm xúc. Hiện tại, tôi chỉ muốn chia sẻ sự tích cực đến gia đình, bạn bè và khán giả”.
Cũng tại chương trình, MC Đại Nghĩa chia sẻ bản thân đang sống một mình còn gia đình đã định cư nước ngoài. Cảm nhận được những nỗi lòng khó nói của đàn em, MC Quyền Linh trầm ngâm hát lên bài “Một mình” ( Nhạc sĩ Thanh Tùng) để cùng đồng cảm và sẻ chia. Kết lại chuyến du hành ký ức đầy cảm xúc, Quyền Linh còn gửi lời chúc tới MC Đại Nghĩa: “Chúc cho Đại Nghĩa sớm có một người đồng hành bên cạnh để tâm sự, lắng nghe. ‘Người yêu’ của Đại Nghĩa tôi biết rất yêu Đại Nghĩa và Đại Nghĩa cũng rất yêu người đó… đó là nghệ thuật”./.
Lý Hải kể chuyện 8 tuổi đã đi bán hàng rong, tát mương để có vốn lấy hàng
Vốn được biết đến là cặp nghệ sĩ thân thiết nhất nhì showbiz, MC Quyền Linh và đạo diễn Lý Hải đã có một thời thanh xuân gắn bó cùng nhau đi học, cùng chập chững bước vào sự nghiệp nghệ thuật.
Tại chương trình "Du hành ký ức" tập 9, hai nam nghệ sĩ có cơ hội "du hành thời gian" để tìm và làm sống động lại những hồi ức một thời. Đạo diễn Lý Hải đến gặp MC Quyền Linh bằng chiếc xe cũ ngày xưa. Quyền Linh tiết lộ ngày đó chỉ có ca sĩ Lý Hải và Ngọc Sơn có xe đạp, muốn mượn phải đăng ký trước cả tháng.
Lý Hải tại chương trình.
Tuổi thơ bán hàng rong từ năm 8 tuổi, kiếm vốn từ việc tát mương bắt tôm cá
Đứng cùng nghệ sĩ Quyền Linh bên Bến phà Mỹ Tho, hình ảnh một thời tuổi thơ oanh liệt bên gánh hàng rong liên tục ùa về với Lý Hải. Anh cho biết đã cùng anh hai đi lén chuyển hàng, bán hàng rong trên phà từ năm 7, 8 tuổi. Nhiều lần mất hàng hay bị bắt là cụt vốn chỉ biết đứng khóc nức nở.
Lý Hải nhớ lại: "Để có vốn bán là cả một quá trình. Ngày nhỏ tôi chưa có tiền, gia đình đi tát mương bắt tôm cá mà không dám ăn, để tôi ra chợ bán lấy vốn. Đi bán thì không phải ngày nào cũng suôn sẻ, lỗ rất là nhiều. Có bữa thì mất hàng, có bữa bị bắt là cụt vốn luôn.
Có một ký ức với má mà tôi không bao giờ quên. Ngày đó anh tôi 10 tuổi chở tôi 8 tuổi đứng đợi má lấy hàng từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối, hai đứa xanh mặt, đứng khóc, không biết làm sao. Ông anh mới một mình chạy đi kiếm dọc đường thì thấy má bị tai nạn được người ta đưa nhập viện. Một mình mình đứng tới khuya ôm "kho hàng" đợi, may là má qua khỏi. Đó chính là cột mốc để nhà mình không cho đi qua phà buôn bán nữa".
Nhà nghèo nhất lớp, không có một mối tình học sinh "vắt vai"
Ngày học cấp 2, cấp 3, nghệ sĩ Lý Hải có niềm yêu thích và khả năng chơi bóng chuyền nổi bật nên được chọn vào đội tuyển trường. Đứng dưới mái trường cấp 3, Lý Hải không khỏi xao xuyến với những kỷ niệm một thời cắp sách đến trường. Đặc biệt, sự xuất hiện của người bạn tri kỷ ngày nào khiến anh không khỏi bất ngờ, hào hứng tái hiện lại những đường bóng ngày nào.
Chia sẻ về kỷ niệm những ngày còn được khoác lên mình áo trắng học sinh, đạo diễn Lý Hải bồi hồi: "Ngày xưa có được một trái banh bóng chuyền là quý lắm. Tôi và bạn đi lượm sắt vụn, ve chai về cân ký bán để mua được trái banh. Nếu trái banh bị nứt chỉ thì tôi cũng tự vá luôn. Không có tiền mua lưới đánh, tôi đi xem mấy sân bóng chuyền cái nào cũ bị người ta tháo ra thì tôi mang về lấy dây chuối buộc lại.
Tôi cũng thích nhiều người mà không ai thích mình. Ngày đó tôi nghèo nhất nhì trong lớp, được mọi người gọi là Hải "tivi' vì sau quần có nhiều miếng vá vuông vuông như cái tivi di động".
Lý Hải, Quyền Linh và những người bạn cũ.
Từ tay ngang bén duyên với nghệ thuật
Trong hành trình "Du hành ký ức", nghệ sĩ Lý Hải và Quyền Linh có cơ hội gặp lại những người bạn chung trường Sân khấu đã cùng trải qua một thời tuổi trẻ oanh liệt, khó khăn, cùng ăn cùng hưởng cùng chia. Dù là người nhỏ tuổi nhất nhưng nam "MC quốc dân" vẫn xưng hô ngang hàng với các anh chung lớp. Theo nghệ sĩ Lý Hải tiết lộ đó gần như là tiền lệ khi vào trường Sân khấu: chung khóa sẽ xưng hô ngang hàng dù chênh bao nhiêu tuổi.
Cả hội cùng trở lại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Tiền Giang, dù quang cảnh có thay đổi nhưng những cảm xúc ngày đầu tập kịch, diễn xuất tại đây vẫn như ngày đầu. Về sự tình cờ bén duyên với nghệ thuật, đạo diễn Lý Hải hài hước nhắc lại: "Ngày đó tôi là dân chơi thể thao, không biết gì về kịch. Tới khi nghe đồn có trường Nghệ thuật Sân khấu 2 xuống tuyển sinh, mấy thằng bạn 'xúi' tôi đi thi thử thì tôi cũng bày đặt chen chen đăng ký. Lúc đó cả ngàn người thi ấy chứ, mà tôi ăn nói không giỏi nên diễn dạng kịch câm vậy mà hên đậu. Trong cái khoảng năm 86, lớp kịch tôi chỉ có 9 anh em mà phải vượt qua hơn 1.000 người".
Sau nhiều sóng gió bôn ba, giờ đây mỗi người đều có cho mình một hướng đi riêng.
Chính từ những tiểu phẩm nhỏ như thế đã bắt đầu cuộc đời nghệ thuật của một nghệ sĩ. Sau nhiều sóng gió bôn ba, giờ đây mỗi người đều có cho mình một hướng đi riêng: người vẫn hoạt động nghệ thuật, người làm "cây kéo vàng", người quản lý nhân sự. Nhưng dù bao nhiêu năm đi nữa, độ thân thiết của hội bạn và những kỷ niệm gắn bó một thời vẫn mãi bền theo năm tháng
Một trong những người bạn thân thiết tiết lộ chuyến xe kinh hoàng năm nào của nghệ sĩ Lý Hải và Quyền Linh. "Có một sự cố đặc biệt, lần đó Sở văn hóa trung tâm tỉnh ưu tiên cho anh em đi xe dasu lên thành phố, xe bị nổ vỏ dẫn đến lật xe, Quyền Linh bị thương ở mắt máu bắn ra, có người thì bị gãy tay, có người không sao. May sao trên chuyến xe đó không có Lý Hải vì không đủ chỗ, Hải phải chờ chuyến sau".
Cuối hành trình, nghệ sĩ Quyền Linh và Lý Hải cùng những người bạn làm sống lại một thời tuổi thơ với hoạt động tát mương, bắt và nướng cá tại chỗ./.
NSND Đào Bá Sơn: Bỏ điện ảnh chắc tôi chết đói Cuộc đời và chặng đường hoạt động nghệ thuật với nhiều thăng trầm đã được NSND Đào Bá Sơn trải lòng cùng MC Quyền Linh trong chương trình Du hành ký ức. NSND Đào Bá Sơn đã dành cả cuộc đời mình để cống hiến cho điện ảnh Nhiều lúc mơ ước mình có khuôn mặt thật Việt Nam NSND Đào Bá Sơn...