‘Góc khuất của thế giới’: Nốt nhạc yên bình giữa Thế chiến II tàn bạo
Bộ phim hoạt hình “ In This Corner of the World” là câu chuyện về người dân Nhật Bản trong thời kỳ Thế chiến II: đời thường, nhẹ nhàng, nhưng không kém phần thú vị, sâu sắc
Trailer bộ phim ‘Góc khuất của thế giới’ Bộ phim hoạt hình Nhật Bản lấy bối cảnh thời gian Thế chiến II từng thắng giải Phim hoạt hình xuất sắc của Viện hàn lâm xứ sở hoa anh đào hồi đầu năm 2017.
Thể loại: Hoạt hình, tâm lý
Đạo diễn: Sunao Katabuchi
Diễn viên lồng tiếng: Non, Yoshimasa Hosoya, Natsuki Inaba, Minori Omi
Zing.vn đánh giá: 8/10
In This Corner of the World thực chất được chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên của tác giả Fumiyo Kono. Nhân vật chính của tác phẩm là Suzu Urano (Rena Nounen) – một cô gái trẻ trong sáng, mộng mơ và giỏi vẽ tranh. Cô sinh ra và lớn lên tại thị trấn nhỏ Eba, nằm bên bờ biển thuộc thành phố Hiroshima, Nhật Bản.
Bối cảnh phim diễn ra trong khoảng thời gian hơn một thập kỷ, từ 1935 cho tới cuối thập niên 1940. Bộ phim lần lượt đưa khán giả đi qua các cột mốc quan trọng trong cuộc đời Suzu: từ khi là một cô bé 10 tuổi, cho đến lúc kết hôn, và chuyển về nhà chồng ở thành phố Kure. Cuộc sống của cô gái cứ thế nhẹ nhàng trôi qua, cho đến khi Thế chiến II ập đến và gây ra nhiều xáo trộn.
In This Corner of the World là tác phẩm từng vượt qua Your Name để giành giải Phim hoạt hình xuất sắc của Viện hàn lâm Nhật Bản hồi đầu năm. Ảnh: Encore Films.
Điện ảnh Nhật Bản từng mang đến nhiều tác phẩm hoạt hình lấy bối cảnh Thế chiến II nổi bật như Who’s left behind? (1991), Barefoot Gen (1983), Giovanni’s Island (2014), và đặc biệt là hai bộ phim nổi tiếng của Studio Ghibli là Grave of the Fireflies (1988) cùng The Wind Rises (2013).
Khác với các bộ phim người đóng (live-action), nhóm tác phẩm hoạt hình này thường xoay quanh nhân vật chính là người dân thường, đặc biệt là trẻ em với cuộc sống thường nhật của họ khi chiến tranh nổ ra. Và In This Corner of the World cũng không nằm ngoài quy luật chung ấy.
Câu chuyện đời thường bên lề Thế chiến II bạo tàn
Tuy bối cảnh chủ yếu diễn ra trong thời chiến, nhưng In This Corner of the World không phải là phim chiến tranh, chứa đựng những câu chuyện đau thương cùng tinh thần phản chiến mạnh mẽ như nhiều tác phẩm cùng thể loại.
Đây đơn giản chỉ là một bộ phim tâm lý đơn thuần, khai thác quá trình trưởng thành của nhân vật chính Suzu trong giai đoạn quan trọng nhất của cuộc đời cô gái.
Như một cuốn nhật ký ghi lại những kỉ niệm nho nhỏ, vụn vặt thoáng qua, In This Corner of the World từng bước vẽ nên chân dung Suzu với gia đình, bạn bè, họ hàng… của nhân vật thông qua hàng loạt hoạt động thường nhật nhẹ nhàng và bình dị.
Video đang HOT
Câu chuyện của Suzu trong phim gần gũi, không nặng nề, dù xảy ra chủ yếu trong thời kỳ Thế chiến II.
Khán giả sẽ được làm quen với cô bé Suzu tuy còn ít tuổi, hồn nhiên ngây thơ nhưng đã thể hiện sự chăm chỉ, đảm đang qua các hành động nhỏ như khi một mình vào thành phố giao hàng cho cha mẹ, rồi khi bị bắt cóc hụt cũng chẳng mảy may để ý đến an nguy của bản thân mà chỉ nhớ là “phải về cho gà ăn”.
Bối cảnh gia đình, bạn bè của Suzu cũng được xây dựng khá đầy đủ thông qua những sinh hoạt thường ngày rất đỗi bình dị. Giống như tiêu đề bộ phim, xuyên suốt thời lượng, In This Corner of the World mang đến một câu chuyện đời thường nhẹ nhàng, thanh bình của những người dân Nhật Bản. Tất cả mọi thứ trong phim, từ nhân vật, bối cảnh cho đến sự kiện…, hầu hết không có gì là dị biệt hay mang tính hình tượng.
Tiết tấu của bộ phim diễn ra chậm rãi trong nửa đầu, nhưng không gây cảm giác lê thê nhờ việc tác giả biết nắm bắt và nhấn mạnh những chi tiết thú vị, độc đáo của cuộc sống thường nhật.
Nếu ai đó lo ngại In this Corner of the World sẽ nhàm chán thì họ không cần quá lo lắng. Bởi chỉ sau một sự kiện bất ngờ, không khí của toàn tác phẩm trở nên thay đổi, có thể lôi cuốn khán giả tới phút chót.
Chiến tranh trong In This Corner of the World không phải là điểm nhấn chính. Bởi với những người dân bình dị nằm ở phía hậu phương như gia đình Suzu, Thế chiến II là một điều gì đó xa vời, mơ hồ, đến mức họ chẳng thể tưởng tượng nổi.
Họ chỉ thấy những chiến hạm đậu san sát ngoài vịnh biển Hiroshima, những người lính trẻ từ biệt gia đình ra trận, hay loạt còi báo động bất chợt ngày đêm.
Vẫn có những trận không kích hủy diệt nhưng không đẫm máu như Barefoot Gen, vẫn có sự thiếu thốn lương thực, nhu yếu phẩm nhưng không nghiệt ngã như Grave of the Fireflies, chiến tranh trong In This Corner of the World vẫn tồi tệ, bi kịch, nhưng được thể hiện qua góc nhìn tinh tế, ước lệ hơn nhằm phù hợp với tinh thần chủ đạo của tác phẩm.
Nhân vật ấn tượng, hình ảnh mộc mạc và tươi sáng
In This Corner of the World sở hữu số lượng nhân vật đông đảo, xuất hiện liên tục mà không được giới thiệu cụ thể. Điều đó có thể khiến khán giả đôi lúc khó nắm bắt ai là ai trong quá trình theo dõi.
Tuy nhiên, nhân vật trong phim tuy có thời lượng xuất hiện khác nhau, nhưng đều để lại ấn tượng nhất định. Đạo diễn đã khôn khéo xây dựng mỗi gương mặt sở hữu một cá tính riêng thông qua những câu thoại đời thường nhưng gợi mở cá tính tốt.
Mỗi người như một mảnh ghép riêng biệt, kết hợp lại để tạo thành bức tranh đa sắc về xã hội Nhật Bản trong thời kỳ Thế chiến II vô cùng biến động.
Hình ảnh trong phim mộc mạc, nhưng có lúc biến hóa đầy sáng tạo như trí tưởng tượng của Suzu.
Góp phần tạo nên thành công cho nhân vật là phần hình ảnh chân phương, mộc mạc, tối giản hệt như nguyên tác truyện tranh. Các khung hình của In This Corner of the World luôn tươi sáng, sử dụng hiệu ứng màu nước đơn giản, nhẹ nhàng như nét vẽ tay truyền thống.
Thiết kế nhân vật được giữ nguyên so với nguyên tác, nên đôi lúc gây khó khăn cho khán giả trong việc phân biệt. Bù lại, biểu cảm nhân vật đơn giản nhưng rất hiệu quả, giúp khắc họa cá tính và tạo hiệu ứng cảm xúc tốt đối với người xem.
Có một chi tiết đặc biệt mà tác giả Fumiyo Kono xây dựng có chủ ý đối với nhân vật chính Suzu. Suzu là một cô bé yêu thích vẽ tranh, có năng khiếu hội họa và đầu óc mơ mộng, sáng tạo.
Đối với cô, thế giới xung quanh ngập tràn hình ảnh kỳ ảo. Cô hình dung ra những đợt sóng trào lên trên mặt biển giống như đám thỏ trắng chạy nhảy vui đùa, hay đạn pháo của quân đội Mỹ thả xuống qua các trận không kích giống như những màn pháo hoa đầy màu sắc choáng ngợp.
Vì vậy, có thời điểm thế giới xung quanh Suzu biến hóa như những bức tranh đa hình, đa sắc, tùy thuộc vào hoàn cảnh, tâm trạng của cô. Bản thân cô gái lúc này giống như nhân vật đại diện cho chính tác giả nguyên tác và đạo diễn, thể hiện cách nhìn riêng của bản thân họ với chính câu chuyện và hoàn cảnh mà họ sáng tạo nên với tác phẩm của mình.
Đời thường, nhẹ nhàng và mộc mạc, In This Corner of the World vẽ nên một góc nhỏ chốn nhân gian, với những con người bé nhỏ và cuộc sống bình dị có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu.
Không đi sâu vào khai thác bi kịch thời chiến, bộ phim muốn truyền đạt đến khán giả tinh thần lạc quan, yêu đời và yêu hòa bình theo cách đơn giản, gần gũi và đồng cảm nhất.
Phim đang được trình chiếu trên toàn quốc dưới tựa Góc khuất của thế giới.
Theo Zing
Phim hoạt hình anime hay nhất Nhật Bản năm 2017 sắp ra mắt ở Việt Nam
Bộ phim hoạt hình anime nói về vụ đánh bom tàn khốc ở Hiroshima đã lấy đi nước mắt của nhiều khán giả Nhật Bản.
Trailer phim 'In This Corner Of The World' Bộ phim nói về chiến tranh đã giành danh hiệu Phim hoạt hình hay nhất Nhật Bản năm 2017.
Khai thác về chiến tranh khốc liệt bằng những mảng màu sáng của tình yêu thương nhân loại, triết lý nhưng không nặng nề, sâu sắc nhưng dễ cảm, In This Corner Of The World (Góc khuất của thế giới) được nhìn nhận là hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Phim hoạt hình xuất sắc nhất năm tại Giải thưởng Viện Hàn Lâm Nhật Bản 2017.
Được xem là "siêu phẩm" anime của năm khi chinh phục hàng loạt giải thưởng tại các liên hoan phim của Osaka, Hiroshima, Yokohama... và đặc biệt là "Oscar Nhật Bản" - Giải Viện Hàn Lâm Nhật Bản, In This Corner Of The World sẽ chính thức ra mắt khán giả Việt vào ngày 18/8.
In This Corner Of The World đoạt danh hiệu Phim hoạt hình xuất sắc nhất năm tại Giải thưởng Viện Hàn Lâm Nhật Bản 2017.
Với thông điệp cảm động và đầy nhân văn, phim hứa hẹn sẽ nối gót những người anh em đồng hương Your Name và A Silent voice trước đó để tiếp tục tạo nên cơn sốt tại phòng vé Việt.
Được chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên của Fumiyo Kono, In This Corner Of The World là câu chuyện đầy nhân văn về chiến tranh, một đề tài không mới nhưng luôn gợi lại nhiều cảm xúc cho bất kỳ ai.
Cùng khai thác về vụ đánh bom nguyên tử xuống Hiroshima nhưng thay vì lựa chọn nhìn từ góc độ của thế hệ trẻ thời nay như tác phẩm từng tạo tiếng vang trước đó là Yunagi Town, Sakura Country, lần này Kono chọn khai thác góc nhìn trực diện từ một người trải qua cuộc sống thanh bình của nước Nhật thời tiền chiến cho đến khi chiến tranh ập đến.
Nhân vật chính là cô gái trẻ Suzu, trong sáng và giỏi vẽ tranh. Cô sinh ra và lớn lên tại thị trấn Eba nằm bên bờ biển thuộc thành phố Hiroshima trong tình yêu thương của gia đình và bạn bè.
Phim khai thác về cuộc sống bình dị của cô gái trẻ Suzu trước khi thảm cảnh chiến tranh sau vụ đánh bom ở Hiroshima.
Năm 1944, khi Suzu 18 tuổi, cô kết hôn theo sự sắp đặt của ba mẹ với chàng trai tên Shusaku, một sĩ quan luật pháp ở Tòa án quân sự thuộc thành phố Kure. Sau khi kết hôn, Suzu chuyển từ quê nhà ở Hiroshima lên Kure sống cùng gia đình Shusaku. Cuộc sống yên bình cứ thế trôi qua cho đến khi cuộc chiến tranh nổ ra và phá tan tất cả.
Qua đoạn trailer hơn 1 phút 30 giây, người xem cũng dễ dàng có thể cảm nhận được thông điệp của In This Corner Of The World mang lại. Dù khai thác về chiến tranh khốc liệt nhưng phim không tập trung vào những mảng tối, hậu quả đau thương của cuộc chiến mà ngược lại nhấn mạnh về những giá trị đẹp vẫn tỏa sáng ngay trong khói lửa, đạn dược.
Thay vì hô hào, cổ động, đạo diễn của phim Sunao Katabuchi đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của con người qua những công việc nhỏ nhặt và quen thuộc như đi chợ, nấu ăn, giặt là giữa chiến tranh loạn lạc. Không bị tê liệt trước cái chết, sự tàn phá, Suzu và người dân của Kure, những người luôn sống và làm việc chăm chỉ sẽ vẫn tiếp tục đứng vững, vượt qua mất mát để hồi phục.
Tuy là tác phẩm hư cấu, nhưng In This Corner Of The World lại sử dụng bối cảnh dựa trên các sự kiện có thật. Chính vì thế mà các cảnh quan và chi tiết nhỏ trong phim cũng được đạo diễn Sunao Katabuchi tái hiện một cách chân thật nhất có thể.
Hình ảnh thành phố Hiroshima trước và sau khi hứng trọn quả bom nguyên tử đều được khắc họa chính xác dựa trên ảnh chụp cũ và ký ức của người dân sống ở nơi đây.
Phim khai thác đề tài chiến tranh chứa đựng nhiều thông điệp nhân văn.
Có lẽ tất cả điều nhỏ bé và giản đơn nhưng đầy ý nghĩa này đã trở thành "vũ khí" mạnh nhất giúp tác phẩm vốn không được kỳ vọng và quảng bá nhiều, xuất sắc đánh bại cả bom tấn Your Name để trở thành Phim hoạt hình xuất sắc nhất năm tại xứ sở hoa anh đào.
Nói về "đứa con tinh thần", đạo diễn Sunao Katabuchi cho rằng bộ phim chính là lời nhắn nhủ đến những ai đang sống trên hành tinh này.
"Tôi từng ước muốn được bay trên bầu trời tự do, nhưng tôi nhận ra sẽ rất cô đơn khi lạc lõng giữa những đám mây, nên tôi muốn bộ phim của tôi sẽ dành cho những người đang sống trên trái đất này. Suzu chính là một người như thế. Suzu là một trong những người đã cố gắng tiếp tục sống sau đống đổ nát hậu chiến tranh.
Có người sẽ nghĩ đây là bộ phim giáo dục, cổ động tình yêu nước, nhận thức về chiến tranh được chiếu tại các trường tiểu học nhưng điều đó hoàn toàn không phải. Tôi khai thác hoàn cảnh khốn khổ để thấy rằng trong đau thương, mất mát, Suzu và những người dân vẫn tìm ra một góc khuất bé nhỏ với những điều đẹp đẽ của riêng mình".
Theo Zing
Bom tấn 'Your Name' thua thảm tại 'Oscar Nhật Bản' Tác phẩm của Makoto Shinkai thất bại ở hạng mục dành cho Phim hoạt hình của Viện hàn lâm Nhật Bản. Cùng lúc, "Shin Godzilla" thắng lớn với 7 giải, trong đó có Phim truyện xuất sắc. Giải thưởng điện ảnh của Viện hàn lâm Nhật Bản năm nay bước sang tuổi 40 và đem tới nhiều ngạc nhiên cho công chúng. Bất...