Gỗ Trường Thành: Nóng chuyện danh tính đối tác M&A
Nội dung đặc biệt được quan tâm tại Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra ngày 25/10 của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) là danh tính đối tác mà TTF nhận sáp nhập, thông qua hình thức phát hành 100 triệu cổ phiếu để hoán đổi.
HĐQT TTF đã có tờ trình về việc sẽ nhận sáp nhập doanh nghiệp có năng lực cùng ngành. Hình thức là phát hành thêm dự kiến 100 triệu cổ phiếu TTF để hoán đổi lấy cổ phiếu của các cổ đông này.
Sau sáp nhập, TTF sẽ được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản của công ty sáp nhập (bao gồm nhưng không giới hạn các quyền kinh doanh, quyền sử dụng đất, các khoản nợ phải thu, các khoản nợ phải trả, các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng mà công ty sáp nhập ký kết với bất kỳ bên thứ ba nào…) một cách toàn bộ và nguyên trạng.
Điều này đồng nghĩa với việc nếu doanh nghiệp được sáp nhập có hiệu quả kinh doanh tốt và đòn bẩy không quá cao, đây sẽ là một thông tin rất tích cực cho TTF. Bởi khi hoán đổi, vốn chủ sở hữu tăng lên nhưng nợ vay không tăng tương ứng, giúp chỉ số nợ của TTF “đẹp” hơn.
Nếu phát hành thành công, dự kiến vốn điều lệ của Công ty sẽ tăng thêm 1.000 tỷ đồng, lên mức 3.146 tỷ đồng. TTF dự kiến hoàn thành chào bán trong thời hạn 90 ngày và thời gian gia hạn phát hành (nếu cần) kể từ ngày được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán. Hiện tại, danh tính đối tác, cũng như tỷ lệ hoán đổi cụ thể chưa được tiết lộ.
Việc dự kiến phát hành lượng cổ phiếu chiếm khoảng 46,6% số lượng cổ phiếu đang lưu hành chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến mức độ pha loãng, giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu (EPS) và quyền lợi của các cổ đông, nhưng hiện tại, vấn đề được ưu tiên hàng đầu tại TTF không phải là pha loãng, mà là các giải pháp để “cứu sống” Công ty.
Tại thời điểm 30/6/2018, TTF có khoản lỗ lũy kế lên đến gần 2.100 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn hơn 100 tỷ đồng. Kiểm toán đã nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty, trong khi cổ phiếu TTF bị chuyển từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo kể từ ngày 19/4/2018.
Trong bối cảnh này, cần nhắc lại tham vọng của doanh nhân Mai Hữu Tín, Tổng giám đốc của TTF khi ông chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 rằng, Ban lãnh đạo hiện tại không chỉ muốn khắc phục những khó khăn và hậu quả trong quá khứ, mà còn muốn đưa TTF trở lại đường đua, trở thành doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ lớn nhất Đông Nam Á, hướng dần đến phân khúc có biên lợi nhuận tốt nhất là cung cấp nội thất cho các khách sạn 5 sao và resort.
Video đang HOT
Để thực hiện được mục tiêu này, một trong những giải pháp của Ban lãnh đạo đề ra là thực hiện thâu tóm và sáp nhập.
Do vậy, thông tin sẽ nhận sáp nhập một doanh nghiệp trong ngành không quá bất ngờ với nhà đầu tư quan tâm tới TTF. Trong đó, phương thức để giúp TTF vừa giảm được tỷ lệ đòn bẩy, vừa M&A doanh nghiệp cùng ngành là kịch bản được kỳ vọng nhất.
Trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán cho biết, chưa thể đánh giá cụ thể tình hình hiện tại bởi chưa có thông tin chi tiết về đối tác và tỷ lệ hoán đổi.
Tuy nhiên, vấn đề ưu tiên của TTF có lẽ là giảm tỷ lệ đòn bẩy cao. Theo đó, để giảm tỷ lệ đòn bẩy có 2 cách thông dụng, hoặc phát hành thêm cổ phần để tăng vốn chủ sở hữu hoặc thực hiện như TTF, phát hành thêm và hoán đổi để M&A một doanh nghiệp khác, với điều kiện doanh nghiệp được sáp nhập có báo cáo tài chính “sạch”, đòn bẩy không cao.
Với cách thứ nhất, TTF sẽ phải phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu hoặc cổ đông chiến lược, lượng tiền mới sẽ được “bơm” vào doanh nghiệp. Tình huống này khó xảy ra hơn bởi giá cổ phiếu TTF đang dưới mệnh giá và trước đó, Công ty mới hoàn tất phát hành riêng lẻ với giá trị 700 tỷ đồng.
Do vậy, kịch bản thứ 2 có tính khả thi cao hơn. Theo đó, dù không có dòng tiền thực bơm vào TTF, nhưng chỉ số tài chính của Công ty sẽ lành mạnh hơn, quy mô cũng lớn hơn. Nếu doanh nghiệp nhận sáp nhập có hoạt động hiệu quả thì việc M&A này còn trợ lực khá tốt cho hoạt động kinh doanh lõi của TTF trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, một nội dung đáng quan tâm khác là tờ trình đổi tên Công ty thành CTCP Total Furniture. Nội dung này từng được lãnh đạo TTF nhắc tới trong Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 nhằm chấm dứt những liên quan tới người sáng lập.
Nhã An
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Tiêu chuẩn cơ sở cho QR Code: Đảm bảo sự đồng bộ, an toàn và minh bạch
Để hoạt động thanh toán qua QR Code tại Việt Nam có thể thống nhất được nhất thiết phải có một chuẩn kỹ thuật chung giữa các tổ chức triển khai.
QR Code: Bước thăng hạng trong thanh toán
Một trong những hình thức thanh toán trên di động đang được các tổ chức thẻ quốc tế và các nước quan tâm đó là triển khai thanh toán qua QR Code. Theo tính toán của CTCP giải pháp thanh toán Việt Nam - VnPay, dự báo đến hết năm 2018 số lượng các điểm giao dịch chấp nhận thanh toán QR Code sẽ lên tới 50.000 điểm. Hiện nay, nhiều ngân hàng trong nước đã áp dụng giải pháp thanh toán này cho hàng triệu người dùng mobile banking như VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank, Techcombank, VPBank, LienVietPostBank, TPbank... Tính năng thanh toán qua mã QR cũng được bổ sung vào các ví điện tử như MoMo, Moca, VnPay...
Phương thức thanh toán qua phương tiện di động ngày càng phổ biến
Thanh toán bằng QR Code, các khách hàng không cần mang theo ví, tiền mặt hay các loại thẻ thanh toán để mua bán hàng hóa, dịch vụ. Đơn giản chỉ cần cài ứng dụng trên điện thoại di động, quét QR Code để thực hiện thanh toán trên các website thương mại điện tử, mua hàng trực tuyến, thanh toán tại các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng, xe taxi... một cách an toàn, nhanh chóng. Những lo lắng về tiền lẻ, hay việc mang quá nhiều thẻ, lo ngại lộ thông tin thẻ tại các điểm cà thẻ cũng sẽ không còn nữa.QR Code sẽ được kết hợp với thanh toán điện tử thay vì chỉ dùng để quét ra thông tin về website, số điện thoại, địa chỉ... của DN như trước đây. Nhờ thế mà người dùng có thể mua hàng trên website, shopping tại các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích... mà không cần dùng tiền mặt hay các loại thẻ thanh toán. Phát triển các hình thức thanh toán trên nền tảng di động như thanh toán QR Code sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam.
Khách hàng là người trực tiếp nhập, xác nhận số tiền cần thanh toán trên điện thoại di động của mình, thay vì nhân viên cửa hàng quẹt thẻ qua POS và nhập số tiền thanh toán. Qua đó, giảm thiểu rủi ro sai lệch về số tiền thanh toán cho khách hàng và không lo bị đánh cắp thông tin thẻ như giao dịch thanh toán cà thẻ thông thường.
Việc thanh toán cho các giao dịch mua bán hàng hóa trên mạng internet, trên các trang thương mại điện tử có thể thực hiện một cách dễ dàng, an toàn, tiện lợi hơn. Thay vì việc phải nhập các thông tin thẻ trên trang thanh toán, khách hàng chỉ cần scan QR Code được hiển thị là có thể thanh toán.
Một chuyên gia chia sẻ thêm, ngân hàng thanh toán có thể mở rộng được mạng lưới đơn vị chấp nhận thanh toán (ĐVCNTT) đến các cửa hàng rất nhỏ, gia tăng số lượng các điểm chấp nhận thanh toán của ngân hàng, từ đó gia tăng lợi nhuận từ hoạt động thanh toán qua QR Code. Các ĐVCNTT cũng không cần đầu tư nhiều chi phí để lắp đặt máy POS vẫn có thể cung cấp cho khách hàng một phương thức thanh toán an toàn, nhanh chóng. Nhờ thế mà đẩy nhanh quá trình mua bán, gia tăng số lượng khách hàng, đồng thời giảm thiểu các chi phí quản lý tiền mặt.
"Ngân hàng phát hành sẽ mở rộng, phổ biến lượng khách hàng sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động để thanh toán và về tương lai lâu dài. Khi các khách hàng đều sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động để thanh toán, ngân hàng sẽ không phải phát hành thẻ vật lý với nhiều chi phí tốn kém, lãng phí", vị này cho hay.
Động thái kịp thời
Không phủ nhận lợi ích lớn nhất của thanh toán qua QR Code là tính linh hoạt, thuận tiện với cả người dùng cũng như ngân hàng. Song theo TS. Cấn Văn Lực, trước nay chỉ riêng mã QR đã có nhiều đơn vị khác nhau cung cấp với giải pháp và nguyên lý hoạt động khác nhau. Do đó, khách hàng thuộc hệ thống mã QR nào thì chỉ thanh toán được trong hệ thống đó, khiến thị trường bị chia cắt và người dùng thấy bất tiện.
Đồng tình với quan điểm trên, lãnh đạo một NHTMCP cũng nhận thấy, cả ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán đang tự triển khai thanh toán qua QR Code theo chuẩn kỹ thuật riêng của mình. Do vậy, chỉ có các khách hàng, các ĐVCNTT có cài ứng dụng và chấp nhận thanh toán của tổ chức đó mới có thể thực hiện giao dịch thanh toán qua QR Code.
Khi thị trường phát triển mở rộng, việc mỗi một ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán tự triển khai một QR Code sẽ gây ra tình trạng chồng chéo QR Code và dẫn tới nhiều rủi ro có thể phát sinh. Như việc trường hợp QR Code được tạo ra cho ĐVCNTT bị trùng nhau khiến giao dịch thanh toán của khách hàng không được thanh toán tới tài khoản ngân hàng của ĐVCNTT (nơi khách hàng mua hàng).
Thêm nữa, để phục vụ đa dạng khách hàng (do mỗi một khách hàng lại sử dụng dịch vụ thanh toán qua QR Code của một tổ chức cung cấp khác nhau), ĐVCNTT phải dán, lưu trữ, cài đặt ứng dụng của nhiều ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán dẫn tới khó khăn cho chính khách hàng, ĐVCNTT trong quá trình thực hiện giao dịch. Việc này "dễ khiến nhân viên thu ngân bị nhầm lẫn trong việc cung cấp QR Code cho khách hàng. ĐVCNTT cũng gặp khó khăn trong việc đối soát, tra soát giao dịch thanh toán phát sinh tại cửa hàng (do phải đối soát theo từng QR Code)", một lãnh đạo Vụ Thanh toán thuộc NHNN cho hay.
Không những vậy, việc tất cả các tổ chức đều phải tự xây dựng QR Code sẽ gây lãng phí cho nguồn lực của ngân hàng, tốn kém chi phí phát triển mạng lưới các ĐVCNTT qua QR Code của tổ chức. Bên cạnh đó, tương tự các hình thức thanh toán khác, thanh toán qua QR Code cũng có thể phát sinh các rủi ro thanh toán khống, giao dịch nhằm mục đích rửa tiền... nếu không có quy định quản lý.
Nhận thấy thực trạng này, mới đây NHNN đã ban hành Quyết định số 1928/QĐ-NHNN về việc công bố Tiêu chuẩn cơ sở "Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam". Trao đổi nhanh với một lãnh đạo NHTMCP, ông này thừa nhận để hoạt động thanh toán qua QR Code tại Việt Nam có thể thống nhất được nhất thiết phải có một chuẩn kỹ thuật chung giữa các tổ chức triển khai. Động thái kịp thời này của NHNN sẽ đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng, dữ liệu thanh toán qua QR Code.
Chuyên gia cũng cho rằng, việc ban hành tiêu chuẩn cơ sở cho QR Code sẽ giúp liên thông thanh toán qua QR Code của tất cả các tổ chức cung cấp; khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán qua QR Code của ngân hàng/tổ chức trung gian thanh toán này có thể thanh toán tại các ĐVCNTT sử dụng dịch vụ thanh toán qua QR Code của tổ chức khác. Từ đó tránh tình trạng lãng phí nguồn lực, thời gian, chi phí cho các bên tham gia giao dịch và mang lại giải pháp thanh toán an toàn, tiện lợi, nhanh chóng cho khách hàng.
Theo Thời báo ngân hàng
Cần sớm quản lý cho vay ngang hàng Cho vay ngang hàng (P2P) là hình thức cho vay cá nhân và doanh nghiệp thông qua các dịch vụ trực tuyến (online) kết nối người vay và cho vay. Vì những công ty cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng thường giao dịch trực tuyến nên chúng có thể hoạt động với chi phí thấp, nhờ đó cung cấp dịch vụ...