Gỡ nút thắt cổ phần hóa, cách nào?
Thực tế, trong quá trình cổ phần hóa, có một số vấn đề dẫn đến khó khăn, chậm trễ, đòi hỏi phải có các hướng dẫn, quy định cụ thể, đồng thời có các chế tài mạnh để xử lý.
Các doanh nghiệp minh bạch về thông tin, phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn và các cơ quan quản lý nhà nước, cởi mở với nhà đầu tư thường thành công trong quá trình cổ phần hóa
Những nút thắt
Thứ nhất, các doanh nghiệp thường tồn tại một số vần đề mặt tài chính, các tồn tại này cần phải được xử lý để lành mạnh tình hình tài chính của doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư mới tham gia vào doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp sau cổ phần hóa hoạt động ổn định.
Tuy nhiên, những tồn tại về mặt tài chính không dễ dàng được xử lý, cần phải có nhiều thời gian để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, thậm chí không thể xử lý được, trong trường hợp này, doanh nghiệp giảm tính hấp đối với các nhà đầu tư, dẫn đến việc cổ phần hóa không thành công.
Thứ hai, tỷ lệ bán cổ phần cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược có ảnh hưởng không nhỏ đến thành công của việc cổ phần hóa. Nhà đầu tư khi thực hiện đầu tư vào doanh nghiệp thường mong muốn tham gia vào quá trình điều hành hoặc kiểm soát doanh nghiệp, muốn vậy thì các nhà đầu tư phải mua một lượng cổ phiếu đủ lớn, thậm chí là mua cổ phần chi phối.
Nhưng ngoài các doanh nghiệp mà Nhà nước phải nắm giữ cổ phần chi phối, thì có không ít trường hợp doanh nghiệp không cần Nhà nước nắm giữ cổ phần vẫn có phương án cổ phần hóa để tỷ lệ sở hữu nhà nước chi phối, nhằm phục vụ lợi ích của một nhóm lãnh đạo doanh nghiệp, việc này làm giảm mức độ thành công khi IPO.
Thứ ba, trong quá trình cổ phần hóa, nhà đầu tư chiến lược đóng vai trò rất quan trọng trong thành công của đợt bán cổ phần, tuy nhiên theo quy định hiện nay, nhà đầu tư chiến lược chỉ được mua tối đa 50% số lượng cổ phần chào bán ra bên ngoài.
Đây cũng là hạn chế ảnh hưởng đến quyết định mua cổ phần của nhà đầu tư chiến lược, làm ảnh hưởng đến mức độ thành công của các đợt chào bán cổ phần hóa. Các trường hợp khác đều cần xin chủ trương đặc thù, riêng biệt của Thủ tướng Chính phủ, đó cũng là hạn chế, gây chậm trễ trong quá trình cổ phần hóa.
Video đang HOT
Ông Trần Đình Dũng, Trưởng phòng Tư vấn tài chính và bảo lãnh phát hành, CTCK SHS
Cần hoàn thiện khung pháp lý và tăng chế tài
Về khung pháp lý liên quan đến cổ phần hóa, những vấn đề cần ưu tiên xử lý khá nhiều. Trước hết, cần có quy định chi tiết hơn nữa về cơ cấu vốn cổ phần, sở hữu nhà nước, tỷ lệ đối tác chiến lược cũng như tỷ lệ bán đấu giá khi cổ phần hóa trong đó theo hướng mở và có gắn kết chặt chẽ với Quyết định 37/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/6/2014.
Đồng thời, cần có hướng dẫn, quy định cụ thể với các khoản công nợ không có khả năng thu hồi, nợ xấu và các tồn tại tài chính, bởi hiện nay việc xử lý nợ, dự phòng giảm giá hàng tồn kho đều được áp dụng theo quy định về chế độ, chuẩn mực kế toán, mà chưa có cơ chế riêng cho những tồn tại khi thực hiện cổ phần hóa.
Hiện nay, công tác tính toán chế độ cho người lao động dôi dư và các mẫu biểu liên quan đang được vận dụng thực hiện theo Thông tư số 38/2010/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 91/2010/NĐ-CP quy định về lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Tuy nhiên, Nghị định này đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Nghị định 63/2015/NĐ-CP. Do đó, cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết về cách tính chế độ đối với lao động dôi dư theo Nghị định số 63/2015/NĐ-CP.
Đối với trường hợp lãnh đạo các doanh nghiệp cố tình làm chậm tiến độ cổ phần hóa, cần phải có các chế tài mạnh để xử lý. Bên cạnh đó, việc chậm trễ tiến độ cổ phần hóa cũng có thể xuất phát từ việc phê duyệt các vấn đề có liên quan đến cổ phần hóa của các cơ quan quản lý nhà nước.
Đối với trường hợp này, cần phải có quy định về thời gian trả lời, phê duyệt của cơ quan quản lý, có chế tài đối với nhân sự có liên quan phụ trách cổ phần hóa tại các cơ quan quản lý nhằm đẩy nhanh tiến độ phê duyệt hồ sơ, trả lời các vấn đề liên quan đến công tác cổ phần hóa, các nội dung trả lời phải cụ thể, đúng trọng tâm để doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện.
Kinh nghiệm thành công
Với những trường hợp thành công, theo quan sát, chúng tôi thấy rằng, khi các lãnh đạo doanh nghiệp cởi mở, chào đón các nhà đầu tư, có kế hoạch và chiến lược tiếp xúc nhà đầu tư ngay từ khi bắt đầu có chủ trương cổ phần hóa đến khi thực hiện chào bán, thì việc cổ phần hóa sẽ hiệu quả, đạt kết quả cao.
Hơn nữa, các doanh nghiệp cổ phần hóa, các Ban chỉ đạo và cơ quan quyết định cổ phần hóa mạnh dạn trong xử lý tài chính với định hướng, mục tiêu hình thành nên công ty cổ phần sau khi cổ phần hóa sẽ lành mạnh về tài chính, tinh gọn về lao động, đồng thời quyết liệt hơn về tỷ lệ chào bán ra bên ngoài thì đợt chào bán thường có tỷ lệ thành công rất cao.
Một yếu tố nữa mà nhà đầu tư rất quan tâm, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, đó là tính minh bạch. Trong quá trình cổ phần hóa, các doanh nghiệp minh bạch về thông tin, phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn và các cơ quan quản lý nhà nước, cởi mở với nhà đầu tư thường thành công trong quá trình cổ phần hóa.
Khi có các vấn đề cần xử lý trong quá trình cổ phần hóa, dưới sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nhà tư vấn và cơ quan quản lý nhà nước, sẽ đẩy nhanh được tiến độ cũng như hiệu quả của việc xử lý các vấn đề tồn tại. Doanh nghiệp cần chủ động nêu các vấn đề và kiến nghị các biện pháp đến các cơ quan quản lý đề được xử lý kịp thời.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Tái cơ cấu hết thời đủng đỉnh
Các chuyên gia kinh tế lưu ý, Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức lớn và hiện không còn nhiều thời gian.
"Thành công bước đầu mà chúng ta đạt được là đã thống nhất được nhận thức: không tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng sẽ không phát triển được, nhưng cái mà chúng ta vẫn chưa đạt được là yêu cầu cả về chất lượng lẫn tiến độ". Đó là nhận xét của TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kết quả 3 năm triển khai Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Tốc độ cổ phần hóa vẫn còn chậm, chất lượng chưa cao
Ông nói, dù đã đạt được một số kết quả cụ thể nhưng vẫn chậm so với mục tiêu đặt ra, chậm so với yêu cầu của đất nước là hướng nhanh đến phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực. Dù đánh giá 3 năm tái cơ cấu ở các chiều cạnh khác nhau nhưng các chuyên gia cùng có chung nhận định là "chậm" và "chất lượng" chưa cao. Nguyên nhân cũng được chỉ ra ở nhiều góc độ: do khách quan, chủ quan, do thiếu động lực và áp lực, do sợ chịu trách nhiệm...
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bùi Quang Vinh đã báo cáo kết quả 3 năm triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Ông cho biết, xét trong bối cảnh 3 năm thực hiện đề án, đó là thời gian bất ổn kinh tế vĩ mô khá nghiêm trọng, vì vậy với kết quả đạt được là đáng ghi nhận. Ổn định kinh tế vĩ mô đã liên tục được giữ vững. Chỉ số an toàn quốc gia được nâng cao, môi trường kinh doanh có sự cải thiện. Phản ứng của thị trường khá tích cực. Xu hướng phục hồi tăng trưởng kinh tế đang ngày càng rõ nét. Hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, năng suất nhân tố tổng hợp đã được cải thiện đáng kể. Các hoạt động đầu tư công, hoạt động của DNNN và hệ thống NH trở nên minh bạch hơn, có sự giám sát lớn hơn.
Tuy vậy, ông Vinh cũng cho biết, hiệu quả sử dụng nguồn lực, năng suất lao động vẫn còn thấp so với yêu cầu. Tốc độ cổ phần hóa vẫn còn chậm, chất lượng cổ phần hóa chưa cao. Cơ chế hoạt động của DNNN nói chung và thể chế quản trị DNNN nói riêng còn một số điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường.
Các chương trình đề án tái cơ cấu của địa phương chưa chú ý tận dụng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương. Chưa chú ý tới tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất các chuỗi cung ứng các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, chưa gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, chưa gắn DN nội địa với DN FDI nhằm nâng cao trình độ phát triển công nghiệp và giá trị gia tăng nội địa.
Hiệu quả sử dụng nguồn lực, năng suất lao động vẫn còn thấp so với yêu cầu
TS. Nguyễn Đức Kiên không ngần ngại chỉ ra rằng: tất cả là do người đứng đầu. Ông nói, cùng một cơ chế chính sách như nhau, cùng một chỉ đạo của Thủ tướng, nhưng sao Bộ Giao thông vận tải đã cổ phần hóa được 92% số DN trong danh sách cổ phần hóa, trong khi nhiều bộ, ngành khác vẫn ì ạch?
TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh vai trò và bản lĩnh người đứng đầu, nhưng cũng cần cảm thông và chia sẻ với những nguyên nhân dẫn đến tái cơ cấu chậm.
Ông đặt câu hỏi, với tái cơ cấu DNNN thì vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động sẽ ra sao? Hay như chuyện muốn cổ phần hóa, thoái vốn nhanh nhưng không dễ tìm nhà đầu tư chiến lược. Rồi vấn đề ai dám quyết bán cổ phần Nhà nước khi giá thấp - quyết thì "trách nhiệm" bảo toàn vốn đến đâu, thậm chí "liệu có trục lợi ở đây không"?...
Bên cạnh đó là những khó khăn trong tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu nông lâm trường quốc doanh, giải quyết nợ xấu... vẫn cần có những quy định bổ sung cho khung pháp lý...
TS. Lê Đăng Doanh thì nhắc đi nhắc lại sự liên quan giữa tái cơ cấu với cải cách thể chế, bộ máy Nhà nước và hiệu quả đầu tư công... Ông nói phải tái cơ cấu ngay bộ máy Nhà nước, giảm cồng kềnh, góp phần tái cơ cấu ngân sách nhà nước... tái cơ cấu đầu tư công.
Bộ trưởng Vinh đã đưa ra các giải pháp tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020. Trong đó sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn, dựa trên lợi thế so sánh, khuyến khích liên kết theo chuỗi giá trị và cụm liên kết ngành tạo cơ sở xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu lại nông nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ ưu tiên các ngành có lợi thế.
Phát triển các khu kinh tế trong quy hoạch vùng và tăng cường liên kết các địa phương trong vùng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại DNNN nâng cao hiệu quả hoạt động cơ chế thị trường, tạo sân chơi bình đẳng với các DN khác... Và khuyến khích phát triển bền vững kinh tế hợp tác làm đầu mối liên kết giữa nông dân, người sản xuất nhỏ lẻ với DN và cơ quan cung ứng dịch vụ công nghệ cao...
Trước những giải pháp đó, các chuyên gia kinh tế lưu ý, Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức lớn và hiện không còn nhiều thời gian.
TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, tái cơ cấu phải gắn liền với cải cách thể chế mới đạt được mục tiêu, hiệu quả và chất lượng như mong muốn. Ông nói: "Nền kinh tế đang đứng trước tình trạng không có đường lùi, không có con đường nào khác là phải cải cách nếu muốn phát triển, thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực".
Theo Thời báo Ngân hàng
Tiếp tục phối hợp với Trung Quốc điều tra cái chết của bà Hà Thúy Linh Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để hỗ trợ gia đình bà Hà Thúy Linh trong việc điều tra vụ việc. Chiều 10/9 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức cuộc họp báo thường kỳ. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã...