Giường bệnh chuyển được thành quan tài cho bệnh nhân Covid-19
Làm từ bìa các tông cứng, những chiếc giường có thể chuyển thành quan tài được công ty sản xuất cho hay sẽ giúp giảm thiểu tình trạng quá tải ở bệnh viện, nhà xác.
Một doanh nhân người Colombia thiết kế những chiếc giường có thể chuyển thành quan tài nhằm giảm thiểu tình trạng quá tải của bệnh viện trong lúc dịch Covid-19 chưa chấm dứt, theo Reuters.
Rodolfo Gomez, giám đốc công ty ABC Displays, cho biết những chiếc giường bệnh kiêm quan tài được làm từ bìa các tông cứng, có khả năng tự phân hủy sau một thời gian. Mục đích ra đời của sản phẩm này là để giúp quê nhà Colombia của ông không rơi vào “vết xe đổ” của các “ổ dịch” lớn khác tại châu Mỹ và trên thế giới.
Những chiếc giường có thể chuyển thành quan tài.
Hiện tại, hệ thống y tế ở Colombia vẫn chưa lâm vào tình trạng “vỡ trận”, song virus corona chủng mới đã khiến các bệnh viện và nhiều nhà tang lễ rơi vào tình trạng quá tải.
“Chúng tôi biết đến trường hợp của quốc gia láng giềng Ecuador, khi nhà xác không còn chỗ trống và người ta bắt đầu để các thi thể ở ngoài đường. Khi số ca tử vong tăng lên, dịch vụ tang lễ không thể xoay xở kịp, nhiều người không thể mua nổi quan tài gỗ. Chiếc giường kiêm cả hai nhiệm vụ có thể giúp lực lượng y tế bớt gánh nặng”, ông Gomez nói.
Những chiếc giường có tay nắm bằng kim loại, lắp bánh xe kèm phanh và có thể nâng lên hạ xuống. Chúng chịu được sức nặng 150 kg và có giá thành từ 92-132 USD.
Theo vị giám đốc, việc sử dụng loại giường kiêm quan tài này có giá thành rẻ và đồng thời, giảm nguy cơ người chết lây mầm bệnh cho người khác cũng như các tác động lên môi trường.
Được làm từ bìa các tông cứng, những chiếc giường được công ty sản xuất cho hay sẽ giúp làm giảm thiểu tình trạng quá tải bệnh viện, nhà xác.
Gomez hy vọng với chi phí thấp của sản phẩm, chính quyền địa phương ở Colombia sẽ trang bị nhiều hơn cho các bệnh viện ở nông thôn.
Ước tính, công ty này có thể sản xuất 3.000 chiếc giường loại này mỗi tháng. Chiếc giường đầu tiên được gửi tặng một bệnh viện ở khu vực Letica, nơi đang ghi nhận số ca nhiễm tăng cao ở quốc gia Nam Mỹ, trong tình trạng thiếu hụt đội ngũ nhân viên y tế.
Vị giám đốc cho hay ông đang lên kế hoạch xuất khẩu loại giường mới sang các nước Peru, Chile, Brazil và Mỹ. Tính đến ngày 23/5, Colombia ghi nhận 19.131 ca dương tính với Covid-19, trong đó có 682 trường hợp tử vong.
Đàn ông Ấn Độ chăm dưỡng da, cạo lông ngực để ‘thấy yêu bản thân’
Bỏ qua tiêu chuẩn khắt khe về chuyện đàn ông phải nam tính, các chàng trai ở Ấn Độ đang ngày càng chải chuốt và đầu tư vào các sản phẩm làm đẹp, tẩy da chết.
Nữ sinh viên tự nguyện đăng ký xử lý xác người tử vong vì dịch
Tháng cuối cùng trước khi tốt nghiệp, Mariel Sander đăng ký làm việc tại nhà xác của một bệnh viện thành phố. Ca tử vong vì virus tăng nhanh chóng khiến tình trạng quá tải xảy ra.
Zing trích dịch bài đăng trên New York Times, về câu chuyện của một nữ sinh viên năm cuối tại Mỹ quyết định dùng tháng cuối cùng của đời sinh viên để đến nhà xác, giúp đỡ lực lượng y tế xoay xở với thi thể những người tử vong do Covid-19.
Trong tưởng tượng của Mariel Sander (21 tuổi), tháng cuối cùng của cô tại Đại học Columbia (Mỹ) sẽ là những buổi tiệc tùng ầm ĩ, tham gia một lớp nhảy hiện đại hay dành kỳ nghỉ xuân để tản bộ dọc công viên quốc gia.
Sự thật thì hoàn toàn trái ngược. Trên thực tế, năm tháng sinh viên của Sander khép lại bằng những ngày liên tiếp chất những xác người vào xe đông lạnh.
Dịch Covid-19 đã cướp đi hơn 20.000 sinh mạng ở New York phồn hoa, đẩy nhà xác bệnh viện và nhà tang lễ trên toàn thành phố vào tình trạng quá tải.
Để xoay xở, các bệnh viện thuê hơn 100 nhân viên nhà xác tạm thời, trong đó có Sander. Mong muốn giúp đỡ tình hình, cô đăng ký với các cơ sở y tế trong thành phố. Mỗi giờ làm việc, Sander được trả 25 USD.
Hơn một tháng xử lý các thi thể
Công việc kéo dài trong 1 tháng nhưng đủ khiến cô gái gặp phải những ám ảnh khi ngày ngày tiếp xúc với xác người. Song, Sander khẳng định nhờ đó mà cô có những suy nghĩ khác về cái chết. Đồng nghiệp đã dạy cô cách chăm sóc từng thi thể, như một cách để an ủi những người xấu số khi họ không có người thân ở bên lúc ra đi.
Các nhân viên y tế đang đưa một thi thể vào bảo quản trong xe đông lạnh. Ảnh: WSJ.
Ngày 14/4 là ngày Sander bắt đầu nhận việc. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời, cô bước chân vào nơi người chết nằm chờ chôn cất. Căn phòng vốn chỉ có sức chứa cho hơn 10 thi thể, giờ đây ngổn ngang khi con số cần bảo quản lên tới 90. Hai xe đông lạnh đỗ bên ngoài bệnh viện để làm nhà xác tạm thời.
Những cơ thể được đặt vào túi màu trắng, bên ngoài ghi tên tuổi người đã khuất, giúp những nhân viên của nhà tang lễ không nhầm lẫn. Trước kia, Sander từng theo học một khóa kỹ thuật viên y tế khẩn cấp, giúp cô lần này có khả năng xoay xở với những cơ thể to lớn hơn cô.
Có những khi, công đoạn khiêng xác bằng cáng gặp trục trặc, khiến cơ thể người chết lộ ra, làm nguy cơ những người làm việc như Sander tiếp xúc với virus cao hơn. Nhiều ngày, kết thúc ca làm việc lúc 19 giờ tối, đôi mắt của nữ sinh viên trẻ lại bất giác ngấn lệ.
Không gian làm việc xung quanh mang nặng mùi chết chóc khiến một cô gái ở độ tuổi 20 như Sander không ít lần ớn lạnh, rùng mình. Một lần, cô đứng một mình trong xe đông lạnh. Bên trong, chỉ có ánh đèn lờ mờ từ chiếc đèn pin mang theo chiếu sáng.
Những gương mặt thấp thoáng sau chiếc túi xác nhiều lần làm Sander thót tim. Để giữ bình tĩnh, cô phải tự nói to một mình, xua đuổi cảm giác hoảng sợ vây quanh.
Xe đông lạnh chứa thi thể người bệnh tử vong ở New York. Ảnh: NBC
Một lần khác, Sander chứng kiến cảnh một nam nhân viên y tế ở bệnh viện bàn giao xác của cha mình cho lực lượng xử lý. Nhìn thấy sự bình tĩnh lạ kỳ nơi người con trai, Sander bỗng chốc nhận ra một điều: Mỗi cơ thể cô xử lý đều thuộc về một gia đình nào đó. Từ đó, cô cố ngăn cảm giác xúc động của bản thân để tập trung vào việc chăm sóc từng thi thể.
Công việc ở nhà xác ít nhiều làm nữ sinh 21 tuổi mệt mỏi về thể xác và chai sạn cảm xúc. Tính chất công việc nặng nề khiến đêm về, nữ sinh viên khó ngủ ngon nổi. Mỗi khi nhắm mắt, hình ảnh về những thân người nằm bất động lại ám ảnh cô. Cùng với đó, phần lưng cô mỏi nhừ, đau đớn vì phải khiêng cáng nặng, khiến không ít lần cơ thể cô đập mạnh vào tường.
Thông thường, chỉ khoảng 40-50 người được chuyển đến nhà xác trong một tháng tại bệnh viện. Còn tại thời điểm Sander nhận việc tạm thời, số người chết tăng gấp bảy lần trong tháng tư.
So với trước kia, thi thể được trữ đông từ 2-3 ngày, còn giờ số ca tử vong tăng nhanh chóng khiến quá trình giữ xác có thể lên tới 3-4 tuần. Các gia đình muốn thuê người chôn cất cũng bất lực, khi không ai ở nhà xác có thể xử lý kịp.
Công việc tại các nhà xác ở New York trong tháng trước trở nên quá tải khi số ca qua đơi do virus tăng lên quá nhanh. Ảnh: NY Times.
"Như một giấc mơ kỳ lạ"
Có những ngày, nữ sinh viên cảm thấy thảnh thơi, nhẹ nhõm khi không một ca tử vong nào mới xuất hiện, đồng nghĩa với việc không có thêm xác người nào chuyển đến chỗ cô. Nhưng ngược lại, có hôm Sander xử lý liên tục 6 thi thể khi mới chỉ đến ban trưa.
Trước kia, ưu tiên của một sinh viên chuẩn bị ra trường như Sander chỉ loanh quanh ở việc kiếm điểm cao, tham gia các hoạt động ngoại khóa, những thứ chẳng còn ăn nhập chút nào với thực tế hiện tại cô đang trải qua.
Đến ngày 6/5, không khí trong bệnh viện có phần lạc quan hơn khi những chiếc giường trống trong phòng cấp cứu bắt đầu xuất hiện. Số người tử vong vì dịch đã không còn tăng phi mã như tháng trước.
Một chiếc xe đông lạnh rời đi, chỉ còn một chiếc tiếp tục nhiệm vụ. Ngày 15/5, Sander bước vào ngày làm việc cuối.
Kết thúc mọi việc, cô quay trở lại cuộc sống thường nhật, sau khi xét nghiệm âm tính với virus. Cuối tuần, cô đi dạo cùng bạn bè trong khuôn viên trường, như bao sinh viên khác.
Sau một tháng, giờ Sander cảm thấy chắc chắn cô muốn tiếp tục ghi danh vào trường y để tìm hiểu về cơ chế hoạt động của cơ thể con người.
"Cuộc sống tôi một tháng qua như bước vào một giấc mơ kỳ lạ. Nó thực sự xảy ra, khi tôi chọn làm việc trong nhà xác và những người duy nhất tôi chạm vào đều đã qua đời trước đó", Sander đúc kết.
Di nguyện của người thợ xây muốn đưa quan tài đến nghĩa trang bằng máy xúc Theo Daily Star, một người thợ xây ở quận Lancashire của Anh đã bày tỏ di nguyện đưa cỗ quan tài của mình đến nghĩa trang bằng máy xúc. Theo đó, ông Roy Mellor, 72 tuổi, đã về hưu, trước đây là kỹ sư xây dựng trong hơn 50 năm. Ông đã tham gia vào việc xây dựng các con đường, nhà máy...