Giữ nhịp phục hồi kinh tế
Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế ( IMF) C. Lagarde vừa lên tiếng hối thúc các nền kinh tế triển khai những bước đi mạnh mẽ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới vốn đang trên đà phục hồi “khiêm tốn”.
Kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu tăng trưởng đáng lạc quan
Theo bà C. Lagarde, kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi kể từ sau cuộc khủng hoàng tài chính-kinh tế bùng phát năm 2008 từ Mỹ. Báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế thế giới mà IMF vừa công bố dự báo kinh tế thế giới năm 2014 sẽ tăng trưởng ở mức 3,6% và năm 2015 sẽ là 3,9%, so với mức 3% của năm 2013. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế ( OECD) thậm chí còn khẳng định kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn mong đợi.
Có được tín hiệu tích cực này là nhờ sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ với khả năng tăng trưởng 2,8% trong năm nay và 3% vào năm 2015. Với một nền kinh tế quy mô lớn như Mỹ, tốc độ tăng trưởng như vậy quả là ấn tượng. Nền kinh tế thứ hai thế giới – Trung Quốc được dự báo sẽ tăng 8,2% trong năm 2014, so với mức 7,7% của năm 2013. Khu vực đồng euro tuy phục hồi chậm hơn nhưng cũng ở mức chấp nhận được là khoảng 1,2% trong năm 2014.
Video đang HOT
Riêng với Nhóm 20 nước phát triển và nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hiện chiếm khoảng 85% kinh tế thế giới, tháng 2 vừa rồi, nhóm này đã nhất trí về mục tiêu nâng tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của thế giới thêm ít nhất 2% (tương đương khoảng 2.000 tỷ USD) trong 5 năm tới. Đây là lần đầu tiên G20 đề ra mục tiêu tăng trưởng bằng một con số cụ thể, cho thấy họ đang thoát khỏi mô hình kinh tế với ưu tiên hàng đầu là kiểm soát khủng hoảng và tin tưởng sẽ vượt qua những bất ổn kinh tế thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này vẫn còn yếu và tồn tại nhiều nguy cơ, nhất là trong bối cảnh trên thế giới có tới 200 triệu người thất nghiệp. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng tại Ukraine, sự giảm tốc của các nền kinh tế mới nổi, nguy cơ giảm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu, hệ thống tài chính dễ bị tổn thương của hai nền kinh tế đầu tàu thế giới là Mỹ và Trung Quốc, cộng với những biến động thị trường tài chính thế giới chính là những thách thức cản trở sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Chính vì thế, điều quan trọng hiện nay là các nước không được đưa ra những quyết sách sai lầm có thể vô hiệu hóa những nỗ lực phục hồi kinh tế thế giới.
Đi vào cụ thể từng nước, IMF cho rằng dù kinh tế Mỹ đang có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực và mạnh mẽ, nhưng Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn cần có những bước đi thận trọng khi thực thi lộ trình thu hẹp gói kích thích kinh tế và tăng lãi suất cơ bản vốn đang duy trì ở mức thấp kỷ lục 0-0,25%. Mỹ cũng cần sớm giải quyết các nguy cơ mới trong vấn đề nợ công ty, cho vay mua cổ phiếu, đòn bẩy tài chính…
Đối với Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), IMF kêu gọi thực hiện chính sách giảm tỷ lệ lãi suất tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) để đảm bảo lạm phát thấp không kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nếu không có những biện pháp tiền tệ đặc biệt và được thực thi nhanh chóng, châu Âu có thể sẽ rơi vào tình trạng giảm phát, làm đảo ngược sự phục hồi kinh tế tại châu lục này. Với Trung Quốc, IMF cảnh báo cần khéo léo giải quyết tình trạng “bong bóng tín dụng” phi ngân hàng, trong khi vấn đề cấp bách với Nhật Bản là cải tổ cấu trúc tài chính. Nếu các nước thận trọng trong các bước đi, đà phục hồi của kinh tế thế giới mới có thể được bảo đảm.
Theo ANTD
Giấc mơ đổi ngôi
Trước triển vọng kinh tế có phần sáng sủa, Bộ trưởng Tài chính Anh G. Osborne vẫn khẳng định nước này sẽ tiếp tục thi hành chính sách kinh tế "thắt lưng buộc bụng" trong năm 2014.
Kinh tế Anh đang phục hồi thuận lợi
Phát biểu khi thăm một nhà máy ở Birmingham về chính sách tài chính công trong những năm sắp tới, Bộ trưởng G. Osborne cho biết nguyên tắc chi tiêu tiết kiệm vẫn sẽ được nước Anh duy trì trong năm 2014 để đạt mục tiêu cắt giảm 25 tỷ bảng cho bình ổn ngân sách; sẽ thông qua cắt giảm các chương trình xã hội, cụ thể là giảm 12 tỷ bảng hỗ trợ tiền nhà và trợ cấp con nhỏ từ nay cho đến cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5-2014.
Các số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố cuối năm ngoái cho thấy nền kinh tế Anh hiện có mức tăng trưởng nhanh nhất trong số các nước phát triển. Năm 2013, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh tăng trưởng ở mức 1,4% và dự báo sẽ vượt lên mức 2,4% trong năm nay. Đây là tín hiệu lạc quan trong bối cảnh triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn còn khá mong manh.
Tuy nhiên nước Anh vẫn tiếp tục "thắt lưng buộc bụng" bởi mục tiêu của London không chỉ thoát khỏi giai đoạn trì trệ hiện nay mà còn vươn lên thành cường quốc kinh tế số 1 ở châu Âu. Một nghiên cứu công bố ngày 26-12-2013 dự báo Anh có thể sẽ vượt qua Đức và Pháp để trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào năm 2030. Theo nghiên cứu này, Đức sẽ mất vị trí nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào tay Anh vào năm 2030. Còn với Pháp, sẽ bị nước Anh vượt qua vào năm 2018.
Nhờ những điều chỉnh về chính sách, nhờ tốc độ tăng dân số nhanh hơn và ít phụ thuộc hơn vào các nền kinh tế châu Âu khác đang gặp khó khăn, kinh tế Anh phục hồi khá thuận lợi. Để tạo thêm những cú bật cho nền kinh tế, Anh dự kiến sẽ cắt giảm chi tiêu công thêm 11,5 tỷ bảng (khoảng 18,5 tỷ USD) trong năm tài khóa 2013-2014. Riêng ngân sách dành cho các bộ ngành sẽ bị cắt giảm thêm 2,5 tỷ bảng (hơn 4 tỷ USD) để có tiền đầu tư vào những dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, từ đó khôi phục tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Thông báo của Bộ Tài chính Anh cho biết, trừ các bộ, ngành thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và viện trợ quốc tế, còn lại đều thuộc diện cắt giảm thêm ngân sách hàng năm. Đối với Bộ Quốc phòng, ngân sách để mua thiết bị quân sự sẽ tăng 1%, còn các khoản chi tiêu khác sẽ bị cắt giảm 5%. Viện trợ quốc tế vẫn được giữ nguyên ở mức 0,7% tổng thu nhập quốc gia (GNI) như đã cam kết, tuy nhiên phần ngân sách còn lại, chủ yếu được sử dụng cho công tác quản lý, vẫn sẽ nằm trong diện bị cắt giảm.
Cuối năm ngoái, Nữ hoàng Elizabeth II còn ký ban hành luật cải cách ngành ngân hàng của Anh. Theo đạo luật trên, hệ thống ngân hàng Anh sẽ được cải cách về 4 lĩnh vực chủ yếu là vai trò giám sát, cơ cấu, văn hóa và khả năng cạnh tranh. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ trở về vị trí trung tâm của vai trò giám sát với những quyền hạn mới nhằm xác định và giải quyết kịp thời mọi nguy cơ đe dọa đến hệ thống. Đây là bước ngoặt quan trọng giúp hệ thống ngân hàng Anh hoạt động hiệu quả và an toàn hơn, từ đó hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Với hàng loạt các biện pháp trên, London hy vọng sẽ có cuộc đổi ngôi trên bản đồ kinh tế thế giới với phần thắng thuộc về nước Anh.
Theo ANTD
Tổng thống Pháp - Mỹ hội đàm tại Nhà Trắng Tổng thống Pháp Francois Hollande đang có chuyến công du 3 ngày tới Mỹ. Đây là chuyến thăm Mỹ cấp nhà nước đầu tiên của một Tổng thống Pháp từ năm 1996 và được kỳ vọng thắt chặt quan hệ hữu nghị lịch sử giữa hai nước. Sau khi đến nước Mỹ chiều 10-2, Tổng thống Pháp Hollande và người đồng nhiệm Barack...