Giữ lại hương vị bánh Quế đất Hà thành
Trong khi thị trường tràn ngập các loại bánh kẹo với nhiều mẫu mã, hương vị khác nhau, thì có một sản phẩm của đất Hà Thành được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, đó là bánh Quế.
Tới đầu cầu thang dãy nhà E3, khu tập thể 8/3, phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, đã thấy mùi thơm phức của bánh Quế. Cơ sở sản xuất bánh gia truyền của gia đình ông Trần Anh Tuấn và bà Nguyễn Thị Nhung nằm mãi tận tầng 3, trong một không gian hẹp khoảng chừng 15m2.
Bà Nhung đang ngồi làm bánh trong xưởng, mồ hôi nhễ nhại bởi hơi nóng hắt ra từ chiếc lò làm bánh; còn ông Tuấn đang đóng những chiếc bánh còn nóng hôi hổi vừa mới rời lò nướng vào hộp cho khách hàng mang sang Cộng hòa Liên bang Đức.
Trong mùi thơm của những chiếc bánh vừa mới ra lò còn bốc khói, những ngày tháng gian truân vất vả, quyết tâm gìn giữ lấy nghề của cha ông lại hiện về trong ký ức ông bà. Ông Tuấn cho biết hồi đó gia đình ông bà còn nghèo lắm. Ông là bác sỹ nhưng do sức khỏe phải về hưu sớm, lương hưu lại thấp mà nhà thì đông người. Sẵn có nghề truyền thống nên hai vợ chồng đã quyết định theo nghề.
Thành phần của bánh Quế gồm bột mì, sữa, quế, đường nguyên chất, vani, lòng đỏ trứng gà, vừng… Để có được chiếc bánh thơm ngon người thợ phải pha chế các chất phụ gia, đưa lên lò nướng và quấn. Sau khi quấn song phải cho vào ủ vôi để chiếc bánh khô và lên mùi thơm tinh khiết.
Nói ra thì đơn giản là vậy, song bí kíp ở công thức chế biến. Phải biết được công thức chế biến, mới có được những chiếc bánh thơm ngon. Một người thợ lành nghề như bà Nhung, một ngày làm hết sức cũng chỉ được 10 hộp bánh, mỗi hộp được đóng 100 chiếc bánh nhỏ với giá bán từ 55-60.000 đồng. Lãi của mỗi hộp bánh chỉ được từ 7-10.000 đồng.
Sản xuất ra những chiếc bánh Quế tưởng chừng như đơn giản, nhưng để có những chiếc bánh có vị thơm của quế, độ xốp vừa phải và độ giòn đặc biệt thì phải có quá trình sản xuất rất công phu. Người thợ làm bánh phải để tâm trong khi nhào bột và thêm hương liệu.
Video đang HOT
Khi vợ chồng ông bà thuần thục trong việc sản xuất bánh lại gặp phải khó khăn ở khâu tiêu thụ. Thị trường lúc đó tràn ngập các loại bánh kẹo với nhiều mẫu mã, hương vị khác nhau của trong nước và nước ngoài, ông Tuấn tâm sự.
Gia đình ông bà Tuấn-Nhung không nhớ chính xác chiếc bánh Quế ra đời từ năm nào, chỉ biết từ nhỏ đã thấy các cụ trong nhà làm bánh. Nhớ lại những ngày đầu bước chân vào nghề, bà Nhung kể lại: trong khi sản phẩm bánh Quế gia truyền làm ra với chi phí cao nên giá thành cũng cao theo rất khó cạnh tranh với những sản phẩm bánh kẹo được chế biến từ máy móc hiện đại.
Quyết tâm giữ nghề nên dù bán được nhiều hay ít ông bà vẫn giữ đúng công thức gia truyền, giữ nguyên chất lượng và hương vị độc đáo của sản phẩm. Người sành ăn khi đã dùng rồi có thể cảm nhận được sự khác biệt của bánh Quế gia truyền với những sản phẩm cùng loại được chế biến bằng máy móc công nghệ hiện đại khác. Vì thế, người dùng rồi, không thể quên và đem làm quà tặng biếu khiến khách hàng biết đến sản phẩm ngày một đông, bà Nhung nói.
Sau hơn 20 năm theo nghề, chiếc bánh Quế gia truyền giòn thơm ngon của ông bà không chỉ được người dân Hà Nội ưa chuộng mà nó đã có mặt hầu hết các tỉnh phía Bắc, rồi vào Thành phố Hồ Chí Minh và đến nay đã xuất hiện ở cả một số thị trường khó tính trên thế giới như Canada, Singapore, Hàn Quốc, Cộng hòa Liên bang Đức.
Ông Tuấn cho biết vào giữa năm 2006, một tập đoàn chuyên sản xuất bánh kẹo của Angola đến tận nơi đặt vấn đề với gia đình ông bà về việc chuyển giao kỹ thuật làm bánh với giá 100 triệu đồng. Trong thời gian chuyển giao công nghệ, ông bà sẽ được ăn ở tại công ty và được chi trả lệ phí đi lại. Tuy nhiên gia đình ông Tuấn đã từ chối vì không muốn kỹ thuật làm bánh gia truyền đến đời ông bà lại phải bán đi, cho dù số tiền họ đặt ra không phải là nhỏ đối với gia đình.
Hiện gia đình ông Tuấn có 2 sản phẩm là bánh Quế gia truyền và bánh ốc quế. Bánh ốc quế được gia đình sản xuất hàng ngày để bán cho kem Tràng Tiền, các hàng kem ở Gia Lâm và khách đặt hàng ở Hải Phòng, Hải Dương, Cao Bằng…Riêng bánh Quế gia truyền chỉ được sản xuất vào những tháng cuối năm.
Ông Tuấn còn cho biết, có người Hà Nội đã mang bánh Quế vào Thành phố Hồ Chí Minh làm quà và đã có người gọi điện ra đặt hàng với số lượng lớn để làm đại lý nhưng gia đình ông không dám nhận vì xưởng sản xuất nhỏ không thể làm kịp. Mặc dù vào những ngày giáp Tết, ông bà thường thuê thêm 4 đến 5 người thợ nhưng vẫn không đủ sức để đáp ứng nhu cầu của người mua.
Theo tapchiamthuc
Thưởng thức bún thang ở Sài Gòn
Bát bún thang là sự pha trộn giữa sắc và vị, tạo nên cái hấp dẫn, quyến rũ rất riêng của món ăn.
Từ trước đến nay, phở là món ăn đặc trưng mỗi khi nhắc đến ẩm thực của người Hà Nội. Tuy vậy, với những người sành về ẩm thực Hà thành sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua món bún thang. Một món ăn đơn giản nhưng là cả một kỳ công để có được nồi nước dùng trong veo, thơm nồng mùi tôm khô. Chính cái cầu kỳ của bún thang mới thể hiện được hết sự tinh tế trong món ăn, một hương vị ẩm thực thanh tao như chính bản tính nhẹ nhàng của người Hà thành.
Sự kết hợp của nhiều nguyên liệu làm nên bát bún thang thơm ngon, đầy màu sắc.
Bún thang vốn là món ăn đã có từ khá lâu. Bún thang đơn giản chỉ là bún chan canh, vì từ thang ở đây có nghĩa là canh, nhưng đừng có nhầm lẫn bún thang với canh bún của người miền Nam, nó cũng không có màu đỏ rực rỡ như bún riêu, bún ốc hay vị cay xé lưỡi của bún bò Huế, bún thang cuốn hút thực khách bằng chính hương vị rất riêng mà những ai đã một lần nếm thử sẽ không thể nào quên.
Muốn có nồi nước dùng ngon thì công sức bỏ ra cũng lắm công phu. Theo như chủ quán món ngon Hà Thành, hàng ngày anh phải lựa chọn xương gà, xương lợn và tôm he để ninh nước dùng. Ngoài ra còn phải trông chừng để vớt hết bọt cho nước thật trong, giữ được chất đạm và vị ngọt tự nhiên cho nước dùng.
Điều đặc biệt của bún thang là các nguyên liệu đi cùng như giò lụa, trứng tráng, gà đều được thái thành từng sợi mỏng hoặc xé nhỏ. Bún được chọn phải mềm, trắng muốt, sợi nhỏ còn phảng phất hương thơm của lá chuối bọc bên ngoài, khi cho ra bát không được chần lâu. Bát bún thang nghi ngút khói thật hấp dẫn và đầy màu sắc. Màu vàng của trứng tráng thật mỏng, thái chỉ tơ, màu trắng của thịt lườn, màu vàng của da gà, đó còn là màu phớt hồng của giò lụa thái chỉ, mỗi thứ được đặt một góc riêng biệt. Ngoài ra còn có củ cải khô, nấm hương, bên trên là một mảng màu xanh của rau mùi, hành hoa thái nhỏ, rau răm đã hoàn thiện cho bức tranh đầy màu sắc này.
Ăn bún thang phải có thêm một chút mắm tôm thì mới tròn vị. Thiếu đi một chút mắm tôm cũng có thể làm cho món ăn giảm bớt độ ngon vốn có. Có thể nói không ngoa rằng mắm tôm chính là cái nét duyên thầm của món ngon Hà Nội này. Tuy nhiên, có nhiều người không ăn được mắm tôm nên chưa cảm nhận hết được cái tinh túy của bát bún thang.
Và có một hương vị nữa không thể thiếu khi ăn bún thang là dầu cà cuống. Dầu cà cuống có hương vị cay rất đặc biệt, ai đã nếm thử qua và hợp khẩu vị rồi thì sẽ nhớ hoài. Khi bán, người chủ thường cho vào 1, 2 giọt, bát bún thang sẽ trở nên đậm đà và dậy mùi thơm. Thế nhưng mỗi ngày một hiếm, bát bún thang bây giờ khó kiếm được thứ hương vị này, chỉ có những quán bún thang lâu năm thì mới có thói quen sử dụng dầu cà cuống.
Cũng là một món ăn bình thường, có thể là ở nhà hàng hoặc gánh hàng trên hè phố. Dù ở đâu thì bún thang vẫn mang vẻ cầu kỳ, kiêu sa như một thiếu nữ đài các. Nó đòi hỏi người chế biến phải tỉ mỉ, cẩn thận và công phu, người ăn phải biết cách thưởng thức, biết cách ăn như thế nào cho ngon, cho đẹp.
Tuy không phổ biến như các loại bún, miến, phở khác của Hà Nội ở Sài Gòn nhưng bún thang cũng là một món ngon được nhiều người yêu thích. Với những người sành ăn, bún thang là sự hòa trộn của vị, sắc và hương. Ăn bún thang một lần rồi sẽ nhớ mãi, nhớ bát bún nhiều màu sắc, nhớ vị cay nồng của ớt, tỏi, vị ngọt của xương trong nước dùng. Đó còn là mùi thơm ngào ngạt của bát nước dùng bốc khói nghi ngút hấp dẫn người ăn... Vì lẽ đó món bún thang đã trở thành một món ngon đặc sản Hà thành hấp dẫn thực khách.
Ở Sài Gòn, bạn có thể thưởng thức món bún hấp dẫn này tại quán Hà Thành, số 2 Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, quán Thanh Thảo, 176/13 Lý Tự Trọng, quận 1 hoặc quán Chiều Hà Nội, 175 Phạm Văn Hai, quận Tân Bình. Mỗi bát bún thang có giá từ 30.000 đồng.
Tiêu Phong
Theo NS
Vị sầu riêng quyến rũ trong bánh pía Sóc Trăng Bánh pía có vị ngọt thơm của sầu riêng mà bất cứ một loại hương liệu nhân tạo nào cũng không thể thay thế được. Đi dọc đường từ miền Tây về Sài Gòn, du khách có thể dễ dàng bắt gặp những gian hàng bán bánh pía dọc theo quốc lộ. Bánh pía là một sản phẩm của người Hoa, nhưng từ...