“Giọt nước tràn ly” sau sự cố lỡ lời của Tổng thống Trump
Mặc dù Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng đính chính và thừa nhận sự cố lỡ lời trong cuộc họp báo với người đồng Nga Vladimir Putin tại Phần Lan, song làn sóng chỉ trích tại Mỹ vẫn chưa lắng xuống.
Tổng thống Trump và Tổng thống Putin gặp mặt tại Helsinki (Ảnh: AFP)
Sau 17 tháng, 3 tuần và 6 ngày trong nhiệm kỳ thăng trầm của Tổng thống Donald Trump, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa cảm thấy rằng với họ như vậy là quá đủ.
“Đập đã vỡ rồi”, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bob Corker từ bang Tennessee nhận định.
Tuy nhiên, cây bút Peter Baker của New York Times đặt ra hai câu hỏi: “Đập” đã thực sự vỡ chưa, và nếu vỡ rồi thì sẽ kéo dài trong bao lâu?
Tất cả các nhận định đều xuất phát từ những căng thẳng gần đây liên quan tới hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Helsinki, Phần Lan hôm 16/7. Những phát ngôn gây tranh cãi của Tổng thống Trump tại cuộc gặp song phương này khiến nhiều người hoài nghi rằng, phải chăng ông chủ Nhà Trắng đã đặt chân tới ngã rẽ thực sự, hay đây chỉ là một trong nhiều sự cố từng xảy ra và rốt cuộc tất cả sẽ chìm vào quên lãng khi sóng gió qua đi.
Tuy vậy, ít nhất ở thời điểm hiện tại, tình hình có vẻ khác biệt so với những lần trước đó và nước Mỹ vẫn đang sục sôi với những gì xảy ra tại Helsinki. Sau khi “lỡ lời” ủng hộ Tổng thống Putin thay vì đứng về phía cộng đồng tình báo Mỹ liên quan tới cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, ông Trump bị chỉ trích vì đưa ra những tuyên bố không phù hợp. Cáo buộc này không chỉ xuất phát từ những nhân vật ngoài lề hay trong những chương trình đàm thoại tự do, mà do chính cựu Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan nhận định.
Cựu Giám đốc CIA John Brennan (Ảnh: New York Times)
Là một trong những tiếng nói chỉ trích Tổng thống Trump nặng nề nhất, ông Brennan đã gọi phần thể hiện của nhà lãnh đạo Mỹ tại Helsinki “không có gì khác ngoài sự phản quốc”. Những người dẫn chương trình trong các chương trình đêm muộn như Stephen Colbert hay Jimmy Kimmel cũng đề cập tới vấn đề phản quốc trong các chương trình của họ. Thậm chí, báo New York Daily News còn chạy tiêu đề bài viết trên trang nhất là “Phản quốc trắng trợn”.
Video đang HOT
Trong bài bình luận đăng trên Washington Post ngày 16/7, Max Boot, người từng là thành viên của đảng Cộng hòa và nay trở thành người chỉ trích Tổng thống Trump mạnh mẽ nhất, cho rằng việc cáo buộc nhà lãnh đạo Mỹ phản quốc là điều ông chưa từng nghĩ đến, nhưng bây giờ chuyện đó không còn nữa.
“Nếu có ai đó bị coi là chống lại người dân, thì đó chính là ông Trump”, Max Boot bình luận.
Khi Tổng thống Trump trở về Nhà Trắng vào tối 16/7 sau chuyến đi tới Phần Lan, những người biểu tình đã tập trung ngoài cổng và hô khẩu hiệu chỉ trích ông. Số lượt tìm kiếm cho từ khóa “phản quốc” đã tăng lên gần 3%. Tính đến tối ngày 17/7, từ “kẻ phản bội” đã được sử dụng 800.000 lần trên Twitter, còn từ “phản quốc” được nhắc đến 1,2 triệu lần.
“Từ “phản quốc” là một từ mạnh tới mức chúng ta phải sử dụng rất cẩn thận. Nhưng cuộc họp báo (Trump – Putin) đã đẩy tổng thống Mỹ tới bờ vực đen tối”, Eliot A. Cohen, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, viết trên Twitter.
Những tiếng nói ủng hộ
Những người biểu tình bên ngoài Nhà Trắng vào tối 16/7 sau khi Tổng thống Trump kết thúc họp báo với người đồng cấp Nga (Ảnh: New York Times)
Đối với những người ủng hộ Tổng thống Trump, “cơn bão” chỉ trích hiện tại là một phần của hội chứng thù ghét nhà lãnh đạo Mỹ. Chính Tổng thống Trump cũng viết trên Twitter rằng việc ông và Tổng thống Putin hòa hợp đã khiến những người ghét ông “cảm thấy khó chịu” vì những gì họ muốn thấy “là một trận đấm bốc”.
“Một số người ghét việc tôi hòa hợp với Tổng thống Nga Putin. Họ muốn thấy chúng tôi gây chiến thay vì hòa hợp”, ông chủ Nhà Trắng viết trên Twitter.
Tuy vậy, danh sách phe Cộng hòa chỉ trích Tổng thống Trump lần này không chỉ có những người thường xuyên công kích ông như Thượng nghị sĩ Corker, mà còn có cả những người bạn của tổng thống như cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich. Ông Gingrich cho rằng phần thể hiện của Tổng thống Trump tại Phần Lan là “sai lầm nghiêm trọng nhất trong nhiệm kỳ”.
Các lãnh đạo của đảng Cộng hòa như Thượng nghị sĩ Mitch McConnell từ bang Kentucky và Chủ tịch Hạ viện Paul D. Ryan chọn cách tiếp cận cẩn trọng hơn trong vụ lùm xùm của Tổng thống Trump – một thành viên của đảng Cộng hòa. Họ tập trung chỉ trích Nga thay vì nhắm mục tiêu tới tổng thống. Họ cũng tìm cách giữ khoảng cách trong vấn đề này bằng cách đề xuất các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga hoặc tổ chức các phiên điều trần đối với một số thành viên trong chính quyền Trump.
Hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ bắt tay tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên (Ảnh: Reuters)
Để trấn an dư luận giữa “tâm bão” căng thẳng, Tổng thống Trump ngày 17/7 nói rằng ông đã lỡ lời trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nga. Tại Helsinki, ông Trump nói rằng ông “không thấy có lý do nào để Nga” can thiệp bầu cử Mỹ. Tuy nhiên khi trở về Nhà Trắng, ông liền đính chính lại câu nói chuẩn rằng, “không thấy lý do nào để Nga không làm việc đó”.
Một số nghị sĩ Cộng hòa đã bám vào chính tuyên bố thừa nhận lỡ lời của Tổng thống Trump để tránh một cuộc đối đầu trực diện.
“Tôi ước gì ông ấy đã nói (câu đính chính) như vậy trước mặt Tổng thống Putin và cả thế giới hôm qua. Tôi tin lời ông Trump nói rằng ông bị lỡ lời, thực sự là như vậy”, Thượng nghị sĩ bang Ohio Rob Portman nói với Fox News.
Theo nhận định những người ủng hộ Tổng thống Trump, các đối tượng chỉ trích nhà lãnh đạo Mỹ đã bị mất kiểm soát. Lou Dobbs, người dẫn chương trình của Fox Business Network, cho rằng Tổng thống Trump đã đạt được những thành tựu đáng kể trong chính sách đối ngoại khi đập tan tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và buộc các đối tác thương mại không công bằng của Mỹ phải gánh trách nhiệm.
“Có những kẻ ngốc cứ lải nhải những lời phàn nàn về cách ông ấy ứng xử trong một cuộc họp báo chung với tổng thống Nga. Thật ngớ ngẩn”, ông Dobbs nói.
“Tôi hoàn toàn đồng ý với điều đó”, Matt Gaetz, nghị sĩ Cộng hòa tại bang Florida, nói. “Tất cả chúng ta cần nhìn về một hướng. Tất cả mọi người hãy làm việc đi. Hãy làm những điều vĩ đại như cách tổng thống đã làm để đấu tranh cho nền kinh tế Mỹ, từ đó giúp chúng ta đánh bại các đối thủ trên chiến trường thực sự, thay vì công kích lẫn nhau trên truyền thông”.
Thành Đạt
Theo Dantri
Tổng thống Trump muốn gặp thượng đỉnh lần 2 với Tổng thống Putin
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông muốn gặp thượng đỉnh lần 2 với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để hai nhà lãnh đạo có thể thực hiện những nội dung đã bàn thảo với nhau trước đó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump ngày 19/7 viết trên mạng xã hội Twitter rằng ông mong chờ tới cuộc gặp thượng đỉnh thứ 2 với Tổng thống Putin.
"Hội nghị thượng đỉnh với Nga (ngày 16/7) diễn ra rất thành công. Tôi mong chờ cuộc gặp thứ hai (với ông Putin) để chúng tôi có thể bắt đầu thực hiện những điều mà chúng tôi đã bàn bạc, bao gồm chống chủ nghĩa khủng bố, đảm bảo an ninh cho Israel, vấn đề hạt nhân", ông Trump viết.
Tổng thống Mỹ đã chỉ trích những kênh báo chí, truyền hình đang đưa tin chống lại ông là truyền thông "tin giả". Ông cho rằng họ đang mong muốn chứng kiến cuộc đối đầu quy mô lớn giữa Mỹ và Nga, dù điều này có thể dẫn tới chiến tranh giữa hai nước. Ông cáo buộc các kênh truyền thông này đã có hành vi liều lĩnh và là "kẻ thù" thực sự của người dân (Mỹ).
"Họ không thích sự thật rằng tôi có thể sẽ có quan hệ tốt với ông Putin. Chúng tôi đang làm tốt hơn bất cứ quốc gia nào khác", ông Trump nhận định.
Tuyên bố của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh ông đang hứng chỉ trích từ giới chính trị và một số kênh truyền thông Mỹ sau khi tham gia cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin 16/7 ở Helsinki, Phần Lan. Tại đây, Tổng thống Trump cho biết ông tin lời ông Putin nói rằng Nga không can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Điều này đã đi ngược lại với các kết luận của giới tình báo Mỹ cáo buộc Moscow có can thiệp vào bầu cử.
Dù ông Trump đã liên tục cải chính phát ngôn trên, nhưng hiện vẫn chưa thể làm lắng dịu dư luận.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Washington "nổi sóng" hậu Thượng định Trump Putin Khi mà Tổng thống Vladimir Putin có thể hài lòng về những gì đã đạt được tại cuộc gặp Thượng đỉnh tại Helsinki (Phần Lan) vào hôm 16.7 vừa rồi, Tổng thống Donald Trump lại đang phải đau đầu đối phó "sóng gió" tại quê nhà. Tại Helsinki, hai nhà lãnh đạo đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, cho ra nhiều...