Giọt nước mắt của cô bé lớp 5 bán vé số phụ mẹ kiếm tiền
Ăn uống đạm bạc, mỗi ngày phụ mẹ bán vé số nhưng bé Trúc Ly rất chăm học. Giờ đây, phải nằm viện với những cơn đau lạ kỳ, cô bé nhớ nhà, nhớ trường lớp đến trào nước mắt.
Quê bé của bé Nguyễn Thị Trúc Ly (10 tuổi), bệnh nhân khoa Tim mạch, BV Nhi Đồng 2 (TPHCM) ở Bình Phước. Gia đình Ly trước kia ở trong lều căng bằng vải bạt, sau được chính quyền xây cho căn nhà tình thương cấp 4 trên mảnh đất nhỏ xíu ông nội chia cho. Không có vườn tược, mẹ Ly trồng mấy vồng khoai lang ở bờ mương để cả nhà có rau ăn.
Bữa cơm của hai chị em Trúc Ly chẳng mấy khi có thịt, vì ngày nào bán được nhiều vé số, mẹ Ly mới mua được lạng thịt, con cá loại rẻ nhất. Còn ba của Ly đi làm mướn nhưng ông bị gai cột sống, đau thần kinh tọa nên không làm được việc nặng. Sớm ý thức được hoàn cảnh nhà mình, bé Ly ngoài giờ lên lớp còn biết nấu cơm, rửa chén và đi bán vé số phụ mẹ: “Con đi bán ở chợ, quán cà phê, quán ăn… mỗi buổi như vậy được 50-60 tờ”.
Chuỗi ngày bình yên trong nghèo khó của cô bé lớp 5 qua đi, khi những cơn đau chân ập đến. Ban đầu Ly cũng khám bệnh, uống thuốc nhưng không đỡ. Một lần đôi chân đau nhức nhối, Ly phải nhập viện ở tỉnh, rồi được chuyển đến BV Nhi đồng 2 vào cuối tháng 10/2013.
Đôi chân đi bán vé số của bé Trúc Ly giờ đây rất đau đớn mỗi khi cử động
Chân phải thẳng đơ, không co lại được
Bác sĩ điều trị của Ly cho biết: “Nguyễn Thị Trúc Ly bị hội chứng đau loạn dưỡng giao cảm, đau cơ xương do yếu tố thần kinh trên cơ địa nhạy cảm. Bệnh này không rõ nguyên nhân nhưng các yếu tố thúc đẩy như: stress, chấn thương, nhiễm trùng… khiến bệnh khởi phát.
Hiện nay bệnh nhân đang được dùng thuốc, hạn chế vận động, kết hợp chăm sóc tâm lý. Thời gian điều trị kéo dài và tốn kém vì phải dùng nhiều thuốc đặc trị để giảm đau, không có trong danh mục bảo hiểm y tế”.
Đi nuôi con dài ngày trong bệnh viện, chị Ngô Thị Mai lo lắng vò võ: “Tiền gạo, tiền điện ở nhà, tiền thuốc ở đây xoay chóng mặt. Thấy con gái đau đớn, kêu khóc mà chẳng biết làm sao, giá mà tôi đau dùm nó được!”. Biết bé Ly thèm ăn đùi vịt, chị ra cổng hỏi mua nhưng thấy đắt quá nên lại đi vào tay không.
Mỗi ngày vật vã với cơn đau ở đôi chân, bé Trúc Ly vẫn đem theo sách vở để ôn bài thi giữa kỳ. Ngày thi, cô bé xin bác sĩ cho về quê làm bài và được điểm 10 môn toán. Cô Mai Thị Dung, giáo viên chủ nhiệm của Ly cho biết: “Em Trúc Ly rất ham học. Lúc chưa nằm viện, dù chân đi khập khiễng em ấy vẫn gắng gượng đến lớp. Ly học giỏi môn toán và văn, còn dự thi vở sạch chữ đẹp nữa.
Hôm ấy Ly đau quá, tôi đưa em về nhà mới tận mắt chứng kiến hoàn cảnh của Ly, mà trước đó có đọc qua bài văn tả ngôi nhà của em ấy. Nhà chỉ gồm một phòng và gian bếp. Giữa nhà trải một tấm đệm cũ, cả nhà nằm chung và một chiếc tủ, ngoài ra không có bàn ghế gì cả”.
Video đang HOT
Giờ đây, Trúc Ly chỉ mong ước được trở về ngôi nhà đơn sơ ấy. Khi biết mình bị bệnh mãn tính, cô bé khóc không ngừng. Thạc sĩ tâm lý Kiều Thanh Hà chia sẻ: “Bé Trúc Ly rất hiểu chuyện nên bị suy sụp tinh thần. Cô bé lo sợ cha mẹ không có tiền, sợ thuốc thang tốn kém, sợ phải bỏ học… những ám ảnh đó khiến tình trạng bệnh của Ly càng xấu đi, xương khớp đau đớn nhiều hơn. Nếu được nhiều người động viên, chia sẻ để Ly yên tâm điều trị thì bệnh sẽ nhanh chóng cải thiện”.
Bé Trúc Ly chỉ ước ao được về nhà để đi bán vé số và tiếp tục học hành
Trong cơn nhức nhối dày vò, cô bé lớp 5 mếu máo: “Lúc chân chưa sưng, buổi sáng con dậy sớm giặt đồ cho cả nhà để mẹ ngủ thêm 1 chút cho có sức đi bán vé số, rồi con cũng đi bán phụ mẹ. (Mẹ con cũng không khỏe, mà mẹ con giấu đó). Trưa về đi học rồi tối con đi bán tiếp, cũng đủ tiền lo cho ba và em. Giờ chân con đau quá! Bác sĩ ơi, cứu con khỏe lại để con còn đi bán vé số nữa…”
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 1232 : Chị Ngô Thị Mai (mẹ bé Trúc Ly): thôn Tân Hiệp 2, xã Bù Nho, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Điện thoại: 0121 848 5617, 0121 348 5617. 2. Quỹ Nhân ái – Báo Khuyến học & Dân trí – Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh bến xe Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email:quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 045 100 194 4487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Thành Công – Hà Nội. * Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam – Chi nhánh Hoàn Kiếm * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100356359 Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh – Hà Nội * Tài khoảnUSD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100357002 Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK – MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269
Hồng Nhung
Theo Dantri
Trúng liền 4 giải độc đắc nhờ mua chịu vé số ế
Tới khu vực chợ Bến Lức (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) hỏi người dân về Bôn "ba gác" thì ai cũng biết cả. Bởi 20 năm qua, hình ảnh người đàn ông có khuôn mặt đen nhẻm trên chiếc xe ba gác đã quá quen thuộc trên các con đường ngõ ngách ở khu vực này. Hơn 2 năm nay, Bôn "ba gác" lại càng nổi tiếng hơn khi trúng 10 tờ vé số độc đắc và giải an ủi rồi tặng luôn cho người bán vé số 1 tờ vé trúng giải đặc biệt, trị giá 1,5 tỉ đồng.
Thưởng cho người bán vé số 1,5 tỉ đồng vì trung thực
Theo lời anh Bôn, ngay khi biết mình trúng số, để trả ơn cho "thần may mắn" của mình, anh rút ngay một tờ vé trúng độc đắc, kèm 200.000 đồng đưa cho chị Lành và nói: "Tôi trả nợ tiền vé cho cô, tặng thêm cô tờ vé. Anh em mình có phước thì chia nhau cùng hưởng". Hành động đẹp của anh Bôn, khiến hàng chục người có mặt tại đây ai cũng võ tay tán dương và nể phục. Sau đó cũng có những ý kiến cho rằng, anh tặng cho người bán vé số quá nhiều, chỉ cần một chiếc vé an ủi cũng là đủ. Nhưng cho đến nay, anh Bôn vẫn không hối hận với quyết định của mình và cho rằng, nếu chị Lành không thành thật mà giấu biến mấy tờ vé số đi thì chắc gì anh đã được đổi đời. Anh tặng số tiền đó để muốn tôn vinh sự trung thực.
Mua chịu vé số ế trúng luôn 10 tờ!
Ngỏ ý muốn gặp anh Bôn trò chuyện, một anh xế ba gác nhiệt tình dẫn chúng tôi tới khu vực chân cầu An Thạnh (huyện Bến Lức), nơi "tỷ phú xổ số" đang sinh sống. Chỉ tay về phía ngôi nhà sơn màu xanh nhìn rất nổi bật so với xung quanh, anh này bảo đó là nhà của anh Đỗ Ngọc Tuấn - tên thật của Bôn "ba gác" (46 tuổi, ngụ khu phố 2, đường Bà Chánh Thâu, thị trấn Bến Lức).
Nói chuyện với chúng tôi trong căn nhà mới được sửa sang, anh Bôn vẫn còn chưa quên được cảm giác phấn khích khi bỗng nhiên thành tỷ phú. Đó là vào một buổi chiều muộn ngày 15/11/2011, khi đang ngồi ủ rũ vì cả ngày dài nắng không kiếm được chuyến xe chở hàng nào, thấy điện thoại reo lên ngỡ là có khách gọi khiến anh mừng húm. Nhưng nụ cười trên môi chưa tròn thì anh lại trở lại mặt đất vì số hiện lên là "Lành vé số", người đàn bà bán vé số dạo quen thuộc hay mời anh mua. Đang chán nản, anh chẳng buồn bắt máy dù biết kiểu gì thì cô Lành cũng gọi lại ca điệp khúc nài nỉ mua vé số "chống ế". Chuông điện thoại liên tục réo, cuối cùng anh miễn cưỡng nghe máy và không biết trời xui quỷ khiến thế nào, nghe chị Lành kêu than, anh nhận mua luôn 20 tờ vé số còn lại.
Chị Lành cùng mẹ và các cháu trước căn nhà mới xây ở Hồng Ngự - Đồng Tháp. Ảnh: Thốt Nốt
Gần 10 phút sau, đang hì hục vác mấy thanh sắt để giao cho khách hàng, chuông điện thoại của anh một lần nữa lại reo lên. Lại là tên của chị Lành, anh Bôn bực mình bấm nghe, trong bụng thầm nghĩ mới nói cho thiếu xong mà lại đòi tiền ngay vậy. Đúng như lời anh nói, bên kia giọng người phụ nữ run run nói "anh cầm 200.000 ngàn đồng tới quán cà phê Cây Mai trả cho tui đi. Mấy tờ anh mua thiếu trúng độc đắc rồi nè". "Thôi đừng có xạo. Muốn lấy tiền vé cứ nói đại đi. Để giao hàng xong tui lấy tiền người ta rồi đem lại trả", tắt máy anh tiếp tục vác cho hết đống sắt chất đầy trên xe.
Nhận tiền công của khách hàng và may mắn được ông khách sộp bo thêm cho 300 ngàn đồng, anh mừng quá vì có tiền trả nợ vé số mới mua nên chạy xe một mạch tới quán Cây Mai để trả tiền cho chị Lành. Mới tới cửa quán, chưa kịp xuống xe đã có cả chục người chạy lại cười nói chúc mừng anh thành tỷ phú. Nghĩ họ hùa nhau đùa mình anh còn nói giỡn lại: "Cứ đùa hoài! Nếu trúng tui bao cả xóm đi du lịch Châu Đốc (An Giang)". Chưa nói dứt lời thì chị Lành tiến lại gần, nhìn anh vui vẻ rồi mở cái túi nhỏ lấy ra xấp vé số: "Tui trả anh không thiếu tờ nào nha, lốc này có 10 tờ số đuôi 07 đều trúng hết. Có 4 tờ trúng đặc biệt, còn lại là giải an ủi".
Vẫn bán tính bán nghi, anh cầm sấp vé với dãy số 191207 của đài Bến Tre (Công ty xổ số kiến thiết Bến Tre), nhìn vào tờ giấy kết quả còn chưa ráo mực photo và khi hai con số đó trùng nhau thì anh như không thể tin vào mắt mình. Để kiểm chứng thêm, anh Bôn run run bấm điện thoại nhắn tin tra kết quả qua tổng đài. Tin nhắn kết quả trả lại vẫn trùng khớp với dãy số ấy khiến anh bật khóc vì quá sung sướng.
Tiếp xúc với phóng viên, chị Phạm Thị Lành cho hay: "Hôm ấy cầm trong tay hơn 10 tấm vé số có đuôi 07 mà mình hứa bán cho anh Bôn, có nhiều người bảo tôi cách để chia vé số trúng giải đó nhưng tôi nhất quyết không chịu. Cùng là những người lao động nghèo khó, mỗi lần bán ế, tôi gọi điện hỏi và anh ấy đều mua ủng hộ. Không lẽ giờ anh ấy trúng số, mình lại giấu? Tiền thì ai mà không ham, nhất là người đang nghèo khổ nợ nần chồng chất như tôi. Nhưng lương tâm không cho phép làm như vậy. hơn nữa, mình phải giữ chữ tín chứ không sau này ai có thể tin nổi mình nữa".
Thành tỷ phú vẫn mưu sinh bằng xế ba gác
Khác với những người bỗng nhiên thành tỷ phú từ vé số thường tiêu xài hoang phí hay đổ hết tiền vào cờ bạc, ăn chơi trác táng mà PV từng gặp, sau hơn 2 năm trúng số, trong tay có tới hơn 6 tỷ đồng nhưng anh Đỗ Ngọc Tuấn vẫn là "Bôn ba gác" bình dị không khác gì so với lúc chưa thành đại gia. Vẫn tấm áo sờn vai đã ngả màu mưa nắng, chiếc mũ tai bèo nhàu nhĩ cùng với chiếc xe ba gác từ thủa hàn vi, hàng ngày chăm chỉ chở hàng khi có ai gọi tới.
Khốn khó không ngại khổ, giàu sang không ngại cực, anh Bôn cho biết sau khi trúng số vẫn ngày ngày chạy xe ba gác chở hàng thuê ngoài đầu chợ. "Quen rồi, nghỉ sao được, nhớ mọi người sớm tối cùng nhau, những bạn hàng thân thiết chịu không có nổi. Nhiều khi anh em, bạn bè cứ trọc ghẹo: "Sao không nghỉ ở nhà đi, tỉ phú mà còn đi giành bạc lẻ làm gì!". Thế nhưng, tôi nghĩ nghề của mình sao mà bỏ được. Mà ở nhà không làm gì cũng buồn bực chân tay", anh Bôn bộc bạch.
Anh "Bôn ba gác" may mắn trúng 4 tờ vé số giải đặc biệt trị giá gần 6 tỉ đồng. Ảnh: Phạm Dũng
Trải lòng về quãng thời gian cơ cực trước khi trúng số, anh Bôn chân thật nói: "Từ nhỏ gia đình đã nghèo khó, khi lấy vợ lại càng trăm bề lo tính, cuộc sống lúc nào cũng căng thẳng vì những món nợ nần. Số tiền ít ỏi tôi chạy xe thuê và đồng lương công nhân bèo bọt của vợ chỉ vừa đủ giúp vợ chồng không đến nỗi đói khát và chăm lo cho cậu con trai của mình".
Anh kể, vốn đã nghèo lại gặp phải cái eo, tai họa ập đến trong một lần mình chở sắt cho một cửa hàng vật liệu xây dựng. Do sơ ý, miếng tôn sắc như dao đã cắt gần như đứt lìa cánh tay trái khiến anh phải nằm viện mấy tháng trời. Nếu không nhờ sự cưu mang, giúp đỡ tận tình của người chị ruột thì có lẽ cánh tay anh đã phải cắt bỏ. "Tiền viện phí, thuốc men gần 50 triệu đồng đều một tay chị tôi lo. Khi tay lành, hai vợ chồng phải lo cơm từng bữa, nhiều khi còn phải nhịn đói phần cơm cho con".
Tưởng như sau tai nạn kinh hoàng ấy, anh không thể gượng dậy nổi, thế nhưng người xưa có câu "ở hiền thì gặp lành", khi ông trời thương cho anh phước lộc đổi đời. Có tiền, anh không thể quên thuở hàn vì những người đã hết lòng cưu mang mình lúc cùng cực nhất, nên trích một số tiền giúp cho người thân trang trải cuộc sống, sửa sang mái nhà. Riêng hàng xóm cũng được thơm lây, nhất là những người già neo đơn đều được anh tận tình giúp đỡ bằng vật chất. Vì theo anh, lộc trời thì không nên hưởng một mình mà cần cho mọi người ít nhiều cùng chung. Số tiền còn lại, anh cũng không dám tiêu pha hoang phí, đem gửi ngân hàng, mỗi tháng chỉ rút phần lãi lo cho gia đình.
Không giấu nổi tâm trạng của mình, người vợ gắn bó với anh từ thủa hàn vi thổ lộ: "Cùng nhau trải qua bao nhiêu khó khăn vất vả, nhiều khi tưởng không thể gượng dậy nổi nhưng hai vợ chồng thường động viên nhau cùng cố gắng. Ngày anh chạy về nói trúng số, mình còn không dám tin, nhưng khi thấy ảnh mang tiền về, hai vợ chồng mừng mừng tủi tủi ôm nhau khóc. Khóc vì những cơ cực những ngày qua, vì mình sắp được mở mặt với mọi người, vì tương lai của cả gia đình". Nhưng với chị vui nhất không phải là cầm trong tay số tiền quá lớn, mà vui nhất là chồng mình không như người khác mang "của thiên trả địa".
Khi nghe câu chuyện của anh Bôn, có một chi tiết cũng khiến người không khỏi nhạc nhiên vì anh mua vé số chỉ qua một giao kèo miệng từ chị Phạm Thị Lành (32 tuổi, quê ở xã Long Khánh A, H. Hồng Ngự, T.Đồng Tháp). Thế nhưng, khi đứng trước một khối tài sản quá lớn, người đàn bà bán vé số vẫn không nổi lòng tham mà trả toàn bộ số vé trúng thưởng cho anh. Câu chuyện tưởng như cổ tích ấy lại được anh cùng chị "Lành vé số" thật thà viết nên bằng cả niềm tin của những người nghèo khó với nhau.
Theo Minh Tuấn
Trúng số, "đốt tiền" trả thù quá khứ nghèo khổ Từ một anh thợ sửa chữa đồng hồ kiếm ăn theo ngày, phút chốc Hiền giàu lên nhanh chóng nhờ trúng số. Sẵn tiền trong tay, anh thợ sửa đồng hồ có một tuổi thơ nghèo khổ bỗng thay đổi tính nết đến mức những người thân không còn nhận ra. Vì quá ham vui, chạy theo những ảo giác "đại gia", chẳng...