“Giọt máu” đêm Mậu Thân
Trước giải phóng, vô khu Bảy Hiền, ngang đường Hồ Tấn Đức, hỏi thăm cô Mười Rốn hay còn gọi là Mười Thọ ai cũng biết. Cô Mười nổi tiếng không chỉ vì cô đẹp, giỏi nghề dệt, giỏi làm ăn – là chủ một cơ sở dệt ăn nên làm ra, mà còn vì một sự lạ.
Ai hỏi cha mấy đứa nhỏ đâu, người nhà cô Mười chỉ lắc đầu: Nó chửa hoang ở đâu hổng biết! …
Cái tết cuối cùng
Kể lại chuyện cũ tới đâu, anh Nguyễn Văn Phú (hiện ngụ tại phường 7, quận Gò Vấp, TP.HCM) thấy thương má mình tới đó. Những chuyện ngày xưa đó anh cũng chỉ được nghe má với mấy dì, mấy cậu kể lại thôi. “Hồi đó, má với người trong nhà chủ động tung tin ra ngoài là má chửa hoang để che mắt cảnh sát, mật vụ của chính quyền, chứ sự tình thế nào thì bà con hàng xóm đều biết. May mà mấy ngày về thăm nhà, cha mình đã kịp đến chào họ hàng bên ngoại” – anh Phú kể.
Ba má anh Phú: bà Nguyễn Thị Thọ và ông Nguyễn Văn Dự quen nhau từ năm 1964. Khi đó, ông Dự đã là quân giải phóng, công tác ở đơn vị F100 khu Sài Gòn – Gia Định. Gia đình bà Thọ là cơ sở của cách mạng, nằm ngay trong khu Bảy Hiền. Được sự mai mối của tổ chức, hai người nên duyên vợ chồng. Đám cưới đơn sơ diễn ra ngay tại chiến khu ở xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi. Đám cưới rồi, ông Dự đi biền biệt. Người vợ trẻ một mình ở nhà, vừa làm công nhân xưởng dệt, vừa gom góp tiền bạc, sắm sửa để thỉnh thoảng xuống Củ Chi thăm chồng. Số lần gặp gỡ của hai vợ chồng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Năm 1967, bà Thọ có mang và sinh hạ được đứa con trai đầu lòng đặt tên là Nguyễn Văn Phú.
Bà Nguyễn Thị Thọ và hai con trai lúc còn trẻ – Ảnh tư liệu gia đình
Tết năm Mậu Thân 1968, 26 tết âm lịch, ông Dự đột nhiên về thăm nhà. Sợ ảnh hưởng tới vợ, con và gia đình, ông không dám về thẳng nhà mà ngủ nhờ nhà người quen gần đó. “Tổng cộng ba về được bốn ngày: 26, 27, 28 và 29 tết. Cùng đi với ba tôi có mấy chú nữa, tên là chú Phương, chú Lợi, chú Hai Liễu. Trong mấy ngày đó, ông và anh em đồng đội lo vận chuyển vũ khí bí mật về ém trong nội thành. Má tôi kể là má đã gom tiền, mua hai chiếc Honda 67 cho ba đi chở vũ khí. Công việc bí mật và gấp rút lắm. Đến chiều 30 tết, ba tạm biệt lên đường”.
Người làm nhiệm vụ mang xe đến đón ông Út Dự và đưa đến điểm hẹn ngày hôm ấy là ông Nguyễn Hồng Giáo, nguyên là cán bộ Ban tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, phụ trách đội võ trang tuyên truyền trong chiến dịch Mậu Thân. Ông Giáo nhớ lại: “Hôm đó, anh Út Dự tới trễ hơn giờ hẹn một chút. Tôi gặp ảnh, chở ảnh xuống giao ngay tại chợ Đa Kao rồi trở về trong vòng hai tiếng đồng hồ. Vì nguyên tắc bí mật, trên đường đi hai anh em không trao đổi thêm điều gì. Tôi không biết cụ thể ảnh sẽ đi đâu, làm gì sau đó. Lúc đó, tôi chỉ biết anh là một chiến đấu viên của biệt động thành, đang chuẩn bị đánh vào trụ sở Bộ tư lệnh hải quân. Không ngờ, Út Dự hi sinh ngay tại Bộ tư lệnh hải quân vào rạng sáng mồng 2 tết. Ảnh hi sinh rồi nhưng có lẽ chính ảnh cũng không ngờ mình đã để lại một giọt máu ngay trong đêm Mậu Thân 1968″.
Chuyện về đứa con trai của người đồng đội, được tượng hình trước khi anh bước vào chiến dịch Mậu Thân, mãi đến sau này ông Giáo mới được biết. Đó là khi con trai của liệt sĩ Út Dự tìm đến gặp ông để lấy thêm thông tin cho bản báo cáo đề nghị truy tặng Huân chương Quân công giải phóng cho cha mình.
Hành trình tìm cha
Một tuần sau ngày chia tay ông Út Dự, bà Mười Thọ được tin chồng hi sinh. Một người cháu rể (là lính VN cộng hòa nhưng đang hoạt động nội tuyến cho quân giải phóng) cùng tham gia trận đánh đêm đó với ông, về báo tin: “Dượng đã hi sinh tại trận!”. Bà Mười Thọ chết lặng. Nỗi đau mất chồng chưa kịp nguôi ngoai thì chẳng bao lâu sau bà biết mình đã có thai. Nhìn đứa con lớn mới tròn 1 tuổi, thương đứa nhỏ còn chưa kịp chào đời, bà biết rằng một con đường rất dài và đầy chông gai đang chờ bà phía trước.
Video đang HOT
Ảnh chụp ông Nguyễn Văn Dự trong chiến khu gửi về cho vợ – Ảnh tư liệu gia đình
Người con trai năm nay tròn 45 tuổi, chưa một lần biết mặt cha mình ấy là anh Nguyễn Văn Hoàng, sinh năm 1968, em ruột anh Nguyễn Văn Phú. Hai anh em sinh năm một, lít nhít như trứng gà, trứng vịt, suốt những năm tuổi thơ chỉ biết lẽo đẽo theo mẹ. Thấy bà Thọ còn xuân sắc dù đã hai con, nhiều người muốn cùng bà gá nghĩa vợ chồng nhưng bà một mực không chịu. Thương hai con từ lúc lọt lòng đã thiếu vắng tình cha, bà từ chối tất cả, quyết định nuôi con một mình. Anh Phú nhớ lại: “Má tôi giỏi lắm, một tay bà quán xuyến trong ngoài, trông coi cơ sở dệt và chăm sóc anh em tôi. Ngày nhận bằng Tổ quốc ghi công của cha, chúng tôi mới được chính thức công nhận là con liệt sĩ”.
Ngày ấy, con liệt sĩ được vào học nội trú ở Trường Lý Tự Trọng. Quy định thời đó, chỉ những ai có cả cha lẫn mẹ là liệt sĩ, hoặc hoàn cảnh gia đình quá khó khăn thì tất cả những đứa con mới được vào học ở trường. Bà Thọ đăng ký cho cả Phú và Hoàng vào trường, nhưng chỉ có anh Phú được học lâu dài còn Hoàng học một năm.”Hồi đó cả nước còn nghèo, đời sống của thầy trò trong trường nội trú đều khó khăn. Biết tôi học trong trường nhiều thiếu thốn, mỗi lần tôi về nhà má lại nấu thêm chút đồ ngon cho tôi ăn. Những năm tháng ấy, anh em tôi lớn lên bằng tình thương của má và niềm tự hào về cha, dù chỉ biết mặt cha qua tấm hình nhỏ xíu cha chụp ở chiến khu gửi về tặng mẹ”- anh Phú kể.
Khi anh Hoàng và anh Phú đã lớn, gia đình đã qua giai đoạn khó khăn thì cả nhà bắt đầu hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Dự. Mấy mẹ con đi khắp các nghĩa trang trong thành phố, nghe ai chỉ ở đâu cũng tìm tới. Ban đầu, gia đình nghĩ liệt sĩ Dự hi sinh ở Bộ tổng tham mưu, mãi sau này khi gặp được ông Tư Chu, xem được danh sách những người hi sinh khi tham gia đánh vào Bộ tư lệnh hải quân trong trận Mậu Thân, mẹ con bà Thọ mới biết chính xác nơi chồng, cha hi sinh. Mở điện thoại cho chúng tôi xem bản danh sách mà mình đã cẩn thận chụp lại, anh Phú chỉ vào một ô trống: “Cha anh nè!”.Trên ô trống đó, vẻn vẹn một chữ “Dự”. Cũng trong bản danh sách đó, chúng tôi nhìn thấy thêm nhiều cái tên cụt ngủn khác: Tư Lai, Bảy Lốp, Quốc… Nhiều người nằm xuống chỉ để lại một bí danh.
Năm 2007, bà Thọ mất khi ước nguyện tìm được hài cốt ông vẫn chưa thành. Sau ngày giải phóng, gia đình đã làm một ngôi mộ gió cho ông ở quê hương Hòa Vang, Đà Nẵng. Bà mất rồi, hai anh em anh Phú quyết định đem di ảnh cha ra đặt cạnh di ảnh mẹ ở nghĩa trang TP.HCM, cho hai cụ được gần nhau
45 năm trôi qua, anh Phú, anh Hoàng giờ đã là những người làm ăn thành đạt, là chủ hai cơ sở bán hàng trang trí nội thất lớn ở quận Gò Vấp. Những ngày giáp tết, hai anh em đang chuẩn bị làm đám giỗ cho cha. “Hồi trước, má đâu biết cha mất vào rạng sáng mồng 2 tết nên bà chọn 28 tết – ngày cha về thăm nhà – để làm đám giỗ. Má nói đó là ngày sum họp hiếm hoi và vui vẻ nhất của hai vợ chồng. Mỗi năm làm giỗ ngày này vừa để nhớ về những ngày tháng khốc liệt của Tết Mậu Thân, vừa để nhớ về ngày sum họp đó”.
Theo 24h
Người 2 lần phải xa "giọt máu" của mình
Trong bóng chiều nhập nhoạng phủ kín trại giam, bóng Hiền rủ dài lê thê, não nề in mờ ảo góc tường. Đôi mắt trũng sâu, thâm quầng nói lên rằng đã mấy đêm nay Hiền không ngủ được. Nỗi nhớ con cuộn trào trong lòng chị.
Vì chỉ mấy ngày trước thôi, con trai của Hiền đã được gửi về cho gia đình chăm sóc. Dẫu biết đó là cách tốt nhất đối với tương lai của con; dẫu đã chuẩn bị tinh thần cho cái ngày xa cách này, nhưng thực tế diễn ra vẫn bóp nghẹt trái tim người mẹ thổn thức của chị. Hai mẹ con, cách trở sẽ là 15 năm, xa cách vô vàn là song sắt chắn ngang lối giữa một bên là tự do, một đằng là tù tội. Nghĩ tới đây, Hiền lại khóc.
1. Nguyễn Thị Hiền không xinh nhưng ở chị toát lên vẻ chân chất, thật thà, gương mặt hiền lành dễ gây thiện cảm đối với bất kỳ ai. Vậy mà, có ai ngờ con người khoác trên mình vẻ dịu dàng ấy dám đi buôn hàng trắng - thứ độc dược chết người mang lại giá trị siêu lợi nhuận khủng khiếp. Hiền tham. Chị thừa nhận. Nhưng, cũng chỉ bởi khát khao thoát khỏi cuộc sống nghèo hèn, thoát khỏi cơn ác mộng về những năm tháng tận cùng khổ cực. Cơm không có mà ăn. Chỉ có thể cầm hơi nhờ củ mài, củ sắn đào được trên rừng.
Nói về cuộc đời Hiền, chẳng ngờ cũng sóng gió, lao đao đến tội nghiệp. 18 tuổi, Hiền mang thai và sinh con. Có điều, cha đứa trẻ không thừa nhận giọt máu. Không chồng mà chửa - ấy là nỗi sỉ nhục lớn nhất đối với gia đình Hiền. Bố mẹ bắt Hiền phải lánh mặt ở nhà bà cô ruột mãi tận sát bìa rừng. Thi thoảng họ lên thăm mang theo những nhu yếu phẩm cần thiết cho một bà bầu sắp tới ngày trở dạ.
Theo như kế hoạch của bố mẹ Hiền, sau khi đứa trẻ chào đời, họ sẽ gửi nó cho một người bà con xa ở tận Huế. Hai vợ chồng họ hiếm muộn, mãi không có con nên rất thèm tiếng bi bô trẻ nhỏ. Hiền biết toàn bộ kế hoạch, cô khóc rưng rức, xin bố mẹ cho cô giữ lại đứa trẻ. Xin bố mẹ không chia lìa mẹ con Hiền.
Nhưng, chính những giọt nước mắt của mẹ, nỗi đau của bố cùng những lời khuyên can hết lời của anh chị, Hiền ngậm ngùi xác định trước ngày chia tay giọt máu của mình dù nó chưa thực sự chào đời.
Hiền vừa mong chờ ngày con chào đời, vừa sợ hãi thời khắc phải tạm biệt giọt máu của mình. Suy nghĩ ấy khiến Hiền lúc nào cũng buồn rượi. Không biết, có phải vì thế mà sau này, khi nhìn đứa con đỏ hỏn trên tay, nhìn đôi mắt của con, Hiền cũng thấy phảng phất nỗi buồn ấy. Bàn tay bé xíu, mềm mại đỏ hỏn áp vào má Hiền, những giọt nước mắt mặn chát đã kịp nóng hổi trên má người mẹ trẻ.
Hiền vừa mong chờ ngày con chào đời, vừa sợ hãi thời khắc phải tạm biệt giọt máu của mình (ảnh minh họa)
Bố mẹ Hiền bế đứa trẻ đi mất. Họ bảo rằng, đó là sự lựa chọn tốt nhất cho tương lai của Hiền và cho cả đứa trẻ. Bởi, Hiền còn quá trẻ. Hiền còn cả một tương lai phía trước. Ở mảnh đất xứ Mường này, chuyện không chồng mà chửa đã đủ động trời, lại thêm việc ôm đứa trẻ, thử hỏi tương lai của Hiền sẽ chảy về đâu? Có ai dám sống cả đời với một người đàn bà đèo bòng đứa trẻ không có bố?
Khi bóng bố mẹ Hiền và đứa trẻ mất hút vào chiều nhập nhoạng, Hiền bảo, chưa bao giờ cô cảm nhận trọn vẹn nỗi đau như thế. Có gì đó rất sâu, rất đau cứa vào ruột gan. Buốt nhói từng cơn không dứt. Ngay lúc ấy và cho tới sau này, cô luôn tự trách bản thân đã không giữ con lại. Cô nhận mình là người mẹ tồi. Người mẹ nhẫn tâm cho người ta khúc ruột, giọt máu của chính mình.
2. Hết ngày ở cữ, lánh mặt xóm giềng, Hiền trở về làng với bộ dạng xanh xao, mỏi mệt. Sự biến mất của Hiền vài tháng trời được hợp lý hoá bởi lý do làm ăn xa dưới Hà Nội. Ai cũng tin. Và trong mắt của người làng, Hiền vẫn là cô bé ngoan ngoãn, hiền lành, củ mỉ cù mì như chính cái tên của cô ấy vậy.
Một thời gian dài, Hiền không ngủ được. Hễ nhắm mắt là nghe thấy tiếng trẻ thơ ỉ ôi thấp thoáng bên tai. Sự ám ảnh quá lớn khiến Hiền gầy rộc hẳn đi. Cô cầu xin bố mẹ nói cho cô biết địa chỉ người bà con xa ở Huế nhận nuôi đứa trẻ. Nhưng, bố cô giận dữ khẳng định: "Đứa trẻ đã có cuộc sống tốt. Đừng đảo lộn mọi thứ. Hãy bắt đầu cuộc sống mới của chính mình".
6 năm không phải quá lâu, nhưng đủ để bố mẹ Hiền tin tưởng cô con gái đã nguôi ngoai với kí ức. Họ nghĩ Hiền đã thôi ý định tìm đứa trẻ sớm lìa mẹ từ khi mới lọt lòng, nhưng tận sâu trong đáy tim, Hiền tự thề với lòng: Phải tìm lại đứa con, hoặc chí ít cũng phải biết tình hình cuộc sống hiện tại của con như thế nào.
Với bản tính của bố và sự sợ hãi của mẹ, chắc chắn Hiền không thể có thông tin gì từ họ. Chỉ tới khi mắc cơn bệnh nặng, biết không thể qua khỏi, trước lúc từ giã cõi đời bố Hiền mới gọi cô tới bên và đặt vào tay cô mẩu giấy nhỏ. Nói rằng, chỉ cần tìm đến đúng địa chỉ này, sẽ nhìn thấy giọt máu của mình. Nhưng, hãy cân nhắc, liệu Hiền có đủ khả năng nuôi dạy con nên người, mang lại cho con một tương lai tốt đẹp, tươi sáng hay không. Nói rồi ông ra đi, nặng trĩu muộn phiền.
Hiền tìm theo đúng địa chỉ, nhìn thấy một đứa trẻ đang chơi đùa với quả bóng nhựa trong sân. Một cảm giác vừa xốn xang, vừa ngậm ngùi len lỏi trong từng tế bào. Bóng một người phụ nữ chạy tới lau những giọt mồ hôi đọng trên đầu, trên trán thằng bé và nựng nó những lời âu yếm.
Hiền đứng ngoài cổng nhìn vào, cứ thế khóc nấc từng hồi. Rõ ràng đứa trẻ đã có cuộc sống tốt đẹp. Nó được yêu thương, chăm sóc, quan tâm như chính con ruột của gia đình đó. Điều ấy an ủi phần nào nỗi ám ảnh tội lỗi trong trái tim người mẹ trẻ này.
28 tuổi, Hiền yêu. Đó là một người đàn ông đang đứng bên bờ vực của hôn nhân tan vỡ. Sự dùng dằng trong mối quan hệ chưa dứt điểm của anh ta và vợ cũ lôi Hiền vào trận chiến mệt mỏi. Người ta bảo Hiền là loại đàn bà hư hỏng, quyến rũ đàn ông, phá hoại gia đình người khác. Chỉ Hiền hiểu trái tim cô thực sự run rẩy trước người đàn ông đó.
Mẹ Hiền phản đối quyết liệt, nhưng Hiền sợ, thêm một lần nghe theo sự sắp đặt của gia đình, cô sẽ để vuột mất tình yêu lớn lao của đời mình giống như giọt máu năm xưa, Hiền như con thiêu thân lao vào trận chiến ái tình. Mù quáng và điên rồ, Hiền bỏ nhà theo không người đàn ông đó. Bỏ mặc người mẹ vò võ mong ngóng, xót xa cho cô con gái dại dột, ngu ngốc.
3. Đi theo người đàn ông này, không lâu sau Hiền cảm nhận được một nhựa sống cựa mình trong bụng cô. Hiền và người đàn ông tên Quang hạnh phúc lắm. Dường như, sau quá nhiều đau khổ, mất mát, cuối cùng hạnh phúc đã tìm tới cô. Nhưng, Hiền không thể ngờ, đây mới là bi kịch thực sự chờ đón người đàn bà nhẹ dạ này.
Anh ta không giấu giếm công việc đổi hàng trắng vô lương của mình. Nhưng bằng lý lẽ dẻo quẹo của một gã đàn ông, anh ta nói rằng muốn lo cho cuộc sống của hai mẹ con Hiền thật tươm tất. Hiền tin và ngoan ngoãn nghe theo mọi sự sắp đặt của gã chồng hờ.
Trong một phi vụ làm ăn, lợi dụng Hiền bụng mang dạ chửa, Quang nhờ Hiền "đi" cho một mối. Hiền đồng ý, không hề hay biết mọi đường đi nước bước, kế hoạch, toan tính của vợ chồng Hiền đều không qua nổi mắt lực lượng điều tra. Khi bị bắt với chiếc làn chứa heroin trên tay, Hiền đã biết tương lai của mình chấm hết.
Hiền sinh con trong tù. Bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn dồn dập bủa vây cuộc sống hai mẹ con. Cũng may được cán bộ quản giáo thương, chị em cùng phòng chia sẻ, khi dành cho tấm vải nhỏ, chiếc áo cũ bạc màu làm tã cho con. Lúc này, hơn ai hết, Hiền mới thấm thía nỗi đau, nỗi ân hận cho sai lầm của mình.
Ròng rã hơn 3 năm nuôi con trong tù, Hiền luôn tự trách bản thân là người mẹ tồi tệ nhất thế giới. Đứa con đầu thì cho người ta. Đứa con thứ hai thì nuôi nó trong bần hàn, thiếu thốn nơi tù tội. Các cán bộ quản giáo và chị em phạm nhân cùng phòng khuyên Hiền nên gửi đứa trẻ về ở với bà ngoại. Bởi nó cũng gần 4 tuổi, cũng phải đi học, đến trường như chúng bạn.
Trong này khó khăn đã đành, nhưng không nên vì thương con mà giam cầm tuổi thơ của nó sau song sắt giống như mẹ nó. Hiền ngậm ngùi chia tay con. Lúc bà ngoại ôm con đi, Hiền khóc ngất. Mấy ngày trời Hiền bỏ bê cơm nước, cả đêm chong chong không ngủ nổi vì nhớ thương con. Ví như đêm nay, thêm một canh dài người mẹ này thao thức mơ về hình hài, vóc dáng, giọng nói bi bô thơ trẻ của con. Cái giá phải trả cho sự sinh ly này sao mà đắng đót quá?
Theo 24h
Sau 25 năm, chị gái bỗng dưng thành mẹ đẻ Người đàn ông lạ đưa kết quả xét nghiệm ADN, nói là cha tôi và khẳng định "Huyền không phải chị gái, mà chính là mẹ ruột của tôi. Cuộc đời tôi như một kịch bản phim ngớ ngẩn và vô lý do đạo diễn thất thế nghĩ ra nhằm câu khách thiên hạ. Khi sự thật được tiết lộ, tôi chết lặng...