Giống dừa “độc” mỗi quả hàng trăm nghìn đồng
Ở vùng Hòa Tân (Cầu Kè) nông dân trồng giống dừa sáp rất đặc biệt với giá bán mỗi trái gấp khoảng 20 lần so với giống dừa thường. Giống đặc sản độc nhất này mang lại cuộc sống rất no ấm cho nhiều hộ dân là đồng bào Khmer ở địa phương.
Gia đình ông Thạch Em, ngụ ấp Chông Nô 2 (Hòa Tân, Cầu Kè) trước đây chỉ có 5 công (1 công 1.000 m2) ruộng trồng lúa, đời sống khá khó khăn. Gia đình ông cũng có khu vườn nhỏ trồng loại dừa thường bán trái và 1 cây dừa sáp để dành cho con cháu ăn vì bán không ai mua.
Ông Thạch Em cho biết: “Theo những cụ cao niên trong xóm cho biết giống dừa này do 1 vị sư người Khmer du học bên Campuchia mang về ngôi chùa ở địa phương trồng vào năm 1924.
Sau đó thấy ăn ngon và lạ nên nhiều người dân địa phương xin giống về vườn nhà trồng. Tuy nhiên giống dừa này giá lại rẻ hơn giống dừa thường vì chưa có cách lấy dầu chỉ ăn chơi nên thương lái gặp dừa sáp là trả lại nên mỗi nhà chỉ chừa 1 vài cây cho con cháu trong nhà ăn”. Vì vậy, suốt một thời gian dài giống dừa này gần như chỉ quanh quẫn trong Phum, Sóc của bà con đồng bào dân tộc Khmer.
Trái dừa sáp đặc biệt ở vì đặc ruột và rất thơm ngon so với giống dừa thường
Theo thống kê của UBND xã Hòa Tân, trước năm 2006 diện tích dừa sáp của xã chưa tới 10 ha. Tuy nhiên, từ năm 2006 tới nay nhờ có dự án hỗ trợ phát triển cây dừa sáp mà từ đó trái dừa sáp được bán rộng rãi ra ngoài, trở thành đặc sản ở địa phương có thời điểm giá mỗi trái dừa sáp lên đến 150 ngàn đồng, trong khi đó giá dừa khô bình thường mỗi chục (1 chục 12 trái -PV) giá chỉ 60 ngàn đồng. Hiện tại toàn xã có trên 110 ha với khoảng 25.000 cây dừa sáp.
Trái dừa sáp giống hệt dừa bình thương nhưng giá cao hơn gấp hàng chục lần
Video đang HOT
Dừa sáp giờ đã trở thành đặc sản, bán rộng rãi khắp các thành thị nên đời sống của người dân trồng dừa sáp ngày càng khấm khá. Ông Thạch Hiền, Phó Chủ nhiệm HTX dừa sáp Hòa Tân cho biết: “Đa số bà con trồng dừa sáp có kinh tế khấm khá, gia đình nào ít đất trồng hơn chục cây cũng đủ ăn còn nhiều đất thì làm giàu nhờ dừa sáp vì thu nhập rất cao, mỗi cây có thể cho thu nhập trên 1 triệu đồng/năm, gấp 5 đến 6 lần so với trồng lúa hay trồng dừa thường”.
Trồng khoảng 3 năm cây dừa sáp bắt đầu cho trái
Hiện tại HTX dừa sáp Hòa Tân có 19 xã viên với diện tích khoảng19 ha, mỗi ha trồng được 200 cây dừa sáp cho thu nhập khá cao. Gia đình ông Thạch Em có 5 công đất trồng dừa sáp xen với chanh không hạt, trung bình mỗi tháng thu hoạch khoảng 60 trái dừa sáp và 150kg chanh không hạt cho thu nhập ổn định gần 10 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí chăm sóc, phân bón. Ông Thạch Em cho biết: “Nhờ có giống dừa đặc biệt này mà đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương mấy năm nay kinh tế rất khấm khá. Giá dừa sáp luôn ở mức ổn định và ở mức cao nên thu nhập từ dừa sáp cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác”.
Chăm sóc tốt giống dừa sáp vẫn cho trái nhiều như giống dừa bình thường
Hiện tại HTX dừa sáp Hòa Tân làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm dừa sáp do các xã viên trồng và sản phẩm dừa đặc biệt này có mặt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác với giá rất cao. Ông Thạch Phu My, Chủ nhiệm HTX dừa sáp Hòa Tân cho biết: “Hiện tại giống dừa sáp ở địa phương tỷ lệ cho trái sáp khoảng 25 đến 30%. HTX đang được Viện nghiên cứu dầu và cây có dầu (Bến Tre), Sở Khoa học công nghệ tỉnh hỗ trợ đầu tư khôi phục 6 ha giống dừa sáp ở địa phương với kỹ thuật mới cho thụ phấn nhân tạo, nếu hiệu quả sẽ hỗ trợ thêm 50 ha nữa. Ngoài ra, nhiều bà con xã viên còn mua giống dừa sáp mới như sáp ngọt, sáp thơm… dự kiến trong thời sẽ có nhiều sản phẩm dừa sáp trên thị trường”.
Nhân giống dừa sáp quý hiếm ở địa phương
Theo ông My, giống dừa sáp chỉ trồng ở khu vực xã Hòa Tân sẽ cho tỷ lệ sáp cao, ngon hơn nhiều so với các địa phương khác. Bởi vì, ngoài vấn đề thổ nhưỡng, khí hậu thì giống dừa sáp chỉ trồng chuyên biệt, nếu trồng với những giống dừa khác tỷ lệ sáp càng xuống thấp do có thể thụ phấn chéo. Giống dừa này vì vậy càng trở nên đặc biệt hơn và là sản phẩm hầu như độc quyền của đồng bào dân tộc Khmer nơi đây.
Minh Giang
Theo dantri
Giải mã bí ẩn quan tài độc nhất vô nhị của người Việt cổ
Những chiếc mộ chum bí ẩn của nền văn hóa Sa Huỳnh đến nay vẫn mang trong mình rất nhiều điều kì lạ từ thời cổ xưa...
Nằm trong tam giác văn hóa của Việt Nam, văn hóa Sa Huỳnh được người Pháp phát hiện lần đầu tiên năm 1909. Tại khu nghĩa địa ven biển xã Sa Huỳnh thuộc huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi nơi có dày đặc các quan tài bằng chum gốm, được chôn cạnh nhau trên cồn cát, một bên là biển và một bên là đầm nước ngọt. Qua hơn 100 năm các di tích khảo cổ vẫn tiếp tục được tìm thấy có niên đại cách ngày nay 2.500 năm đến 3.000 năm.
Chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh bao gồm tộc người từ Nam Đảo ở biển và ven biển thuộc ngữ hệ Malayo - Polynesien và từ Nam Á ở đồi núi và rừng thuộc ngữ hệ Môn- Khmer. Văn hoá Sa Huỳnh với những bí ẩn của nền văn hoá này, đặc biệt là mộ chum đã được rất nhiều các nhà khoa học, khảo cổ học trong và ngoài nước nghiên cứu nhưng đến nay vẫn còn những dấu hỏi lớn.
Mộ chum của văn hoá Sa Huỳnh
Theo những nhà khảo cổ, trong mộ chum bao giờ cũng kèm theo đồ tuỳ táng gồm đồ gốm, công cụ đá, công cụ sắt, đồng và đồ trang sức.... Những đồ tuỳ táng được tìm thấy trong mộ chum thể hiện một tín ngưỡng riêng của cư dân Sa Huỳnh cũng như của cư dân vùng biển ở nhiều khu vực trên thế giới.
Mộ chum được chôn thành cụm, thường ở cồn cao ven biển, ven sông với nhiều hình thức mai táng: Cải táng, hoả táng, hung táng trẻ em và mộ tượng trưng. Mộ chum Sa Huỳnh đa dạng về kích thước và kiểu dáng như chum hình trụ, chum hình trứng, chum trung gian giữa hình trụ và hình trứng, chum hình cầu, chum lồng nhau...
Chum thường có nắp hình nón cụt đáy bằng, loại gần hình chóp nón đáy gần nhọn, loại hình cầu đáy lòng chảo... Kích thước chum khá đa dạng, chum lớn nhất có chiều cao tới 1,8m, đường kính 1m, đa phần cao dưới 1m, đường kính 50 - 60cm.
Một phần của mộ chum được khai quật
Bí ẩn của mộ chum khiến những nhà khảo cổ đau đầu khi họ gần như không định dạng được cách mai táng duy nhất của người Sa Huỳnh. Họ có cả nguyên táng, tức là chôn người chết nguyên vẹn, có cả hỏa táng, tức là thiêu người chết rồi đưa tro hài vào chum, có cả cải táng.
Đặc biệt hình thức táng chung cho một số người mà hiện nay chưa xác định được những người được táng chung là vợ chồng, cha con và mẹ con, có thể nhận thấy điều ấy qua tuổi của các xương và tro hài khác nhau.
Qua những đồ tùy táng và cách thức mai táng, người Sa Huỳnh rõ ràng có một tổ chức xã hội quy củ và có một tập tục đã xác định có tính truyền thống với tín ngưỡng hướng về thế giới bên kia.
Có thể thấy, cùng với văn hoá Đông Sơn, văn hoá Sa Huỳnh với những chiếc mộ chum bí ẩn là một trung tâm văn minh rực rỡ thời kỳ đầu dựng nước. Sự giao thoa, hoà trộn các yếu tố văn hoá vừa da dạng vừa thống nhất đã tạo nên sự độc đáo của văn hoá Sa Huỳnh thu hút sự quan tâm của không chỉ Việt Nam mà còn có các nhà nghiên cứu trên thế giới.
Xuân Ngọc
Theo Dantri
Ùn ùn đi xem đất bỗng dưng nổi giữa mặt ruộng Mấy ngày qua, hàng ngàn người dân ở nhiều nơi đã ùn ùn đổ về ấp Phú Giao, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) để xem một vùng đất bỗng dưng trồi lên giữa mặt ruộng. San bằng chỗ này, đất lại nổi chỗ khác Theo người dân địa phương cho biết, vào khoảng 15h ngày 19/4, một số người...