Giọng ca Thái Thanh: Còn mãi trong tâm hồn người yêu nhạc
Danh ca Thái Thanh vừa lìa xa cõi thế, “biệt ly” những trái tim yêu âm nhạc. Nhưng giọng hát thiên phú ấy vẫn còn đầy sức mê hoặc, ghi dấu ấn sâu đậm trong nhịp sống đương đại. Giọng ca của bà là một minh chứng rằng, những gì đẹp đẽ nhất có thể vươn tới bất tử.
Giọng ca thiên phú
Thái Thanh là một danh ca lừng lẫy. Bà không chỉ có vị trí vững chãi trong tiến trình âm nhạc của một thời kỳ, mà còn dư vang đối với nhiều thế hệ yêu nhạc.
Khi thế hệ 8X, 9X lớn lên, băng đĩa đã không còn khan hiếm như xưa, phòng trà đã rộng mở, Internet đã phát triển. Những trào lưu giải trí mang hơi thở công nghệ hiện đại đã gây ảnh hưởng tới số đông người yêu nghệ thuật. Thói quen thưởng thức văn hóa cũng thay đổi theo. Không ít những khán thính giả của thế hệ trước bày tỏ rằng, khó có thể hiểu được người trẻ ngày nay đang nghe nhạc gì. Thế nhưng ở một bình diện khác, âm nhạc của Thái Thanh vẫn tạo được sự thu hút sâu rộng:
“Tôi biết Thái Thanh khi nghe Dòng Sông Xanh qua một trang nhạc. Gia đình tôi không ai là khán giả yêu nhạc của bà, thế nhưng tôi lại trót mê giọng ca ấy. Sau này tôi nhận ra muốn nghe Thái Thanh hát phải vào những phòng trà. Nhưng phải là khi phòng trà vắng người, chỉ có không gian yên tĩnh, chứ không phải phòng trà của đêm nhạc. Âm thanh rung lên nhè nhẹ, mới thấy hết được vẻ đẹp sâu lắng của Thái Thanh. Một chất giọng đặc biệt đậm chất dân ca trong ấy” – Lại Đăng Trung, sinh năm 1992 (Hà Nội) tâm sự.
Chúng tôi gặp Trung đúng vào buổi chiều biết tin Thái Thanh giã biệt cõi tạm. Trung say sưa nói về nhạc Phạm Duy, đôi khi cực đoan cho rằng Thái Thanh hát dòng nhạc tình của Phạm Duy hay hơn những thể loại khác bà đã thử nghiệm.
Đăng Trung làm nghề kiểm toán xây dựng. Thoạt nhìn con người và nghề nghiệp, không có chút liên quan nào đến âm nhạc và thi ca. Nhưng Trung cho biết, chính dòng nhạc và các danh ca của một thời đã chinh phục trái tim yêu nhạc của anh.
Nghe Trung, một người trẻ bày tỏ suy nghĩ về giọng ca Thái Thanh sẽ thấy lớp khán giả đương đại không hề thờ ơ với với các thế hệ tiền bối: “Cái tâm và linh hồn của người ca sĩ qua cách hát đã cho cảm thụ thấy ngay một sự đầu tư kỹ lưỡng, tôn trọng khán giả. Cách giao tiếp của Thái Thanh có cốt cách của người Hà Nội xưa. Tâm trạng buồn đến đâu cũng không cố biểu lộ.
Nhưng nhạc của Thái Thanh hát ngày càng kén người nghe…”. Danh ca Thái Thanh là em ruột của nhạc sĩ Phạm Đình Chương và là em vợ của nhạc sĩ Phạm Duy. Có lẽ bà đã được trao định mệnh để mở ra một tiến trình mới, đóng vai trò như chiếc bản lề tiếp nối hai giai đoạn phát triển của âm nhạc Việt Nam. Những đóng góp của Thái Thanh đã khơi nguồn để những ca sĩ, nhạc sĩ thế hệ sau tiệm cận gần hơn với công chúng.
Thái Thanh – niềm cảm hứng mãnh liệt
Sự thực là âm nhạc của thời kì những danh ca như Lệ Thu, Thái Thanh hay Ngọc Lan không còn tiêu biểu cho tâm trạng của thời nay. Điều đó không quá kì lạ. Song những tên tuổi lớn, mỗi khi giọng ca vang lên, những giai điệu giai âm của tâm hồn vẫn băng qua vũng lầy thời gian, để tỏa sáng ở mọi thời.
Video đang HOT
Dù thừa nhận mình không phải là fan ruột của Thái Thanh nhưng Vũ Tiến Sỹ – một kỹ sư xây dựng thuộc thế hệ 9X vẫn chia sẻ: “Tôi vốn thích cô Ý Lan. Khi biết đến giọng ca Thái Thanh thì tôi cũng biết rất nhiều về các giọng ca của dòng nhạc xưa với các tên tuổi như Giao Linh, Chế Linh. Tôi cảm giác về việc mình không quá ấn tượng với danh ca Thái Thanh chính là do khoảng cách thế hệ giữa chúng tôi quá lớn. Nhưng tôi luôn yêu thích tiếng hát Thái Thanh ở chất bình dị. Không một ai có thể hát một cách tự nhiên, bình dị như Thái Thanh, có lẽ bởi chất dân ca đã có sẵn trong chất giọng của bà?”.
Giọng ca trẻ giàu tiềm năng Kelvin Chính gần đây không còn là một cái tên xa lạ với những người yêu mến dòng nhạc trữ tình Bolero tại Việt Nam. Kelvin Chính đã gặt hái thành công từ chương trình Thần tượng Bolero.
Kelvin Chính chia sẻ: “Là ca sĩ trẻ theo đuổi dòng nhạc trữ tình Bolero, chắc chắn giống như bao ca sĩ trẻ khác Kelvin Chính cũng ảnh hưởng ít hoặc nhiều bởi các danh ca thế hệ đi trước như Lệ Thu, Giao Linh, Thái Thanh. Đối với các ca sĩ hát dòng nhạc Bolero nói chung và bản thân Kelvin nói riêng thì các danh ca thế hệ gạo cội là những kho tàng sống, những nhân chứng lịch sử trong sự phát triển của dòng nhạc Bolero, những thư viện vô tận hay dùng một từ hoa mỹ hơn để gọi các danh ca là một quốc bảo vô giá. Bản thân Kelvin Chính cũng ảnh hưởng rất nhiều từ các danh ca.
Chúng tôi tìm thấy cái tâm, cái hồn trong những nhạc phẩm là do nghe nhiều lần các nhạc phẩm mà các thần tượng như Thái Thanh đã hát. Chúng tôi khi cần nhập tâm cũng có lúc phải bắt chước phần nào phong cách biểu diễn của các bậc tiền bối để diễn tả phù hợp và làm nổi bật nhạc phẩm mình cần thể hiện… Từ sự kế thừa đó, chúng tôi chọn lọc cho bản thân những điều hay của các danh ca kết hợp với phong cách của bản thân để tạo sự khác biệt cho con đường âm nhạc của mình”.
Kelvin Chính rất bàng hoàng xúc động về sự ra đi của ca sĩ Thái Thanh. Anh cho rằng, sự việc này đã để lại cho công chúng cũng như những người hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam một sự mất mát rất lớn.
Sự tiếp nhận tiếng hát Thái Thanh đối với người trẻ hôm nay là một công bằng của lịch sử. Công bằng cho danh ca Thái Thanh và công bằng cho những người yêu âm nhạc chân chính. Người phụ nữ sở hữu giọng hát đỉnh cao của một thời sẽ vẫn lôi cuốn được những tâm hồn đồng điệu và được yêu mến trước những biến động của thời gian. Thế hệ yêu nhạc mới có thể tìm được nhiều thần tượng khác của mình song giọng ca Thái Thanh vẫn là một tấm gương tận hiến cho nghệ thuật mà giới trẻ có thể học tập, để noi gương và soi chiếu, làm nghề trong thực trạng “thừa lượng thiếu chất”, vàng thau lẫn lộn của thị trường âm nhạc.
Quỳnh Chi
Thái Thanh - một giọng hát diễm tuyệt
Trong nền tân nhạc, bà đứng ở vị trí của giọng ca số một với những diễm tuyệt, lộng lẫy, không ai có thể thay thế. Tiếng hát của bà được ví như pho sử sống, ngân giữa trời xanh.
Sáng 18/3, giờ Việt Nam, tin Thái Thanh qua đời được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội. Những dòng cảm tưởng, những sự tri ân từ giới âm nhạc mỗi lúc một nhiều.
Nhưng có lẽ chung nhất là cảm giác tiếc nuối cho sự ra đi của giọng ca được mệnh danh là "số một" của nền tân nhạc, dù vẫn biết rằng sức khỏe của bà đã yếu suốt nhiều năm nay và cũng hơn chừng ấy năm, tiếng hát Thái Thanh chỉ còn trong băng đĩa.
Thái Thanh được mệnh danh là đệ nhất danh ca của nền tân nhạc.
Ngọn hải đăng
Thái Thanh, trong sự nghiệp âm nhạc, đã nhận về không thể kể hết những mỹ miều ca tụng từ khán giả và cả những định danh, công nhận, tôn vinh của người trong nghề.
Khánh Ly gọi bà là "ngọn hải đăng" của đời mình, còn Lệ Thu - "giọng ca vàng mười" của tân nhạc - quả quyết: "Chúng tôi không là giọng ca vượt thời gian được, nếu nói vượt thời gian chỉ duy nhất dành cho danh ca Thái Thanh mà thôi".
Thái Thanh, Khánh Ly và Lệ Thu - cả ba đều nổi tiếng, đều là những giọng ca lẫy lừng bậc nhất của tân nhạc, với những sắc vị riêng, những thanh âm riêng. Nhưng như chính sự công nhận của hai danh ca còn lại: Nếu phải xếp ở vị trí số một, chỉ có Thái Thanh là xứng đáng.
Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật tại Hà Nội, Thái Thanh hát từ năm 14 tuổi. Giọng hát ấy trải qua nhiều giai đoạn khác nhau của lịch sử. Bà đặc biệt nổi tiếng từ những năm 1950 và trở thành một trong những giọng ca tầm cỡ nhất suốt nhiều năm sau đó, được đông đảo giai tầng mến mộ.
Bà xuất hiện trên khắp các chương trình ca nhạc, truyền hình, phát thanh, đồng thời cũng có những băng đĩa được yêu thích bậc nhất.
Tiếng hát Thái Thanh gắn bó đặc biệt với nhạc của Phạm Duy, cũng là anh rể của bà. Bà được coi là người hát nhạc Phạm Duy hay nhất, với đầy đủ những tình tự của quê hương, tình yêu, số phận, kiếp người.
Phạm Duy gọi bà là "một giọng hát diễm tuyệt" với tất cả hạnh phúc và khổ đau, trong chiến tranh và hòa bình, trong vinh quang và khổ nhục, trong hy vọng và tuyệt vọng.
Thái Thanh đặc biệt thành công với âm nhạc của Phạm Duy.
Tiếng hát của Thái Thanh như chính câu hát của Phạm Duy mà bà đã nhiều lần cất lên: "Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi". Tiếng hát có mọi dư vị của đời người, có đủ hỷ nộ ái ố. Tiếng hát mà khi trầm khi bổng, khi cao khi thấp, khi buông khi nắm, khi rắn khi mềm đều có hấp lực đối với người nghe.
Nhà phê bình Thụy Khuê từng nhận định: "Thái Thanh là một danh hiệu, nhưng như có ý nghĩa tiền định: bầu trời xanh tiếng hát. Hay tiếng hát xanh thắm màu trời. Tiếng hát long lanh đáy nước trong thơ Nguyễn Du, lơ lửng trời xanh ngắt trong vòm thu Yên ổ, tiếng hát sâu chót vót dưới đáy Tràng Giang".
Tiếng hát, suy cho cùng, rất khó để lặp lại, rất khó để có lần thứ hai.
Có một không hai
Tân nhạc không hiếm những giọng hát "trời cho ai nấy hưởng" nhưng đạt đến độ diễm tuyệt như Thái Thanh thì không nhiều.
Nhiều ý kiến cho rằng Thái Thanh hát không theo bất cứ một quy chuẩn thanh nhạc nào vì bà đã vượt qua cả những khuôn mẫu thông thường. Tiếng hát Thái Thanh là sự kết hợp của Đông Tây kim cổ, của những tinh tế, dân dã phương Đông, với những lộng lẫy, hào sảng phương Tây.
Sở hữu giọng soprano (nữ cao), ở những nốt cao, giọng Thái Thanh mảnh và nhỏ như sợi chỉ nhưng trải dài, không đứt. Bà có cách phát âm, nhả chữ riêng biệt và đẹp đến mê hồn khiến người nghe có cảm giác như mỗi âm mà nữ danh ca phát ra là sản phẩm của một quá trình chuyển động của toàn bộ khoang miệng.
Đặc biệt, trong giọng hát của Thái Thanh có thể nhận ra những âm sắc rất Việt, được chắc lọc từ quan họ, chèo, ca trù và cả một số thể loại âm nhạc dân gian khác. Thái Thanh có cái e hiếm có của chèo, đôi khi có những đổ hột của ca trù và đặc biệt cũng thấp thoáng kỹ thuật "vàng, rền, nền, nảy" đặc trưng của quan họ miền Kinh Bắc.
Một tiếng hát qua băng đĩa đã chinh phục lòng người nhưng hát với dàn nhạc giao hưởng đậm chất Tây Phương cũng vẫn tỏa sáng theo cách riêng, huy hoàng theo cách riêng.
Thái Thanh đóng đinh tên mình với nhiều ca khúc như Tình ca, Dòng sông xanh, Nửa hồn thương đau, Nghìn trùng xa cách, Tình hoài hương, Ngày xưa Hoàng Thị, Con đường cái quan, Kiếp nào có yêu nhau...
Từ những tác phẩm trường ca lớp lang nhất đến nhất đến những khúc nhạc tình day dứt như Kiếp nào có yêu nhau, từ những Tuổi 13 tưng tửng, hồn nhiên đến những tiếng ru ngọt ngào, đau đáu... đều không thể làm khó được bà.
Trên mạng vẫn còn clip Thái Thanh hát Tuổi 13 khi tóc đã bạc trắng mà nụ cười và giọng hát vẫn là tiêu điểm của người nghe, vẫn trẻ trung một cách kỳ lạ.
Thái Thanh ra đi nhưng tiếng hát của bà như đóa hoa còn ở lại. Một tiếng hát của hạnh phúc và của cả những giận hờn khôn nguôi.
Một tiếng hát vừa có những nhung nhớ của mảnh tình xa xôi vừa có những chân phương, gây gũi như tình hiện tại.
Một tiếng hát của quá khứ và của cả những mộng đẹp ngày mai.
Một tiếng hát "lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta", sống mãi và còn mãi.
Theo Zing.vn
Chị em Bảo Anh - Bảo Trân tiếp tục ra MV sau ồn sau tình ái với Nam Em và Quốc Bảo Lọt vào top 50 ca khúc được nghe nhiều trên một trang âm nhạc trực tuyến, thu hút hơn 1,7 triệu lượt nghe, ca khúc Vì yêu của Bảo Anh - Bảo Trân hứa hẹn sẽ trình làng khán giả trong phiên bản MV trong thời gian tới. Sau hơn 2 tuần "xông đất" làng nhạc Việt với ca khúc Vì yêu và...