Giới trẻ Trung Quốc tiết kiệm chi tiêu, ăn uống như người nghèo
Trước viễn cảnh kinh tế và việc làm ảm đạm, giới trẻ Trung Quốc đang dần phải thay đổi cách chi tiêu để thích nghi với cuộc sống hiện tại.
Một quầy hàng thực phẩm ở Trùng Khánh, Trung Quốc ngày 2/5/2024. Ảnh: Bloomberg
“Tôi ăn no bụng với bữa sáng từ quầy tự chọn giá 3 tệ (hơn 10.000 đồng), sau đó dùng suất ăn trưa giá 19,9 tệ (khoảng 70.000 đồng) ở KFC, một ly cà phê 9,9 tệ (gần 35.000 đồng) để tỉnh táo vào buổi chiều và một suất mì 10 tệ (hơn 35.000 đồng) tại 7-Eleven cho bữa tối”, một thanh niên Trung Quốc nói về chi tiêu cho ăn uống trong một ngày của mình.
Trong hai năm qua, “suất ăn của người nghèo” là xu hướng ngày càng được giới trẻ Trung Quốc ưa chuộng, bắt nguồn từ khi hãng thức ăn nhanh McDonald’s đưa ra những suất ăn siêu rẻ và được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
Sau đó, các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh khác của phương Tây cũng nhanh chóng tham gia xu hướng mới này, tung ra một số suất ăn khuyến mãi để thu hút thực khách.
Bắt kịp xu hướng, nhiều chuỗi của hàng thức ăn nội địa của Trung Quốc cũng tham gia vào cuộc đua bán các “suất ăn cho người nghèo” hấp dẫn. Điển hình nhất phải kể đến thương hiệu đồ ăn nhanh Nam Thành Hương ở Bắc Kinh, nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội với các món ăn phải có đối với người nghèo từ các nơi khác đến Bắc Kinh làm việc.
Theo một thông tin trên canyin168.com, kể từ khi đưa ra phiên bản “suất ăn cho người nghèo”, các chi nhánh của Nam Thành Hương đã có doanh số bán hàng hàng ngày trong giờ ăn sáng tăng đột biến, từ 4.000 tệ (14 triệu đồng) lên hơn 10.000 tệ (35 triệu đồng).
Video đang HOT
Một ví dụ khác, kể từ khi thương hiệu đồ uống nội địa Luckin Coffee tung ra “phiếu cà phê 9,9 tệ”, doanh số bán đồ uống của hãng cũng tăng vọt từ 700 cốc lên 1.300 cốc.
Theo một báo cáo phân tích, trong bối cảnh kinh tế suy thoái cùng với tiêu dùng giảm sút, tầng lớp trung lưu Trung Quốc đang gặp khó khăn. Hiện tại, họ ưu tiên cho việc chi ít tiền hơn nhưng vẫn đảm bảo được hưởng những sản phẩm chất lượng tốt nhất có thể.
Trên càng nền tảng mạng xã hội, các bài đăng về “suất ăn cho người nghèo” thu hút sự quan tâm của đông đảo mọi người. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều bài đăng hướng dẫn, chia sẻ và thảo luận về cách tích các phiếu giảm giá, mua sắm tiết kiệm và làm sao để nhận được giá trị tốt nhất với số tiền bản thân bỏ ra.
Lĩnh vực ăn uống là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất ở Trung Quốc. Dữ liệu từ Cục thống kê quốc gia cho thấy doanh thu dịch vụ ăn uống của Trung Quốc đạt 1,3445 nghìn tỷ nhân dân tệ trong quý 1 năm 2024, tăng 10,8% hàng năm. Nhưng điều này đã chậm lại đáng kể so với mức tăng 20,4% vào năm ngoái.
Mặt khác, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, nhiều người quyết định đầu tư vào ngành dịch vụ ăn uống vì có ngưỡng đầu vào thấp hơn. Thống kê từ qcc.com cho thấy, có 731.000 lượt đăng ký mới của các doanh nghiệp liên quan đến dịch vụ ăn uống trên toàn quốc trong quý đầu tiên năm nay. Tuy nhiên, 459.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã ngừng hoạt động trong cùng kỳ, cao hơn nhiều so với con số 140.000 của năm ngoái.
Việc đào thảo và cải tổ trong ngành cung cấp dịch vụ ăn uống phản ánh những thay đổi phức tạp trong nhu cầu của người tiêu dùng nước này. Báo cáo về ngành hàng tiêu dùng nhanh Trung Quốc năm 2024 của NielsenIQ cho thấy, 43% số người được hỏi sẽ kiểm soát chặt chẽ tổng số tiền họ chi tiêu, trong khi 37% sẽ thay đổi thói quen tiêu dùng và tìm kiếm mức giá tốt nhất hoặc giá thấp hơn cho các sản phẩm.
Theo nghiên cứu của RET.cn, thanh niên trong độ tuổi từ 25 – 35 đang giảm mức tiêu dùng nghiêm trọng nhất trong ba năm qua, trong đó họ giảm chi tiêu nhiều nhất cho hàng xa xỉ cũng như thư giãn và giải trí.
Một số người cung cấp thực phẩm đã chỉ ra rằng không phải giới trẻ ngày nay “nghèo” đến mức họ chỉ có thể mua được “suất ăn cho người nghèo”, mà họ tin rằng suất ăn đó mang lại giá trị cao nhất cho số tiền mà mình đã bỏ ra.
Giới trẻ Hàn Quốc ngừng tiêu pha xa xỉ vì lạm phát
Người trẻ Hàn Quốc dần từ bỏ hết những thói quen tiêu dùng vốn có và tập trung đến việc tìm kiếm công việc phụ vì chi phí sinh hoạt cao khiến áp lực kinh tế của họ càng tăng cao.
Một cửa hàng thương hiệu thời trang cao cấp tại trung tâm thương mại ở Seoul. Ảnh: Korea Times
Trước đây, Chung Ah-reum thường thích mua sắm các món đồ như túi xách, giày dép từ các thương hiệu thời trang xa xỉ. Nhưng hiện nay, khi đã ngoài 30, nữ nhân viên văn phòng này đã ngừng việc đó lại.
Sống một mình ở quận Gangnam, Seoul, Chung cũng không còn đam mê omakase, một món ăn sang trọng đắt tiền do đầu bếp chế biến theo phong cách Nhật Bản mà trước đây cô thường thưởng thức.
Cô nói: "Tôi đã từ bỏ lối chi tiêu xa xỉ của mình vì áp lực chi phí sinh hoạt cao. Tôi nhận ra rằng tư duy tiết kiệm là điều cần thiết để có thể trả tiền thuê nhà hàng tháng, chi trả cho các sinh hoạt phí khác và có thêm khoản dư".
Những câu chuyện như của Chung hiện nay đã trở nên phổ biến và dường như thể hiện sự thay đổi trong mô hình chi tiêu của những người trẻ ở thế hệ MZ (thuật ngữ tiếng Hàn để chỉ thế hệ Millennial và thế hệ Z) tại Hàn Quốc.
Trước đây, họ theo đuổi nền văn hóa thích phô trương sự giàu có, thành công và của cải xa hoa ở nơi công cộng. Nhưng khi tình hình lạm phát tăng cao khiến tiêu dùng nội địa nước này bị cản trở, cách chi tiêu của người trẻ cũng thay đổi theo.
Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 3% so với cùng kỳ năm trước trong tháng thứ hai liên tiếp kể từ tháng 2/2024. Người dân có thể nhận thấy rõ ràng giá nông sản, vật nuôi và thủy sản, các mặt hàng thực phẩm hàng ngày đều đã tăng lên cao.
Ngoài ra, sự biến động về giá cả toàn cầu do xung đột gia tăng ở Trung Đông, tỷ giá ngoại tệ và chi phí năng lượng được dự đoán sẽ làm tăng áp lực lạm phát.
Trong hoàn cảnh đó, những người ở độ tuổi 20 và 30 đang cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm, đồ uống, quần áo và các hoạt động mua sắm khác.
Theo một phân tích của ứng dụng quản lý chi tiêu Bank Salad công bố hôm 21/4 nhằm nghiên cứu mô hình chi tiêu của một triệu người dùng, những người ở độ tuổi 20 đã chi 169 tỷ won (122,55 triệu USD) cho thực phẩm trong tháng 2, giảm 21,8% so với năm trước. Đối với những người ở độ tuổi 30, chi tiêu hàng năm cho thực phẩm giảm 24,2% xuống còn 111,8 tỷ won.
Về chi tiêu cho rượu và đồ ăn trong quán bar, những người ở độ tuổi 20 đã chi 15,8 tỷ won, ít hơn 30% so với một năm trước đó. Còn những người ở độ tuổi 30 cũng giảm 32,3%, xuống còn 13,4 tỷ won. Chi phí cho việc mua sắm quần áo và vật dụng khác của những người ở độ tuổi 20 giảm 14,5% xuống 49,8 tỷ won và người ở độ tuổi 30 giảm 17% xuống còn 42,2 tỷ won.
Do chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, những người trẻ tuổi cũng đang tìm kiếm thêm các công việc phụ. Theo báo cáo của Ngân hàng Shinhan, 16,9% người lao động cho biết họ có một công việc làm thêm. Hơn một nửa số người có thâm niên dưới 10 năm đang quan tâm đến công việc phụ, 61,9% trong số đó nói rằng lý do là vì chi phí sinh hoạt cao khiến áp lực kinh tế của họ càng tăng cao.
Cô gái trẻ Trung Quốc nổi tiếng sau khi bỏ việc văn phòng về nuôi lợn Một nông dân chăn nuôi lợn 26 tuổi gần đây đã gây 'sốt' ở Trung Quốc nhờ có vẻ ngoài xinh đẹp và có học thức nhưng lại chọn lối sống nông nghiệp, với mức lương hàng tháng là 6.000 nhân dân tệ. Cô Chu nhận được nhiều lời khen ngợi trên mạng xã hội Trung Quốc sau khi bỏ công việc văn...