Giới trẻ TP.HCM uống cà phê, trà sữa ‘yên xe’
Chưa được ăn uống tại chỗ, nhiều bạn trẻ phải thưởng thức đồ ăn vặt trên yên xe. Hầu hết đều khá hào hứng, trong khi đó một số lại thấy bất tiện.
Tối 26/10, Duy Cương (sinh năm 1995) cùng cô bạn đến hồ Con Rùa ( quận 3) để hóng mát và ăn vặt. Chọn một góc vỉa hè sạch sẽ, vắng người, đôi bạn dùng yên xe máy làm chỗ bày biện trà sữa, nước ngọt và những hộp bánh tráng.
Hậu giãn cách xã hội, chiếc yên xe đã trở thành “bàn ăn” quen thuộc của cả hai mỗi lần dạo phố.
“Sau khi thành phố cho phép hàng quán bán mang đi, mình thỉnh thoảng rủ bạn bè lên khu trung tâm để vui chơi, ăn uống. Đối với mình, việc ăn trên yên xe là một trải nghiệm thú vị, đúng là có bất tiện một chút nhưng vẫn rất vui”, Duy Cương chia sẻ.
Duy Cương và bạn hào hứng ăn vặt trên yên xe máy.
Duy Cương cho biết trong thời gian tới, nếu các quán ăn được phục vụ tại chỗ trở lại, anh vẫn sẽ cân nhắc lựa chọn một số món phù hợp để ăn nơi vỉa hè, trên yên xe máy.
“Ăn ngoài vỉa hè thoáng mát, lại không lo quá gần với người khác vì chúng mình luôn chọn đứng ở vị trí khuất. Trong nhà hàng không được mở máy lạnh, còn phải tiếp xúc đông người, mình khá lo lắng”, Cương chia sẻ.
Đôi bạn lấy yên xe làm “bàn” để bày biện bánh tráng, nước ngọt.
Trải nghiệm mới
Giống như Duy Cương, nhiều bạn trẻ cũng dựng xe trên vỉa hè, ăn uống và trò chuyện tại các tụ điểm như hồ Con Rùa hay phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1). Hầu hết đều mua những món ăn vặt quen thuộc như bánh tráng, thịt xiên nướng, trà sữa hoặc cà phê.
Khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, Minh Thông (sinh năm 2001) thường cùng bạn chạy xe qua những tuyến phố ở khu vực trung tâm, ngắm nhìn đường sá lúc tan tầm.
Mỗi lần dạo qua các quán ăn quen, Minh Thông lại tỏ ra tiếc nuối khi chưa thể gặp gỡ bạn bè tại chỗ.
Video đang HOT
Nhưng hôm nay, chàng trai cùng bạn quyết định mua một hộp tré trộn ở Nhà thờ Đức Bà, 2 ly trà sữa ở cạnh Nhà hát Thành phố và dựng xe trên vỉa hè đường Lê Lợi (quận 1) để thưởng thức.
“Từ trước tới giờ, mình chưa bao giờ mua đồ rồi ăn uống trên yên xe như vậy. Nhưng do chưa thể ngồi tại chỗ, 2 đứa chỉ có thể mua mấy món mang đi, rồi chọn một khu vực rộng thoáng, vắng người để nán lại”, anh nói.
Đối với Minh Thông, việc ăn uống trên yên xe như vậy có chút bất tiện nhưng đem lại trải nghiệm mới.
“Mình phải tìm mãi mới có một chỗ rộng rãi, vắng người, có thể ngắm nhìn đường phố như địa điểm này. Ăn uống trên yên xe vậy không quá thoải mái, nhưng ít nhất vẫn mát mẻ, lại được trò chuyện với bạn bè”, Minh Thông nói.
Minh Thông và bạn ngồi trên yên xe, thưởng thức món tré trộn.
Thanh Nhân (sinh năm 2003) lại là một “tín đồ” của ăn uống vỉa hè từ thời điểm trước dịch.
Có mặt tại phố đi bộ Nguyễn Huệ lúc khoảng 20h, Nhân ngồi đung đưa trên yên xe máy và treo túi trà dâu ở tay vặn ga. Nam sinh viên cho biết việc ăn vặt thế này không chỉ vui vẻ mà còn rất thoải mái, giúp cậu dễ dàng lựa chọn vị trí để dừng lại cũng như có thể di chuyển bất cứ lúc nào.
“Từ sau giãn cách, hôm nay mình mới lên trung tâm để vui chơi và ăn vặt. Thay vì ngồi ăn ở ghế đá hay bệ trồng cây, chúng mình thích ăn trên xe hơn bởi không phải gửi xe. Nếu có muốn đi mua thêm đồ ăn khác, chúng mình cũng có thể đi lại tiện lợi, nhanh chóng hơn”, Thanh Nhân chia sẻ.
Thanh Nhân cho biết khá thích thú khi thưởng thức đồ ăn trên yên xe máy.
Bất tiện
Thanh Thủy (sinh năm 1994) dạo nhiều vòng quanh khu trung tâm mới có thể lựa chọn được một vị trí thoáng đãng tại đường Lê Lợi để ngồi lại ăn uống.
Từ huyện Bình Chánh, Thủy phải đi chặng đường khá xa để đến đây gặp gỡ bạn thân. Hai cô gái dựng xe máy sát vỉa hè, cùng uống trà sữa và chụp cho nhau những tấm ảnh đẹp. Thủy chia sẻ cô đã rất quen với kiểu ăn uống như vậy, đặc biệt từ sau giai đoạn dịch bệnh.
“Chúng mình thấy ăn ở vỉa hè hay trên yên xe không có nhiều bất tiện bởi đã quen rồi. Sắp tới khi hàng quán mở bán tại chỗ trở lại, có lẽ mình vẫn thích ăn uống tự do ở vỉa hè như thế này hơn”, Thủy nói.
Tuy nhiên, vừa kịp ngồi khoảng 15 phút, Thủy và nhiều người xung quanh đã bị lực lượng chức năng yêu cầu phải di chuyển, tránh tập trung đông người. Cô lên xe nhanh chóng rời đi, khá buồn khi phải tìm một vị trí khác.
Thanh Thủy và bạn không thể ngồi lâu để ăn uống bởi bị lực lượng chức năng yêu cầu di chuyển.
Ngọc Quế (sinh năm 1998) cũng gặp sự bất tiện khi ăn nơi vỉa hè. Quế cho biết trước dịch, phố đi bộ Nguyễn Huệ là nơi gặp gỡ quen thuộc của cô và bạn bè. Nhóm bạn thường gửi xe, sau đó đi bộ đến các ghế đá hoặc hàng quán, thấy rất yên tâm vì không cần lo việc trông giữ xe cộ.
“Nhưng giờ đây, hàng gửi xe quen thuộc của mình vẫn chưa mở lại. Chúng mình đành ăn trên yên thế này và tiện trông xe luôn. Nhìn chung, mình thấy việc ăn uống khá khó khăn vì không có bàn ghế”, Quế chia sẻ.
Ngọc Quế và bạn thân không tìm được chỗ gửi xe, phải ăn bánh tráng, uống trà sữa trên yên xe máy.
Cô cũng cho biết rất mong được đến quán xá và ăn uống tại chỗ trở lại. Để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, Quế sẽ chỉ lựa chọn những quán ăn thông thoáng, có thể đảm bảo giãn cách.
“Các hàng quán mở lại chắc chắn sẽ rất đông. Chúng mình sẽ đến nơi nào có lượng khách vừa phải để yên tâm ăn uống hơn”, Quế nói.
Người Sài Gòn ra phố đi bộ, hồ Con Rùa sau giãn cách
Nhiều người cho biết tâm trạng phấn chấn và thoải mái hơn khi ngồi chơi và ngắm xe cộ qua lại sau 4 tháng ở yên trong nhà.
Các điểm vui chơi ngoài trời ở quận 1, quận 3 như phố đi bộ Nguyễn Huệ, hồ Con Rùa, khu vực Bưu điện trung tâm thành phố, nhà thờ Đức Bà... tối 10/10 có đông người dạo mát, trò chuyện khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội theo chỉ thị 18, cho phép các điểm vui chơi ngoài trời hoạt động, tụ tập dưới 15 người.
Ông Thạnh, 70 tuổi cùng vợ là bà Hoa, 65 tuổi ở quận Bình Thạnh ra phố đi bộ Nguyễn Huệ ngồi ở một băng ghế cách xa đám đông rồi trò chuyện cùng nhau, nhìn dòng xe cộ qua lại. Hai người đã tiêm xong hai mũi vaccine Covid-19 từ một tháng trước và luôn đeo khẩu trang. Phố đi bộ là nơi hai vợ chồng ông Thạnh thường đến vào dịp cuối tuần vì có không gian thoáng mát nhưng thói quen này đã tạm gác lại từ nhiều tháng nay.
Vợ chồng ông Thạnh và bà Hoa ngồi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ tối 10/10.
"Lần gần đây nhất tôi ra phố đi bộ là hồi tháng 5, đến hôm nay mới ra đây chơi lần nữa. Ở Sài Gòn từ bé nhưng chưa bao giờ tôi thấy buồn như giai đoạn vừa rồi, dịch bệnh, nhiều người mất vì Covid-19, giãn cách, những tin tức buồn bã cứ kéo đến và tôi ở nhà suốt. Bây giờ ra đường thấy Sài Gòn nhộn nhịp, tinh thần cũng phấn chấn hơn. Tôi mong ca nhiễm Covid-19 ở thành phố sẽ giảm nữa trong những ngày tới, cuộc sống sẽ trở lại bình thường", ông Thạnh chia sẻ sau khi rời phố đi bộ, hai vợ chồng sẽ chạy xe dạo quanh một số nơi như chợ Bến Thành, phố Tây Bùi Viện ngắm phố phường trước khi về nhà.
Dọc con phố dài hơn 600 m, người dân dừng xe, mua quà bánh và nước uống nhâm nhi. Một số người vi phạm quy định dừng xe sẽ bị nhắc nhở. Từ ngày 1/10 đến nay, đội Cảnh sát Giao thông Trật tự quận 1 thường xuyên tuần tra, xử phạt các trường hợp dừng xe sai quy định, vi phạm lòng lề đường, tụ tập trên vỉa hè... tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Có một số trường hợp bị lập biên bản và mời về phường làm việc.
Nhiều ngày liên tục Sài Gòn có mưa lớn, mực nước hồ Con Rùa dâng cao, sạch hơn thường ngày.
Tương tự, tại khu vực hồ Con Rùa, quận 3 cũng có đông người đến vui chơi chia làm các nhóm nhỏ 2-5 người. Vợ chồng chị Nguyễn Kim Phụng cùng 2 con chạy xe từ quận 7 ra hồ Con Rùa, dừng chân tại đây ăn tối nhẹ và hóng mát khoảng 30 phút rồi rời đi.
"Hôm nay là ngày đầu tiên gia đình mình cùng các bé đi dạo Sài Gòn, dọc đường hàng quán chỉ bán mang đi nên mình ghé mua bánh mì, nước uống mang ra đây ngồi. Thường ở hồ Con Rùa có hàng bánh tráng trộn, bánh tráng nướng ăn rất thích mà hôm nay chưa thấy bán. Mình cảm nhận Sài Gòn đang bắt đầu nhịp sống bình thường trở lại nên thấy vui lắm, việc đeo khẩu trang xuyên suốt mình cũng không thấy phiền, là cách rất tốt để bảo vệ bản thân và cộng đồng", chị Phụng chia sẻ.
Ông Đức, bảo vệ trực tại khu vực hồ Con Rùa cho biết, từ 5 ngày trước đã có nhiều người dân đến hồ Con Rùa vui chơi, số lượng người đông hơn khi càng về tối. Trước đợt dịch Covid-19 thứ tư tại TP HCM, khách ghé hồ Con Rùa sẽ gửi xe ở bãi xe đối diện, nhưng hiện nay bãi xe này đóng cửa, đa số khách dựng xe bên lề đường và bị lực lượng chức năng nhắc nhở nên họ chỉ dừng một chút hoặc đi bộ tới đây.
Khu Bưu điện trung tâm thành phố và nhà thờ Đức Bà đông người tối cuối tuần.
"Ca trực của tôi từ 14h đến khoảng 23h, khi thấy khách không đeo khẩu trang thì tôi sẽ nhắc đeo vào, nhắc mọi người ăn uống để rác đúng nơi quy định, không hái hoa lá...", ông Đức nói. Nhìn mọi người được vui chơi sau nhiều ngày giãn cách, ông Đức cũng thấy vui lây, cảm nhận thành phố dần trở lại nhịp sống bình thường, nhưng do tâm lý bị ảnh hưởng từ đợt giãn cách xã hội vừa rồi nên đâu đó chú vẫn còn e dè khi thấy đám đông.
TP HCM đã kết thúc hơn 100 ngày giãn cách với nhiều cấp độ khác nhau, có thời điểm khi các ca nhiễm Covid-19 tăng cao, người dân được yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó", không được phép ra khỏi nhà. Từ ngày 1/10, thành phố áp dụng Chỉ thị 18 về điều chỉnh các biện pháp kiểm soát hiệu quả Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội. Các điểm vui chơi ngoài trời được hoạt động nhưng không tụ tập quá 15 người.
Chợ Bến Thành - điểm đến du khách không thể bỏ qua ở TPHCM Hơn 100 năm qua, chợ Bến Thành đã trở thành một biểu tượng kinh tế năng động, một điểm thăm quan khi đến thành phố phồn hoa và phát triển nhất cả nước. Chợ Bến Thành là ngôi chợ lớn nằm ở trung tâm quận 1 TP Hồ Chí Minh. Chợ được xây dựng cách đây tròn 1 thế kỷ. Khi ra đời,...