Giới trẻ rộ lên trào lưu nghỉ hưu sớm, thế mà nhiều người lớn tuổi “phát rồ” sau khi về hưu, cớ sao lại có chuyện ngược đời vậy?
Nghỉ hưu – là không phải làm việc nữa, là tự do tự tại không phải bó buộc vào trách nhiệm, là được làm những điều mình muốn với lượng thời gian vô hạn. Nghe đã thấy thật đáng mơ ước, nhưng thực tế có như những gì chúng ta nghĩ?
Jordan, một bác sĩ sinh sống tại bang Illinois (Mỹ), có một công việc ổn định với mức lương đáng ngưỡng mộ. Dẫu vậy, anh vẫn sống tiết kiệm và thậm chí còn đầu tư bất động sản để kiếm lời. Với khoản tiền khổng lồ Jordan kiếm được, người ta có thể ố á thốt lên rằng: “Một ứng cử viên hoàn hảo cho việc nghỉ hưu sớm”.
Khi biết về phong trào FIRE, viết tắt của cụm từ “Financial Independence, Retire Early” (tạm dịch: độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm), Jordan biết số tiền tiết kiệm anh đang có đủ để anh có thể từ bỏ công việc đang dần khiến anh cạn kiệt sức lực. Nhưng cái ý nghĩ độc lập về tài chính khiến anh trăn trở. Jordan cảm thấy nếu về hưu sớm, không đơn giản là anh sẽ rời bỏ một công việc, mà còn mất đi danh tiếng một bác sĩ mà anh đã nỗ lực làm việc chăm chỉ suốt bao năm để gây dựng.
Làm hùng hục để về hưu sớm, được nghỉ rồi lại chưng hửng!
Những năm gần đây, người ta nhắc nhiều đến cụm từ FIRE như một cách để tận hưởng cuộc sống mà không còn phải vướng bận quá nhiều vào công việc hay hy sinh tất cả mọi thứ vì công việc. FIRE đã và đang thu hút được rất nhiều sự chú ý trên mạng xã hội.
Từ các chủ đề Reddit đến các nhóm Facebook, người ta lùng sục trên Internet để tìm cách kiếm tiền, các mẹo đầu tư và các phép tính đơn giản để nghỉ hưu sớm trước khi chạm ngưỡng 65 tuổi, tỷ lệ này đã gia tăng đáng kể.
Một số người thậm chí còn cắt bỏ tất cả những thứ không cần thiết khỏi danh sách chi tiêu của họ, thu nhỏ diện tích nhà cửa và đi làm thêm để tiết kiệm đủ. Những người khác chăm chỉ đọc sách về đầu tư và nghiền ngẫm các bài đăng của các blogger tài chính cá nhân để tìm kiếm con số phù hợp trước khi “bỏ việc”.
Khi đã tích cóp được khoản tiền “kha khá” (điều này còn tùy thuộc vào mức sống, nhu cầu của mỗi người), họ khao khát được đi đây đi đó tận hưởng cuộc sống, hay đơn giản là làm điều mình yêu thích nên chấp nhận từ bỏ công việc đã gắn bó bao lâu. Mục đích cốt lõi vẫn là tìm thấy niềm vui cho bản thân, sự tự do, vui vẻ, hạnh phúc mà nhiều người vẫn thèm khát ao ước.
Trào lưu này đã “nở rộ” từ vài năm nay và quả thực đã có rất nhiều tấm gương về những người biết cách kiếm tiền, quản lý chi tiêu để được “nghỉ hưu sớm”, như mới đây có trường hợp của người phụ nữ mang danh “triệu phú gốc Việt” nghỉ hưu ở tuổi 40.
Người ta có thể mơ ước đến cái lúc được rời bàn phím máy tính, thậm chí chẳng cần mó đến chiếc điện thoại, cứ tự do tự tại mà hưởng thụ cuộc sống. Nhưng ai dám đảm bảo, cuộc sống như vậy tuyệt-đối-không-nhàm-chán cơ chứ!?
Quay trở lại trường hợp của bác sĩ Jordan, người thích được gọi bằng bí danh DocG và viết blog tại DiverseFi, anh chưa bao giờ hình dung ra một thế giới mà anh không còn là một bác sĩ, lựa chọn nghỉ hưu sớm khiến anh cảm thấy “sợ hãi, lo lắng và lo lắng”.
Có đủ tiền trong ngân hàng và đủ khả năng để không bao giờ phải làm công việc văn phòng nữa khiến nhiều người phấn khích trên hành trình đi đến FIRE, nhưng họ thường bỏ qua những MẶT TRÁI có thể xảy ra.
Lo lắng và thiếu tự tin: Trên blog MadFientist của mình, một người theo phong trào FIRE tên Brandon nói về cách anh vật lộn với cảm giác thiếu tự tin và sợ hãi trong năm trước khi anh đạt được “độc lập tài chính”. Anh lo lắng về việc từ bỏ một công việc được trả lương hậu hĩnh có phải là lý do phù hợp với những mục tiêu sống khác của bản thân hay không. Brandon nói: “Tôi luôn cho rằng sau ‘FI’ (độc lập tài chính), tôi sẽ trở thành một doanh nhân. Nhưng thành thật mà nói, hầu hết các ý tưởng kinh doanh mà tôi vừa tạo ra đã không còn hấp dẫn tôi sau khi ‘FI’ nữa vì tiền không phải là yếu tố thúc đẩy”.
Bất an về an ninh tài chính: Brad Klontz, tác giả của cuốn “Mind Over Money” và đồng sáng lập Viện Tâm lý Tài chính, nói rằng những người theo đuổi FIRE thường rơi vào tình trạng khủng hoảng hiện sinh do tập trung nhiều hơn vào an ninh tài chính thay vì lập kế hoạch cuộc sống của họ sẽ như thế nào khi họ đã đạt được FI. Nói một cách nôm na là họ chỉ lo sợ và khư khư giữ tiền mà chẳng biết đến sự vui vẻ từng ao ước nữa.
Lo lắng về tương lai lâu dài: Mặc dù sự hài lòng ngay lập tức sau khi FIRE có vẻ như khiến bạn thỏa mãn, nhưng nó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Klontz khuyên mọi người nên lập kế hoạch dài lâu và tạo ra một tầm nhìn chi tiết sau khi hoàn thành FIRE. ” Hãy nghĩ về năm 5,10, 25 năm“, Klontz nói. “Mọi người đều có kế hoạch chỉ trong 6 tháng sau khi nghỉ hưu sớm, rất ít người có kế hoạch cho những gì họ sẽ làm sau kỳ nghỉ dài hơi của họ”.
Nỗi niềm khó thấu của người già sau khi về hưu
Video đang HOT
Những người trẻ tuổi có sức khỏe, có trí lực, có đủ tiền trong tay và vẫn có khả năng “làm lại” nếu họ nhận ra con đường FIRE của họ là sai lầm, vậy những người về hưu đúng tuổi, liệu họ có gặp rắc rối như những người về hưu sớm? Câu trả lời là CÓ, và thậm chí cơn khủng hoảng còn đáng sợ hơn thế! Vì những lý do nào ư? Vì nhiều thứ lắm…
Nhiều người trong chúng ta dành nhiều năm để hình dung về thời kỳ nghỉ hưu lý tưởng của mình – nó có thể là đi du lịch khắp thế giới, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè, theo đuổi các sở thích như vẽ tranh, làm vườn, nấu ăn, chơi golf hoặc câu cá hay chỉ đơn giản là tận hưởng sự tự do để thư giãn.
Nhưng đa số mọi người chỉ tập trung lập kế hoạch cho các khía cạnh tài chính khi nghỉ hưu, mà bỏ qua tác động tâm lý của việc nghỉ việc.
Ban đầu, thoát khỏi công việc bận rộn hàng ngày, khó khăn tại nơi làm việc hoặc không cần nhìn mặt một vị sếp khó tính chẳng hạn, có vẻ như là một sự nhẹ nhõm tuyệt vời. Tuy nhiên, nhiều người mới về hưu nhận thấy rằng sau một vài tháng, sự mới mẻ của “kỳ nghỉ vĩnh viễn” bắt đầu mất đi.
Thay vì cảm thấy tự do, thoải mái và thỏa mãn, họ cảm thấy buồn chán, không mục đích và bị cô lập. Họ có thể đau buồn vì mất đi cuộc sống cũ, cảm thấy căng thẳng về việc sẽ trải qua những ngày tháng như thế nào hoặc lo lắng về việc phải ở nhà cả ngày sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ với bạn đời. Một số người mới về hưu thậm chí còn gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo lắng và tất nhiên sau đó lại mất tiền, mất thời gian đến gặp bác sĩ tâm lý. Tưởng được nghỉ ngơi mà có lúc nào được ngơi nghỉ.
Có một sự thật là, bất kể người ta đã mong đợi đến mức nào thì nghỉ việc là một thay đổi lớn trong cuộc sống có thể mang lại sự căng thẳng khó diễn tả. Trên thực tế, một số nghiên cứu đã liên hệ việc nghỉ hưu với sự suy giảm sức khỏe. Một nghiên cứu đang diễn ra cho thấy những người đã nghỉ hưu, đặc biệt là những người trong năm đầu tiên về hưu, có nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ cao hơn khoảng 40% so với những người tiếp tục làm việc.
Mặc dù một số khó khăn khi thích nghi với việc nghỉ hưu có thể liên quan đến mức độ người ta yêu thích công việc của mình (nếu từ bỏ công việc mình ghét thì đâu phải là điều khó khăn), nhưng có những “thách thức chung” khi nghỉ hưu mà rất nhiều người đã gặp phải. Chẳng hạn như:
- Đấu tranh tâm trí để “tắt” khỏi chế độ làm việc và thư giãn, đặc biệt là trong những tuần hoặc tháng đầu về hưu. Nôm na như cách người ta vẫn nói vui với nhau rằng “Khổ quen rồi, sướng không chịu được”.
- Cảm thấy lo lắng khi có nhiều thời gian hơn nhưng lại ít tiền hơn để chi tiêu.
- Cảm thấy khó khăn khi tìm cách làm những công việc có ý nghĩa trong thời gian rảnh rỗi.
- Đánh mất bản sắc của bạn. Ví dụ: nếu bạn không còn là bác sĩ, giáo viên, nhà thiết kế, nhân viên kinh doanh, thợ điện hoặc tài xế, thì bạn là ai?
- Cảm thấy bị cô lập khi không có sự tương tác xã hội như khi đi làm có đồng nghiệp, đối tác…
- Mức độ tự tin giảm đi. Khi người ta không làm việc, cảm giác mình vô dụng dần xâm chiếm ý nghĩ và dễ trở nên tự ti, cảm thấy mình không còn quan trọng trên cõi đời này.
- Phải điều chỉnh thói quen để tiếp tục sống hòa hợp với bạn đời. Trước đây, đi làm cả ngày ít va chạm nhưng giờ ở nhà cả ngày, ra vào nhìn thấy nhau, ắt nảy sinh mâu thuẫn.
- Một số người về hưu thậm chí còn cảm thấy tội lỗi khi nhận tiền lương hưu mà không đóng gì cho xã hội nữa.
Mặc dù đó là một phần tất yếu của cuộc sống, nhưng đối phó với sự thay đổi chưa bao giờ là điều dễ dàng với bất kỳ ai. Khi chúng ta già đi, cuộc sống dường như có thể thay đổi với tốc độ ngày càng nhanh. Những đứa con đã ra ở riêng hoặc đi xa để xây dựng cuộc sống riêng, những người bạn hoặc những người thân yêu lần lượt ra đi, những thử thách về thể chất và sức khỏe tăng lên… Việc phản ứng với những thay đổi này bằng một loạt các cảm xúc lẫn lộn, thường mâu thuẫn là điều bình thường.
Ở một số nước phương Tây, những người hưu trí luôn được quan tâm cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Chẳng hạn như ở Phần Lan, từ cuối thập niên 80, Luật Hưu trí quốc gia được cải cách nhằm mở ra cơ hội cho tất cả mọi người ở độ tuổi trên 16 tuổi.
Thậm chí, những người nước ngoài ở Phần Lan, dù không phải là người có nguồn gốc Bắc Âu, cũng được hưởng lợi từ luật này nếu đã định cư ở Phần Lan trong thời gian ít nhất là 5 năm. Độ tuổi được hưởng lương hưu là 65 tuổi, và dao động trong độ tuổi từ 50 đến ngoài 60 nếu như người đó nằm trong trường hợp bị thất nghiệp lâu ngày. Bên cạnh đó, những chế độ cho người nghỉ hưu sớm, nghỉ hưu do mất sức hay nghỉ hưu do tai nạn cũng được ưu tiên, quan tâm.
Về góc độ tâm lý, luôn có các chuyên gia tư vấn về vấn đề căng thẳng sau nghỉ hưu và các chương trình tư vấn nhằm giúp người cao tuổi tìm được niềm vui trong cuộc sống sau những tháng ngày lao động mệt nhọc cống hiến cho xã hội.
Một bức tranh miêu tả những lời khuyên dành cho các ông bà đã về hưu, chẳng hạn giữ nếp sinh hoạt đều đặn, giao lưu với bạn bè, trồng cây, làm những điều mình thích hoặc tham gia các tổ chức từ thiện…
Vậy nên các bạn ạ, chúng ta thường hay thắc mắc hoặc thậm chí khó chịu ra mặt về việc ông bà/cha mẹ chúng ta càng ngày càng trở nên khó tính khi về già, hoặc khi mới nghỉ hưu. Có thể ai đó nhủ thầm rằng “Ông bà không còn phải đi làm, con cháu đầy đủ sung túc, còn gì phải buồn mà cáu với gắt” nhưng mấy ai từng một lần tự ngồi xuống tâm sự, hỏi han xem vì sao mà ông bà/cha mẹ mình lại trở nên như vậy!?
Cuộc sống bộn bề, ai cũng có chuyện cần phải lo toan nhưng tình thân gia đình vẫn luôn là điều quan trọng nhất, hãy hiểu để thông cảm và giúp đỡ, đồng hành cùng nhau.
Nữ triệu phú gốc Việt quyết tâm nghỉ hưu ở tuổi 40 ở thành phố đắt đỏ nhất nước Mỹ: Bí quyết để thực hiện trào lưu "FIRE" chuẩn mực là gì?
FIRE - Độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm - là một trào lưu đang ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Tháng 6/2027, Mia Pham - một nữ triệu phú gốc Việt dự định nghỉ hưu. Cô công chức liên bang khi đó sẽ 44 tuổi, chồng cô 48 tuổi. Họ dự tính sẽ rời khỏi thị trường lao động, và đi du lịch thế giới cùng 2 con của mình.
Trào lưu "FIRE" chuẩn mực
Mia Pham là một người thực hiện trào lưu FIRE (Financial Independence/ Retire Early - Độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm), và đã tiết kiệm được hơn 1 triệu USD cho mục tiêu này. Điều đáng nói là cô làm được điều đó với một gia đình có 2 con và sinh sống ở San Diego - một trong những thành phố đắt đỏ nổi tiếng của Mỹ. Và đặc biệt, số tiền cô có được tách biệt so với chồng - người cũng đang sở hữu khối tài sản rơi vào khoảng 2 triệu USD.
Mia Pham hiện cũng sở hữu một kênh YouTube đưa ra lời khuyên tài chính
Tài khoản ngân hàng của họ tách biệt, nhưng mục tiêu thì giống nhau. Mục tiêu ấy bắt đầu từ cách đây vài năm, khi con trai họ đột nhiên bị sốc phản vệ vì dị ứng đậu phộng, phải nhập viện khẩn cấp. Dù may mắn không có chuyện gì quá nghiêm trọng, nhưng sự việc đã khiến cả hai thay đổi quan điểm về tiền bạc và thời gian.
"Phải đến năm nay, tôi mới có tài sản đến 7 chữ số và tách biệt so với chồng. Ưu tiên cuộc sống sau sự việc ấy đã thay đổi mạnh. Nó khiến chúng tôi hiểu rằng cuộc sống mong manh đến mức nào," - Mia giải thích. Con gái cô cũng bị dị ứng nghiêm trọng và từng bị sốc phản vệ. Nó buộc cô phải nghĩ đến việc cần sớm độc lập tài chính.
"Cả tôi và chồng hiểu rằng thời gian dành cho gia đình quan trọng hơn và mang lại cảm giác thiết thực hơn so với những gì chúng tôi chi tiêu khi còn trẻ."
Và cô tự đặt cho mình một kế hoạch 4 bước để hoàn thành mục tiêu này.
Chú trọng đầu tư sớm
"Từ hồi trung học, tôi đã hứng thú với các vấn đề về tài chính, nhưng không ai hướng dẫn cả. Tất cả chỉ là mớ lý thuyết hình thành trong đầu."
Phải đến kỳ học kế toán khi lên đại học, mớ lý thuyết ấy mới trở thành thực tế. Trong một buổi làm bài tập, giáo sư lớp cô đã yêu cầu sinh viên điền một lá đơn xin tiền từ quỹ hưu trí - một việc thể hiện tầm quan trọng của đầu tư. Đây chỉ là một bài tập, sinh viên không cần phải nộp lá đơn. Nhưng Mia đã nộp nó lên.
"Tôi lớn lên trong một gia đình nhập cư, và cũng là người đầu tiên được vào đại học. Không ai trong gia đình tôi từng đầu tư vào chứng khoán. Mẹ tôi chỉ nghĩ đó là đánh bạc thôi," - cô kể lại.
Qua thời gian, Mia dần hiểu hơn về các khoản đầu tư, và cô cảm thấy biết ơn lớp học ngày hôm đó. Với cô, lời khuyên của vị giáo sư cùng các kiến thức mang lại đã gây ảnh hưởng rất lớn đến thành công của cô ở thời điểm hiện tại.
Tăng cường đầu tư với trào lưu FIRE
Đến năm 2017, Mia biết về FIRE. Trước thời điểm này, cô và chồng đã cố gắng tiết kiệm tiền mua nhà. Nhưng sau khi quyết định nghỉ hưu sớm, họ nhanh chóng thay đổi chiến lược.
"Sau khi nhận ra chứng khoán đang có xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ hơn bất động sản - đặc biệt là trong đại dịch, chúng tôi quyết định mua căn nhà nhỏ hơn. Nhờ vậy, chúng tôi có tiền để tiếp tục đầu tư."
Cô giữ vững lập trường đầu tư hợp lý và đơn giản. Quá trình tự động hóa hiện tại cũng giúp việc này trở nên đơn giản hơn.
Tiết kiệm chi tiêu
Việc mua một căn nhà nhỏ hơn giúp gia đình Mia có thêm tiền đầu tư, nhưng họ cũng tiết kiệm chi tiêu một cách tối đa để giúp kế hoạch này có tỉ lệ thành công cao hơn.
Họ ít khi ăn uống ở ngoài, lái một chiếc xe cũ ra đời từ năm 2005 với mức giá 8000 USD. Họ tận dụng các phương tiện miễn phí để giải trí cho con - như đến thư viện, và dùng các ưu đãi miễn phí để đưa con đi sở thú hoặc công viên giải trí.
Nhưng không chỉ tránh chi tiêu quá mức, họ còn muốn hạn chế chi tiêu hết mức có thể. Như khi chiếc lò nướng 10 năm tuổi bị hỏng, thay vì mua cái mới, họ lại tìm cách sửa nó bằng cách... hỏi Google. Ngoài ra khi buộc phải mua bất kỳ thứ gì, họ sẽ tìm cách có được nó ở mức giá tốt nhất.
Và khi mùa hè ở San Diego đang trở nên nóng bức, họ sẽ ra biển chơi - tận dụng cách làm mát miễn phí thay vì giam mình trong nhà và khổ sở với hóa đơn tiền điện.
Luôn giữ động lực
Khi mới bắt đầu đi làm, Mia kiếm được khoảng 38.000 USD/ năm (khoảng 800 triệu đồng tiền Việt). Với số tiền kiếm được, cô chi tiêu theo một thang đo nhất định. Thang đo này sẽ tăng dần qua mỗi năm, phụ thuộc vào tiền cô có.
Và khi đã có được số tiền khiến việc chi tiêu trở nên thoải mái hơn, việc theo dõi tài sản của mình giúp cô giữ được sự tập trung cho mục tiêu của mình.
"Tôi bắt đầu theo dõi tài sản của mình vào năm 2017, và nó tạo ra một sự khác biệt rất lớn."
Mia cho biết sau khi nghỉ hưu, 2 vợ chồng sẽ sống bằng tiền đầu tư trong vòng 20 năm đầu, rồi dựa vào quỹ hưu trí từ chính phủ vào năm 62 tuổi. Chồng cô cũng sẽ có lương hưu.
"Nó sẽ cho chúng tôi một khoản tiền an toàn. Ở thời điểm ấy, chúng tôi cần có tài sản ít nhất là 2 triệu đô."
Trào lưu "FIRE" của Nhật Bản: Một thế hệ "bốc lửa", bất chấp mọi cách để nghỉ hưu sớm tới hàng chục năm Nếu ở Thế hệ X (1965 - 1980), người Nhật bất chấp kiên trì công việc vì lương hưu thì tới Millennials (Gen Y - 1980 - 1996) và Gen Z (1997 - 2012), giới trẻ chọn con đường hoàn toàn ngược lại. Theo Cơ quan Dịch vụ Tài chính (Financial Services Agency) Nhật Bản, tuổi thọ trung bình của người Nhật sẽ...