Giới trẻ Hàn Quốc dần bỏ thói quen ‘làm việc tới chết’
Với quy định mới làm việc tối đa 52 giờ mỗi tuần, nhiều người trẻ Hàn Quốc cảm thấy dễ thở hơn khi có thời gian cho các hoạt động khác ngoài công việc.
Thời điểm này năm ngoái, Hong In-young (tên đã được thay đổi vì nhân vật không muốn tiết lộ danh tính), đang làm việc tại một công ty liên kết của tập đoàn lớn. Cô không bao giờ nghĩ sẽ có thời gian tham gia một khóa học yêu thích ngoài giờ làm.
Việc phải làm việc hơn 10 tiếng/ngày khiến cô gái quá bận rộn và kiệt sức để nghĩ đến những hoạt động khác.
Tuy nhiên, kể từ khi đạo luật cắt giảm giờ làm việc chỉ còn tối đa 52 tiếng mỗi tuần được triển khai tại Hàn Quốc, cuộc sống sau giờ làm của Hong đã thay đổi rõ rệt.
Trước đây, Hong thường phải làm việc quá nửa đêm. Còn bây giờ, công ty của cô quản lý rất chặt chẽ. Mỗi nhân viên chỉ làm tối đa 40 tiếng chính thức và 12 giờ làm thêm một tuần.
“Tôi đang học tiếng Trung và tập Pilates. Mới đây, tôi còn học một khóa quản lý tài chính và đầu tư”, cô gái ngoài 30 tuổi nói.
Hong là một trong những người lao động trẻ tuổi tại xứ sở kim chi đã tìm thấy sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc sau khi luật cắt giảm giờ làm việc được chính thức áp dụng.
Zing.vn trích dịch bài viết trên Yonhap về những thay đổi trong thói quen “Gwarosa” – có nghĩa là làm việc tới chết trong tiếng Hàn – của người dân xứ củ sâm.
Thay vì quá chú trọng số giờ làm việc, người trẻ nước này giờ đây quan tâm hơn đến chất lượng cuộc sống cũng như hiệu quả công việc.
Người Hàn Quốc được mệnh danh là “nghiện việc nhất” châu Á. Ảnh: Yonhap.
Thay đổi ở quốc gia ‘nghiện việc nhất châu Á’
Trong những năm 1980, khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh, thói quen “làm việc tới chết” ăn sâu vào văn hóa Hàn Quốc. Thời gian làm việc trung bình của người Hàn là 68 giờ mỗi tuần.
Được mệnh danh là “nghiện việc nhất châu Á”, Hàn Quốc có thời gian làm việc mỗi tuần dài thứ hai trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chỉ sau Mexico.
Nhưng kể từ tháng 7/2018, tất cả các công ty có từ 300 nhân viên trở lên có nghĩa vụ giảm thời gian làm việc tối đa mỗi tuần từ 68 tiếng xuống còn 52 tiếng với mỗi lao động, theo đạo luật “WoLiBal” (viết tắt của work-life balance, tạm dịch cân bằng công việc cuộc sống).
Theo Bloomberg, đây là một thắng lợi đối với Tổng thống Moon Jae-in. Trong cuộc tranh cử, ông Moon đã hứa cải thiện cuộc sống của người lao động bằng cách giảm thời gian làm việc và tăng thu nhập.
Chính phủ Hàn Quốc kỳ vọng chính sách mới sẽ giúp gia tăng tỷ lệ sinh đẻ và ngăn chặn tình trạng già hóa dân số.
“Luật mới đã giúp thay đổi từ văn hóa làm việc quá đề cao số giờ làm đến việc chú trọng nâng cao hiệu quả và năng suất”, Kwon Hyuk, giáo sư tại Đại học Luật Quốc gia Busan, nói.
Giới trẻ Hàn Quốc có thời gian tham gia các hoạt động giải trí, học tập nhờ luật làm việc tối đa 52 tiếng mỗi tuần. Ảnh: Netafit, Yonhap.
Video đang HOT
Năm ngoái, một nhân viên trung bình làm việc 1.986 giờ, theo Bộ Lao động Hàn Quốc. Chính phủ nước này đang tìm cách cắt giảm số giờ làm hàng năm xuống mức 1.800 giờ vào năm 2022.
Để tuân thủ quy tắc mới, các công ty lớn đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau. Một số cấm làm quá giờ. Số khác có hệ thống máy tính tự động tắt khi hết giờ làm việc.
Kim Yoon-mi (tên đã được đổi), người làm việc tại Công ty Hyundai, cảm thấy hài lòng với những thay đổi.
“Tôi chỉ cần đến văn phòng trước 10h sáng. Nếu có việc cá nhân đột xuất, tôi có thời gian để xử lý. Trong lúc làm việc, tôi tập trung hơn vì không vướng bận chuyện cá nhân”, cô nói.
Các hoạt động sau giờ làm như tập thể dục, tham gia các khóa học, giải trí… đã tăng lên. Chi tiêu cho giáo dục và giải trí tư nhân vào năm ngoái tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong gần 10 năm qua, theo dữ liệu của ngân hàng trung ương.
Mặt trái của chương trình ‘WoLiBal’
Tuy tạo ra thay đổi tích cực trong văn hóa, thói quen làm việc của người lao động, quy định tuần làm tối đa 52 tiếng cũng vấp phải nhiều tranh cãi.
Từ khi có “WoLiBal” Park Jeong-wan (tên đã được đổi) thường phải mang việc về nhà để làm vì không thể giải quyết hết tại cơ quan.
“Khối lượng công việc vẫn vậy nhưng không được phép làm thêm ngoài 52 giờ. Tôi không được hưởng tiền làm thêm giờ nhưng công việc lại vất vả hơn”, người đàn ông 44 tuổi nói.
Trong năm tới, tuần làm việc 52 giờ sẽ được áp dụng cho cả những công ty có 50-299 nhân viên. Các công ty có ít hơn 49 công nhân sẽ phải cắt giảm giờ làm từ tháng 7/2021.
Đây sẽ là một gánh nặng với những doanh nghiệp vừa và nhỏ khi họ đang phải vật lộn với mức lương tối thiểu tăng lên trong một nền kinh tế suy thoái.
Lee Eui-hyun, chủ tịch Hợp tác xã Công nghiệp Kim loại Hàn Quốc, cho biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp khó khăn trong việc rút ngắn thời gian, thuê nhân công và chi trả chi phí lao động. Cách giải quyết hiệu quả nhất là hiện đại hóa máy móc nhưng điều đó cũng không dễ thực hiện.
“Chính phủ thúc đẩy thu nhập gia tăng là điều dễ hiểu, nhưng đó là một trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tôi nghĩ rằng nhà quản lý và lao động nên được chủ động thiết kế giờ làm”, ông nói.
Luật làm việc mới gây tranh cãi vì tính linh hoạt và việc đảm bảo thu nhập ngoài giờ cho người lao động. Ảnh: AFP.
Cần một chặng đường dài để hoàn thiện
Tháng trước, chính phủ Hàn Quốc đã gia hạn thêm ba tháng cho các nhà khai thác xe buýt và một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác trước khi tuân thủ quy định.
Hai tháng trước đó, các tài xế xe buýt đe dọa sẽ tiến hành một cuộc đình công trên toàn quốc vì việc thu nhập có thể bị giảm khi áp dụng luật 52 tiếng.
Bên cạnh thu nhập, nhiều ý kiến đề xuất “WoLiBal” nên được xây dựng linh hoạt hơn. Thời gian 52 tiếng mỗi tuần nên được hiểu theo nghĩa trung bình của một năm hoặc vài năm thay vì 3-6 tháng như trước đây.
Từ đó, người lao động có thể làm việc nhiều hơn 52 tiếng trong những tuần, tháng bận rộn và làm việc ít hơn trong những tuần, tháng khác.
Trong khi các nhóm công đoàn lao động phản đối yêu cầu này vì cho rằng nó gây hại cho sức khỏe người lao động, các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại lên tiếng ủng hộ.
Nhiều chuyên gia nhận định hệ thống giờ làm việc linh hoạt nên được xem xét tùy vào từng lĩnh vực, ngành nghề. Đối với những ngành làm việc theo dự án, mùa vụ, sự linh hoạt có thể cần thiết. Còn với nhân viên văn phòng quy định hiện tại là hợp lý.
Park Ji-Soon, giáo sư tại Đại học Luật Hàn Quốc, cho biết: “Giảm giờ làm việc là một bước đi đúng hướng. Nhưng để tăng cường năng suất, quy định nên được áp dụng linh hoạt hơn”.
Theo Zing
Đàn ông Hàn Quốc tiết kiệm hơn 20 năm chưa chắc đủ tiền kết hôn
Nhiều người trẻ Hàn Quốc trì hoãn chuyện kết hôn, sinh con trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp gia tăng, giá nhà đạt mức kỷ lục.
Yoon Hwan nói anh như "ở trên chín tầng mây" khi bạn gái nhận lời cầu hôn vào năm ngoái. Chàng trai 30 tuổi đã mường tượng ra một tương lai hạnh phúc bên người vợ hiền và những đứa con đáng yêu.
Nhưng tất cả cảm xúc tuyệt vời, háo hức đó dường như chỉ có trong tưởng tượng.
Trở về thực tại, Yoon thiếu tiền.
Đừng nói đến chuyện lo cho người khác, anh còn không chắc mình đủ sống.
Sau nhiều năm làm công ăn lương, Yoon có khoảng 10 triệu won (gần 200 triệu đồng) tiền tiết kiệm. Số tiền này chưa đủ để anh mua một căn hộ nhỏ tại Seoul - thứ cơ bản nhất nếu muốn lấy vợ, sinh con ở Hàn Quốc.
"Tôi sẽ kết hôn nếu có tiền", anh chàng đang chuẩn bị làm bài kiểm tra để trở thành một kỹ sư điện tử nói.
Yoon chỉ là một trong hàng trăm nghìn thanh niên Hàn Quốc phải trì hoãn việc kết hôn vì không đủ khả năng tài chính.
Zing.vn trích dịch bài viết trên Yonhap về câu chuyện giới trẻ Hàn Quốc không thể kết hôn, sinh con trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp gia tăng, giá nhà đạt mức kỷ lục.
"Khóa tình yêu" ở tháp Namsan, Hàn Quốc là điểm đến lãng mạn của các đôi yêu nhau. Ảnh: Korea.net.
Gánh nặng 'đàn ông xây nhà'
Không thể mua được nhà là một trong những lý do chính khiến Yoon từ bỏ ý định kết hôn ở thời điểm hiện tại.
Tại xứ sở kim chi, người dân Hàn Quốc vẫn quan niệm rằng khi kết hôn, "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Người chồng có trách nhiệm mua nhà còn vợ sẽ là người sắm sửa các đồ đạc nội thất.
Tuy nhiên, khi kinh tế ngày càng khó khăn, thất nghiệp gia tăng và giá nhà cao đột biến trong những năm gần đây, nhiều đàn ông nói việc cưới xin khiến họ căng thẳng.
Nền kinh tế của Hàn Quốc đang bế tắc trong suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên - những người trong độ tuổi từ 15-29 - ở mức 10,8% vào tháng 3, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp chung là 4,3%, theo dữ liệu của chính phủ.
Đôi vợ chồng Hàn Quốc mệt mỏi, ngủ gật tại hôn lễ tập thể ở Seoul. Ảnh: Getty.
Nhiều người trẻ không thể có được việc làm tử tế trong nước đã phải đến Nhật Bản, Trung Quốc... tìm cơ hội.
Giá trung bình của các căn hộ ở Seoul đạt mức cao kỷ lục 829 triệu won (hơn 16,3 tỷ đồng) vào tháng 9 năm ngoái, tăng gấp đôi so với cuối năm 2008, theo dữ liệu của ngân hàng KB Kookmin.
Đây là lần đầu tiên giá nhà vượt mức 800 triệu won (khoảng 15,8 tỷ đồng) ở Hàn Quốc - nơi thu nhập bình quân đầu người hơn 35 triệu won (khoảng 700 triệu đồng).
Điều này có nghĩa là nếu một người có thu nhập trung bình muốn mua một căn hộ ở Seoul, người này phải tiết kiệm toàn bộ thu nhập hàng năm của mình trong hơn 20 năm.
Với tình hình hiện tại, Yoon nói anh gần như hết hy vọng với chuyện nhà cửa, kết hôn, sinh con.
Hôn nhân là giấc mơ xa vời
Giới trẻ ngày càng lo lắng về tương lai ảm đạm dường như là một trong những nguyên nhân chủ yếu của tỷ lệ kết hôn thấp kỷ lục ở Hàn Quốc.
Năm 2018, chỉ có 256.622 đôi đăng ký kết hôn, mức thấp nhất kể từ năm 1972.
"Tôi có bạn gái và muốn kết hôn, nhưng hôn nhân vẫn là giấc mơ xa vời vì tiền", Kim Myoung-soo, 30 tuổi, làm nghề bán dầu nhớt công nghiệp, nói.
Thu nhập chưa đến 30 triệu won mỗi năm (590 triệu đồng), Kim lo rằng anh khó có thể mua nổi một căn hộ đủ sống ở thủ đô. Không chỉ vấn đề nhà cửa, nếu lấy vợ, Kim nói anh không có kế hoạch sinh con do chi phí giáo dục quá cao.
Ở Hàn Quốc, ngoài học ở trường, nhiều học sinh còn phải tham gia các lớp luyện thi tư thục - được gọi là "hagwon" - vào buổi tối, thường để học thêm tiếng Anh và Toán học, hai trong số những môn quan trọng nhất trong kỳ thi tuyển sinh đại học.
Năm 2018, Hàn Quốc có 326.900 trẻ sơ sinh. Con số này thấp hơn nhiều so với 1 triệu trẻ sơ sinh vào năm 1970. Tổng tỷ suất sinh - số trẻ em trung bình mà một phụ nữ sinh ra trong đời - cũng ở mức thấp kỷ lục 0,98.
Cơ quan thống kê dự báo rằng dân số của nước này có khả năng đạt đỉnh là 51,94 triệu vào năm 2028 trước khi giảm xuống còn 39,29 triệu vào năm 2067.
"Thế hệ Sampo" Hàn Quốc - những người trẻ từ bỏ chuyện hẹn hò, kết hôn và sinh con. Ảnh: Yonhap.
Xu hướng giới trẻ lựa chọn cuộc sống độc thân đang gia tăng trong những năm gần đây.
Một thương nhân 45 tuổi mang họ Lee, đề nghị giấu tên, nói rằng anh không muốn kết hôn vì thấy sống một mình thoải mái hơn.
Cuộc khảo sát do Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc thực hiện, cho thấy 12,2% nam giới và 20,6% phụ nữ không hẹn hò vì không muốn mất tự do.
Có 5,62 triệu hộ gia đình độc thân vào năm 2017, chiếm 28,6% tổng số hộ gia đình ở Hàn Quốc.
Sau 3 năm trì hoãn kế hoạch kết hôn, Kim vẫn hy vọng rằng tình hình sẽ được cải thiện và anh có thể lấy vợ, sinh con trong tương lai không xa.
"Tôi mong mọi thứ sẽ thay đổi trong 3 năm tới", Kim nói.
Theo Zing
Đau đầu vì tiền mừng, người trẻ Hàn Quốc 10 năm không dự đám cưới "Tham gia quá nhiều đám cưới, đám tang chỉ lãng phí thời gian và tiền bạc. Tôi muốn sống đơn giản trong thế giới phức tạp này", chàng trai Hàn Quốc nói. "Mừng cưới bao nhiêu là hợp lý nhất?" Đó là câu hỏi một người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Hàn Quốc đặt ra trên một diễn đàn văn...