Giới trẻ Hàn chịu áp lực nặng nề từ đại dịch
Tỷ lệ thanh thiếu niên gặp bế tắc trong cuộc sống gia đình, học tập giữa Covid-19 ở xứ kim chi ngày càng gia tăng, khiến nhiều người nảy sinh ý định tiêu cực.
Ngày 19/4, một khảo sát trên 5.669 học sinh Hàn Quốc trong độ tuổi 11-18 từ tháng 7 tới tháng 10/2020 do Viện chính sách Thanh niên Quốc gia cho thấy khoảng 27% thanh thiếu niên từng có ý nghĩ quyên sinh, theo Korea Times .
Tỷ lệ nữ sinh thừa nhận từng muốn tự sát cao hơn nam giới khoảng 1,7 lần, chạm mốc 35%.
Nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều người trẻ nảy sinh suy nghĩ tiêu cực xuất phát từ các vấn đề liên quan tới học tập như áp lực điểm số, tương lai nghề nghiệp (25,5%), xung đột với bạn học (4,8%).
Áp lực học tập gia tăng là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều thanh niên 11-18 tuổi có suy nghĩ muốn quyên sinh. Ảnh: Koreabizwire.
Mặt khác, mâu thuẫn trong gia đình (16%) và khó khăn kinh tế giữa Covid-19 (1,7%) cũng khiến nhiều em rơi vào bế tắc.
Một khảo sát khác trên 8.623 học sinh, sinh viên cũng chỉ ra 27% người trả lời cảm thấy buồn chán, nản chí suốt năm qua do ảnh hưởng từ Covid-19, với 23,6% cho biết muốn nghỉ học.
Đáng nói, kết quả do Viện chính sách Thanh niên Quốc gia cho thấy tỷ lệ học sinh từ 11 tới 18 tuổi có nguy cơ tự sát chịu ảnh hưởng từ mức độ thu nhập của cá nhân, gia đình.
Theo đó, 43,6% thanh niên từ các gia đình có thu nhập cao có ý nghĩ tiêu cực, trong khi con số này ở nhóm thu nhập trung bình và thấp lần lượt là 39,3% và 29,3%.
"Khi học sinh tự tử, nhà trường phải chịu trách nhiệm đầu tiên"
GS Lee Sang Min thuộc Korea University nói với Zing rằng nhà trường và gia đình cần phối hợp chặt chẽ để giúp học sinh thoát khỏi khủng hoảng, từ đó tránh những sự việc đáng tiếc.
Trầm cảm và tự tử học đường là vấn đề trầm kha của xã hội Hàn Quốc suốt nhiều thập kỷ qua. Không ít chính sách ra đời nhưng tình hình vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Bản tin của Chosun Ilbo hồi tháng 10/2019 cho biết hơn 700 học sinh ở Hàn Quốc từng cố gắng tự tử trong 12 tháng trước. Đây là con số cao nhất mà Bộ Giáo dục từng ghi nhận từ khi theo dõi vấn nạn này vào năm 2011.
Đau lòng hơn, khoảng 144 em trong số này ra đi vĩnh viễn.
Một bản tin khác của Korea Herald vào tháng 4 năm nay dẫn báo cáo của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho biết 28,2% học sinh cấp 2 và cấp 3 trải qua trầm cảm trong năm 2019. Để giải tỏa, 6,7% trong số này hút thuốc còn 15% tìm đến rượu bia.
Theo giáo sư Lee Sang Min, giải pháp chủ yếu mà Hàn Quốc đang thực hiện là tăng cường đầu tư nguồn lực cho hệ thống tham vấn học đường, nâng chuẩn của chuyên viên tham vấn; huy động sự tham gia của nhiều bên liên quan cùng giải quyết sự cố của học sinh; và tích cực theo dõi cảm xúc, hành vi của người học để can thiệp kịp thời.
- Theo giáo sư, những nguyên nhân chủ yếu nào dẫn tới tỷ lệ tự tử tương đối cao trong giới học đường ở Hàn Quốc?
- Tôi nghĩ thực trạng này phần lớn xuất phát từ sự ganh đua giữa các học sinh. Áp lực điểm số và thành tích học tập khiến giới trẻ Hàn Quốc phải dành nhiều thời gian cho chuyện bài vở. Các em đồng thời phải thường xuyên đến lớp học thêm để cạnh tranh với nhau.
Video đang HOT
Áp lực từ gia đình cũng là một yếu tố đè nặng lên giới trẻ Hàn Quốc, bởi các bậc phụ huynh đều muốn con mình xuất sắc về mặt học tập.
Phép cộng từ những tác động kể trên đã khiến nhiều bạn trẻ phải đối mặt với khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng, từ đó dẫn đến việc nghĩ quẩn và tự tử.
Theo DW , Hàn Quốc là một trong những nước có tỷ lệ tự tử học đường cao nhất thế giới. Ảnh: Unsplash.
Ban hành luật để cấm bạo lực học đường
- Cách thức giáo viên ở Hàn Quốc phạt học trò ảnh hưởng đến sự bất ổn tâm lý của các bạn trẻ như thế nào?
- Tình trạng này từng diễn ra ở Hàn Quốc vào khoảng 20 năm trước. Thập niên 90, giáo viên sử dụng các hình phạt về mặt thể chất (corporal punishment) đối với học sinh. Đây từng là vấn đề nghiêm trọng trong nền giáo dục Hàn Quốc.
Sau đó, chính phủ ban hành quy định cấm áp dụng các hình phạt liên quan đến thân thể trong phạm vi trường học. Tình trạng đánh đập học sinh theo đó cũng được giải quyết. Nói chung, thời tôi còn học trung học, giáo viên thường dùng thước để đánh học sinh phạm lỗi. Nhưng sau năm 2000, cách thức này không còn được áp dụng nữa.
Giáo sư Lee Sang Min thuộc Korea University. Ảnh: NVCC.
Mặt khác, sau khi bị cấm sử dụng hình phạt về mặt thể chất, một số giáo viên không biết cách kiểm soát học sinh hiệu quả. Bạo lực lúc này xảy ra qua những vụ xô xát và đánh nhau của giữa các học sinh. Nhiều học sinh bắt đầu có xu hướng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, hoặc bắt nạt bạn bè.
Và rồi mô hình tham vấn trong trường học ra đời, giúp phần nào khắc phục vấn đề này.
- Giáo sư có thể chia sẻ thêm về các hình thức xử phạt học sinh từ phía giáo viên có thể gây ra sang chấn về mặt tâm lý hơn là thể chất?
- Tôi gọi đó là bắt nạt. Nhưng theo quan sát của tôi, việc giáo viên bắt nạt học sinh là khá hiếm ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những trường hợp thầy giáo xâm hại hoặc quấy rối tình dục đối với nữ sinh. Các hành vi phổ biến như động chạm thân thể hoặc có lời nói không đứng đắn với học sinh.
Những vụ như vậy đang tăng trong 2 năm qua ở Hàn Quốc, và thực sự là một vấn nạn nghiêm trọng với chúng tôi.
Những năm gần đây, các phong trào như #MeToo được hưởng ứng mạnh mẽ, cơ quan chức năng cũng tìm cách hạn chế các trường họp giáo viên quấy rối hoặc buông lời khiếm nhã với học sinh. Nhiều giáo viên thậm chí bị buộc thôi việc và phải rời ngành giáo dục.
Mặt khác, tôi nghĩ tình trạng học sinh bắt nạt nhau xảy ra với tần suất thường xuyên hơn.
Kiểm tra tâm lý định kỳ với học sinh
- Khi những vụ bắt nạt như vậy trở nên nghiêm trọng hơn, các đơn vị tham vấn trong nhà trường ở Hàn Quốc làm cách nào để ngăn các nạn nhân tiến đến hành vi tự tử?
- Chúng tôi thường tổ chức nhiều đợt "Kiểm tra Cảm xúc và Hành vi (SEBT)" trên quy mô lớn đối với học sinh lớp 3, 6 và 9. Điều này nhằm theo dõi và phát hiện các bạn có vấn đề sức khỏe tâm thần hay không. Những đợt kiểm tra được tổ chức định kỳ hàng năm kể từ năm 2013, trên phạm vi toàn quốc.
Dựa trên dữ liệu từ những đợt đánh giá tâm lý đó, chúng tôi xác định từng cá nhân gặp dạng bất ổn tâm lý nào, ai là nạn nhân bị bắt nạt, ai đang có nguy cơ tự sát, mâu thuẫn trong các mối quan hệ hay áp lực học hành, hay đang gặp rắc rối với bố mẹ...
Học sinh Hàn Quốc được kiểm tra sức khỏe tâm thần định kỳ. Ảnh: Unsplash.
Một giải pháp khác đến từ sự quan sát của các giáo viên chủ nhiệm. Khi phát hiện những trường hợp gặp vấn đề về tâm lý, giáo viên chủ nhiệm sẽ thông báo cho đơn vị tham vấn của trường để tìm hướng giải quyết.
Dựa trên dữ liệu từ những nguồn nói trên, đội ngũ tham vấn của trường sẽ lên kế hoạch để chọn ra giải pháp thích hợp nhằm can thiệp, làm việc và tham vấn cho những học sinh cần giúp đỡ.
Có nhiều cách tiếp cận khi muốn giúp một học sinh thoát khỏi khủng hoảng về sức khỏe tâm thần. Họ có thể thực hiện với từng học sinh, hoặc theo nhóm, hoặc thông qua giáo viên chủ nhiệm, hay phối hợp với phụ huynh.
Khi tất cả những cách trên đều không hiệu quả thì một hội đồng riêng của nhà trường sẽ vào cuộc, đặc biệt trong những vụ bạo lực học đường. Một số thành viên ngoài nhà trường, như đại diện phòng giáo dục, cũng được mời tham gia hội đồng.
Vì là một vấn nạn nghiêm trọng ở Hàn Quốc, rối loạn tâm lý ở học sinh đòi hỏi giải pháp mang tính hệ thống với sự tham gia của nhiều bên liên quan.
Vào năm 2006, khoảng 35% học sinh Hàn Quốc cho biết từng bị bắt nạt hoặc các hình thức bạo lực học đường khác. Tỉ lệ này hiện nay còn khoảng 3,5%. Dù vẫn còn cao so với nhiều nước khác, tôi nghĩ việc số học sinh bị bắt nạt giảm gấp 10 lần là một tín hiệu đáng mừng.
Tỷ lệ học sinh bị bắt nạt tại Hàn Quốc đã giảm 10 lần trong 14 năm qua. Ảnh: Happenchance.
- Giáo sư có thể chia sẻ thêm về hoạt động của hội đồng nhà trường trong việc ổn định tâm lý học sinh?
- Ở Hàn Quốc, chúng tôi có một mô hình phân tầng rõ ràng: mỗi trường có một đơn vị tham vấn riêng, bên trên tổ tham vấn này là các văn phòng và hội đồng nhà trường có phạm vi ảnh hưởng lớn hơn.
Khi gặp khó khăn trong việc xử lý các trường hợp khủng hoảng sức khỏe tâm thần của học sinh, mỗi đơn vị sẽ chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ cơ quan trên quyền của họ.
Xây dựng hệ thống tham vấn học đường
- Bộ Giáo dục Hàn Quốc phân bổ nguồn lực tài chính vào hệ thống tham vấn học đường như thế nào?
- Sau sự sửa đổi ở luật giáo dục tiểu học và trung học vào năm 2004 và luật chấm dứt bạo lực học đường vào năm 2011, phần lớn trường học ở Hàn Quốc có văn phòng tham vấn gọi là WEE (We - chúng tôi, Education - giáo dục, Emotion - cảm xúc).
Chúng tôi có khoảng 12.000 trường học ở Hàn Quốc, với xấp xỉ 5.000 trường tiểu học, 2.500 trường trung học cơ sở và 2.500 trường trung học phổ thông, và các trường nghề. Do đó, nếu tính bình quân mỗi trường có một chuyên viên tham vấn học đường, cả Hàn Quốc sẽ cần khoảng 12.000 người làm việc này.
Chuyên viên tham vấn phải có trình độ cử nhân tâm lý trở lên, một số nơi có thể yêu cầu bằng thạc sĩ và đã trải qua đủ số giờ thực tập thực tế. Nên mức lương trung bình cho vị trí này trung bình khoảng 40.000 USD/người/năm (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD cho biết mức thu nhập trung bình trong năm 2019 của người Hàn Quốc là 42.300 USD/năm - PV). Có thể thấy, chi phí cho bộ phận này là tương đối đắt đỏ.
Chúng tôi bắt đầu xây dựng mô hình tham vấn học đường ở các trường phổ thông dạy nghề trước tiên, sau đó tới các cấp còn lại. Đến nay, Hàn Quốc có khoảng 6.000 chuyên viên tham vấn học đường chuyên nghiệp.
- Theo giáo sư, ai là người nên chịu trách nhiệm đầu tiên khi học sinh tự tử với nguyên nhân liên quan đến trường học?
- Bên cạnh những vụ học sinh tự sát, tôi nghĩ vấn nạn nhức nhối hơn ở Hàn Quốc hiện nay chính là tình trạng thanh thiếu niên tự làm tổn thương bản thân.
Tôi cho rằng trách nhiệm của vấn nạn này chủ yếu thuộc về nhà trường, đặc biệt là đơn vị tham vấn học đường.
Nhưng các bên liên quan như gia đình, giáo viên chủ nhiệm hoặc ban giám hiệu cũng cần nhìn nhận vấn đề và chịu một phần trách nhiệm vì đã không phối hợp nhằm tìm ra biện pháp can thiệp kịp thời.
Nhà trường nên là nơi nhận trách nhiệm đầu tiên về tình hình của học sinh. Ảnh: SCMP .
- Một vấn đề nan giải không nhiều nước hoặc trường học đủ khả năng chi trả cho dịch vụ tham vấn học đường. Kinh nghiệm của Hàn Quốc để giải quyết việc này như thế nào?
- Tôi nghĩ đây là một vấn đề mang tính hệ thống. Hàn Quốc cũng từng trải qua tình trạng tương tự.
Khi tình trạng học sinh tự hại và tự tử ngày một gia tăng từ áp lực nhiều phía như tôi đã phân tích, chính phủ quyết định rằng cần đầu tư nguồn lực để xử lý vấn nạn này.
Chúng tôi xây dựng nền tảng cho các đơn vị tham vấn một cách từ từ. Đây là một quá trình đòi hỏi thời gian và không hề đơn giản.
Các phụ huynh cũng phải chia sẻ trách nhiệm trong vấn đề này. Nhưng điều này không dễ thực hiện. Chúng ta cần tăng cường tuyên truyền để giúp các bậc cha mẹ hiểu được sự nghiêm trọng của vấn đề, nhằm giúp các em học sinh phần nào giảm bớt áp lực và tránh khủng hoảng về mặt tinh thần.
Bố mẹ cũng cần phải học cách giao tiếp với con cái để tìm hiểu vấn đề của các con.
Tuy nhiên, hướng tiếp cận với phụ huynh không phải việc dễ dàng và không phải lúc nào cũng hiệu quả, bởi ngay chính người lớn cũng có vấn đề.
Một số chuyên viên tham vấn mà tôi biết cũng đã thực hiện vài buổi tư vấn cho phụ huynh, nhưng cũng không hiệu quả. Nhìn chung, rất khó để thay đổi kỳ vọng của phụ huynh với con em mình. Từ đó có thể thấy, cách tiếp cận và thái độ của từng gia đình là rất quan trọng.
Giáo sư Lee Sang Min phụ trách chuyên ngành tham vấn học đường tại Korea University - ngôi trường được Times Higher Education xếp thứ 20 trong top 100 đại học tốt nhất châu Á năm 2020.
Ông Lee nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Florida và từng đảm nhiệm vai trò phó giáo sư ở Đại học Arkansas giai đoạn 2004-2006. Giai đoạn 2015-2020, giáo sư Lee xuất bản hơn 20 bài viết và nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý và tham vấn học đường.
100.000 học sinh Trung Quốc tự tử mỗi năm do áp lực học tập Thống kê chỉ ra phần lớn nguyên nhân tự tử của học sinh Trung Quốc xuất phát từ xung đột với giáo viên, áp lực bài vở, điểm số và bị cha mẹ chỉ trích. Vừa qua, The Papper trích dẫn thống kê từ The Economist , cho thấy tỷ lệ tự tử của thanh thiếu niên Trung Quốc đứng đầu thế giới....