Giới trẻ đi bar – Hư hỏng hay lành mạnh?
Thật không khó để gặp những “cậu ấm cô chiêu” tuổi teen ở những quán bar nổi tiếng tại Hà thành. Bar, pub đã quá quen thuộc với giới trẻ hiện nay, đôi khi bar lại là lựa chọn để giải tỏa stress.
Dạo quanh một vài quán bar mà giới trẻ hay lui tới như T-Bar, Next Top, Press club, Roofs Bar, Sơn Trà, Jam… dễ dàng nhận thấy khá nhiều teen đang lao mình vào những bữa tiệc âm nhạc sôi động, đang nhún nhảy lắc lư theo điệu nhạc của DJ.
Bảo Nam (18 tuổi) cho biết : “Mình thường đến đây vào dịp cuối tuần, vì chỉ có ở bar mình mới được thể hiện đúng bản thân của mình. Chả sợ bị ai soi mói, vào đây mà còn canh cánh lo âu thì nói làm gì nữa”.
Hầu hết bạn trẻ tới các quán bar mong có xu hướng được thể hiện bản thân mình, đến đây sau một ngày học hành và làm việc mệt mỏi. Bar chính là điểm tựa cho các bạn khi đến đây “uống một chút cocktail trong thời tiết giá lạnh thì còn gì bằng, cả ngày đi học và làm thêm cũng phải cho mình những phút thư giãn riêng chứ, tận hưởng từ bây giờ đi là vừa”, H. Oanh ( sv năm nhất HV Ngân Hàng) vui vẻ chia sẻ.
Kết thúc mùa thi cử, các teen lại càng hào hứng đến bar để giải trí. Có khá nhiều trò tiêu khiển để teen có thể thỏa thích vui chơi. Hàng tuần hoặc hàng tháng tại các bar cũng tổ chức các chương trình lành mạnh như lady night, mini show, white party… nhưng đều theo xu hướng và “thiết kế” lại để có thể phù hợp cho phần đông giới trẻ hơn.
Thông thường giới trẻ đến đây vào dịp cuối tuần là chủ yếu, tần suất của teen ngồi ở bar cũng rất thong thả chứ không nhiều như những dân chơi “nghiện” bar thực sự.
Bar, pub đã quen thuộc với giới trẻ hiện nay, đôi khi Bar lại là lựa chọn cho giới trẻ để giải tỏa stress
Là nơi bạn “đốt tiền” nhanh nhất
Video đang HOT
Đi bar thường được đi theo nhóm đông người, chí ít cũng 2 người chứ ít khi có ai mà 1 mình đến bar. Những trào lưu được mở ra như party “noman” là đi theo từng nhóm chỉ có con gái với nhau. Chủ yếu là để gây chú ý, “hoành tráng” với những người có mặt trong bar. Ai cũng xinh đẹp trẻ trung “đều tóc nối, dán mi, make up, lens giãn tròng giống nhau cả thì ai chả đẹp, toàn girl xinh đi với nhau lại chả được chú ý quá”, Vân Lan (1991) nói.
Là nơi tụ tập của những “cậu ấm cô chiêu” lắm tiền, chứng tỏ sự sành điệu của bản thân, càng về đêm muộn các bar lại càng rộn ràng trong tiếng nhạc. H.Tuấn (17 tuổi) tâm sự : “Đến bar là cách giải trí tốt nhất cho bản thân, bố mẹ không quan tâm đến em thì để tiền quan tâm đến em. Vừa có bạn bè, vừa bay nhảy còn gì vui hơn nữa đâu”.
Hay những chia sẻ rất hồn nhiên của lứa tuổi đang đi học “Đi bar cho vui chứ sắp 2012 đến nơi rồi thì muốn chơi cũng chả được nữa đâu (?!) Tận hưởng tuổi trẻ đi chứ”.
Mỗi lần đến bar có thể mất từ 500 nghìn đến tiền triệu là chuyện bình thường. Không thể phủ nhận hầu hết các bar hiện nay chủ yếu bán đồ uống là rượu và được nhập ngoại. Rượu được trải dài trên khắp tất cả các mặt bàn có trong bar. Uống rượu mạnh pha lẫn với âm nhạc sôi động làm nên cái chất ở bar. Và giá cả của những đồ uống này thì không hề rẻ một chút nào.
Quan trọng là bản lĩnh của những bạn trẻ khi đến với bar để có thể vui chơi lành mạnh, “phóng thoáng nhưng không buông thả”
Nên nhìn bar theo hướng lành mạnh
Đừng nghĩ rằng các tại các bar, pub thì có thể vào dễ dàng. Mỗi nơi đều có những quy định khác nhau. Và dân ” sành” chơi cũng biết chọn địa điểm nào là thích hợp cho mình. H.Tuấn (21 tuổi) cho hay: “Đến những quán bar bình dân thì thà ở nhà đi hát karaoke còn hay hơn, đến đó chỉ thấy khói thuốc mù mịt chứ giải tỏa stress được gì”.
Càng ngày càng nhiều bar, pub được mở ra để phục vụ phần đông giới trẻ có nhu cầu. Bar không hề xấu và hư hỏng như nhiều người vẫn thường nghĩ. Đừng vội vàng đưa ra những phán đoán xấu về bar rằng đây là con đường dễ khiến teen sa vào nghiện ngập, mại dâm… để có tiền đi bar.
Rất nhiều tâm sự của các bạn trẻ khi đến với bar thì trở về họ có nhiều hưng phấn hơn trong làm việc và học tập. Có rất nhiều bar được mở ra dành cho giới sành nghe nhạc, những bản nhạc jazz, rock & roll hay Flamenco… để cho giới trẻ có thể lựa chọn.
Quan trọng là bản lĩnh của những bạn trẻ khi đến với bar để có thể vui chơi lành mạnh, “phóng thoáng nhưng không buông thả”.
Theo VietNamNet
Thâm nhập thế giới đêm Đà thành (3): 1001 lý do để cậu ấm, cô chiêu "đốt" tiền như rác
Kể cả ngày mới hết các kiểu chơi độc, chơi không đụng hàng ở vũ trường của các cậu ấm, cô chiêu. Vui cũng chơi, buồn cũng chơi. Đến lúc không vui không buồn thì chẳng lẽ lại không chơi?
Thật tình cờ, trong chuyến "ăn chơi" này, khi vào F.T.V, tôi gặp lại Hoàng - cách đây mấy năm là học sinh của tôi ở Trường D.H. Hoàng học kém quá nên xong lớp 12 của trường tư thục này là quay về nối nghề của bố, quản lý một Cty thu mua phế liệu. Dù hồi còn đi học bị tôi phạt và bắt viết bản kiểm điểm, nhưng gặp lại, Hoàng vẫn tỏ ra rất lễ phép, xử sự đúng cách của một dân chơi.
Bình Shisha - dân chơi gọi là tẩu thuốc lào Ả-rập. Ảnh: C.K
Rời đám bạn, Hoàng cầm chai rượu Martini đến chào bàn chúng tôi. Tu ực hết ly rượu, Hoàng cho biết là hôm nay sinh nhật một cô bạn trong nhóm, theo thông lệ thì phải lên sàn chơi cho đã. Dưới ánh đèn màu và tiếng nhạc tức ngực, cậu chỉ về đám bạn đang lắc lư rồi hét vào tai tôi: "Sinh nhật con bé mặc bộ đầm đen đang xõa tóc ấy. Mỗi đứa được nó tặng một chấm "đá" rồi mới vào đây. Nó phê rồi".
Tôi hỏi mỗi đám sinh nhật như vậy xài hết khoảng bao nhiêu thì cậu ta nói khoảng trên dưới chục "chai" (chục triệu), đứa nào rủng rẻng thì bao hết, còn không thì cả nhóm "Cam - pu - chia". Hoàng còn cho biết, thời gian gần đây trên bàn sinh nhật của một dân chơi thứ thiệt không thể thiếu cái bình hút Shisha. Loại hàng mới này còn được gọi với một cái tên sành điệu là thuốc lào Ả-rập. Mỗi tụ điểm ăn chơi thường trang bị một kiểu bình Shisha có tính đặc trưng mang tính thương hiệu. Nhưng chúng đều mang dáng vẻ cổ, cái vòi tẩu từa tựa cây đèn thần của Aladin. Ai chưa quen mà rít một hơi thì ho sặc sụa rồi say vật như "cóc say thuốc lào" (lời của Hoàng), nhưng ghiền rồi thì phê đáo để.
Ở L.S, chủ nhân của tiệc sinh nhật luôn được tôn vinh bằng những khoảng lặng không có nhạc mạnh, khi M.C nói đến tên của họ thì ánh sáng cũng chiếu tới khiến cả sàn không thể không quan tâm. Tất nhiên, để có được những dịch vụ chu đáo và tận tình ấy thì riêng phí "bôi trơn" cũng đã tốn tiền triệu. Mà dân chơi thì đâu sợ... mưa rơi!
Ngay cạnh bàn chúng tôi ngồi là sinh nhật của một thiếu gia cỡ chưa tới 20 tuổi. Có hơn chục em vừa là phục vụ vừa là "đào" váy ngắn cũn cỡn cùng 2 em khác mặc áo dây mỏng tang đứng phục vụ. Vòi "cây đèn thần" liên tục quay, cả đám chụm đầu vào hút, xong lại ngửa cổ phả thuốc lên trần, quay lại nốc rượu và gật gù theo tiếng nhạc. Đúng như cách hành xử của một thiếu gia, cứ mỗi em phục vụ uống với cậu một ly rượu ngoại là cậu rút 1 "xị" (100 ngàn đồng) từ xấp tiền để sẵn trên bàn "thưởng nóng". Cậu bạn quay sang tôi giải thích: "Dân chơi không bao giờ dùng bóp".
Tất nhiên, nói đến các sự kiện để cậu ấm, cô chiêu có cỡ tiêu tiền và thể hiện đẳng cấp ăn chơi thì rất nhiều người phải ngả mũ trước những tay chơi có máu mặt thường xuất hiện ở sàn N.P.Đ. Khoảng hơn 1 giờ sáng, chúng tôi đón taxi tới đây thì gần như đã hết bàn. Chen chúc mãi, một nam nhân viên phục vụ mới dẫn chúng tôi tới được vị trí không được đắc địa, nhưng ngoảnh mặt sang phải thì thấy "gái mồi", ngoảnh sang trái thì thấy "gái cột".
Ngay phía trước mặt của chúng tôi là đại tiệc của một cặp uyên ương. Chàng trai tóc vuốt keo dựng ngược, bắp vai có hình xăm một con bọ cạp. Cô gái có mái tóc đầm, đeo kính cận trông rất hiền. Theo người phục vụ thì cả hai đều là sinh viên của một trường ĐH dân lập tại Đà Nẵng, họ mời bạn thân đến đây để kỷ niệm 1 tháng quen nhau. Giọng cô gái gần giống như người Vinh (Nghệ An), còn chàng trai thì đích thị là trai Đà thành.
Trên bàn có tất thảy 4 chai Henessy VOSOP 700ml để ở 4 góc, ở giữa là 2 đĩa trái cây lớn còn lại là bia Heineken và nước suối. Cả nhóm như điên cuồng nhắm nghiền mắt rồi giật người theo tiếng nhạc. Gần như các loại thức uống trên bàn không bao giờ nghỉ, cứ hết nốc rượu họ lại dùng bia "chữa cháy". Một hồi chán quá, chàng trai và cô gái chủ bữa tiệc thống nhất chuyển qua uống bia là chính, muốn chữa cháy thì phải dùng... rượu Hennesy! Ngay tức khắc cả nhóm ré lên phấn khích vừa ôm eo bá cổ nhau vừa ngửa mặt nốc ừng ực.
Tiệc sinh nhật của một nhóm dân chơi. Người bạn của tôi nói họ "cắn" hàng đá rồi mới vào đây.
Khoảng 2 giờ, các "sàn" trên địa bàn Q. Hải Châu "xả hàng", ai đủ đô rồi thì về nhà hay cắp nhau thuê khách sạn ở, ai chưa "phê" thì tập kết về F.T.V. Đây là tụ điểm hoạt động tới hơn 3 giờ sáng và là nơi kết thúc của những cuộc chơi thâu đêm. Thật trùng hợp lại bắt gặp cái lễ kỷ niệm 1 tháng yêu nhau của bàn tiệc hơn chục người cách đây nửa tiếng đồng hồ còn ở N.P.Đ. Nhưng giờ thì họ ngồi đối diện với sàn múa cột và ôm nhau lắc một cách thác loạn. Ngay phía trên đầu họ, cả tầng 2 với ánh sáng yếu hơn, dù dân chơi chật như nêm cối nhưng có cái gì đó rất bí hiểm.
Phía hai bên sảnh, bàn được bố trí theo một hàng dọc, nhưng ở vị trí trung tâm của tầng 2 có tới gần chục bàn tròn chơi ghép với nhau. Người đứng ở vị trí trung tâm như cái cọc kim đồng hồ xoay về các hướng nâng ly liên tục. Vì nhiều bàn nên bình Shisha phải chạy quay vòng. Nhân vật trung tâm mặc chiếc áo pull đen, đầu đội mũ hiphop, phía sau lưng và trước ngực đều ghi hai chữ màu trắng: "Rửa xe". Chúng tôi thắc mắc với cô gái phục vụ thì được giải đáp là "anh ấy rửa con xe Audi mới mua". Chắc phải kể cả ngày mới hết các kiểu chơi độc, chơi không đụng hàng ở vũ trường của các cậu ấm, cô chiêu. Vui cũng chơi, buồn cũng chơi. Đến lúc không vui không buồn thì chẳng lẽ lại không chơi? Rồi thì sinh nhật, tỏ tình, thất tình, chia tay, xe mới, thoát chết sau tai nạn, kiểu tóc mới, bồ mới... Có tiền trong tay, thiếu gì cách để chơi, thiếu gì cách khẳng định số má của mình.
Theo ANTD
TG 24 giờ qua ảnh: Bé trai cầm vỏ đạn Người biểu tình đốt tiền giả, đàn sếu bay trong chiều hoàng hôn, lấy nước dưới vũng nhỏ,... là những hình ảnh ấn tượng nhất trong 24 giờ qua. Những người biểu tình đốt tiền giả trước tòa nhà giao dịch chứng khoán Beursplein 5 ở Amsterdam, Hà Lan. Chim đà điểu tại trang trại Artestruz ở Campos, Mallorca. Trang trại này nuôi...