Giới ‘lái súng’ Mỹ vẫn lãi to
Trong khi kinh tế thế giới vẫn trong tình trạng trì trệ thì Mỹ vẫn lãi to với doanh thu xuất khẩu vũ khí trong năm 2014 tăng 35% so với năm trước. Mức gia tăng này ước tính khoảng 10 tỷ USD.
Hệ thống tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ là mặt hàng được xuất khẩu nhiều trên thế giới
Báo cáo vừa được công bố của một cơ quan nghiên cứu thuộc Thư viện Quốc hội Mỹ cho thấy, thị trường buôn bán vũ khí thế giới tăng trưởng không đáng kể từ năm 2013 do “tình hình kinh tế toàn cầu yếu kém”. Tuy nhiên, sự tụt giảm tốc độ tăng trưởng này không liên quan gì đến giới lái súng Mỹ. Con số thống kê cho thấy, trong năm 2014, doanh thu xuất khẩu vũ khí của Mỹ đã cán mốc 36,2 tỷ USD, tăng gần 10 tỷ USD so với 1 năm trước đó.
Còn theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong khi tổng doanh số của 100 công ty chế tạo vũ khí hàng đầu thế giới trong năm 2014 là 401 tỷ USD, giảm 1,5% so với năm 2013, thì Mỹ vẫn thống trị top 100 này, chiếm tới 54,4% thị phần vũ khí toàn cầu. Trong danh sách này, số 1 là Tập đoàn Lockheed Martin với tổng kim ngạch tăng lên 37,5 tỷ USD trong năm 2014, vượt Công ty Boeing có doanh thu 28,3 tỷ USD, đứng thứ hai.
Một câu hỏi mà các nhà bình luận quân sự thường đặt ra là, tại sao có khá nhiều quốc gia sản xuất vũ khí có chất lượng mà những nước nhập khẩu lại thích chọn mua của Mỹ? Chẳng hạn, hầu hết các nước mua vũ khí của Nga đều đánh giá cao hiệu quả, giá vừa tầm và chất lượng cao. Các chuyên gia quân sự nói rằng, nếu ném khẩu AK xuống bùn hoặc cát, sẽ chẳng có trục trặc gì xảy ra, trong khi súng của Mỹ không cho phép người dùng làm như vậy. Tương tự, vũ khí của Israel cũng có chất lượng rất cao nhưng tiềm năng xuất khẩu của nước này không thể đua được với Mỹ.
Video đang HOT
Câu trả lời là Mỹ rất khéo léo sử dụng bản đồ địa chính trị để giải quyết các vấn đề của nền kinh tế Mỹ và làm thay đổi cán cân lực lượng quân sự ở các bộ phận khác nhau của thế giới. Chẳng hạn, Mỹ thường lớn tiếng về nguy cơ hạt nhân của Iran, để từ đó gia tăng xuất khẩu vũ khí vào khu vực Vịnh Pécxích với lý do “giúp” khu vực này củng cố hệ thống phòng thủ trước sự tấn công của Iran.
Chuyên viên V. Yevseyev, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị xã hội của Nga, nêu ví dụ về việc Mỹ kiếm lợi nhờ “đục nước béo cò” như thế nào. Ông nói: “Mỹ đang mở rộng phạm vi xuất khẩu vũ khí trong bối cảnh một số quốc gia hết sức lo ngại về an ninh của nước mình. Chẳng hạn, trước nguy cơ bùng nổ xung đột giữa các chế độ quân chủ Arập và Cộng hòa Hồi giáo Iran, các quốc vương Arập đã thông qua quyết định mua thêm khối lượng đáng kể vũ khí từ Mỹ, trong đó chủ yếu là vũ khí phòng thủ tên lửa”.
Đó cũng là lý do giải thích vì sao các nước như Arập Xêút, Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Qatar, Oman… sẵn sàng bỏ ra hàng chục tỷ USD để mua hệ thống tên lửa hiện đại và máy bay thế hệ mới của Mỹ, giúp Mỹ trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới và kiểm soát đến 54,4% thị trường vũ khí thế giới. Có thể kể ra đây thương vụ bán vũ khí trị giá 11 tỷ USD hồi tháng 7-2015 của Mỹ với Qatar, bao gồm 10 khẩu đội tên lửa Patriot, 24 máy bay trực thăng Apache và 500 tên lửa chống tăng Javelin.
Trên quy mô toàn cầu, Mỹ đang là nhà cung cấp vũ khí chính cho châu Âu, Trung Đông và Đông Nam Á. Khi các “điểm nóng” trên thế giới chẳng những không hạ nhiệt mà còn xuất hiện nhiều thêm, Mỹ sẽ còn có thêm nhiều cơ hội kiếm lời từ bán vũ khí.
Theo_An ninh thủ đô
Nhân tố Mỹ trong giá dầu: Washington xuất mạnh, không lo lỗ
Theo chuyên gia, Mỹ đã tính toán kỹ khi chọn thời điểm giá dầu giảm sâu để dỡ lệnh cấm xuất khẩu dầu vốn tồn tại suốt 40 năm qua.
Thời điểm thích hợp
Trong những ngày qua, giá dầu thế giới tiếp tục giảm xuống mức thấp kỷ lục mới sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định tăng mức khai thác lên 31,5 triệu thùng/ngày (trước đó là 30 triệu thùng/ngày) trong khi nguồn cung trên thế giới vẫn đang dư thừa. Nhiều kịch bản giá dầu đã được đưa ra, trong đó có cả kịch bản giá dầu về ngưỡng 20 USD/thùng. Trong bối cảnh đó, Mỹ bất ngờ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu đã tồn tại trong suốt 40 năm qua. Quyết định này được nhìn nhận là thay đổi lịch sử về chính sách năng lượng của Mỹ và có thể khiến giá dầu thế giới tiếp tục "dò đáy" trong thời gian tới.
Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu đã tồn tại trong suốt 40 năm qua.
Đánh giá về quyết định của Mỹ, Ths Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, động thái này ẩn chứa nhiều toan tính, trong đó nó có thể kèm theo những ý đồ về địa chính trị và cũng nhằm trợ giúp người đồng minh châu Âu của Mỹ.
Điều đáng nói, khi ra quyết định Mỹ đã có một nền tảng vững chắc phía sau, đó là Washington đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc hạn chế dần các năng lượng hóa thạch và chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Hiện tại, công nghệ điện mặt trời, điện gió đang phát triển với tốc độ cực nhanh ở Mỹ. Từ khi ông Obama lên làm tổng thống đã muốn dùng ưu thế về công nghệ và cạnh tranh của nước Mỹ để nhanh chóng tạo ra những công nghệ mới. Rất có thể khi những công nghệ đó ra đời sẽ tạo ra trào lưu mới và chu kỳ tăng trưởng mới cho Mỹ cũng như kinh tế thế giới. Đây là yếu tố rất quan trọng vì phải có nguồn năng lượng thay thế thì Mỹ mới chấp nhận tung dầu ra vào thời điểm này.
"Nước Mỹ không bao giờ mạo hiểm từ bỏ một thứ chiến lược mà không chuẩn bị một thứ chiến lược khác sẵn sàng", ông Sơn nhấn mạnh.
Về mặt lợi ích, theo ông Bùi Ngọc Sơn, các doanh nghiệp kinh doanh dầu của Mỹ nếu được xuất khẩu dầu thô sẽ thu lợi nhiều hơn vì hiện các doanh nghiệp này đang phải bán dầu ở trong nước thấp hơn giá bên ngoài tới 10 USD/thùng.
Một vũ khí vô cùng quan trọng Mỹ đang nắm trong tay đó là công nghệ khai thác dầu đá phiến. Theo một tính toán, chỉ cần giá dầu ở mức 40 USD/thùng là doanh nghiệp sản xuất dầu của Mỹ đã có lãi tới 10%. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp Mỹ còn có thể lãi cao hơn bởi những tiến bộ trong công nghệ khai thác dầu đá phiến có thể hạ chi phí xuống thấp hơn nữa. Chính vì thế, nếu doanh nghiệp Mỹ được xuất khẩu dầu với giá đắt hơn giá bán trong nước, họ sẽ được lợi thêm và sẽ tiếp tục cầm chịch thị trường.
Một ý đồ khác khi Mỹ quyết định gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu được ông Sơn dự đoán, đó là Mỹ có thể tiếp sức cho các đồng minh ở châu Âu đấu tranh với Nga trong vấn đề Ukraine. Thời gian qua, Moscow thường sử dụng chiêu bài năng lượng để gây sức ép với châu Âu, tuy nhiên một khi Mỹ xuất khẩu dầu, sức ép ấy khó có thể mạnh mẽ được như trước.
"Rõ ràng, Mỹ không tội gì không làm khi động thái ấy vừa đem lại lợi ích cho doanh nghiệp Mỹ, vừa giúp Mỹ tăng cường thế lực, gây áp lực trở lại đối với các quốc gia trước đây từng dùng dầu lửa để gây khó dễ cho Mỹ trong các vấn đề địa chính trị như Nga, Iran... Thậm chí ngay cả với lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nếu Mỹ bung dầu ra bán với giá thật rẻ, lực lượng này cũng sẽ bị thiệt hại lớn", Ths Bùi Ngọc Sơn đánh giá.
Trước lo ngại Mỹ có thể bị "gậy ông đập lưng ông" khi giá dầu suy giảm mạnh sẽ tác động tiêu cực tới hầu hết các nền kinh tế thế giới, ngay cả nền kinh tế dẫn dắt đà tăng trưởng của kinh tế thế giới như Mỹ, vị chuyên gia bày tỏ: "Giá dầu không tác động đến hầu hết các nền kinh tế thế giới mà chủ yếu là các nước có thu nhập trông đợi quá nhiều vào dầu lửa và không nghĩ đến việc chuyển hướng sử dụng năng lượng khác như Nga, Brazil, Venezuela... Đó không phải là những nền kinh tế lớn và chủ chốt trên thế giới. Một số quốc gia đó bị thiệt khi giá dầu giảm nhưng cái lợi của thế giới là sẽ có nhiều tiền cho tiêu dùng và nâng cao công nghệ, tăng trưởng về lâu dài tốt hơn.
Các nước xuất khẩu dầu lớn sẽ vẫn phải duy trì, thậm chí tăng sản lượng khai thác dầu bởi họ không còn cách nào, dù dầu rẻ hay không thì vẫn phải bán để lấy tiền. Như Nga chẳng hạn, các mỏ dầu ở Nga có chi phí khai thác khá rẻ vì không có công nghệ cao nên sống chết vẫn phải bán tài nguyên.
Theo_Báo Đất Việt
Fed nâng lãi suất ảnh hưởng kinh tế thế giới như thế nào? Thời kỳ chính sách tiền tệ dễ dàng của các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn tiếp diễn, ngay cả sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định nâng lãi suất lên phạm vi 0,25% - 0,5%. Giới chuyên gia dự báo sẽ không có nhiều ngân hàng trung ương đi theo con đường thắt chặt chính sách...