Giới khoa học đau đầu “giải mã” mối liên hệ giữa Covid-19 và não bộ
Trong những tuần đầu Covid-19 bùng nổ, các nhà khoa học đã băn khoăn với một câu hỏi rằng liệu có nên mở hộp sọ của các bệnh nhân đã chết vì Covid-19 và chiết xuất não của họ hay không.
(Ảnh minh họa: Medicalnews).
Các nhân viên khám nghiệm tử thi tại Đại học Columbia ở New York (Mỹ) thật sự đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Bởi nếu cưa phần xương sọ sẽ gây ra bụi mịn, trong khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cảnh báo, thi thể các bệnh nhân mắc bệnh khi để xảy ra các bụi mịn trong không khí có thể làm lây lan dịch bệnh.
Nhưng khi dịch bệnh ngày càng lây lan khó kiểm soát, số người chết càng gia tăng, các nhà nghiên cứu quyết định “làm tất cả những gì có thể để bắt đầu thu thập mô não”, nhà thần kinh học Peter D. Canoll ở bang Columbia cho biết.
Vào tháng 3/2020, trong một căn phòng cách nhiệt, nhóm nghiên cứu Columbia đã chiết xuất não của một bệnh nhân đã chết vì Covid-19. Trong những tháng tiếp theo, họ tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều bộ não khác. Ở Đức, các nhà khoa học cũng đã mổ xẻ não của bệnh nhân Covid-19 bất chấp các cơ quan y tế khuyến cáo không nên làm điều đó.
Các nhà nghiên cứu muốn tìm kiếm những tổn thương trong não và xem lượng virus có tồn tại trong não không, vì khi đó câu hỏi virus Covid-19 ảnh hưởng đến hệ thần kinh như thế nào vẫn là điều bí ẩn. Chủ nhiệm khoa thần kinh tại Đại học California ở San Francisco và là Tổng biên tập của tạp chí học thuật JAMA Neurology, ông Andrew Josephson, cho biết: “Chúng tôi đã nhận hàng trăm báo cáo gửi về nói rằng: “Chúng tôi đã cưa một họp sọ của bệnh nhân X nhưng vẫn không thể định hình được liệu có mối liên hệ giữa virus gây bệnh Covid-19 và não bộ hay không”.
Các bệnh nhân Covid-19 cho biết, họ bị rối loạn thị giác và thính giác, chóng mặt và cảm giác ngứa ran. Một số thậm chí mất khứu giác hoặc tầm nhìn bị hạn chế. Vài tuần hoặc vài tháng sau khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng, một số vẫn bị chứng “sương mù não” (thuật ngữ chỉ hội chứng rối loạn chức năng tập trung, học tập và trí nhớ, gây ra sự nhầm lẫn, mất phương hướng trong một thời gian ngắn) dai dẳng.
Giờ đây, ngay cả khi đại dịch ở Mỹ đang hạ nhiệt, các nhà khoa học vẫn có thể sẽ mất rất nhiều năm để có thể hiểu đầy đủ hơn về cách virus tấn công não. Khám nghiệm tử thi những bệnh nhân bị nặng nhất cho thấy có hiện tượng đông máu trong não và các dấu hiệu tổn thương cấp tính khác. Nhưng họ vẫn không có nhiều bằng chứng rằng liệu virus có tấn công trực tiếp vào “cơ quan trung ương” này hay không. Ngoài ra, nhiều chi tiết về triệu chứng thần kinh khác do Covid-19 gây ra cũng chưa được làm rõ.
Nhiều nhà thần kinh học, bao gồm cả ông Josephson, nghi ngờ rằng virus gây bệnh Covid-19 có thể hoạt động giống như virus herpes, thường gây mụn rộp ở da, miệng, môi… Nhiều ca nhiễm trùng nặng thường gặp gồm viêm não, viêm màng não. Chính việc viêm nhiễm sưng tấy đó đã kích hoạt hệ thống miễn dịch. Và đôi khi, vài tuần hoặc vài tháng sau, bệnh nhân chuyển nặng không phải do virus tấn công mạnh mà là do cơ thể tự miễn dịch quá mức.
Đi tìm virus SARS-CoV-2 trong não
Video đang HOT
Kiran T. Thakur, nhà thần kinh học tại Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học Columbia ở New York cho biết: “Một bệnh nhân có virus SARS-CoV-2 trong não của họ có thể có các triệu chứng liên quan đến não bộ, chẳng hạn như viêm màng não hoặc viêm não”.
Virus một khi xâm nhập vào não rất khó tiêu diệt khi đó, “cơ quan trung ương” này có thể trở thành nơi trú ẩn lý tưởng của chúng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, não bộ rất dễ bị SARS-CoV-2 xâm nhập, ít nhất là trên lý thuyết. “Thành thật mà nói, tôi không nghĩ rằng những nghiên cứu này cho chúng ta biết nhiều điều về những gì đang diễn ra trong não của những người bị nhiễm Covid-19″, James E. Goldman, nhà thần kinh học tại Columbia cho biết.
Theo báo cáo đăng trên tạp chí Brain vào tháng 4, họ không tìm thấy protein của virus khi mổ xẻ não bộ. Mặc dù không tìm thấy nhiều virus nhưng bộ não của các nạn nhân Covid-19 không phải là không bị tổn thương.
Các nhà nghiên cứu Columbia đã phát hiện ra hai hiện tượng chính trong não của những bệnh nhân chết vì Covid-19. Đầu tiên là nhồi máu, mô chết xung quanh các mạch máu bị tắc nghẽn. Vấn đề thứ hai xuất hiện ở thân não, tiểu não và các khu vực khác, liên quan đến một nhóm tế bào miễn dịch. “Chúng thực sự đang tấn công và ăn mòn các tế bào thần kinh”, nhà nghiên cứu Canoll nói.
Trong khi HIV ngăn chặn khả năng miễn dịch, virus gây bệnh Covid-19 tạo “một hệ thống miễn dịch chống viêm”. Phản ứng này khiến cơ thể tự giải phóng các kháng thể, cuối cùng gây hại cho các tế bào hoặc mô chính. Nhà khoa học Harthi cho biết, các kháng thể này đã được tìm thấy trong não của những bệnh nhân mắc Covid-19 nặng.
Giới khoa học hồ nghi giả thuyết 'nCoV bắt nguồn từ phòng thí nghiệm'
Các nhà khoa học cho rằng bằng chứng của cả hai lập luận là "nCoV đến từ tự nhiên" hoặc "nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm" đều quá yếu, cần tiến hành điều tra thêm.
Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đột ngột ra lệnh cho cơ quan tình báo Mỹ điều tra nguồn gốc Covid-19, nhiều nhà khoa học phản ứng tích cực. Những tuần gần đây, họ nỗ lực để có thêm thông tin về hoạt động của phòng thí nghiệm sinh học ở Vũ Hán, Trung Quốc. Song các nhà nghiên cứu cảnh báo mọi thứ chưa thể sáng tỏ trong ba tháng theo yêu cầu của Tổng thống.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, hai giả thuyết đối lập phổ biến nhất là "nCoV đến từ tự nhiên" hoặc "nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm". Đến nay, giới khoa học tranh luận thêm quan điểm mới là "virus tới từ nguồn không xác định".
Akiko Iwasaki, chuyên gia miễn dịch Đại học Yale, cho biết: "Ban đầu, nhiều người bị áp lực và không lên tiếng, vì giả thuyết gắn liền với các thuyết âm mưu và thái độ ủng hộ Trump. Có rất ít cuộc tranh luận mang tính xây dựng ngay từ đầu".
Tiến sĩ Iwasaki và 17 nhà khoa học khác đã thảo luận về vấn đề này trên tạp chí Science. "Chúng tôi cảm thấy đã đến lúc cần lên tiếng về điều này và tìm hiểu thêm luận điểm khoa học đằng sau những gì đang diễn ra. Tôi hoàn toàn cởi mở với tất cả các giả thuyết. Có quá ít bằng chứng với cả hai, xác suất như thể tung đồng xu", ông Iwasaki và những người cùng chí hướng tuyên bố.
Jesse Bloom, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, cho biết thêm: "Tôi thường chỉ phát biểu công khai về một chủ đề khi có kết quả khoa học mới củng cố cho luận điểm của mình. Với trường hợp nCoV, tôi vẫn chưa chắc chắn điều gì đã xảy ra".
"Song thời gian qua, việc không kết luận về nguồn gốc virus có thể đã được hiểu thành nCoV chắc chắn xuất phát từ động vật", ông nói thêm.
Lực lượng an ninh bên ngoài Viện Virus học Vũ Hán trong chuyến thăm của phái đoàn WHO hồi tháng 2. Ảnh: AFP
Các nhà khoa học phần lớn nghiêng về ý kiến virus lây sang người từ dơi hoặc vật nuôi trong nông trại. Chưa có bằng chứng trực tiếp cho thấy nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm, rằng các nhà khoa học Trung Quốc đã phân lập được virus và vô tình lây nhiễm cho nhân viên.
Song động thái của Trung Quốc trong cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khiến giới chuyên gia khó lòng bác bỏ lý thuyết Covid-19 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm. Tháng 2/2020, nước này vấp phải sự chỉ trích vì đã kiểm soát quyền truy cập dữ liệu của phái đoàn. Các chuyên gia cũng không được điều tra các phòng thí nghiệm nghiên cứu nCoV.
Hôm 26/5, hai tuần sau bài đăng trên Science, ông Biden kêu gọi các cơ quan tình báo "nỗ lực gấp đôi" để điều tra và gửi báo cáo trong vòng 90 ngày. Hôm 27/5, ông cho biết sẽ công bố báo cáo thời gian tới.
Dù các nhà nghiên cứu hoan nghênh việc tìm kiếm câu trả lời về đại dịch, một số cảnh báo quá trình sẽ tốn rất nhiều thời gian.
"Đến cuối cùng, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu chúng ta vẫn không có thêm nhiều thông tin", W. Ian Lipkin, chuyên gia virus tại Trường Y tế Công cộng Mailman, Đại học Columbia, người thuộc phái đoàn đầu tiên của Mỹ đến thăm Trung Quốc năm 2020, nhận định.
Những ngày đầu, cộng đồng thậm chí lan truyền thuyết âm mưu Covid-19 là vũ khí sinh học. Tháng 3/2020, tiến sĩ Lipkin và các đồng nghiệp công bố lá thư ngỏ bác bỏ khả năng này.
Ông và các chuyên gia khác cho biết quá trình tiến hoá có thể tạo ra loại virus mới gây đại dịch. Dơi và nhiều loài động vật khác là vật chủ của virus corona nói chung. Khi một cá thể bị nhiễm hai chủng corona khác nhau, virus hoán đổi vật chất di truyền và tạo ra chủng hoàn toàn mới.
Khi các nhà khoa học tìm thấy nhiều loại virus corona trên động vật hơn, họ nhận ra ngày càng nhiều mảnh nCoV phát tán giữa chúng. Họ tái tạo một số bước quan trọng để virus tiến hóa thành mầm bệnh thích nghi ở người trong khi đang lây nhiễm trên động vật.
Đây là mô hình phát triển chung của nhiều loại virus hiện là gánh nặng đối với sức khỏe con người. Ví dụ, HIV xuất hiện từ đầu những năm 1900, khi thợ săn Tây Phi nhiễm virus từ tinh tinh và các loài linh trưởng khác.
Chợ hải sản Hoa Nam, nơi ghi nhận các ca nhiễm nCoV đầu tiên bị đóng cửa hồi tháng 1/2020. Ảnh: AFP
Nhưng một số nhà khoa học cho rằng còn quá sớm để kết luận rằng Covid-19 là trường hợp tương tự. Virus được phát hiện lần đầu tại Vũ Hán, nơi có Viện virus học Vũ Hán. Các nhà nghiên cứu khi ấy xử lý hàng chục chủng virus corona thu được trong các hang động ở miền nam Trung Quốc.
Tuy nhiên, mọi thứ có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Vũ Hán lớn hơn New York, với lượng du khách ổn định từ khắp Trung Quốc. Nó cũng có nhiều khu chợ lớn buôn bán động vật hoang dã. Khi các cá thể này được nuôi nhốt gần nhau, virus có cơ hội truyền từ loài này sang loài khác, đôi khi dẫn đến tái tổ hợp và gây ra bệnh mới.
Nghiên cứu của Viện Virus Vũ Hán bắt đầu sau khi dịch SARS hoành hành năm 2002. Các nhà khoa học nhanh chóng tìm thấy virus họ hàng là SARS-CoV ở dơi, cầy hương. Đây là nghiên cứu khai sáng cho giới khoa học về các loại virus corona ở động vật, có khả năng lây sang người.
Chuyên gia virus thực hiện hàng loạt biện pháp để phòng ngừa khi đang nghiên cứu. Song những năm qua, một số sự cố đã xảy ra. Nhiều nhà khoa học nhiễm bệnh và lây virus từ phòng thí nghiệm cho người khác. Năm 2004, một nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Quốc gia Bắc Kinh nhiễm SARS và lây cho mẹ.
Năm 2020, nguồn gốc Covid-19 trở thành cuộc tranh luận kéo dài, làm dấy lên câu hỏi liệu rủi ro từ nghiên cứu virus có lớn hơn những lợi ích của nó trong đại dịch tương lai.
Filippa Lentzos, chuyên gia về an toàn sinh học tại Cao Đẳng King London, cho biết: "Loại nghiên cứu này vốn gây tranh cãi".
Giới khoa học và quan chức Trung Quốc phủ nhận quan điểm Covid-19 là kết quả của một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ hôm 26/5 ra tuyên bố nói rằng "một số lực lượng chính trị đã cố ý thao túng chính trị và chơi trò đổ lỗi" và kêu gọi nghiên cứu toàn diện về tất cả ca Covid-19 đầu tiên được phát hiện trên thế giới cũng như điều tra kỹ lưỡng về một số căn cứ bí mật, phòng thí nghiệm sinh học trên toàn thế giới".
Trước đó, nhóm điều tra của WHO và các đối tác Trung Quốc cùng làm việc tại Vũ Hán trong một tháng đều cho rằng giả thuyết trên "cực kỳ khó xảy ra". Họ đã đưa ra ba giả thuyết khác được cho có khả năng cao hơn, gồm virus truyền trực tiếp từ dơi sang người, hoặc truyền từ dơi sang người qua động vật trung gian, hoặc qua thực phẩm.
Các chuyên gia làm việc trong Viện Virus Vũ Hán, năm 2017. Ảnh: AFP
Thủ tướng Hun Sen quyết "sờ gáy" những ông trùm tai tiếng ở Campuchia Thủ tướng Campuchia Hun Sen đang báo hiệu các biện pháp cứng rắn đối với những ông trùm kinh doanh được phong danh hiệu Hoàng gia sau hàng loạt vụ bê bối đáng xấu hổ, báo Asia Times nhận định. Thủ tướng Campuchia Hun Sen (Ảnh: AFP). Duong Chhay, con trai một gia đình tài phiệt và là một ông trùm kinh doanh...