Giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong trung gian thanh toán tại Việt Nam 49%, NHNN khẳng định là phù hợp
Việc đặt ra giới hạn góp vốn nước ngoài tại các trung gian thanh toán tại dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong chiều nay (11/12), Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra bình luận chính thức về các nội dụng này.
Liên quan đến các cam kết của Việt Nam đối với dịch vụ thanh toán trong khuôn khổ Hiệp định WTO, dịch vụ thanh toán điện tử trong Hiệp định CPTPP, phản hồi lại luồng ý kiến của một số đại diện Hiệp hội ngành nghề, công ty cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có vốn nước ngoài, đại diện NHNN khẳng định:
Về các cam kết quốc tế của Việt Nam về mở cửa thị trường, trong Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam trong WTO, tại mục B. Dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác, Việt Nam có cam kết như sau: Đối với phương thức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (mode 1): cam kết đối với dịch vụ B(k) cung cấp và chuyển thông tin tài chính và xử lý dữ liệu tài chính cũng như các phần mềm liên quan của các nhà cung cấp các dịch vụ tài chính khác; Đối với phương thức cung cấp dịch vụ thông qua hình thức hiện diện thương mại (mode 3) Việt Nam đã cam kết đối với 11 phân ngành dịch vụ trong lĩnh vực này, trong đó có dịch vụ B(d) mọi dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, bao gồm thẻ tín dụng, thẻ thanh toán và thẻ nợ, séc du lịch và hối phiếu ngân hàng.
“Qua đối chiếu quy định trong nước và các cam kết của Việt Nam tại các Hiệp định dẫn chiếu ở trên, NHNN nhận thấy khái niệm và phạm vi trung gian thanh toán theo quy định của pháp luật trong nước không thuộc phạm vi cam kết mở cửa của Việt Nam tại Hiệp định WTO và Hiệp định CPTPP. Do vậy các quy định pháp luật để quản lý dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có quy định tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để đưa vào dự thảo Nghị định không thuộc phạm vi cam kết và không chịu ràng buộc bởi các cam kết quốc tế đã dẫn ở trên”, đại diện NHNN cho biết.
Cũng theo NHNN, cơ quan này đã nhiều lần khẳng định và thể hiện rõ trong Hồ sơ dự thảo Nghị định, dịch vụ trung gian thanh toán là ngành nghề kinh doanh có điều kiện tác động trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia dịch vụ; cũng như ảnh hưởng đến sự ổn định, an ninh, an toàn trong thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Do đó một trong các điều kiện tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải đáp ứng để được cấp Giấy phép là tỷ lệ tối đa nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào tổ chức trung gian thanh toán.
Quy định này được đề ra nhằm tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng vẫn bảo đảm được vai trò chủ động của các doanh nghiệp trong nước, bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng – tài chính, chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng góp phần phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền nhằm tạo sự minh bạch và lành mạnh trong hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
“Tại Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị định trình Chính phủ, NHNN đã dự kiến trình tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư tối đa là 30%, tuy nhiên, trong quá trình lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý của đại diện một số tổ chức có liên quan, NHNN đã tiếp thu và nâng tỷ lệ góp vốn lên tối đa là 49% như tại dự thảo mới nhất. Như vậy, tỷ lệ này là phù hợp trong bối cảnh hiện nay, vừa đảm bảo nguyên tắc chủ quyền quốc gia, vừa đảm bảo an ninh an toàn tiền tệ cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội cạnh tranh bình đẳng mà vẫn tranh thủ thu hút được vốn nhà đầu tư nước ngoài nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên”, đại diện NHNN nói.
Video đang HOT
NHNN đã tiếp thu ý kiến góp ý và nâng tỷ lệ góp vốn lên tối đa là 49% tại dự thảo mới nhất
NHNN cho biết, trong quá trình tổng hợp ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo, Cơ quan này luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến nhiều bên, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp trung gian thanh toán có quyền và lợi ích liên quan tới quy định này. NHNN cam kết đảm bảo Việt Nam sẽ tuân thủ cam kết quốc tế trong các Hiệp định liên quan như WTO, CPTPP có nội dung liên quan đến dịch vụ thanh toán, dịch vụ thanh toán thẻ điện tử và sẽ tiếp tục rà soát các quy định có liên quan về dịch vụ thanh toán tại Hiệp định bảo hộ đầu tư, Hiệp định thương mại song phương với một số nước, đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Đại diện NHNN cám ơn ý kiến góp ý của các Hiệp hội ngành nghề, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, và ý kiến của một số chuyên gia và mong sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý cụ thể, xác đáng để hoàn thiện dự thảo Nghị định.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung Mobile Money là dịch vụ trung gian thanh toán
Tại dự thảo Nghị định quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đang được lấy ý kiến góp ý rộng rãi của người dân, doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất bổ sung thêm dịch vụ tiền di động (Mobile Money) là dịch vụ trung gian thanh toán.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đối với tiền di động (Mobile Money), đây là nội dung mới, do vậy cần làm rõ một số vấn đề như: đối tượng cung ứng tiền di động, cơ chế đảm bảo tiền di động thông qua tài khoản đảm bảo hay ký quỹ, các hình thức định danh khách hàng... (Ảnh minh họa: Internet)
Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vừa được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ (Chinhphu.vn) để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của người dân, doanh nghiệp.
Dự thảo Nghị định mới thay thế cho Nghị định 101 ngày 22/11/2012 của Chính phủ về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt được xây dựng với mục đích giải quyết các vấn đề bất cập, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và theo kịp xu thế phát triển của nền kinh tế.
Trong dự thảo tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, trước sự phát triển nhanh, mạnh mẽ của CNTT, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng hội nhập toàn cầu của nền kinh tế và nhu cầu của thực tiễn, đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động thanh toán, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, bảo vệ tính riêng tư dữ liệu của khách hàng, ngăn chặn đối phó với những nguy cơ về an ninh mạng, thúc đẩy sự đổi mới và cạnh tranh, các quy định về thanh toán không dùng tiền mặ hiện hành bộc lộ một số bất cập và cần được tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa.
Một nội dung mới đáng chú ý được Ngân hàng Nhà nước đề xuất trong dự thảo Nghị định quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt là bổ sung quy định về tiền điện tử, bao gồm khái niệm tiền điện tử; các hình thức thể hiện của tiền điện tử là ví điện tử, thẻ trả trước (Prepaid Card), tiền di động (Mobile Money); đối tượng cung ứng tiền điện tử gồm có ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (thẻ trả trước) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (ví điện tử, tiền di động).
Trong đó, theo dự thảo Nghị định, tiền di động là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động.
Cũng tại dự thảo Nghị định, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung thêm dịch vụ tiền di động là dịch vụ trung gian thanh toán để các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép có thể triển khai dùng tài khoản viễn thông thanh toán các dịch vụ khác có giá trị nhỏ.
"Nội dung bổ sung này thực sự cần thiết giúp cho người dân có thể thanh toán mọi lúc mọi nơi với thiết bị di động được kết nối Internet đồng thời giúp thúc đẩy tài chính toàn diện. Đối với nội dung này, nhận được sự đồng thuận của một số Bộ, ngành, tuy nhiên để quản lý chặt chẽ hình thức này đòi hỏi cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh chặt chẽ tại Nghị định này", Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Về cung ứng và phát hành tiền điện tử, dự thảo Nghị định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt quy định, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cung ứng và phát hành tiền điện tử dưới dạng thẻ trả trước. Việc cung ứng và phát hành thẻ trả trước thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động thẻ ngân hàng.
Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cung ứng và phát hành tiền điện tử dưới dạng ví điện tử, tiền di động. Việc cung ứng dịch vụ ví điện tử, tiền di động phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh về dịch vụ trung gian thanh toán quy định tại Nghị định này và tuân thủ các văn bản hướng dẫn liên quan đến cung ứng dịch vụ ví điện tử, dịch vụ tiền di động.
Quy định pháp lý về tiền điện tử, theo dự thảo tờ trình, cũng là 1 trong 4 vấn đề Ngân hàng Nhà nước xin ý kiến của Chính phủ. Cụ thể, với vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, bản chất tiền điện tử được xem là phương tiện thanh toán chứa đựng giá trị tiền tệ lưu trữ trên các thiết bị điện tử, với các hình thái biểu hiện là thẻ trả trước, ví điện tử, tiền di động (Mobile Money). Đối tượng cung ứng tiền điện tử bao gồm ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng thẻ trả trước và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng ví điện tử, tiền di động.
"Đối với tiền di động, đây là nội dung mới, do vậy cần thiết cần làm rõ một số vấn đề như: đối tượng cung ứng tiền di động, cơ chế đảm bảo tiền di động thông qua tài khoản đảm bảo hay ký quỹ, các hình thức định danh khách hàng của người sử dụng dịch vụ tiền di động", Ngân hàng Nhà nước nêu.
Trước đó, chia sẻ tại hội thảo "Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam" hồi tháng 6/2019, đại diện Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, từ tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ TT&TT và Bộ đưa ra đề xuất triển khai dịch vụ Mobile Money. Tháng 1/2019, Nghị quyết 02 của Chính phủ thể hiện vấn đề thanh toán không thông qua tài khoản ngân hàng, trong đó có Mobile Money. Tháng 4/2019, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ TT&TT trình Chính phủ cho triển khai Mobile Money thí điểm.
Cũng liên quan đến việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán, đầu tháng 10/2019, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo gửi Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp nghiên cứu đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, có ý kiến bằng văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước nêu rõ quy trình, thủ tục, cơ quan thẩm quyền quyết định việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile Money), hình thức và những nội dung cần thiết của văn bản thí điểm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao Ngân hàng Nhà nước trên cơ sở ý kiến của Bộ Tư pháp, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo văn bản quyết định về việc thí điểm, bổ sung tiêu chí, điều kiện lựa chọn đối tượng tham gia thí điểm, lấy ý kiến các cơ quan liên quan để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong tháng 11/2019.
M.T
Theo ictnews.vn
Tự thân con tôm không thể một bước "từ nhà ra cao tốc" Hiệp định EVFTA được ví như "đường cao tốc" rộng mở cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam, trong đó có con tôm. Nhưng bản thân ngành tôm không thể tự mình đi một bước từ nhà lên ngay được cao tốc này. Với tư cách khách mời danh dự, ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam...