Giới hạn khách leo núi Phú Sĩ để hạn chế đám đông và rác thải
Những người muốn leo lên một trong những con đường mòn nổi tiếng nhất trên núi Phú Sĩ ( Nhật Bản) sẽ phải đặt chỗ và trả phí vì vấn đề đám đông, xả rác, mất an toàn và bảo tồn.
Núi Phú Sĩ cao 3.776 mét đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 2013. Nguồn: AP.
Các quy định mới cho mùa leo núi được áp dụng bắt đầu từ ngày 1/7 đến ngày 10/9, đối với những người đi bộ trên đường mòn Yoshida ở phía Yamanashi của ngọn núi cao 3.776 mét.
Chỉ 4.000 người leo núi được phép đi vào đường mòn mỗi ngày với phí đi bộ đường dài là 2.000 yên (khoảng 18 USD). Trong số đó, 3.000 suất sẽ có sẵn để đặt trực tuyến và 1.000 suất còn lại có thể được đặt trực tiếp vào ngày leo núi, tỉnh Yamanashi cho biết trong một tuyên bố thông qua Trung tâm báo chí nước ngoài của Nhật Bản hôm 20/5. Những người đi bộ đường dài cũng có thể lựa chọn quyên góp thêm 1.000 yên (khoảng 9 USD) cho phí bảo tồn.
Những người leo núi có thể đặt chỗ thông qua trang web Leo núi Phú Sĩ do Bộ Môi trường và hai tỉnh Yamanashi và Shizuoka phối hợp điều hành.
Đoàn người leo núi trên hành trình chinh phục đỉnh núi Phú Sĩ. Nguồn: AP.
Núi Phú Sĩ được chia thành 10 ga và có bốn “trạm thứ 5″ ở lưng chừng núi, nơi các đường mòn Yoshida, Fujinomiya, Subashiri và Gotemba bắt đầu lên đỉnh.
Theo hệ thống mới, những người leo núi phải lựa chọn giữa chuyến đi bộ trong ngày hoặc nghỉ qua đêm tại một số túp lều có sẵn dọc theo đường mòn. Ngày leo núi, họ được cấp mã QR để quét tại trạm thứ 5. Những ai chưa đặt lều qua đêm sẽ bị đuổi xuống và không được phép leo núi trong khoảng thời gian từ 4 giờ chiều và 3 giờ sáng, chủ yếu là để ngăn chặn việc lao lên đỉnh mà không nghỉ ngơi đầy đủ, điều mà nhà chức trách lo ngại có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Video đang HOT
Là biểu tượng của Nhật Bản, ngọn núi có tên “Fujisan” từng là nơi hành hương. Ngày nay, nó đặc biệt thu hút những người đi bộ đường dài leo lên đỉnh để ngắm bình minh. Nhưng hàng tấn rác thải bị bỏ lại, bao gồm chai nhựa, thực phẩm và thậm chí cả quần áo, đã trở thành mối lo ngại lớn.
Trong một tuyên bố, Thống đốc tỉnh Yamanashi Kotaro Nagasaki cảm ơn người dân vì sự hiểu biết và hợp tác của họ trong việc bảo tồn núi Phú Sĩ.
Quang cảnh tuyệt đẹp nhìn từ đỉnh núi Phú Sĩ. Nguồn: AP.
Quận Shizuoka, phía Tây Nam núi Phú Sĩ, đã đưa ra mức phí tự nguyện 1.000 yên (6,40 USD) cho mỗi người leo núi kể từ năm 2014 và đang xem xét các cách bổ sung để cân bằng giữa du lịch và bảo vệ môi trường.
Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, số lượng người leo núi Phú Sĩ trong mùa leo núi năm 2023 là 221.322 người. Con số này gần bằng mức trước đại dịch khiến các quan chức mong đợi sẽ có nhiều du khách hơn trong năm nay.
Chỉ vài tuần trước, thị trấn Fujikawaguchiko thuộc tỉnh Yamanashi đã bắt đầu dựng một phông nền đen khổng lồ trên vỉa hè để chặn tầm nhìn ra núi Phú Sĩ vì khách du lịch đổ xô vào khu vực để chụp ảnh với ngọn núi, một hiện tượng truyền thông xã hội được gọi là “Mount Fuji Lawson”, đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, giao thông và đời sống của người dân địa phương.
Một phông nền đen khổng lồ được dựng trên vỉa hè để chặn tầm nhìn ra núi Phú Sĩ. Nguồn: AP.
Du lịch quá mức cũng trở thành một vấn đề ngày càng gia tăng tại các điểm du lịch nổi tiếng khác như Kyoto và Kamakura khi du khách nước ngoài đổ xô đến Nhật Bản kể từ khi các hạn chế về đại dịch Covid-19 được dỡ bỏ.
Năm ngoái, Nhật Bản đón hơn 25 triệu du khách và con số vào năm 2024 dự kiến sẽ vượt gần 32 triệu, kỷ lục từ năm 2019, theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản.
Phát mệt vì khách du lịch, một thị trấn Nhật Bản đặt hàng rào che 'view' núi Phú Sĩ
Một thị trấn ở Nhật Bản đã lắp đặt hàng rào lưới lớn tại địa điểm ngắm núi Phú Sĩ nổi tiếng nhằm ngăn chặn việc du khách tới đây chụp ảnh ngày một đông...
Người dân địa phương ở Fujikawaguchiko đang "phát ốm" vì lượng khách du lịch nước ngoài đổ xô đến đây để thăm quan núi Phú Sĩ - thắng cảnh nổi tiếng nhất Nhật Bản.
Khách du lịch khi tới Fujikawaguchiko thường tìm đến một đoạn phố có tầm nhìn toàn cảnh Núi Phú Sĩ ở ngay phía sau một cửa hàng tiện lợi Lawson. Đây cũng là một trong những khung cảnh đang "viral" trên mạng xã hội và không ít du khách đã tìm đủ mọi cách để "săn" được kiểu ảnh này.
Các quan chức và người dân địa phương cho biết họ luôn chào đón du khách ghé thăm nhưng đáng thất vọng là một bộ phận du khách đã để lại những ấn tượng không hề tích cực. Những người này liên tục gây tắc nghẽn giao thông, phớt lờ đèn đỏ để băng qua đường, đỗ xe trái phép, hút thuốc khắp nơi và vứt rác bừa bãi...
Chính vì lý do này mà chính quyền thị trấn quyết định lắp đặt một hàng rào lưới cỡ lớn tại địa điểm để hạn chế bớt du khách đến đây chụp ảnh. Theo báo cáo từ phóng viên AFP tại địa điểm, sáng 21/5, các công nhân địa phương đã bắt đầu gắn nhiều tấm lưới đen có kích thước 2,5x20 mét vào các cột kim loại dọc theo vỉa hè đối diện cửa hàng Lawson.
Biện pháp này cũng nhằm hỗ trợ một phòng khám nha khoa gần đó, nơi du khách đôi khi đỗ xe trái phép ngay trước cửa và thậm chí còn trèo lên mái nhà để chụp ảnh.
"Thật đáng tiếc nhưng chúng tôi vẫn phải làm vậy vì một số khách du lịch không tôn trọng quy định", một quan chức thị trấn nói với tờ AFP hồi tháng 4, đồng thời lưu ý thêm rằng các biển báo giao thông và cảnh báo từ nhân viên bảo vệ đã không giúp cải thiện được tình hình.
Mặt khác, một nhà điều hành tour du lịch cung cấp các chuyến đi trong ngày từ Tokyo đến Núi Phú Sĩ đã tiết lộ với AFP rằng họ sẽ đưa du khách đến một cửa hàng Lawson khác gần đó, nơi cũng có thể nhìn thấy khung cảnh tương tự, nhưng có ít cư dân sinh sống xung quanh hơn.
Nhật Bản hiện đang ghi nhận một lượng khách du lịch kỷ lục, với cả tháng 3 và tháng 4 đều chứng kiến lượng khách nước ngoài nhập cảnh lên đến 3 triệu người mỗi tháng.
Nhưng cũng giống như nhiều điểm nóng du lịch khác trên thế giới, chẳng hạn như Venice - nơi gần đây đã triển khai một mức phí vào cửa cho du khách theo ngày - làn sóng du khách quốc tế đổ xô đến đây không hề được nhiều người dân địa phương hoan nghênh.
Cụ thể, cư dân sống ở gần các địa điểm chụp ảnh nổi tiếng khác trong khu vực, bao gồm cả Cầu Fuji Dream, thường xuyên phàn nàn về tình trạng quá tải du khách trong những tuần gần đây.
Không chỉ có vậy, ngay cả tại cố đô Kyoto nghiêm trang của Nhật Bản, các doanh nghiệp địa phương cũng liên tục lên tiếng chỉ trích việc du khách quốc tế quấy rối các geisha nổi tiếng của thành phố.
Tất cả những vấn đề được nêu bật này đã buộc chính quyền địa phương phải hành động, lập ra các hạn chế và quy định mới đối với du khách đến thăm quan.
Riêng tại Núi Phú Sĩ, những du khách đi bộ đường dài sử dụng tuyến đường phổ biến nhất để leo núi cũng sẽ phải đóng một mức phí 2.000 yên (tương đương 13 USD), với số lượng người tham gia chỉ giới hạn ở mức 4.000 người để giảm bớt tắc nghẽn. Ngoài ra, một hệ thống đặt chỗ trực tuyến mới cho đường mòn Yoshida trên núi cũng đã được mở vào 20/5 để đảm bảo những người đi bộ đường dài có thể đi qua một cổng mới mà không phải chen chúc.
Núi Phú Sĩ được bao phủ bởi tuyết hầu như quanh năm, nhưng cứ đến mùa leo núi từ tháng 7 đến tháng 9, thì khu vực này ghi nhận tới 220.000 du khách tới tham gia. Nhiều người thậm chí còn chọn leo núi suốt đêm để ngắm bình minh, hay thậm chí một số còn cố gắng leo tới đỉnh núi cao 3.776 mét mà không dừng lại nghỉ ngơi và kết quả là bị ốm hoặc bị thương nặng.
Các quan chức chính quyền địa phương đều đã nhiều lần nêu lên những lo ngại về tính an toàn và tác động tới môi trường liên quan đến tình trạng quá tải trên ngọn núi lửa biểu tượng của Nhật Bản này.
Thị trấn Nhật Bản dựng rào chắn núi Phú Sĩ để ngăn du khách tụ tập chụp ảnh Công nhân đã bắt đầu dựng rào chắn cao 2,5m và dài 2m, che khuất tầm nhìn núi Phú Sĩ tại địa điểm chụp ảnh đối diện cửa hàng tiện lợi Lawson. Du khách chụp ảnh ngọn núi Phú Sĩ phía sau cửa hàng tiện lợi Lawson. (Nguồn: Mainichi) Ngày 21/5, thị trấn Fujikawaguchiko của Nhật Bản bắt đầu cho dựng một rào...