Giới đầu tư trong ‘cơn thăng hoa’ với thị trường chứng khoán Trung Quốc
Theo giới quan sát, dù từng thất vọng nhiều lần trước đây, giới đầu cơ chứng khoán Trung Quốc đang bỏ qua những quan sát thận trọng thường ngày để hòa vào “ làn sóng hưng phấn” mạnh mẽ liên quan tới thị trường này.
Bảng chỉ số chứng khoán tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Chỉ số tổng hợp CSI 300 đã tăng tới 15,7% trong tuần tốt nhất kể từ tháng 11/2008, nhờ vào một loạt các biện pháp kích thích tiền tệ và cam kết thúc đẩy chi tiêu tài khóa. Ngân hàng Goldman Sachs Group Inc. bày tỏ sự ủng hộ quan điểm rằng đợt tăng giá của chứng khoán Trung Quốc có thể bền vững hơn. Morgan Stanley dự kiến thị trường này sẽ còn tăng thêm 10%.
Tuy nhiên, sự tự tin này sẽ kéo dài bao lâu phụ thuộc rất nhiều vào quy mô và tốc độ của các hành động chính sách tại Trung Quốc. Bất kỳ dấu hiệu suy yếu nào trong hoạt động chi tiêu cho kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng sắp tới cũng có thể dấy lên những lo ngại về tình trạng tiêu dùng yếu kém tại Trung Quốc, cùng cuộc khủng hoảng bất động sản sai dẳng đã đẩy đất nước này đến bờ vực của vòng xoáy giảm phát.
Các biện pháp được công bố trong tuần này bao gồm cắt giảm lãi suất, giải phóng tiền mặt cho các ngân hàng, dành hàng tỷ USD hỗ trợ thanh khoản cho thị trường chứng khoán và lời cam kết chấm dứt tình trạng giá bất động sản suy giảm.
Tám trong số 12 nhà đầu tư tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg tuần này cho biết, đây sẽ là bước ngoặt cho một đợt tăng giá dài hạn, trong khi bốn người coi đây là sự phục hồi ngắn hạn.
Đây là một sự thay đổi đáng chú ý so với đầu tháng này, khi chứng khoán Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 5 năm trong bối cảnh bất động sản suy thoái sâu hơn, tiêu dùng yếu và những trở ngại địa chính trị. Các nhà kinh tế hiện dự kiến Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay. Họ cũng cho rằng có cơ hội để Chính phủ Trung Quốc đưa ra một gói kích thích tài khóa lớn hơn đi kèm với việc cắt giảm lãi suất.
Ông Homin Lee, chiến lược gia vĩ mô cấp cao tại ngân hàng tư nhân Lombard Odier chi nhánh Singapore, cho hay, những người đang đặt cược vào triển vọng Trung Quốc có thêm nhiều biện pháp tài khóa hơn sẽ mua vào ngay cả khi tồn tại những nỗi lo về các yếu tố cơ bản của nền kinh tế.
Tuy nhiên, đối với những người đã trải qua nhiều lần thất vọng trước đây, có rất nhiều lý do để thận trọng.
Đợt tăng giá hiện tại tương tự như đợt tăng giá khi Trung Quốc từ bỏ chính sách “Zero COVID” vào cuối năm 2022. Khi đó, chỉ số CSI 300 đã tăng mạnh trước khi sụp đổ. Thị trường này đã tăng hơn 15% trong giai đoạn từ tháng Hai đến tháng Năm.
Ông Mark Mobius, Chủ tịch của quỹ đầu tư Mobius Emerging Opportunities Fund, cho biết rủi ro chính tại Trung Quốc là chính phủ việc tiếp tục các chính sách ngăn cản giới doanh nhân lớn đầu tư và phát triển công ty. Theo ông, điều quan trọng là phải khuyến khích đổi mới và đầu tư tư nhân.
Nhìn chung, nhiều người cho rằng đây không phải lúc để hỏi liệu đó là một đợt phục hồi về cấu trúc hay kỹ thuật. Đối với những người đã phải chịu nhiều năm thua lỗ với chứng khoán Trung Quốc, đây đơn giản là thời điểm để họ theo đuổi lợi nhuận.
Thị trường chao đảo khi Mỹ chật vật tìm kiếm thỏa thuận trần nợ công
Theo hãng tin AFP, thị trường chứng khoán biến động trái chiều ngày 16/5 khi các nhà giao dịch ngày càng lo ngại rằng Quốc hội Mỹ vẫn bất đồng trong các cuộc đàm phán nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ nợ quốc gia.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy (trái) sẽ gặp lại Tổng thống Joe Biden (phải) tại Nhà Trắng để đàm phán về trần nợ. Ảnh: AFP
Cụ thể, chỉ số giá chứng khoán ở Thượng Hải, Sydney, Singapore, Mumbai, Jakarta và Bangkok giảm nhẹ, mặc dù ở Tokyo, Seoul, Đài Bắc và Manila có nhích lên. Trong khi chỉ số giá chứng khoán London tăng, thì Frankfurt đi ngang và Paris giảm nhẹ vào buổi sáng cùng ngày.
Tâm lý của giới đầu tư cũng bị ảnh hưởng bởi dữ liệu cho thấy sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn còn khó khăn, với các chỉ số chính không đạt kỳ vọng do nhu cầu trong nước yếu.
Mặc dù có kỳ vọng chung rằng một thỏa thuận sẽ đạt được, nhưng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy thuộc Đảng Cộng hòa cảnh báo rằng các cuộc họp cấp nhân viên "không hiệu quả" và họ "không thể đi đến kết luận nào".
Trong khi đó, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đang yêu cầu cắt giảm chi tiêu như một điều kiện để thông qua dự luật, nhưng các thành viên của Đảng Dân chủ muốn tăng hạn mức vay mà không có điều kiện ràng buộc nào.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã bày tỏ sự tin tưởng rằng hai bên có thể thu hẹp bất đồng, dự kiến có cuộc gặp với ông McCarthy và các nhà lãnh đạo quốc hội khác tại Nhà Trắng vào cuối ngày 16/5.
Cuộc họp này diễn ra một tuần sau khi cuộc gặp đầu tiên của họ kết thúc mà không có đột phá do lập trường của hai bên vẫn còn cách xa nhau. Đảng Cộng hòa, đảng nắm quyền kiểm soát Hạ viện, cho biết sẽ không bỏ phiếu nâng trần nợ công nếu Quốc hội không đồng ý giảm mạnh chi tiêu.
Ông McCarthy cho biết ông nhận thấy hai bên hầu như không có tiến triển gì trước cuộc họp. Bình luận này của ông McCarthy được đưa ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen một lần nữa cho biết chính phủ có thể sẽ cạn kiệt tiền mặt vào ngày 1/6 tới, nghĩa là chính phủ Mỹ sẽ không thể đáp ứng các nghĩa vụ trả nợ của mình, gây ra khả năng vỡ nợ nghiêm trọng.
Giới chuyên gia nhận định nếu thực sự xảy ra, việc Mỹ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử sẽ đẩy nước này vào suy thoái và khiến các thị trường tài chính trên toàn cầu chao đảo. Tình trạng bế tắc hiện nay đã bắt đầu khiến giới đầu tư và người tiêu dùng lo ngại.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới đang đến gần? Các chuyên gia kinh tế toàn cầu đã phân tích nguy cơ cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra trong thời gian tới. Đồng USD. Ảnh: Sputnik Theo đài Sputnik (Nga), thị trường toàn cầu đã chứng kiến đợt bán tháo dường như không gì có thể ngăn nổi vào ngày 5/8 do lo ngại Mỹ có thể đang trên bờ...