Gió bão đang gầm hú liên hồi trên đảo Lý Sơn
19h20: Theo CTV Văn Mịnh từ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), bão số 11 đã gần hơn đất đảo. Gió mỗi lúc mỗi lúc mạnh hơn, gió hú và rít lên liên hồi kinh khủng.
Gió bão mù mịt trên những tuyến đường ở phường Cửa Đại, TP Hội An
Toàn huyện đảo Lý Sơn đã bị mất điện lúc 18h30 do gió giật làm ngã trụ điện, đứt dây điện nên cả đảo chìm trong bóng tối, mọi ngôi nhà đều cửa đóng then cài, không một bóng người và không thấy xe cộ.
Đoạn đường từ đầu xã đến cuối xã, tức từ xóm Cồn ra tận trạm Hải Đăng, nước mưa ngập đường, cây cối ngã đổ ngổn ngang.
Theo bà Phạm Thị Hương – phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, thống kê sơ bộ đến 18g hôm nay, bão số 11 đã làm hàng chục nhà dân ở xã An Hải, An Vĩnh bị tốc mái, hư hỏng, chính quyền đã di dời người dân vào nơi an toàn.
Đồng thời, bão đã dỡ tốc mái tôn Trường tiểu học An Hải và chợ thôn Tây, xã An Hải khiến hai công trình này thiệt hại nặng nề. 150ha hành của người dân Lý Sơn bị ngã đổ, hư hỏng hoàn toàn. Hiện tại sóng biển rất lớn, cột sóng cao đến vài mét bổ vào đê kè Lý Sơn.
19h15: Tại TP.Đà Nẵng, gió đang giật rất mạnh. Hầu hết các hãng taxi trên địa bàn Đà Nẵng đã ngưng hoạt động. Ở một số tuyến đường dẫn ra các khu vực nguy hiểm, CSGT chặn không cho các phương tiện giao thông đi qua.
18h40: Theo tường thuật qua điện thoại từ PV Viễn Sự, có hai nạn nhân thiệt mạng vì bão số 11. Hai người này đã bị sóng biển cuốn trôi tại khu vực Đá Kẹp, thôn Phú Hải 2, xã Lộc Vinh, huyện Phú Lộc.
Cụ thể, hai nạn nhân bị thiệt mạng là Nguyễn Quốc Bảo (sinh năm 1998) và Nguyễn Hoàng Nam (sinh năm 2001) cùng ở thôn Trung Kiên, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Theo thông tin từ đồn Biên Phòng Lăng Cô, 2 thiếu niên này đã bị sóng biển cuốn trôi tại khu vực Đá Kẹp, thôn Phú Hải 2, xã Lộc Vinh, huyện Phú Lộc. Do hiện tại sóng rất lớn, gió cấp 8, cấp 9 nên lực lượng Biên phòng không thể đưa tàu thuyền cứu vớt.
Các chiến sĩ đồn Biên phòng cho biết sẽ tiếp tục tuần tra và thông báo các địa phương ven biển tìm thi thể nạn nhân.
Hiện tại phóng viên Viễn Sự đang có mặt ở đồn Biên Phòng Lăng Cô và cho biết khu vực này đang mưa to, gió giật cấp 8, cấp 9. Nhiều cây xanh đổ rạp xuống đường.
18h30: UBND TP Hội An cho biết việc di dời hơn 3.000 hộ dân đến hai trường THCS Nguyễn Du và THPT Nguyễn Trãi đã cơ bản hoàn tất.
Tại hai điểm trường trên, người dân hai vùng thấp trũng, nằm sát biển có nguy cơ bị bão tàn phá là phường Cửa Đại và Cẩm An đã được sắp xếp chỗ nghỉ, được hỗ trợ thức ăn, nước uống.
Tại điểm trú ẩn trường THCS Nguyễn Du, bà Lê Thị Tái (90 tuổi), khối phố Phước Thịnh, phường Cửa Đại, TP Hội An, lo lắng: “Ba ngày ni, khi nghe tin bão tới, trong cái ruột tôi cứ lo lắng, thấp thỏm, sốt ruột lắm. Nghe lãnh đạo phường đưa xe di dời bà con đến nơi an toàn, tôi vội gói mấy cái áo, cái quần rồi đi theo. Cái nhà ở sát bờ biển thì cứ để đó, lo tính mạng trước đã”.
Cũng theo bà Tái, gần chín mươi năm nay, bà đã từng trải qua nhiều cơn bão với sức tàn phá khủng khiếp. Vì vậy, khi nghe có bão, việc đầu tiên bà Tái cũng như những người dân ven biển là lo chạy bão.
Nhiều người dân đã tự nguyện đem bếp gas, nồi đến để nấu nước sôi, mì tôm cho người già và trẻ em. Nhiều phụ nữ còn nhường lại những tấm chiếu, tấm chăn của mình cho những người già yếu. Họ cùng lo lắng cho nhau trong lúc chạy bão.
Đến lúc này, ở Hội An trời đang có gió to kèm mưa lớn, người dân trú ẩn an toàn và ít ra khỏi nhà. Mọi hoạt động buôn bán, sinh hoạt đã tạm hoãn.
18h00: Phóng viên Hữu Khá dẫn thông tin từ ông Nguyễn Xuân Diệu, phó tổng cục trưởng Tổng cục thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết hiện 4 tỉnh, thành miền Trung là Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị đã di dời 78.000 dân đi tránh bão.
Trong đó, Đà Nẵng đã di dời 55.000 dân ở các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà.
Theo ông Diệu 28 hồ thủy lợi có nguy cơ mất an toàn ở các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Định. Hiện có 14/20 thủy điện đã xả tràn, trong đó có 2 hồ xả lớn là thủy điện Đak Mi 4 xả từ 500-1.000m3/s, hồ thủy điện Sông Bung 4A xả 500m3/s.
Tại cuộc họp khẩn với TP Đà Nẵng và Quân khu 5, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị quản lý hồ thủy điện bây giờ phải xả nước bớt.
Khi mưa, bão vào, triều cường dân ở hạ lưu có lũ thì về bao nhiêu xả bấy nhiêu. Ngoài ra đơn vị chủ quan của các hồ thủy điện phải tập trung nhân lực, phương tiện để phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố, không được để xảy ra tình trạng vỡ đập.
17h40: phóng viên Viễn Sự thông tin khu vực phía Nam đèo Hải Vân đang có mưa to, gió giật mạnh. Nhiều cây xanh đổ rạp xuống đường.
Có mặt tại khu vực này, phóng viên nhận thấy rất nhiều xe gắn máy đang chạy trên đường đã bị gió quật ngã. Một số ôtô khách chạy tuyến Bắc – Nam không dám liều lĩnh đã quyết định dừng lại tìm kiếm điểm trú bão tại một số nhà dân hoặc các địa điểm ven đường.
Rất nhiều cây xanh trên Quốc lộ 1A ngã đổ, chắn ngan đường, gây ách tắc giao thông. Hạt trưởng Hạt quản lý đường bộ Nam Hải Vân Lê Khả Mun đang cùng các nhân viên dọn dẹp cây đổ, đảm bảo an toàn giao thông.
Video đang HOT
Trong khi đó, ở phía Bắc đèo Hải Vân, thị trấn Lăng Cô cũng đang chìm trong mưa bão. Công tác di dân đã hoàn thành từ trưa nay nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn còn một số người nán lại trong tàu, bè và nhà dân ở những nơi xung yếu. Những người dân này chủ yếu là những thanh niên khỏe mạnh ở lại để giữ tài sản.
Cây đổ ngổn ngang tại vị trí cách cửa hầm đèo Hài Vận 1km. Trong ảnh các cán bộ của Hạt quản lý đường bộ Nam Hải Vân đang gấp rút dọn dẹp cây ngã
Các chiến sĩ biên phòng Lăng Cô cho biết ngay trong tối na, cùng một trung đội cơ động, sẽ tiếp tục đưa hết toàn bộ dân ở các địa điểm trên đến nơi an toàn.
17h15: Nhóm PV, CTV tại Đà Nẵng cho biết chính quyền quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đã tổ chức di chuyển ồ ạt hàng trăm hộ dân sống ven biển thuộc các phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc đến nơi an toàn.
Địa điểm di chuyển được lựa chọn là trường học, trụ sở chính quyền, nhà tránh bão và các hộ dân có nhà kiên cố. Có mặt tại khu vực di chuyển là dãy nhà liền kề của các hộ dân làng Vân, ông Dương Thành Thị chủ tịch Q.Liên Chiểu cho biết: từ nay đếm 19g tối cúng ngày phải di chuyển hết 60.000 người dân sống dọc ven biển, trong đó nhiều nhất là sinh viên các trường ĐH và công nhân tại các KCN ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Vì là dãy nhà liền kề của các hộ dân làng Vân, hàng trăm hộ dân chủ yếu là người già đã được chính quyền đưa xe di chuyển lên trường Trung cấp xây dựng gần đó. Sau khi di chuyển đến nơi an toàn, chính quyền đã tổ chức phát mì tôm cho dân ăn chống đói trong chiều và đêm nay.
Người dân nhận mì tôm
17h10: Ở nội thành TP Đà Nẵng, gió đã bắt đầu giật mạnh lên trên cấp 6, sóng biển dữ dội. Đường phố bắt đầu vắng bóng người. Cầu Thuận Phước đã chính thứ đóng cửa từ 15g cùng ngày. Hiện tình hình khá căng thẳng vì bão số 11 được dự báo sẽ độ bộ vào Đà Nẵng trong khuya nay.
17h05: Tại đảo Cù Lao Chàm (Hội An) ông Trần Tấn Dũng – Bí thư xã đảo Tân Hiệp cho biết đã di dời gần 200 người dân sống ven biển lên núi cao. Hiện tại đây gió đang giật cấp 10.
17h00: Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài đã hủy toàn bộ chuyến bay xuất phát từ sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế) đồng thời không tiếp nhận toàn bộ máy bay kể từ 17g ngày 14-10 đến 7g ngày 15-10.
Theo đó, hai hãng hàng không đang hoạt động tại sân bay Phú Bài là Vietjet và Việt Nam Airline với 2 chuyến bay vào TP. HCM và một chuyến ra Hà Nội sẽ bị hủy. Tùy thuộc vào tình hình cơn bão, trong ngày 15-10, sân bay sẽ có quyết định khác.
Đây là thông tin được đưa ra từ ông Đỗ Chí Thành, giám đốc Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Thừa Thiên Huế.
Để đối phó với cơn bão mạnh đang đổ bộ vào Huế, ông Thành cho biết công việc phòng chống bão đã được Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài triển khai từ hôm qua, đó là việc gông cửa, tập kết, chằng néo các trang thiết bị tại sân bay.
Mưa và gió bắt đầu lớn ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế
16h30: Phóng viên Viễn Sự đang có mặt ở phía bắc Đèo Hải Vân cho biết đến thời điểm này Thừa Thiên Huế đã tăng cường thêm 600 chiến sĩ bộ đội Biên Phòng để sẵn sàng ứng cứu dân.
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Phương, phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên – Huế cho biết chiều nay Bộ đội biên phòng Thừa Thiên Huế đã tăng cường 600 chiến sĩ đến 4 điểm xung yếu.
Đó là Xóm Cồn Đâu, xã Hải Dương thị xã Hương Trà; thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang; thị trấn Lăng Cô và phía bắc đèo Hải Vân; huyện miền núi A Lưới.
16h15: có mặt trong thành phố Đà Nẵng, chúng tôi nhận thấy dòng sông Hàn đang đục vàng mau nước, lên sóng dữ dội. UBND Thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu tàu thuyền không neo trên sông Hàn, từ 17g hôm nay giới hạn người dân ra đường.
Trên cầu sông Hàn, những người dân vội vã phóng xe qua. Nhiều nhà dân, hàng quán neo chặt vật dụng, mái nhà bằng bao cát hoặc dây kẽm níu những đồ vật để tránh chúng bị xô ngã.
16h00: Tại khu vực ven biển huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, gió giật cấp 7-8. Tại một số khu vực bờ biển thuộc xã Vinh Hiền, Vinh Hải, sóng biển cao từ 2-3m đã bắt đầu đánh ào ạt qua các đồi cát.
Theo dự báo, bão số 11 sẽ đổ bộ vào khu vực ven biển huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế
Mặc dù tại xã Vinh Hải, kè biển đã được kê hơn 10.000 bao cát nhưng theo các cán bộ xã này thì khả năng chỉ trong vài tiếng nữa, bờ cát này sẽ bị sóng đánh qua. Nước biển đe dọa sẽ tràn vào các khu dân cư.
Cho đến thời điểm này, đã có hơn 3.000 dân xã Vinh Hải phải sơ tán lên các điểm an toàn hoặc các nhà dân kiên cố.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó chánh Văn phòng UBND huyện Phú Lộc cho biết toàn bộ công tác di tản dân đã hoàn thành lúc 10 giờ sáng nay. Hơn 15.000 người dân đã được sơ tán.
Huyện Phú Lộc đã dự trữ 30 tấn gạo, 2.000 thùng mì, 3.000 lít dầu để đề phòng bão. Ngoài ra, mỗi xã dự trữ tại chỗ khoảng 10 tấn gạo, 200 thành mì và 1.000 lít dầu để ứng cứu người dân khi bão vào.
Huyện đã huy động 120 cán bộ, dân quân và hơn 40 phương tiện cơ giới để chờ bão.
Tại Hội An gió rất mạnh. Sóng biển dâng cao, gió làm cát bay mù mịt. Người dân chủ động đưa tàu thuyền vào neo đậu ở nơi an toàn. Ngoài ra, nhiều nhà dân, cửa hiệu ở TP Hội An, người dân đã chủ động dùng bao cát, dây thừng để chèn chống.
UBND phường Cửa Đại đã hoàn thành việc kè bờ biển Cửa Đại
Ông Trần Thôn (50 tuổi), trú khối phố Phước Tân, phường Cửa Đại, TP Hội An, cho biết:”Nghe thông tin báo bão từ tivi, đài phát thanh từ tối qua, sáng nay tôi đã dùng bao cát, dây thừng chằng chống nhà cửa cho chắc. Thấy bão số 10 vừa rồi tàn phá mấy tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị mà chúng tôi thấy lo quá”.
Tại phường Cửa Đại, nhiều tổ trưởng dân phố đã dùng loa để thông báo cho người dân chủ động chèn chống nhà cửa. Hàng trăm thanh niên tại đây cùng người dân dùng bao cát để kè ven khu vực biển Cửa Đại, tránh tình trạng biển xâm thực và sạt lở biển.
Tại nhiều khu Resort, khách sạn khu vực ven biển Cửa Đại, chủ khách sạn đã cho du khách trú ẩn nơi an toàn. UBND TP.Hội An cho biết, trong ngày 14-10 sẽ tiến hành sơ tán khoảng 1.200 khách du lịch đang lưu trú tại 10 khách sạn ven biển. Đối với các khu dân cư sinh sống dọc Cửa Đại, sẽ tiến hành di dời.
Hội An cũng đã chỉ đạo dừng hoạt động các tuyến đò ngang. Tại vùng biển huyện Thăng Bình, Núi Thành, người dân đã chủ động đưa tàu thuyền vào chèn chống ở những nơi an toàn.
Cũng trong sáng 14-10, UBND tỉnh Quảng Nam đã có cuộc họp nhanh với các huyện, thành phố để triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 11. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các huyện, thành phố khẩn trương lên phương án di dời hơn 6.000 hộ dân đối với các xã ven sông, ven biển, vùng trũng các huyện.
Trước 19h cùng ngày, phải hoàn thành công tác sơ tán dân, kiểm soát những điểm xung yếu, giúp dân chằn chống nhà cửa.
Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cũng đã có chỉ đạo ngành giáo dục cho học sinh trên toàn tỉnh nghỉ học để tránh bão vào ngày 15-10.
Tàu cá liên tiếp bị nạn do ảnh hưởng bão
Theo Bộ đội Biên phòng Phú Yên, đến sáng 14-10, hai tàu cá PY92088TS và PY90204TS (cùng ở phường 6, TP Tuy Hòa, Phú Yên) mới đến được nơi tàu PY92999TS bị nạn hôm 8-10, tại khu vực đảo Đá Đông (quần đảo Trường Sa), để chở người và ngư cụ.
Một vụ tai nạn khác, tàu cá PY91025TS của ông Lê Thanh Khang bị hỏng máy ở khu vực đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa). Cũng trong sáng 14-10, tàu cá PY95183TS do ông Lê Văn Lĩnh ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa) làm thuyền trưởng đã tiếp cận và lai dắt tàu được tàu này đến nơi an toàn để sửa chữa.
Trước đó, trưa 13-10, tàu cá LA05698TS do ông Phạm Thanh Tuyền ở Cần Giuộc (Long An) làm thuyền trưởng, khi vào cửa biển Đà Diễn (TP Tuy Hòa), đã bị sóng đánh chìm. Có hai người trên tàu bơi được vào bờ thoát nạn.
Đến chiều 14-10, Phú Yên còn 89 tàu thuyền với 758 lao động đang ở khu vực quần đảo Trường Sa. Tất cả tàu thuyền đều liên lạc được với gia đình và bộ đội biên phòng, đồng thời nhận được thông tin và hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động tránh trú an toàn.
Một nhóm bạn trẻ ra bờ biển chụp hình bão ở xã Vĩnh Hải, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế
Một phần bờ bao cùng biển xã Vĩnh Hải, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế đã bị mưa và sóng đánh lở
Tại buổi làm việc khẩn với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế trưa 14-10, bộ trưởng Bộ NN&PTNN Cao Đức Phát đã yêu cầu địa phương này phải sớm di dời dân, tránh tâm lý chủ quan bởi bão số 11 rất mạnh, sẽ không thể ứng cứu trong bão.
Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện nói rằng hiện lực lượng tại chỗ không thể xử lý kịp thời khi bão đổ bộ, đề nghị lực lượng quân đội khẩn trương hỗ trợ cho tỉnh.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đã yêu cầu Quân khu 4 chi viện lực lượng, phương tiện cho Thừa Thiên – Huế và vùng phía nam Quảng Trị.
Thiếu tướng Nguyễn Tân Cương, phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Quân khu 4 cho biết trong chiều 14-10 sẽ điều động 200 cán bộ chiến sĩ về chốt các điểm xung yếu, phối hợp với lực lượng của Tỉnh đội kịp thời hỗ trợ người dân đối phó với bão số 11.
Hồi 13g ngày 14-10, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị – Quảng Ngãi khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Theo Xahoi
Miền Trung cấp tập chống bão
Dự báo bão Nari sẽ đổ bộ đất liền vào sáng mai (15/10) nhưng chiều nay, mưa lớn kèm gió mạnh đã bắt đầu trút xuống trung tâm TP Đà Nẵng cùng các tỉnh lân cận. Những địa phương này đang cố hết sức để đối phó trước khi bão vào bờ.
Khoảng 14h chiều nay, TP Đà Nẵng - địa phương được dự báo sẽ là nơi bão Nari quét qua bắt đầu hứng mưa lớn kèm gió mạnh.
Xe máy không thể chạy được vì gió lớn.
Công tác phòng chống bão tại Đà Nẵng vẫn đang được gấp rút. Trong ảnh là những bức tượng đá ở công viên Bạch Đằng được hạ xuống để tránh bị gió giật ngã.
Trong mưa lớn, các cây xanh đang được chặt, bẻ bớt nhánh để tránh bị ngã, đỗ khi bão số 11 ập đến.
Càng xuôi về phía của biển, gió càng ngày càng lớn. Gió lớn quật ngã người đi đường trên hướng đường Bạch Đằng chạy về cầu Thuận Phước. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã có mặt ở khu vực ngã ba Bạch Đằng - Lê Văn Duyệt để ngăn chặn người dân tiếp tục lưu thông về phía cầu Thuận Phước.
Trong khi đó, tại Thừa Thiên - Huế nơi cũng có khả năng bị bão Nari đổ bộ đã có mưa kèm gió rất mạnh.
Người dân Huế đội mưa gia cố nhà cửa đối phó cơn bão được dự báo rất mạnh.
Người dân ven biển Thuận An đang tháo dỡ các chòi lá du lịch cạnh bờ biển để tránh hư hỏng.
Bộ độ biên phòng Huế giúp dân gia cố mái nhà chống bão.
Thủy điện Hương Điện vẫn đang xả nước trong ngày 14/10.
Tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, người dân dùng dây thừng buộc chặt tàu công suất lớn để tránh va đập khi bão 11 đổ bộ.
Đến chiều tối nay, hàng trăm tàu thuyền của huyện đảo Lý Sơn và một số tỉnh miền Trung đã vào neo trú an toàn ở vũng neo đậu tàu thuyền ở huyện đảo Lý Sơn.
Theo VNE
Bão đổ bộ vào Đà Nẵng - Quảng Nam, miền Trung mưa to Bão số 11, giật cấp 12 đang đổ bộ vào khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam và còn tiến sâu vào đất liền rồi mới suy yếu; miền Trung mưa to diện rộng. Tin mới nhất từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ, lúc 6h sáng nay (15/10) vùng tâm bão đã đổ bộ vào khu vực Đà Nẵng...