Giây phút người hùng Phạm Văn Thời chìm dần trong sóng dữ
Cứu được 2 người đưa vào bờ an toàn, anh Thời cùng 2 người khác tiếp tục đương đầu với sóng dữ vớt thuyền và ngư cụ của người gặp nạn. Trên đường bơi vào do bị kiệt sức nên anh Thời đã chìm dần…
Ngày 30/11, anh Trần Văn Thường (32 tuổi) và Trần Văn Trường (21 tuổi), trú tại xóm Yên Ngư, xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh ra khơi đánh cá. Khi đang trên đường vào bờ, cách còn khoảng 300 mét thì bất ngờ thuyền bị sóng đánh lật. 2 người sau đó may mắn được 3 người là anh Phạm Văn Thời (32 tuổi), Trần Văn Thọ (36 tuổi) và Trần Văn Hưởng (37 tuổi), người cùng xóm ở trên bờ đưa thuyền ra cứu nên thoát nạn.
Tuy nhiên, khi lần thứ 3 họ ra để cứu nạn thì sóng đã đánh chìm mất thuyền, mỗi người văng ra một nơi. Trong khi cố bơi vào bờ, anh Thời bị kiệt sức nên chìm và mất tích. Đến sáng ngày 2/12, thi thể vẫn chưa tìm thấy.
Hai ngư dân Trần Văn Thời và Trần Văn Trường may mắn được cứu sống nhưng một trong 3 người cứu 2 anh là anh Phạm Văn Thời đã bị sóng đánh mất tích, đến nay chưa tìm thấy xác.
Ngồi thất thần bên bờ biển xóm Yên Ngư, mắt hướng ra biển cả, hai nạn nhân được cứu sống là anh Thường và Trường cùng nhiều người dân địa phương đang cầu mong một phép màu đến với anh Thời. Hy vọng thế thôi nhưng ai cũng biết rằng anh không còn sống sót được nữa.
Vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại thời điểm bị sóng đánh chìm thuyền, anh Thường và Trường run run kể lại. Hai dượng cháu 6h sáng hôm đó (30/11) thấy biển lặng nên rủ nhau ra khơi đánh bắt cả. Đến hơn 10h trưa cùng ngày thì sóng bắt đầu nổi lên dữ dội, anh Thường bảo Trường thu dọn ngư cụ khẩn trương vào bờ.
“Khi chúng tôi đã nhìn thấy bờ biển thì bất ngờ một con sóng lớn đánh mạnh vào mạn thuyền. Tôi bíu vào được cọc bánh lưới còn Trường bị đẩy vào phía trong bờ và vớ được cái can. Đang tìm cách vào bờ thì chúng tôi thấy có chiếc thuyền của anh Thời, anh Thọ và anh Hưởng ra cứu”, anh Thường nhớ lại.
Lực lượng tìm kiếm đang tích cực tìm thi thể anh Thời giữa sóng dữ.
“Em ở gần bờ hơn dượng Thường nên khi thấy thuyền em đã bơi lại và được 3 chú đưa lên thuyền rồi cho vào bờ. Tiếp đó các chú lại ra để cứu dượng Thường đang bám lấy cọc bánh lưới ở ngoài biển”, Trường cho biết.
Thấy anh Thời chìm dần mà không thể cứu được
Video đang HOT
Sau khi đưa được anh Thường lên thuyền trong tình trạng ngất xỉu, 3 người nhanh chóng đưa nạn nhân vào bờ rồi ra để trục vớt thuyền nhưng vừa ra tiếp cận được thì bị sóng đánh văng xuống biển, mỗi người một nơi.
“Lúc đó chúng tôi cũng đã kiệt sức nhưng vẫn cố bơi vào bờ với hi vọng thoát chết. Tôi và anh Hưởng bơi trước, còn Thời thì bơi phía sau. Khi cách bờ còn khoảng hơn 100 mét thì tôi vớ được một cái can còn anh Hưởng bíu vào 3 tấm ván. Tôi ngoảnh lại thấy Thời đã kiệt sức dần.
Thời có ngoi lên khỏi nước nói với tôi: “Cho em bíu vào chân anh với”. Thế nhưng tôi chưa kịp quay lại thì Thời đã chìm nghỉm, mất tích. Biết Thời không còn sức để bơi, nếu quay lại thì chết cả hai nên tôi đành phải bơi vào bờ và thông báo cho mọi người biết Thời đã chết”, anh Thọ, một trong 3 người ra cứu thuyền gặp nạn kể lại.
Anh Trần Văn Thọ kể lại giây phút anh Thời bị chìm dần giữa cơn sóng dữ. Anh cho biết mình rất ân hận, day dứt vì không cứu được anh Thời.
“Tôi thấy ân hận, hối tiếc vì không thể làm gì hơn để cứu Thời khỏi cái chết. Nhưng thực sự lúc đó tôi cũng không còn sức để ra tìm vớt Thời được. Nếu như thế thì chắc chắn tôi cũng sẽ không có cơ hội vào bờ nữa”, anh Thọ tự dằn vặt mình.
Vào đến bờ thì cả anh Thọ, anh Hưởng và Thường đều ngất xỉu, liền được người dân đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa huyện Nghi Xuân. Phải hơn 1 giờ đồng hồ sau họ mới tỉnh lại. Trong khi đó, nhận tin báo anh Thời vì cứu người mà bị sóng đánh chìm, tàu thuyền ngư dân gần đó đã tập trung lại để tìm kiếm thi thể anh nhưng mãi đến sáng nay vẫn không thấy tung tích.
Chiếc lều dựng tạm để túc trực việc tìm kiếm anh Thời dựng ngay trên bờ biển.
Chị Thảo, vợ anh Thời ngất xỉu khi hay tin chồng mình gặp nạn. Dù không còn sức nhưng chị vẫn kiên quyết ở ngoài bờ biển để chờ tin của chồng.
Ông Phan Văn Lịch, chủ tịch xã Xuân Yên cho biết: “Sau khi nhận được thông tin, lực lượng cứu hộ địa phương và người dân đã đưa thuyền ra tìm kiếm anh Thời nhưng hiện tại vẫn chưa tìm thấy. Chúng tôi vẫn đang cho người tìm kiếm thi thể anh Thời đến lúc nào thấy mới thôi”.
Khi hay tin anh Thời bị sóng biển cuốn mất tích, anh em người thân đã tập trung ra bờ biển để ngóng chờ thông tin nhưng đều vô vọng. Người vợ trẻ của anh Thời là chị Hồ Thị Thảo (22 tuổi) đã ngất lên ngất xuống nhiều lần. Hiện tại chính quyền địa phương và gia đình đang dựng tạm một cái lều ngay trên bờ biển để túc trực với hi vọng tìm thấy thi thể anh Thời càng sớm càng tốt.
Vợ chồng anh Thời đã có 2 con, đứa đầu 4 tuổi, út 2 tuổi, hoàn cảnh khó khăn và đang nuôi mẹ già.
Theo Tri thức
Trên sóng dữ Trường Sa
Hùng tráng, linh thiêng, tự hào và xen lẫn sự thành kính, bồi hồi là cảm xúc chung thật khó có thể nào quên của nhiều đại biểu đoàn công tác Bộ Quốc phòng và các bộ, ban, ngành Trung ương khi ra thăm quân, dân Trường Sa, nhà giàn DK1/15 trong những ngày vừa qua. Riêng với chúng tôi, cảm xúc ấy cứ bồng bềnh, bồng bềnh mãi chưa thôi.
Tại đảo Trường Sa Lớn, sau nghi thức đón tiếp trang trọng tại phía sau cổng chào, trên con đường rợp bóng cây tra, cây bàng quả vuông dẫn vào trung tâm, các đại biểu được dự lễ chào cờ cùng quân và dân thị trấn đảo Trường Sa. Tiếp đó, các đại biểu đi viếng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Trường Sa; thắp hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng vào chùa Trường Sa lễ phật, cầu sức khỏe, mong cho đất nước thái bình và muôn nhà hạnh phúc, ấm no. Đã có những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt của các đại biểu trong đoàn. Ngay cả đồng chí lãnh đạo cao cấp trong quân đội, những người từng đi qua chiến tranh ác liệt, từng kìm nén được cảm xúc cũng đỏ heo đôi mắt trong các nghi lễ ở Trường Sa.
Tổ quân kỳ của quân và dân thị trấn Trường Sa trong lễ chào cờ
Đã từng chứng kiến nhiều buổi lễ chào cờ trang trọng ở đất liền, có khi là chào cờ ở ngoài trời, cũng có khi chào cờ trong hội trường lớn, nhưng với chúng tôi, buổi lễ chào cờ ở Trường Sa vừa qua để lại những ấn tượng khó quên. Đó là cảm xúc được đứng trên mảnh đất linh thiêng, nơi tuyến đầu của Tổ quốc, xa đất liền gần 1.000km thì hẳn đúng rồi. Nhưng rộng và sâu hơn một chút, ở đây chúng tôi được tận thấy sự đồng lòng của quân và dân trên đảo ở ca từ, giai điệu lời bài Tiến quân ca-quốc ca của dân tộc và sau những tiếng hô đồng thanh xin thề át sóng, gió. Đặc biệt, những động tác trang nghiêm, khỏe khoắn và đều tăm tắp của các khối hành tiến trong lúc duyệt đội ngũ, dưới nền nhạc hùng tráng khiến chúng tôi liên tưởng tới hình ảnh "khối thép" vững vàng giữa biển. Điều ấy giúp chúng tôi hiểu hơn vì sao mà muối mặn, bão tố, sự thiếu thốn tình cảm đã bị sức vóc, da thịt và ý chí của con người nơi này khuất phục. Nhìn những hình ảnh ấy tôi chợt nghĩ, phải chăng, sự đoàn kết thống nhất chặt chẽ và tình đồng chí đã thấm vào đường gân thớ thịt của mỗi người ở đây đã tạo cho họ sức mạnh vô song. Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay trước bia chủ quyền giúp chúng tôi thêm tin tưởng và tự hào về quân và dân nơi tuyến đầu sóng gió.
Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn công tác tưởng niệm các liệt sĩ tại Nhà tưởng niệm liệt sĩ thị trấn Trường Sa.
Trong niềm cảm xúc ấy, nhiều phóng viên đi cùng đoàn công tác đã nén lại để quan sát, tập trung ghi hình, phỏng vấn các nhân vật. Anh Nguyễn Sĩ Thành, quay phim của truyền hình VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) nhễ nhại mồ hôi, anh vác máy quay di chuyển khắp nơi. Anh nói với tôi trong hơi thở gấp gáp:
- Em phải cố gắng ghi hết được hình ảnh, cảm xúc của mọi người, kẻo khi về đất liền lại tiếc.
Bên bàn nước đặt dưới gốc phong ba, một loài cây đặc trưng ở đảo, bạn Hoàng Thị Lan Anh, học viên khoa thanh nhạc của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội chia sẻ cảm xúc sau khi đi thắp hương các liệt sĩ về:
- Đây là lần thứ hai em được đến với Trường Sa, nhưng cảm giác bồi hồi, xúc động vẫn rung lên khiến mắt em đỏ hoe, ngân ngấn nước. Mặc dù em đã cố kìm lòng hết sức, nhưng không thể. Có lẽ, sự cảm phục về con người và sự sống nơi đây đã khiến em như vậy.
Cảm xúc để lại nhiều nhất trong chuyến đi với các đại biểu trong đoàn công tác là lúc tàu CSB-8001 buông neo tại khu vực biển nhà giàn DK1/15 để làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong một cơn bão lịch sử.
Các thành viên trong đoàn công tác xiết chặt tay nhau làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ trên tàu CSB-8001, tại khu vực biển nhà giàn DK1/15.
Trước khi làm lễ, tàu hạ xuồng công tác ở mạn phải để phóng viên xuống mặt biển tác nghiệp. Xuồng vừa hạ thì sóng biển thi nhau ào tới. Sóng đẩy xuồng đập phía sau mạn tàu, hất xuồng lên cao rồi lại thả xuồng rơi tõm xuống mặt nước biển. Sau ít phút chèo chống, các thủy thủ đưa xuồng thoát khỏi vùng nguy hiểm và đi ra vị trí thuận lợi hơn để phóng viên tác nghiệp. Mỗi lúc sóng lại nổi lên mạnh hơn. Từ xa nhìn vào con tàu chao đảo, có lúc nghiêng lệch hẳn về một bên khiến chúng tôi được phen thót tim.
Thế nhưng, có một chuyện lạ là, từ khi thả vòng hoa, mâm ngũ quả xuống biển thì sóng bớt mạnh và có thời điểm trở lên dịu dàng tới gần 5 phút... Kết thúc phần nghi lễ, Đại tá Đỗ Mai Khanh, Phó viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế Bộ Quốc phòng đã khóc, mắt chị đỏ hoe. Chị tâm sự nghẹn ngào:
- Đến đây, được chứng kiến cảnh này mới hiểu được giá trị của sự hy sinh và cống hiến. Tự nhiên tôi thấy mình còn nhỏ nhoi quá trước các anh.
Phóng viên Nguyễn Tuấn Tú của hệ VOV1 của Đài Tiếng nói Việt Nam cùng tác nghiệp với chúng tôi trên xuồng. Anh tường thuật trực tiếp lễ thả vòng hoa và mâm ngũ quả về đài trong tiếng sóng của biển. Khi đã lên tàu, Tú bộc bạch:
- Chất lượng giọng đọc trong bài tường thuật về lễ tưởng niệm lần này không được mạch lạc cho lắm. Không phải vì sóng biển mà vì các cảm xúc đến dồn dập, khiến em xử lý câu từ không kịp, có lúc thiếu chuẩn xác.
Sau lễ tưởng niệm, vì điều kiện sóng to, đoàn công tác không thể vào tặng quà các chiến sĩ ở nhà giàn DK1/15 nên các học viên của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội phải lên lầu lái của tàu để giao lưu với các chiến sĩ qua mạng thu, phát sóng cực ngắn ICOM. Các phóng viên chúng tôi đi trong đoàn đều tiếc vì lỡ mất cơ hội được gặp những chàng "Sơn Tinh" ở biển bằng da bằng thịt để tìm hiểu, thu thập tin tức và viết bài.
Trên hải trình trở về Vùng Cảnh sát biển 3 ở TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), những cảm xúc, những câu chuyện xung quanh những nghi lễ ở Trường Sa và nhà giàn DK1-15 cứ len lỏi trong tâm trí chúng tôi. Nhiều câu chuyện, nhiều cung bậc cảm xúc được mọi người chia sẻ với nhau bên bàn trà trên boong tàu và trong bữa ăn, cũng như khi ngồi nói chuyện riêng. Còn với chúng tôi, những cảm xúc ấy thật tươi mới, sâu đậm và khó có thể lột tả hết bằng lời.
Bài và ảnh: MẠNH THẮNG - CHU ANH ( QĐND Online)
Theo NTD
Thêm 3 người tử vong do bất cẩn sau bão số 11 Sau bão số 11, lại xảy ra thêm những cái chết thương tâm vì bất cẩn. Sau bão, nhiều nơi ở miền Trung còn ngập úng Sáng 20/10, UBND H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng cho biết các cấp chính quyền đã hỗ trợ cho gia đình một em nhỏ bất cẩn té xuống nước chết đuối. Trước đó, khoảng 14h chiều 16/10, bão số...