Giàu có – căn nguyên của vấn nạn béo phì ở Qatar
Cuộc sống nhàn hạ, có giúp việc, vú em, đầu bếp và lái xe riêng, đang biến nhiều người dân Qatar trở thành nạn nhân của căn bệnh béo phì.
Thanh niên Qatar trong một cửa hàng ăn nhanh ở Doha. Ảnh: Qatar Living
Gần một nửa người lớn và 1/3 trẻ em ở Qatar, bị thừa cân, theo tạp chí Atlantic. Các chuyên gia sức khỏe cho rằng tỉ lệ khuyết tật bẩm sinh và rối loạn gen di truyền, hậu quả của chứng thừa cân và bệnh tiểu đường, ngày càng tăng cao.
Với nguồn khí tự nhiên dồi dào và dân số chỉ ở mức 2,5 triệu người, Qatar là quốc gia có GDP đầu người cao nhất thế giới. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, Qatar phụ thuộc vào người lao động nước ngoài để phát triển kinh tế, gần 90% lực lượng lao động ở quốc gia này là dân nhập cư. Trong khi đó, công dân Qatar, chỉ chiếm 15% tổng dân số, lại nắm trong tay phần lớn của cải.
Giàu lên nhanh chóng, nhiều người Qatar không kịp thích ứng với cuộc sống mới. Chỉ trong vòng vài thập kỷ, Qatar chuyển mình từ một nước ngư nghiệp nghèo thành một quốc gia xuất khẩu khí đốt giàu có. Người dân trước kia sống trong bộ lạc nay chuyển tới những căn biệt thự xa hoa chạy máy lạnh cả ngày, có quản gia, giúp việc, vú em và đầu bếp phục vụ.
Những tập quán truyền thống như kết hôn nội tộc giữa anh em họ vẫn phổ biến cũng góp phần khiến tình trạng sức khỏe của dân Qatar suy giảm nghiêm trọng.
Theo ông Sharoud Al-Jundi Matthis, giám đốc chương trình của một trung tâm chuyên nghiên cứu về tiểu đường cho biết hiện tượng những người béo phì, di truyền rối loạn gen cho thế hệ Qatar tiếp theo đang ở mức báo động. Tỉ lệ mắc tiểu đường ở quốc gia vùng Vịnh này cao hơn hẳn so với các nước khác trên thế giới. Đồng thời, bệnh nhân mắc tiểu đường sớm hơn 10 năm so với mức trung bình.
“Đây là vấn đề tương lai rất, rất nghiêm trọng”, ông Matthis nói.
“Ai cũng biết về bệnh tiểu đường nhưng vấn đề là người ta chỉ nói về nó thôi mà chẳng làm gì cả”, Adel Al-Sharshani, 39 tuổi, được chẩn đoán mắc tiểu đường từ nhiều năm trước. Cha và khá nhiều bạn bè của Al-Sharshani cũng mắc căn bệnh này.
Mắc bệnh khi còn quá trẻ, anh Al-Sharshani đối mặt với nguy cơ biến chứng cao như mù lòa, thậm chí liệt.
“Tôi rất sợ sẽ không còn nhìn thấy ánh sáng nữa. Tôi lo sợ cho tính mạng của mình”, anh nói.
Để cải thiện tình hình, chính phủ Qatar khuyến khích người dân tập thể dục thường xuyên hơn và thay đổi chế độ ăn. Tuy nhiên, nói bao giờ cũng dễ hơn làm.
Video đang HOT
“Bạn sẽ không bao giờ thấy phụ nữ Qatar đạp xe đâu”, Honey Stinnett, một người Malaysia sống ở Doha, cho biết. Hầu hết phụ nữ ở đây phải mặc áo choàng dài màu đen được gọi là abaya, kết hợp với hijab (khăn trùm đầu) hay niqab (khăn trùm chỉ hở mắt).
“Bạn nghĩ mình có thể tập thể dục trong trang phục đó không?” Stinnett nói, “Chính vì phụ nữ Qatar bị giữ ở trong nhà cả ngày nên họ mới ngày càng béo phì”.
“Ở Qatar, chúng tôi chỉ ngồi, hút thuốc và ăn đồ ăn vặt suốt. Chẳng có nhiều việc để làm. Mọi thứ đều tự động. Hầu hết chúng tôi ngồi làm việc trong văn phòng máy lạnh. Chẳng phải động tay động chân vào việc gì cả”, Hassan Tiaz, 19 tuổi, cười lớn và chỉ vào bụng ngấn mỡ của mình.
Dân Qatar cho rằng những người phải đổ mồ hôi lao động ngoài trời, như thợ làm vườn, công nhân xây dựng, là tầng lớp thấp kém.
“Thanh niên Qatar là những đứa trẻ giàu có được nuông chiều. Bất cứ khi nào muốn đi ra ngoài, họ chỉ cần bước từ nhà lên xe ôtô và lái đến chỗ cần đến”, Abdullah Rashid, 20 tuổi, nói.
“Và người Qatar còn thích ăn uống nữa”.
An Hồng
Theo VNE
Cuộc sống ở Qatar đảo lộn vì khủng hoảng ngoại giao
Hàng triệu người đang sinh sống ở Qatar, lo lắng về một tương lai bất định sau khi quốc gia vùng Vịnh bị các nước láng giềng cô lập.
Ba tuần nữa, con của cô Hatoon al-Fassi sẽ thi lên lớp nhưng sau khi hàng loạt các quốc gia Arab tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, al-Fassi chỉ có đúng hai tuần để đưa gia đình rời khỏi đây và con của cô chắc chắn sẽ bỏ lỡ kỳ thi.
Cơn bão chính trị bao trùm Qatar bắt đầu ảnh hưởng đến hàng triệu người đang sinh sống và làm việc ở quốc gia giàu có bậc nhất này.
Căng thẳng giữa Qatar và các quốc gia làng giếng châm ngòi vào hôm 5/6 khi bốn quốc gia Arab bao gồm Saudi Arabia, các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Bahrain và Ai Cập tuyên bố đóng cửa biên giới, cắt mọi hợp tác, giao thương và đi lại bằng đường bộ, đường không và đường biển tới Qatar, PhilStar Global đưa tin. Các quốc gia Arab đặt ra thời hạn 14 ngày để công dân nước mình rời khỏi lãnh thổ Qatar. Số phận của khoảng 30.000 người Ai Cập ở Qatar hiện không rõ sẽ ra sao. Theo BBC, gần 90% trong tổng số 2,5 triệu người đang sống ở Qatar là dân nhập cư.
"Tình hình rất khó khăn. Dường như cuộc sống hoàn toàn đảo lộn", al-Fassi nói.
Không chỉ việc học hành của các con bị ảnh hưởng, công việc của al-Fassi cũng trở nên bấp bênh. Hiện cô đang làm giáo sư nghiên cứu về Phụ nữ và các vấn đề vùng Vịnh tại đại học Qatar.
Nằm cô lập trên bán đảo nhỏ thuộc phía đông bắc của bán đảo Arab, Qatar phải nhập khẩu tới 90% lương thực và hơn 40% số đó vận chuyển qua biên giới trên bộ với Saudi Arabia. Lo lắng căng thẳng ở vùng Vịnh leo thang sẽ khiến nguồn cung thực phẩm cạn kiệt, người dân Qatar đã đổ xô đi mua đồ dự trữ, gây ra cảnh náo loạn ở các siêu thị và các khu mua sắm.
Ảnh hưởng kinh tế trong nước
Hành khách tại sân bây quốc tế Hamad ở Doha, Qatar vào 6/6. Ảnh: AP
Thị trường chứng khoán Qatar giảm hơn 7% khi kết thúc phiên giao dịch ngày đầu tuần.
Hãng hàng không quốc gia của Qatar buộc phải chuyển hướng các chuyến bay tới châu Âu qua vùng trời Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi các quốc gia Arab đóng cửa không phận với tất cả các chuyến bay đi và đến Qatar. Qatar là trung tâm trung chuyển hàng không trong khu vực. Năm ngoái, sân bay quốc tế Hamad đón 37,3 triệu lượt hành khách, tăng 20% so với năm 2015.
Một trong những lĩnh vực kinh tế của Qatar có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là xuất khẩu, bao gồm những mặt hàng như đồ cơ khí, đồ điện tử hoặc gia súc được vận chuyển bằng đường bộ đến Saudi Arabia. Theo Liên Hợp Quốc, giá trị xuất khẩu của Qatar sang Saudi Arabia đạt gần 900 triệu USD vào năm 2015.
Ngành công nghiệp dịch vụ của Qatar cũng có nguy cơ chịu tổn thất nặng nề, đặc biệt là các khách sạn và tài xế taxi. Người dân các nước láng giềng thường đến Qatar rất đông trong dịp lễ Eid al-Fitr diễn ra vào cuối tháng chay Ramadan. Chưa kể, giải bóng đá thế giới World Cup 2022 tổ chức ở Qatar dự kiến sẽ đem lại lợi nhuận khổng lồ cho các doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, theo hãng tư vấn Eurasia Group, nếu Qatar tiếp tục bị cô lập, mọi nỗ lực vươn lên để trở thành trung tâm kinh tế, tài chính trong khu vực của quốc gia vùng Vịnh sẽ trở thành vô ích. Lạm phát sẽ làm giảm xếp hạng tín dụng của Qatar và ảnh hưởng tới giá trị đồng nội tệ.
John Sfakianakis, giám đốc nghiên cứu kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu vùng Vịnh ở Saudi Arabia, cho biết bất ổn sẽ lan rộng ra ngoài biên giới Qatar.
"Các nhà đầu tư muốn thấy sự minh bạch. Nếu tình hình này kéo dài (trong nhiều tháng), nó sẽ biến thành vấn đề của cả Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC)", ông Sfakianakis nói. GCC là liên minh chính trị và kinh tế của tất cả các quốc gia Arab ở Vịnh Ba Tư ngoại trừ Iraq.
Tác động ở nước ngoài
Là quốc gia giàu có thứ hai thế giới chỉ xếp sau Luxembourg, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm của Qatar khoảng 129.700 USD, cao hơn nhiều so với mức thu nhập 57.300 USD của Mỹ, theo thống kê của Central Intelligence Agency.
Qatar đầu tư mạnh ra nước ngoài qua những quỹ đầu tư quốc gia ước tính lên tới 30 tỷ USD, tập trung chủ yếu ở các trung tâm tài chính lớn như London, New York và Paris. Chính phủ Qatar sở hữu nhiều tài sản ở nước ngoài qua hình thức góp vốn cổ phần, từ tòa nhà Empire State ở trung tâm thành phố New York, hãng xe Volkswagen cho đến các ngân hàng toàn cầu như Credit Suisse và Barclays.
Theo các chuyên gia, các khoản đầu tư ở nước ngoài của Qatar hiện chưa bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng ngoại giao.
Trữ lượng khí gas của Qatar ước tính có thể khai thác trong vòng 156 năm. Ảnh: Reuters
Theo Oxford Business Group, Qatar hiện đứng thứ tư thế giới về sản xuất khi gas khô và đứng thứ nhất sản xuất khí gas tự nhiên hóa lỏng.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất nhập khẩu 1/3 lượng khí gas sử dụng hàng ngày từ Qatar. Ai Cập cũng là nước phụ thuộc vào nguồn cung khí gas hóa lỏng của Qatar.
Theo ông Jason Tuvey, nhà kinh tế làm việc tại tổ chức Capital Economics ở London, cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh sẽ có "tác động hạn chế" lên thị trường dầu thô thế giới. Với sản lượng 600.000 thùng dầu mỗi ngày, bằng 15% tổng sản lượng của Saudi Arabia, Qatar là "một nhà sản xuất xuất tương đối nhỏ", chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng James Brilliant nói đồng thời khẳng định thị trường dầu thô thế giới "sẽ không bị gián đoạn".
Các quốc gia Arab vùng Vịnh luôn tự hào về sự đoàn kết, thống nhất, chia sẻ nhiều giá trị văn hóa, di sản và lịch sử. Biên giới giữa sáu quốc gia vùng Vịnh mới chỉ được phân định từ năm 1971.
"Các bộ tộc, các cuộc hôn phối, các gia đình (ở vùng Vịnh) liên kết chặt chẽ với nhau. Thật khó vẽ ranh giới người với người. Theo tôi, điều đó là không thể", al-Fassi nói.
An Hồng
Theo VNE
Bị 6 nước cô lập, Qatar trấn an người dân về thiếu lương thực Qatar khẳng định sẽ làm mọi cách để bình ổn đời sống người dân do bị đóng cửa biên giới. Người Qatar đổ xô tới mua sắm ở siêu thị. Ảnh: Doha News Bộ Ngoại giao Qatar ra thông cáo cho biết việc đóng cửa biên giới sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân, Doha News hôm qua...